Đọc Người thường gặp của Trần Đăng Khoa, tôi cứ suy ngẫm mãi, băn khoăn mãi về cái mà nhà văn gọi là “trong vắt một bầu khí quyển nông dân”
và ở trong bầu khí quyển trong vắt ấy họ chỉ biết so sánh mình với
chính mình thôi. Phải chăng chính cái tập quán đó là một lực cản rất
đáng sợ cho sự phát triển, vì nó đang thực hiện điều mà có thể chính nó
cũng không hiểu được, cái nguy hại của việc thần thánh hóa cái trạng
thái cũ đã suy đồi để cho con người quỳ lạy, khấn vái.
Nếu mô hình xã hội, làng xã là một trong những yếu tố quyết định để
dân tộc ta tồn tại và phát triển qua bao hy vọng và thử thách, thì bên
cạnh những giá trị cần bảo lưu và đổi mới, cần phải thấy rõ chính đó là
nguồn mạch của sự thiển cận và thủ cựu. Mô hình ấy dễ làm nảy sinh và
duy trì một lối sống dễ bằng lòng với cái hiện có, dễ thỏa hiệp. Cái đã
có vốn quen thuộc và có uy lực vì nó mang tính ổn định trì trệ.
Cái đã định hình ấy khước từ mọi sự canh tân. Nó củng cố tính bảo thủ
được khoác cho những tấm áo đủ mọi màu sắc để xoa dịu những số phận bị
kìm hãm, để đánh lừa những đầu óc muốn đổi mới. Tâm lý trâu ta ăn cỏ
đồng ta ngăn chặn mọi sự đổi mới, vươn xa, bóp chết những khát vọng giải
phóng cá nhân, kích thích tìm tòi phát huy năng lực mới, cổ vũ những
suy nghĩ táo bạo và sáng tạo.
Cung cách sông lâu lên lão làng, cái trật tự lão quyền, ông bảy mươi
phải hỏi ông bảy mươi mốt đã làm thui chột sức trẻ và sự năng động sáng
tạo của tuổi trẻ, mặc dầu vẫn tự nhủ rằng con hơn cha là nhà có phúc.
Nhưng "hơn" là hơn danh vọng, tước vị, hơn ở sự giàu sang, phú quý, chứ
lại không cho hơn về trí tuệ sáng tạo, vì sợ chệch khỏi phương châm nối
tiếp, làm theo, không thay đổi những điều mà cha ông đã cho là thiên kinh, địa nghĩa!
Chính đấy là mảnh đất nuôi dưỡng sự trì trệ, an phận thủ thường được
củng cổ bằng chủ nghĩa bình quân, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa quan
liêu! Chủ nghĩa bình quân gắn liền với lối sống tiểu nông của nền sản
xuất nông nghiệp lạc hậu, năng suất quá thấp, không có tích lũy xã hội,
triền miên trong sự thiếu thốn. Chủ nghĩa giáo điều gắn liền với lối học
từ chương, mọt sách trong rập khuôn theo Tứ thư, Ngũ kinh, không vượt
ra ngoài những điều Khổng Tử viết. Chủ nghĩa quan liêu gắn liền với bộ
máy cầm quyền rất xa dân, không chú trọng mấy đến SXKD, chỉ sống bằng tô
thuế, vì vậy chỉ cần giữ yên chứ không cần phát triển.
Tập quán được thần thánh hóa ấy nuôi dưỡng một tâm lý xấu đều hơn tốt
lõi, khôn độc không bằng ngộc đàn, dễ nảy sinh sự đố kỵ với người ngoi
lên hơn mình, dẫn đến tâm lý ghét giàu, ghét người giàu, lại được củng
cố bằng việc đối lập nghĩa với lợi, coi khinh chữ lợi của đạo đức học
Khổng Mạnh. Trong bảng giá trị xã hội theo trình tự thứ bậc sĩ, nông,
công, thương thì người đi buôn, tức là người có khả năng lầm giàu nhất
bị xếp ở cuối bảng.
Trong quá khứ, tâm lý này đã góp phần kìm hãm tính cơ động xã hội,
làm chậm sự phát triển kinh tế. Tâm lý này cũng dễ dàng hậu thuẫn cho
những giải pháp duy ý chí muốn xóa bỏ tư sản trong công tư hợp doanh và
cải tạo tư bản tư doanh, làm triệt tiêu một nguồn lực cần cho sự phát
triển kinh tế sau chiến tranh. Khi bước vào quá trình hội nhập, cần phải
cổ vũ và phát triển một đội ngũ những nhà doanh nghiệp giỏi, có bản
lĩnh dám chịu rủi ro, mạo hiểm để đầu tư vào sản xuất và kinh doanh,
chuyển đổi cơ cấu và mở rộng không gian kinh tế thì tâm lý đó sẽ là một
trong những lực cản mà theo tôi, còn ít được nhìn nhận một cách thấu đáo
đế tìm ra những giải pháp khắc phục.
Trong cái xã hội dĩ nông vi bản ấy, doanh nghiệp và doanh nhân (đội
quân chủ lực của sự hội nhập kinh tế quốc tế hôm nay) bị miệt thị, không
có điều kiện phát triển. Sau năm l954 doanh nhân đồng nghĩa với giai
cấp tư sản, đối tượng của cách mạng XHCN, phải xóa bỏ bằng công tư hợp
doanh, bằng cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.
Giờ đây, rõ ràng là không thể quan niệm việc xây dựng một nền kinh tế
thị trường văn minh và vững mạnh lại không có những doanh nghiệp phát
triển, không có những doanh nhân tài giỏi, có kinh nghiệm và nhất là có
trí tuệ, có bản lĩnh để có thể trở thành những đối tác ngang tài ngang
sức với các nhà đầu tư nước ngoài mà chúng ta đang trải thảm đón mời.
Để chủ đông tiến hành quá trình hội nhập kinh tế trong bối cánh toàn
cầu hóa thì tiền đề cực kỳ quan trong là phải có một đội ngũ những doanh
nhân như vây. Muốn có được cái đó thì đường lối, chính sách, pháp luật
và thể chế cần phải tương thích với yêu cầu mới đương nhiên là cực kỳ
cần thiết. Nhưng cùng với những cái đó, việc chuyển đổi tâm lý và dư
luận xã hội còn chịu ảnh hưởng những tàn dư của quan điểm trọng nông ức
thương trước đây có ý nghĩa lâu dài và cơ bản. Mặt khác phải khắc phục
sự thiếu hiểu biết, thâm chí còn giữ lại những định kiến của một thời về
vai trò quan trọng của tài năng kinh doanh, của tri thức và kinh nghiêm
quản lý sản xuất và kinh doanh trong cuộc cạnh tranh trên thương
trường.
Cần nói rằng, một phần không nhỏ những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen
rỉ với cả những quan niệm và tư tưỏng vốn được tôn sùng từ ngàn xưa đi
kèm những quan hệ ấy chưa tiêu tan, chúng vẫn được thần thánh hóa và có
tác động lớn đến quá trình hội nhập kinh tế trong bối cảnh của toàn cầu
hóa.
Để thấy cho hết, cảm nhận cho sâu cái gánh nặng quá khứ đó, cần phải
có sự đối sánh với tầm suy nghĩ và phương pháp tư duy của thời đại mới,
chẳng hạn như ý tưởng: cần được tư duy lại cho tương lai của những nhà
khoa học có tầm cỡ của thế giới hiện đại tập trung quanh 3 chủ đề lớn
được nêu lên từ năm 1997.
Con đường cũ dừng ở đây, tương lai không phải là sự tiếp tục của quá
khứ, thế giới đã thay đổi và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp
với một thế giới phi tuyến thời đại mới đòi hỏi những cách tổ chức mới,
người thắng cuộc trong thế kỷ XXI sẽ là những người có năng lực biến tổ
chức của mình thành một cái gì đó thật linh hoạt, có khả năng phản ứng
nhanh, chuyển hướng nhanh trong một miền đất đầy trắc trở và bất định.
Rồi chúng ta sẽ đi về đâu, ta cần có một tầm nhìn, một định hướng mục
tiêu về tương lai, nhưng không phải bằng cách nhìn vào một bản đồ có
sẵn. Không có bản đồ nào cho miền đất chưa khám phá thay vào đó, những
người đi đầu sẽ nhìn về phía trước, sáng tạo những ý tưởng mới, phát
hiện những chân trời mới, vạch đường để hấp dẫn mọi người cùng đi(1)
Tôi chợt nhớ đến một ý của Đồng chí Phạm Văn Đồng từng nêu lên trong Văn hóa và Đổi mới từ 1994 : "Chúng
ta đang đi trên một con đường chưa có bản đồ, chúng ta đang suy nghĩ và
nghiên cứu về lý luận, đồng thời chúng ta phải hàng ngày, hàng giờ giải
quyết những vấn đề thực tiễn, những bài toán đầy phức tạp và ẩn số...".
Quả là khi có được một tầm cao văn hóa và trí tuệ thì người ta dễ bắt
gặp những khám phá và sáng tạo của thời đại. Tiếp vào mạch ý trên, tác
giả của văn hóa và đổi mới đòi hỏi "chúng ta phải lớn lên và đây chính
là sự lớn lên của văn hóa và trí tuệ".
Không thanh toán tận gốc cái căn tính tiểu nông hạn hẹp và thiển cận
được nuôi dưỡng trên mặt bằng dân trí thấp thì khó nhận thức được “không
có bản đồ nào cho miền đất chưa khám phá" do vậy mà phải có bản lĩnh
(nhìn về phía trước, sáng tạo những ý tưởng mới, phát hiện những chân
trời mới" và hiểu được rằng "chuẩn mực chính là sự thay đổi"(2)
Chính vì thế, nếu vẫn tự nuôi dưõng và hít thở trong cái bầu khí
quyển nông dân cho dù nó trong vắt đến đâu, nếu vẫn chỉ thỏa mãn với cái
kiểu tư duy chỉ so sánh mình với chính mình thôi thì không thể đứng
vững, hội nhập và phát triển trong cái thế giới đầy biến động khó lường
này.
(1) Dẫn lại theo Phan Đình Diệu, Tạp chí xã hội học tháng 02/1999, tr.35.
(2) Xem Chuẩn mực chính là sự thay đổi của Tương Lai trong Tia sáng (Số 5/2001)
Nguồn:
Tạp chí Tia Sáng, 2006