Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tầm nhìn chiến lược của nhà Vua Lào Xê-tha-thi-lát
20/11/2010 21:18 (GMT+7)

Chân tháp rộng 90 mét (mỗi chiều), chiều cao của tháp là 45 mét, được dát vàng, lung linh giữa bầu trời xanh, lộng gió. Trước mặt tiền của Thạt Luổng, trên bệ ngọc, có tượng của Vua Xê-tha-thi-lát ngồi trên ngai vàng, tay cầm kiếm báu, vị vua anh minh đã cho rời đô từ Luông Phra-băng về Viêng Chăn năm Phật lịch 2103 (năm dương lịch 1560), mở ra một thời kỳ phát triển huy hoàng của đất nước Hoa Chăm-pa.

Giữa thế kỷ 14, Chậu Phạ Ngừm, vị anh hùng kiệt xuất đã dẹp tan các tiểu quốc, thống nhất mọi miền đất nước, thành lập một quốc gia độc lập đầu tiên, Vương quốc Lào Lạn Xạng ra đời. Châu Phạ Ngừm và những người kế vị của ông sau này luôn phải đấu tranh chống chia cắt cát cứ. Về mặt chính quyền, Chậu Phạ Ngừm luôn quan tâm đến việc thiết lập chính quyền tập trung, xây dựng quân đội vững mạnh. Phật giáo trở thành quốc giáo ở Lào. Sau khi Chậu Phạ Ngừm qua đời, dưới triều Xăm-xen-tha (1373-1416) và triều Lam Khăm-deng (1416-1428), đất nước tiếp tục phát triển, nhiều chùa tháp được xây dựng. Năm 1428, Nang Ma-hả Thê-vi nắm quyền và lũng đoạn triều đình Lạn Xạng. Sau cái chết của bà, trong 3 năm liền ở Lào không có vua. Các nhà sư cùng các triều thần đã mời Thao-văn Bu-ri là Châu mương Viêng Chăn đến Xiêng Thoong - Luông Phra-băng và đưa lên ngôi vua (1456). Đạo Phật phát triển góp phần làm cho nền văn hóa Lào phong phú. Tam Tạng kinh được dịch dùng phổ biến trong các trung tâm Phật giáo ở Lào. Lần đầu tiên truyện Khún Bô-lôm được các nhà sư và triều thần biên soạn. Nhưng thời bấy giờ, nhiều thế lực ở phương bắc tràn vào quấy phá, lăm le xâm lược. Vào năm 1560, sau khi giành được một loạt chiến thắng quân sự trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Miến Điện ở Hatsoi, Pakhoui, Mường-xen, Vua Xê-tha-thi-lát đã có quyết định sáng suốt, khi ra chiếu rời đô từ Luông Phra-băng về Viêng Chăn. Với tầm nhìn của nhà chiến lược, Viêng Chăn ở vị trí trung tâm của đất nước, có đồng bằng rộng lớn. Phía tây có sông Mê Công chảy qua, phía bắc và phía đông có núi non trùng điệp bao bọc. Nơi đây thiên thời, địa lợi, có thể phát triển kinh tế đất nước, phòng thủ an ninh vững bền, mở mang giao lưu với các nước thuận lợi.

Thạt Luổng, biểu tượng đoàn kết của nhân dân các bộ tộc Lào

 

Rời đô về Viêng Chăn, Vua Xê-tha-thi-lát đã khẩn trương cho xây dựng các thành quách bảo vệ, xây dựng các cung điện, lâu đài xứng tầm với một vương quốc hùng mạnh. Năm 1566, ông cho xây dựng Thạt Luổng trên nền một ngôi chùa cũ, cách trung tâm thủ đô gần hai cây số. Vắt Phạ-nôm, Vắt Ông Tự nổi tiếng cũng được xây dựng lại. Hệ thống chính quyền được củng cố vững mạnh. Ông có nhiều chỉ dụ cho các Chậu mương chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế tại địa phương. Chữ Thăm từ lâu đã được du nhập vào Lào, nhưng ở thời kỳ này đã được Lào hóa, về cơ bản mang dạng tự mẫu chữ Lào ngày nay. Việc chữ Lào ra đời là một sự kiện lớn trong đời sống văn hóa của người Lào và phát triển của đất nước Lạn Xạng. Nhờ có thế và lực mạnh, Lạn Xạng đã đánh bại 4 cuộc xâm lược của Ayuthia và Ava. Thế kỷ thứ 17 là thời kỳ toàn thịnh của quốc gia Lạn Xạng dưới sự trị vì của Vua Xu-li-nha Vông-xa (1637-1694). Kinh tế trong nước phát triển, buôn bán với nước ngoài mở rộng. Thương cảng Viêng Chăn trên bến dưới thuyền do thương nhân nước ngoài kéo đến. Chùa chiền là trung tâm văn hóa, là nơi thể hiện sự phát triển của nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc ở Lào. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo ở Lào tổ chức sư sãi hình thành, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Xuất hiện nhiều trí thức uyên thâm về Phật giáo, giỏi về ngôn ngữ Lào, văn học Lào, thành thạo Tam tạng kinh. Bộ luật học đầu tiên của Vương quốc Lào ra đời. Luật pháp quy định 14 điều đạo đức cho mỗi nhà vua và 7 điều đạo đức cho các quan triều thần. Bộ luật quy định những trách nhiệm của tướng lĩnh, binh lính, nhân dân khi đất nước có giặc ngoại xâm và những điều thể hiện chính sách tiến bộ đối với nô lệ, đối với phụ nữ, đối với người nghèo.

Sau thời kỳ toàn thịnh dưới sự trị vì của Vua Xu-li-nha Vông-xa, Vua Thăm-mi-ca-lát, Lạn Xạng lâm vào cảnh rối ren, tranh giành quyền bính, chia xẻ đất nước. Thế kỷ 18, Lạn Xạng bị phân chia thành 3 tiểu vương: Lạn Xạng Viêng Chăn, Lạn Xạng Luông Phra-băng và Lạn Xạng Chăm-pa-xắc. Lợi dụng thời cơ này, Xiêm xâm lược Lào và dựng nên ở 3 tiểu vương Lào các chính quyền bù nhìn, tay sai. Giặc Xiêm đốt phá chùa tháp, vơ vét vàng bạc, châu báu mang về nước. Phát huy tinh thần của vua Xê-tha-thi-lát khai sáng Viêng Chăn, năm 1804 vua Chậu A-nu-vông thay anh lên ngôi quốc vương ở Viêng Chăn, nuôi chí lớn đánh đuổi quân Xiêm, giành độc lập, thống nhất đất nước Lào. Nhà Vua sớm có những chỉ dụ phát triển kinh tế, xây dựng Viêng Chăn trở thành trung tâm Phật giáo có tên gọi Mường phăn vắt (nghìn chùa). Nhưng cuộc nổi dậy của nhân dân Lào dưới sự lãnh đạo của Chậu A-nu-vông bị thất bại. Với thế mạnh gấp bội, quân Xiêm đã đàn áp dã man, dồn hàng vạn dân Viêng Chăn về Xiêm, phá hủy hoàn toàn kinh thành Viêng Chăn, trong đó có Vắt Xi-xa-keo nổi tiếng. Hết mất mát, đau thương bởi giặc Xiêm, Viêng Chăn lại chìm đắm dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Những người dân yêu nước Viêng Chăn luôn tập hợp nhân dân nổi dậy chống sưu cao thuế nặng, đòi Pháp tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân Lào, để người Lào tự quyết định vận mệnh của mình.

Từ năm 1945, phong trào nhân dân Viêng Chăn nổi dậy chống Pháp phát triển rộng khắp. Đỉnh cao của cuộc nổi dậy của công nhân, học sinh, trí thức và nhân dân Viêng Chăn là giành chính quyền thắng lợi. Ngày 12-10-1945 tại sân vận động Viêng Chăn, mít tinh tuyên bố nước Lào độc lập với bản hiến pháp tiến bộ, khẳng định nước Lào thống nhất. Chính phủ mới ra đời lấy tên là Chính phủ lâm thời Ít-xa-la, tiêu biểu cho nguyện vọng của toàn dân Lào. Cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Lào đã đánh bại thực dân Pháp, nhưng đế quốc Mỹ lại nhảy vào xâm lược, dựng nên các chính phủ tay sai, tăng viện trợ, vũ khí, thúc ép quân ngụy Viêng Chăn đàn áp những người yêu nước, triệt phá các cơ sở của Mặt trận Lào Ít-xa-la. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, chính quyền Viêng Chăn hoạt động bí mật. Cùng với phong trào đấu tranh tại các địa phương, nhân dân Viêng Chăn liên tiếp nổi dậy đấu tranh. Cuộc mít tinh của hơn hai vạn ngư­ời ở thủ đô Viêng Chăn ngày 1-5-1975, giư­ơng cao khẩu hiệu đòi lật đổ bọn phản động cực hữu, chấm dứt hoạt động cơ quan Viện trợ Mỹ (USAID) và rút hết cố vấn, vũ khí Mỹ ra khỏi Lào. Tiếp đó là cuộc diễu hành lớn của 12.000 ngư­ời đòi giải tán USAID, hạ cờ Mỹ, xóa sổ lực l­ượng phỉ Vàng Pao. Hàng nghìn lái xe taxi đình công. Công nhân điện lực Viêng Chăn nghỉ việc, xuống đường tham gia đấu tranh giành chính quyền ngày 19-8-1975, đòi Mỹ không đư­ợc can thiệp vào Lào. Khắp đư­ờng phố đốt hình nộm lính Mỹ, lính ngụy và đốt cờ ba đầu voi. Tại thủ đô Viêng Chăn diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại - Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc trong hai ngày 1 và 2 tháng 12 năm 1975: Thái tử Chậu Vông-xa-vang thay mặt Vua cha Xi-xa-vang Vắt-tha-na đọc đơn xin thoái vị; Thủ tướng Chính phủ liên hiệp Xu-va-na Phu-ma đọc đơn xin từ chức; Lễ ra mắt của Hội đồng Nhân dân tối cao do Đồng chí Xu-pha-nu-vông làm Chủ tịch. Lễ ra mắt của Chính phủ mới do Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Thủ tư­ớng. Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời, chấm dứt hơn 80 năm cai trị của thực dân, đế quốc, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập và xây dựng đất nước Lào phồn thịnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Nghiệp (Theo QĐND)

 

Các tin đã đăng:
Về đầu trang