Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tác giả: Nông Dân
Nhật ký mướt mồ hôi của ông lão đi chơi đại lễ
14/10/2010 06:34 (GMT+7)


Năm nay tôi đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lại hy, ở cái tuổi 70X này mà còn dại. Tôi dại thật sự! Dại vì không chịu nghe lời bà vợ già, và tôi suýt đánh mất cái mạng già này ở SVĐ Mỹ Đình. Số là tôi có thằng cháu cũng làm khá to ở Hà Nội, nó quý tôi lắm nên tặng một tấm giấy mời đêm cuối cùng của Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nó bảo đêm ấy hay lắm, ngoài màn bắn pháo hoa nghệ thuật, chú sẽ được thưởng thức một đêm biểu diễn lung linh, huyền ảo...

Thú thực thì tôi cũng đã định ở nhà (Chương Mỹ) xem tivi cho xong. Tuổi già, ngại chen lấn xô bồ, hơn nữa bà xã nhất quyết không đi, bà ấy bảo: ra đó để hít bụi, hít mồ hôi người à, ở nhà gác chân xem tivi có phải sướng gấp vạn! Lúc ấy tôi nổi nóng, đúng là đàn bà, nói thế thì nói làm gì, người ta mất bao công sức mới được tận mắt xem trực tiếp, mới lại có giấy mời hẳn hoi... Nhưng nói thế nào bà xã già nhà tôi cũng không chịu đi, tức mình tôi tự đi, nhân tiện rủ thêm đứa cháu gái 8 tuổi cùng đi cho đỡ buồn.

Tất cả các ngã đường xung quanh sân vận động Mỹ Đình đều tắc cứng. Ảnh: Thu Nguyên

Và hành trình chơi Đại lễ của tôi bắt đầu từ 6h sáng. Hai ông cháu bắt xe ra đến Hà Đông đã 8h, đi có 20 km mà mất hơn hai tiếng? Chuyện này cũng bình thường, chuyện kẹt xe ở Hà Nội là hết sức bình thường - tôi tự nhủ và trấn an rằng: không được nản. Chỉ khổ cô cháu gái, háo hức quá nên nhất quyết đòi ông đưa đi Quảng trường Ba Đình xem duyệt binh. Ừ thì màn đó tôi cũng mê, thế là hai ông cháu nhịn ăn sáng (dự định ăn sáng ở Hà Đông), bắt taxi lên Lăng Bác. Thế nhưng còn cách đó đến vài cây số thì anh taxi dừng lại, lịch sự nói: ông cho con xin tiền, bắt đầu từ đây ông phải đi bộ, cấm đường ạ!

Tất nhiên đi bộ, tôi sợ gì đi bộ, hồi trai trẻ, tôi từng đi bộ 6 tháng trời, rách bốn đôi giày, ba bộ quần áo mà chả sao... Cứ cho là bây giờ tôi đã già nhưng cũng dư sức bước cái chỗ đường ngắn tí ấy, ngay cả cô cháu gái tôi đây là trẻ con nông thôn, cả ngày chạy băng băng trên đê đi bộ đã là cái thá gì. Thế là hai ông cháu hỉ hả đi bộ cho mát mẻ.

Nhưng tôi đã lầm! Sự sai lầm vẫn ở tuổi tác, cái thời tôi đi bộ ngày xưa nó khác, việc đi giữa rừng núi, suối sâu, vực thẳm có vẻ còn dễ hơn đi bộ giữa lòng thủ đô những ngày này. Kín đặc người! Kinh khủng người! Hai ông cháu nắm chặt tay nhau và nhích - nhích từng bước - nhẫn nại nhích từng bước... Mãi rồi thì cũng chạm đến đầu đường Hùng Vương. Và chỉ đến được đó thì tôi không thể đi được nữa. Đứa cháu ngoại tôi dù chân tay to khoẻ, suốt ngày chạy băng băng trên đê cũng phải chào thua. Nó mệt vì thiếu ôxi chứ không phải mỏi gối như ông ngoại nó. Hai ông cháu chọn mãi mới được một góc ngồi nghỉ và "nghe" duyệt binh. Hay thật, mất ngần ấy công đến đây chỉ để nghe duyệt binh thì ông cháu tôi có một trên đời!

Đường Mễ Trì, lối vào sân vận động Mỹ Đình tắn nghẽn lúc 6h30 tối. Ảnh: Thu Nguyên

Trước lúc đi, tôi đã chuẩn bị rất kỹ, cái bản tính lính trinh sát đã dạy tôi sự chuẩn bị cực kỳ chu đáo cho mỗi chuyến đi xa: nước, lửa, thuốc tăng lực, đồ ăn khô, dụng cụ y tế, quần áo dự phòng, và đặc biệt là tiền. Nói thực là tôi đã giấu bà xã già nhón lấy hơn 5 triệu đi chơi đại lễ. Tôi chuẩn bị nhiều tiền như thế không phải để ăn chơi mà là dự phòng. Thời buổi có tiền coi như yên tâm mọi thứ. Tôi gói ghém kỹ lưỡng, riêng tiền giắt cạp quần chắc nình nịch.

Nhưng ôi thôi! Khi sờ vào đó thì nó đã biến từ lúc nào! Đi toi hai suất lương hưu của tuổi già. Nói thực là tôi cũng chẳng tiếc tiền, chỉ sợ đứa cháu đòi ăn gì đó thì nguy, mà đến tận tối mới xem biểu diễn nghệ thuật cơ mà! Thế là cái bộ óc già nua của tôi hoạt động hết công suất, nhưng cũng may - may ở cái tính cẩn thận - tôi có điện thoại di động và gọi ngay cho ông cháu quý hoá đến cứu nguy.

Phải nói là thằng này yêu ông chú hết cỡ, gần tiếng đồng hồ sau nó có mặt ở đường Tây Sơn, mặt mũi nhễ nhại mồ hôi đón ông cháu tôi. Nó nhăn nhó bảo: sao chú dại thế, chen vào đây làm sao nổi, về nhà cháu xem tivi cũng được mà... Đang lúc bực tức suýt nữa tôi mắng nó. Xem tivi thì cần gì ông chú mày phải mò ra tận đây! Nhưng lúc này cãi lộn với nó là dại, tôi đành theo nó về nhà nghỉ ngơi ăn trưa, cũng để nó tiếp tế cho ít tiền.

Ăn trưa xong, định bụng ngủ một chút cho lại sức, nhưng đứa cháu ngoại lại nhằng nhẵng đòi đi chơi. Nó bảo, ra tận thành phố mà ngủ trưa thì ở nhà còn hơn. Thế là ông cháu tôi lại lên đường. Thằng cháu quý hoá không quên dúi cho ông chú 2 triệu gọi là tiêu chơi. Có tiền rồi, ấm bụng rồi, hai ông cháu tôi lại vi vu phố phường. Nhưng đi đâu bây giờ? Theo đề nghị của cô cháu gái thì chúng tôi ra công viên Thủ Lệ, nó vẫn thích ra chỗ ấy chơi. Nhưng vẫn là kín đặc người. Kinh khủng người! Người ở đâu ra lắm thế không biết, đang giữa trưa mà họ ngồi kín cổng, kín bên trong, kín các chỗ chơi... chen mãi tôi cũng mua cho cô cháu gái một vòng đu quay thì đã đến 2h chiều.

Ông cháu tôi lại tá hoả bắt taxi về Mỹ Đình, đây là màn chính phải xem, đi sớm cho đỡ đông người. Nhưng tôi đã lầm, tuổi già thường nhầm lẫn. Vẫn là kín đặc người. Kinh khủng người. Mới vào đường Trần Duy Hưng anh taxi đã phải dừng lại xin tiền. Ông cháu tôi lại được dịp quách bộ. Tôi cứ nghĩ không gian sân vận động Mỹ Đình rộng lớn - hình như rộng nhất Đông Nam Á nên sẽ thoáng đãng hơn. Lại sai lầm! Vẫn sai lầm! Vẫn kín đặc người. Họ cũng như ông cháu tôi, đi sớm cho đỡ tắc đường. Họ ngồi tràn lên cả lên thảm cỏ, vỉa hè, lan can... nơi nào ngồi được là ngồi. Ai nấy mặt nhễ nhại mồ hôi, biến đủ thứ mang theo thành quạt. Người già thì ngủ gà ngủ gật, trẻ con khóc oe oe...

Lạy ông trời, người đâu mà đông thế? Và lúc này cái không gian sân vận động Mỹ Đình trở nên bé tí hơn lúc nào hết, dòng người ngùn ngụt kéo về như chực nuốt chửng cái sân bóng lớn nhất Đông Nam Á ấy. Khổ nhất vẫn là những anh bảo vệ, các chiến sỹ công an. Họ quá mệt mỏi để canh giữ trật tự, ai nấy mặt tái nhợt, không đủ sức quát mắng dòng người nhốn nháo lộn xộn kia.

Đang lúc ông cháu tôi lơ ngơ thì, bọn phe vé bắt đầu làm việc. Chúng xúm tới chìa ra những tấm vé, những giấy mời rao bán. Tôi thót tim khi nghe họ quát tới 4 triệu một cặp vé vào xem đêm biểu diễn này. Tấm giấy mời trong túi tôi bắt đầu lung lay, thú thực đã mấy lần tôi định bán quách đi bắt xe về nhà vắt chân cùng bà xã già xem tivi cho sướng. Nhưng ngẫm thấy lại thấy hèn. Đã ra đến đây, phục sẵn từ chiều mà bỏ về thì hèn. Hơn nữa cô cháu gái lại đang hưng phấn biết ăn nói với nó thế nào.

Thế là hai ông cháu tôi chen được một góc nhỏ, khuất nắng ôm nhau chờ đêm biểu diễn nghệ thuật. Cũng may tôi chuẩn bị kỹ nên hai ông cháu không bị khát, không bị say nắng, không bị đói... Mãi rồi cũng đến lúc vào sân. Lần này tôi đã có kinh nghiệm, cởi áo bên ngoài, buộc chặt tay cháu gái, tay phải vạch lối đi, tay trái ôm khư khư chỗ tiền thằng cháu cho lúc trưa.

Cũng may tôi có sức khoẻ, cô cháu gái cũng thuộc loại trẻ con khoẻ nên không bị ngất sỉu khi tham gia cái màn chen lấn, xô đẩy hết sức nào loạn ở cổng ra vào. Người ken đặc như nêm, thở không ra hơi, nhiều vị ngất lịm vì thiếu ôxi, hoặc gào điên loạn vì sốc thần kinh. Riêng mấy anh bảo vệ, các chiến sỹ công an thì tím tái như tượng. Họ quá mệt nên không còn khách khí, cứ lăm lăm dùi cui, ai không nghe là quất!

Hai ông cháu thở phào khi tìm được chỗ ngồi. Cuối cùng thì cũng được xem điều mong đợi. Trước khi kể tiếp câu chuyện tôi xin mạn phép nói thật, tôi không phải nghệ sỹ, cũng chẳng am hiểu nhiều về nghệ thuật chỉ xem bằng trực giác của người bình thường, nhưng xin thưa màn biểu diễn tẻ nhạt vô cùng. Tất cả cứ lẵng nhẵng, nát vụn, ầm ì chẳng đâu vào đâu. Tệ nhất là cái tiếng kèn í e nghe đến ghê người. Không biết ngày xưa cụ Lý Công Uẩn có hay dùng loại kèn này không nhưng sao nghe nó ghê đến thế. Mà cứ nhè cái tiếng ấy mà tấu lên xé gan xé ruột chẳng hiểu để làm gì. Cũng may có hệ thống đèn la-de nó hút thị giác nên đỡ đi phần nào. Còn màn đồng diễn thì lung tung, chẳng hình gì ra hình gì, cố lắm mới nhìn ra mà vừa mới nhìn ra đã tan biến thành cái khác cứ như đánh đố người xem.

Đứa cháu gái tôi cứ hỏi: sao chẳng thấy họ xếp hình bông hoa hở ông, sao không xếp hình con rồng hở ông, sao không xếp hình trái tim hở ông? Họ đang xếp hình gì hở ông? Sao chẳng thấy tiếng nhạc thế hở ông??? Cứ thế nó hỏi làm tôi phát cáu quát rằng, xem đi hỏi gì lắm thế. Nó bĩu môi: "Không hiểu thì con mới hỏi chứ...". Thôi thì đợi xem pháo hoa vậy. Tôi tưởng mỗi mình nghĩ vậy, nhưng không phải, tất cả khán giả đều ngán ngẩm, lắc đầu chờ đợi màn pháo hoa.

Cũng may màn pháo hoa làm mãn nhãn người xem. Khi những bông hoa lửa rực sáng bầu trời thì người xem đã quên mất màn trình diễn trên sân, dù đạo diễn đã cố tình đan xen nghĩa là vừa bắn pháo hoa vừa biểu diễn nhưng khán giả chỉ ngửa cổ lên trời chứ chẳng ai thèm nhìn xuống sân nữa.

Buổi biểu diễn kết thúc. Rút kinh nghiệm, hai ông cháu tôi ngồi lỳ ở sân vận động, nhất định không ra. Nếu ra lúc này hai ông cháu tôi sẽ ngạt mà chết, có ngồi ở đây suốt đêm cũng chịu. Phải gần 2 tiếng sau, hai ông cháu tôi mới mò ra được khoảng sân lớn. Thằng cháu yêu quý mặt nhăn nhó đợi ở ngoài, và khi nó chở chúng tôi về đến nhà thì đã là 2h sáng. Kinh khủng!

Nguon: http://tuanvietnam.net/2010-10-13-nhat-ky-muot-mo-hoi-cua-ong-lao-di-choi-dai-le

Các tin đã đăng:
Về đầu trang