Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Bao giờ từ thiện trở thành văn hoá Việt?
25/05/2011 21:37 (GMT+7)

Làm từ thiện còn vì chính... người giàu

Theo định nghĩa, từ thiện là sự giúp đỡ người nghèo khổ xuất phát từ lòng đồng tình. Sở dĩ phải làm từ thiện vì trong xã hội còn có người giàu kẻ nghèo. Nước Mỹ giàu nhất thế giới cũng có hơn 10% dân có thu nhập dưới mức nghèo do nhà nước quy định. Thụy Điển giàu và công bằng nhất thế giới cũng có hơn 6% dân thuộc diện nghèo, dĩ nhiên theo chuẩn nghèo của họ.

Khác biệt giàu nghèo thể hiện sự bất công trong phân phối của cải, gây tâm lý bất mãn trong dân nghèo, và do đó là nguồn gốc gây mất ổn định xã hội. Làm từ thiện là để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tăng mức công bằng xã hội, do đó tăng sự đồng thuận trong dân chúng, tăng ổn định xã hội. Chính vì thế làm từ thiện không những chỉ vì người nghèo mà còn vì chính người giàu. Bởi lẽ chẳng ai muốn sống trong một xã hội rối ren, người giàu lại càng không muốn.

Nhưng xóa nghèo rất khó, vì trong xã hội luôn tồn tại quần thể người thiếu năng lực lao động (trí óc, chân tay), ốm yếu già lão, không có cơ hội việc làm v.v... Kinh tế kém phát triển thì càng lắm người nghèo. Các nước thường dùng cách đánh thuế thu nhập, để lấy tiền người giàu chia cho người nghèo dưới các hình thức trợ cấp, cứu tế v.v... Ngoài ra còn động viên xã hội giúp người nghèo. Song điều cơ bản nhất là phải giúp người nghèo tự thoát ra khỏi cảnh nghèo, "không phải chỉ cho họ con cá mà tốt nhất mang cho họ cái cần câu cá". Đây là cách làm từ thiện hiệu quả nhất, cần được chú trọng nhất.

Từ thiện góp phần ổn định xã hội trong nước, vì thế nó là vấn đề có tầm quốc gia. Trong thời đại toàn cầu hóa, nó trở thành một công việc quốc tế hệ trọng, được chính phủ các nước và Liên Hợp Quốc quan tâm. Nước giàu cần giúp nước nghèo, không chỉ vì nhân đạo mà còn vì để giữ yên ổn cho chính mình. Dân nước nghèo thường di cư sang nước giàu, gây rắc rối, mất ổn định cho nước giàu. Nghèo đói còn là nguồn gốc dịch bệnh và nạn khủng bố rất khó ngăn chặn.

Nuôi heo đất để làm từ thiện. Ảnh: Nhansuvietnam.vn

Hơn thế nữa, từ thiện còn là một loại hình sức mạnh mềm - thứ sức mạnh cần nhất cho mỗi quốc gia trong cuộc cạnh tranh khốc liệt toàn cầu ngày nay. Sức mạnh mềm tức là sức thu hút; rõ ràng quốc gia nào giúp đỡ các nước nghèo càng nhiều thì quốc gia đó càng có sức thu hút nhân loại.

Trong tác phẩm Sức mạnh mềm, Joseph Nye viết: Chính phủ và nhân dân các nước Bắc Âu luôn luôn vui lòng giúp đỡ những người nghèo khổ trên toàn thế giới, nhờ thế các nước này có sức mạnh mềm vượt xa các nước khác.

Từ thiện là tiêu chí đánh giá trình độ văn minh của một dân tộc. Nó không chỉ là việc của các tổ chức phi chính phủ, tôn giáo, đoàn thể dân chúng và cá nhân, mà còn được nhiều chính quyền coi trọng. Một đất nước phân hóa giàu nghèo rõ rệt thì không thể có hình ảnh quốc tế đẹp. Chỉ khi nào nhận thức đúng tầm mức quan trọng của từ thiện thì mới có thể làm tốt công tác này.

Các nước Bắc Âu đều rất giàu và nhiệt tình giúp các nước nghèo. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên viện trợ Việt Nam ngay từ thời chiến tranh chống Mỹ với dự án nhà máy giấy trị giá trên 1 tỷ USD. Đan Mạch với 5 triệu dân hàng chục năm nay kiên trì giúp nước ta cải tiến hoàn thiện ngành thủy sản.

Năm 2008, trong lần đầu tiên về thăm tổ quốc sau ngày nhậm chức Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon đã khuyến cáo đồng bào ông: Để trở thành một quốc gia vĩ đại hơn, Hàn Quốc nên nhiệt tình làm công việc từ thiện giúp đỡ các nước nghèo khổ.

Từ thiện là tiêu chí đánh giá trình độ văn minh của một dân tộc. Nó không chỉ là việc của các tổ chức phi chính phủ, tôn giáo, đoàn thể dân chúng và cá nhân, mà còn được nhiều chính quyền coi trọng. Một đất nước phân hóa giàu nghèo rõ rệt thì không thể có hình ảnh quốc tế đẹp. Chỉ khi nào nhận thức đúng tầm mức quan trọng của từ thiện thì mới có thể làm tốt công tác này.

Truyền thống từ thiện của người Việt

Thương người là một trong các phẩm chất quý giá của người Việt. Từ xưa dân ta đã có câu "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng", "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Dẫu rằng khác giống nhưng chung một giàn" "Lá lành đùm lá rách"... nói lên truyền thống từ thiện của người Việt.

Truyền thống đó gắn liền với quá khứ đau thương của dân tộc: Kinh tế rất lạc hậu kéo dài hàng nghìn năm, lại thêm thiên tai địch họa không ngừng, đời sống đa số dân ta rất thấp, số người giàu rất ít. Trong chế độ thực dân, phong kiến, kẻ thống trị chỉ lo vơ vét, không lo cứu giúp dân nghèo. Nhưng nhiều cá nhân và tổ chức từ thiện xuất phát từ tình thương đồng bào tự đứng ra tổ chức công tác quyên góp cứu giúp dân nghèo và nạn nhân của thiên tai.

Lịch sử ghi nhận tấm gương xả thân làm từ thiện của cư sĩ Phật Giáo Thiều Chửu-Nguyễn Hữu Kha và bà Cả Mọc (bà Hoàng Thị Uyển) trong 2 đợt cứu tế nạn lụt năm Đinh Sửu và nạn đói năm 1945. Các tôn giáo, nhất là Phật Giáo, đã có nhiều đóng góp trong công việc từ thiện. Thời gian qua, nhiều nhà chùa tổ chức trao tận tay hàng tỷ đồng hàng cứu trợ cho nạn nhân các đợt lũ lụt.

Đồng bào cả nước đã tự nguyện quyên góp hàng trăm tỷ đồng cho các quỹ từ thiện. Báo chí và các đài truyền hình tổ chức nhiều hình thức quyên góp. Mặt khác, Nhà nước cũng tiến hành nhiều dự án xóa đói giảm nghèo có hiệu quả.

Nhưng nói cho công bằng, công tác từ thiện ở ta chủ yếu mới dựa vào sự quyên góp từ nhân dân mà đa số còn chưa giàu. Phần đóng góp của giới người giàu chưa đáng kể, chưa thành phong trào. Cá biệt còn có người giàu hứa mà không làm. Quy mô công tác từ thiện ở ta còn rất nhỏ, chủ yếu rộ lên khi có thiên tai, còn bình thường ít có biểu hiện. Nghĩa là chưa có văn hoá từ thiện.

(còn nữa)

Tác giả: Thạch Giản
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang