Bài thuốc chữa cảm phong nhiệt
Theo lương y Trí, mùa hè, người dân khi
ra ngoài trời nắng thường dễ bị cảm. Bệnh có hai dạng: Cảm phong nhiệt
(gọi là cảm nhiệt) do chứng phong nhiệt, và cảm phong hàn (cảm hàn) do
chứng phong hàn gây nên.
Nguyên nhân của cảm phong nhiệt là do
mùa hè khí hậu nóng bức, khi ra ngoài trời không tránh khỏi nắng nóng.
Lúc này mồ hôi ra nhiều làm các lỗ chân lông bị nở ra, cơ thể suy yếu,
là cơ hội để tà khí xâm nhập vào. Dấu hiệu mới đầu mắc bệnh đông y gọi
là “biểu”, bệnh vào bên trong cơ thể gọi là “lý”.
Bệnh cảm nhiệt thường có những triệu
chứng như: Sợ nóng, sợ gió, mồ hôi nhiều, nặng đầu, khát nước, khô
miệng, nước tiểu màu vàng, mặt đỏ, mắt đỏ, rêu lưỡi màu vàng mỏng, mạch
phù xác, họng đỏ ngứa đau. Tuy nhiên, khi chữa bệnh cần phân biệt bệnh
ở giai đoạn biểu, bán biểu bán lý, hay đã vào trong lý để có phương
thuốc cho phù hợp.
Cách chữa bệnh cảm nhiệt có thể kết hợp
giữa phương pháp xông và dùng bài thuốc kinh nghiệm được lương y Trí
chia sẻ như sau. Với bài thuốc xông giải cảm, có thể dùng: Lá sả, tía
tô, kinh giới, lá bưởi, mỗi thứ một nắm to đun sôi. Bệnh nhân nhấc nồi
này ra ngoài để gần rồi trùm chăn kín, xông khoảng 15 phút. Tác dụng
của thuốc xông này là làm toát mồ hôi, đưa tà khí ra ngoài.
Lương y Trí với bài thuốc cảm phong hàn
Bệnh nhân nên kết hợp với bài thuốc sau
để có hiệu quả cao hơn: Kim ngân hoa (16g), Trúc diệp (lá tre) (16g),
Kinh giới (12g), Bạc hà (8g), Tía tô (10g), Hương nhu (10g), Cam thảo
nam (4g). Tác dụng bài thuốc theo lương y Trí là khu phong, thanh
nhiệt, giải biểu.
Những vị thuốc trên tạo thành một thang
thuốc hoàn chỉnh. Cho thuốc vào nồi đổ 3 bát nước, đun cạn còn một bát
thuốc, lần hai cũng đun 3 bát nước còn một bát thuốc, lần 3 tương tự.
Bệnh nhân nên đun được bát thuốc nào thì để nguội uống luôn, ngày uống 3
lần vào sáng, trưa, tối. Một số thực phẩm bệnh nhân nên tránh như:
Rượu, ớt, hạt tiêu, thịt gà, thịt chó.
Bài thuốc chữa cảm phong hàn
Với bệnh cảm phong hàn, có nhiều nguyên
nhân gây bệnh, trong đó có việc người bệnh ngồi trong phòng lạnh lâu,
khi tắm ngâm nước lâu, khi ra ngoài trời gặp thời tiết nóng làm sức
khỏe suy yếu, gây ra cảm. Những người hay mắc thường là người bệnh mãn
tính về hô hấp (viêm phế quản, hen, lao…) và những người cao tuổi. Từ
đó dẫn đến chính khí bị suy giảm, đang ở trong nhà mát ra ngoài trời
nóng làm cho tà khí xâm nhập. Bệnh nhân thường có những biểu hiện như:
Sợ lạnh, sốt cao, đau đầu, đau gáy, toàn thân đau ê ẩm, không có mồ
hôi, tắc mũi, ho có đờm, tức ngực.
Bài thuốc chữa bệnh cảm phong hàn
Bài thuốc chữa cảm phong hàn bao gồm
những vị: Nhân sâm (12g), Độc hoạt (8g), Xuyên khung (10g), Cát cánh
(12g), Khương hoạt (10g), Tiền hồ (12g), Sài hồ (12g), Chỉ xác (12g),
Phục linh (12g), Phòng phong (8g), Kinh giới (12g), Sinh khương (gừng
tươi) (3 lát). Bài thuốc có tác dụng khu phong, tán hàn, ích khí, giải
biểu. Tuy nhiên, bài thuốc này không dùng cho người cảm lạnh mà kèm
theo biểu hiện vừa sốt nóng, vừa sốt rét.
Những vị thuốc phải rửa sạch, làm sạch
tạp chất, ngâm, ủ, thái, phơi khô, tẩm (có thể với gừng, với rượu…) sau
đó sao thành thuốc. Khi sắc, cho một thang thuốc vào nồi, cho 3 bát
nước đun sôi nhỏ lửa, cô cạn còn một bát thuốc. Lần hai tiếp tục đổ 3
bát nước đun cạn còn một bát, lần 3 cũng vậy. Mỗi ngày uống thuốc 3
lần, chỉ cần dùng khoảng 3 thang là khỏi bệnh. Để điều trị mang lại
hiệu quả cao hơn, bệnh nhân cần kiêng chất kích thích như rượu, bia,
thuốc lá; không uống nước đá, bún, thịt trâu, cua ốc, dưa cà muối.
Mách nước bài thuốc chữa ho
Lương y Trí chỉ dẫn bạn đọc một bài thuốc khác chuyên trị ho hen.
Nguyên nhân gây ra ho là do cơ địa trong
người nóng, mắc bệnh về đường hô hấp, hay uống quá nhiều kháng sinh
dẫn đến phế âm (phổi) bị ảnh hưởng. Bệnh nhân thường có những triệu
chứng như: Ho khan, ho lâu ngày, có đờm đặc khi khạc ra có màu vàng
(gọi là phế âm hư).
Bài thuốc gồm 11 vị như: Tiền hồ (12g),
Cát cánh (12g), Bán hạ (8g), Mạch môn (12g), Tang bì (12g), Tô tử
(10g), Chỉ xác (8g), Hậu phác (16g), Sa sâm (10g), Cam thảo (8g), Đại
táo (10g). Thông thường, bệnh nhân uống năm thang thuốc trong bảy ngày.
Mỗi thang sắc làm bốn lần trong 1,5 ngày.
Lương y Trí giảng giải về y học dân gian cho khách Tây
Theo cách sắc thuốc thông thường, bệnh
nhân cho thuốc vào nồi đổ 3 bát nước đun sôi nhỏ lửa còn một bát thuốc,
3 lần sau cũng vậy. Cuối cùng hòa lẫn số thuốc của bốn lần sắc vào và
dùng dần. Với những người khỏe, nên uống thuốc trước khi ăn 30 phút,
người cao tuổi nên dùng thuốc sau khi ăn 30 phút. Ngoài ra người bệnh
cũng cần kiêng, không nên ăn thịt gà, tôm, thịt chó, vừng, lạc, rượu,
bia, ớt, hạt tiêu….
Ông Trí sinh ra trong một gia đình có
truyền thống làm thuốc đông y, bản thân ông cũng được cha hướng dẫn làm
thuốc từ nhỏ. Lớn lên theo nghiệp tổ tiên, ông Trí học nghề y, đã công
tác tại bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương 45 năm.
Có một điểm đặc biệt, đó là không chỉ
khám bệnh không thu tiền với những nhà tu hành, bệnh nhân nghèo, ông
còn miễn phí thuốc để họ chữa bệnh. Chưa hết, gia đình ông còn là địa
chỉ quen thuộc của những vị khách Tây đến khám, nghe ông giảng về y học
phương Đông.
Có chuyện này vì một lần ông chữa bệnh
cho một người nước ngoài, sau khi khỏi bệnh, vị khách quay lại quay lại
cảm ơn. Thấy ông làm từ thiện, vị khách ngỏ ý muốn chung tay, giúp
sức. "Tây ba lô" "rỉ tai" nhau, địa chỉ nhà ông được nhiều vị khách
nước ngoài thăm viếng từ đó. Số tiền những người nước ngoài làm từ
thiện được ông quy đổi ra thuốc phát theo định kỳ. Điều đó khiến ông
cảm thấy tự hào, bởi mình có thể đem những hiểu biết về y học cổ truyền
của dân tộc để người phương Tây biết đến.
Theo Hà Bắc - PLVN