Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những khoảng lặng ý nghĩa của kiếp người
13/10/2010 09:41 (GMT+7)

 Không hẳn vậy, nhưng nếu có vì lý do khách quan nào mà cuộc sống chúng ta ngập chìm trong khổ, cũng không nên vì vậy mà buông thả, sống vội hoặc có ý “trả thù đời”.

       Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong một ca khúc: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Vậy đó. Dù mình sống tốt mà không ai đáp đền thì vẫn phải luôn tích cực sống tốt, đúng đắn và hữu ích. Vì mỗi một hành vi sống tốt (thiện) của mình khi gửi vào cuộc sống, nó tồn tại dưới nhiều dạng thức, và dẫu có "gió cuốn đi" thì những tấm lòng tốt ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đời.

      Thế nhưng, cái sự “đến” và “đi” của một kiếp người lắm khi cũng không đơn giản. Và giữa dòng đời rộn rã này, có những tấm lòng thầm lặng gắn bó với những góc khuất của thân phận, góp những tấm lòng chân chất chia sẻ cùng nỗi cơ cực của kiếp người…

       Như câu chuyện ông Bùi Văn Oanh và “Tổ mai táng từ thiện” bình lặng mà ý nghĩa. Người ta thường gọi ông là Ba Oanh, ở một con hẻm lao động nghèo trên đường Đoàn Văn Bơ (Q.4, TPHCM), làm nghề đạp xe ba gác nuôi gia đình với vóc dáng cao gầy và gương mặt khắc khổ. Đến hồi xe ba gác bị cấm, ông phải đi lượm rác làm kế sinh nhai. Ấy thế mà lòng từ thiện lại nảy sinh ở một con người, trong hoàn cảnh như vậy. Đích thân ông vận động được 21 người (đều là dân nhập cư nghèo) cùng lập “Tổ mai táng từ thiện” từ năm 1979. Suốt 30 năm qua, những người nghèo ấy đã lo liệu tiễn đưa hơn 800 người nghèo khác về với cát bụi. Ông đi xin tiền khắp nơi để mua quan tài cho những người nghèo đến nỗi khi mất vẫn không có được một cỗ áo quan. Nhiều đám, đến cả “cháo khuya” ông cũng phải tự xoay xở.

        “Tổ mai táng từ thiện” của ông Oanh gồm những người nghèo vật chất nhưng lại rất giàu tình thương. Họ không nề hà chuyện gì, đi bất kỳ lúc nào, dù là nửa khuya về sáng. Những lời ông nói rất sâu lắng: “Tôi nghĩ ai sinh ra cũng có quyền chết đàng hoàng, nhưng đôi khi ông trời cũng chơi khăm phận nghèo. Với một số người, cái chết đàng hoàng nhiều khi cũng không thể có. Tất cả đều trở thành hư vô. Phải sống gần hết đời người tôi mới hiểu rằng chẳng có quan tài nào có túi để đựng tiền bạc và danh vọng khi người ta lìa đời”.

      Triết lý cuộc đời luôn bí ẩn, đầy những đau khổ. Sống trong “khổ hải trần gian”, con người luôn khao khát và miệt mài đi tìm hạnh phúc. Trên hành trình đó, nhiều khi bóng dáng hạnh phúc rất xa mờ nhưng chính sự đón nhận của mỗi người  trước nghịch cảnh làm sáng lên niềm tin vào vòng quay nhân quả: tin tưởng nghịch cảnh đang đến với mình là có lý do và tin tưởng những điều thiện mình đang làm sẽ còn nguyên ý nghĩa.

      Như ở khu chợ Bình Lợi (Bình Thạnh, TP.HCM) có một bà già lọm khọm, lưng còng, hàng ngày đẩy chiếc xe nhỏ rong ruổi khắp nơi để lượm ve chai từ sáng sớm đến tận khuya. Hay như trên đường Phan Đăng Lưu có một bà già khác cũng lọm khọm mỗi ngày dắt chiếc xe đạp mini nhích đi từng bước cực nhọc, có lẽ bà ngồi bán gì ở đâu đó đến tối mới về. Tuổi tác ấy giờ này đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, nhưng họ vẫn phải mưu sinh hàng ngày. Thật rất đỗi mủi lòng!

      Không ai không một lần đi qua bến Biệt ly - “Cõi đi về” của thân phận con người. Người giàu hay nghèo, sang hay hèn, tốt hay xấu, già hay trẻ,… cũng có ngày nhắm mắt xuôi tay. Khoa học chỉ có thể kéo dài thêm sự sống chứ không ngăn chặn được cái chết. Biết vậy mà người ta vẫn ghen ghét nhau, thù oán nhau, lừa dối nhau,… thậm chí là giết nhau. Có những người còn trẻ, chỉ ở tuổi thiếu niên. Giết người, cướp của, rồi khi chết có đem theo được đâu?

      Những người như ông Ba Oanh thật đáng trân trọng, mỗi tạo tác trong cuộc sống bình dị của họ chính là đang khắc thêm những nét đẹp vào chiều sâu cuộc đời. Cộng đồng xung quanh họ sẽ cộng hưởng được những giá trị đáng kính phục ấy, và như một sự tự nhiên, cuộc sống sẽ dịu nhẹ hơn nhờ những hương thơm tích cực ấy lan xa, lan xa…

TRẦM THIÊN THU

Các tin đã đăng:
Về đầu trang