Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
'Daddy' của bé Thiện Nhân:Tôi khóc nhiều vì trẻ em Việt Nam
Tác giả: Hoàng Hường
29/11/2010 20:37 (GMT+7)

Thời gian vừa qua, những vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng liên tiếp xảy ra làm nỗi đau con người cứ bị sưng tấy. Bức thư của Greig Craft như một cơn gió mát của lương tâm và lòng trắc ẩn giữa con người, làm dịu nhẹ những nỗi đau.

'Các bạn có thể đã biết đến tôi với cương vị là Chủ tịch Quỹ phòng chống Thương vong Châu Á, tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam liên quan đến mũ bảo hiểm và an toàn giao thông, nhưng lá thư này được gửi đi hoàn toàn mang tính chất cá nhân, với mong muốn tìm kiếm sự đồng cảm và giúp đỡ cậu bé bất hạnh bị bỏ rơi, giờ là đứa "con trai tinh thần" của tôi...'

Các công dân mạng đang được chia sẻ một bức thư về Thiện Nhân, 'chú lính chì' bị bỏ rơi và bị thú hoang ăn mất chân và bộ phận sinh dục.

Hơn 4 năm trước, dư luận bàng hoàng về trường hợp của Thiện Nhân, em bé đã thu hút sự chú ý của cả cộng đồng bởi câu chuyện đau xót cũng như sự sống kỳ diệu của em. Tin tức của em được cập nhật thường xuyên, cùng với câu chuyện vui về mẹ Mai Anh, về gia đình hạnh phúc của em, và về những đổi thay của 'chú lính chì' trong hành trình dài chữa bệnh.

Ít ai biết, bên cạnh mẹ Mai Anh và bố Nghinh của bé, còn có một người mấy năm qua cũng khóc cười cùng Thiện Nhân trên hành trình. Đó là Greig Craft, chủ nhân bức thư trên.

"Doanh nhân thành đạt đâu phải có nhà lầu, xe hơi..."

Thực ra Greig Craft là cái tên không xa lạ. Ông đã sống ở Việt Nam gần 20 năm. Như ông nói, ngay từ trong tâm cảm, Việt Nam là nơi khá quen thuộc với gia đình ông. Ông và cha của Craft đều ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Cụ của Greig đã sang Việt Nam từ khoảng năm 1899 - 1900 trong những chuyến đi khám phá bằng tàu biển. Bố ông là sỹ quan trong quân đội Hoa Kỳ. Ông được cử tới đây lần đầu tiên năm 1955 với nhiệm vụ đánh giá về tình hình Việt Nam sau thất bại của người Pháp.

Qua những câu chuyện và tư liệu của ông và cha, trong tiềm thức của Greig, Việt Nam là nơi đã khá quen thuộc. Vào những năm 1990, ông quyết định sang Việt Nam, để chơi và để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như nguyện ước chưa làm được của cha ông trước khi qua đời.

Thời kỳ đầu ông tham gia hoạt động nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và thiết bị y tế để trợ giúp trẻ em Việt Nam. Con mắt của một doanh nhân khiến ông nhìn ra những cơ hội làm ăn quá tốt, dù đầu thập kỷ 90 Việt Nam vẫn đang hết sức khó khăn với lệnh cấm vận thương mại của Mỹ.

Thiện Nhân là người bạn thân nhất của tôi! Ảnh TTVH

Tôi nhìn Hồ Chí Minh như một người đàn ông

"Với cả ông, cha tôi và bản thân tôi, Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại. Tôi không phải là một người cộng sản, góc nhìn của tôi về Hồ Chí Minh có thể khác người Việt Nam.

Nhưng điều mà tôi kính trọng Hồ Chí Minh hơn cả lại không nằm ở khía cạnh chính trị. Tôi nhìn ông ấy như một người đàn ông. Ở một nghĩa nào đó, với tôi ông ấy là anh hùng đúng như tư duy người Mỹ: Một con người có thể thay đổi vận mệnh cả đất nước, thay đổi cuộc sống của cả cộng đồng.

Hãy nhìn vào những gì ông ấy làm: ông ấy là người cha của nhân dân Việt. Từ trẻ con đến người già đều nói về ông ấy với sự tôn kính, biết ơn những gì ông ấy đã làm được cho nhân dân và đất nước.

Từ một quốc gia khác, tôi không nhìn ông ấy như người dân Việt Nam. Tôi nhìn Hồ Chí Minh với góc độ một người đàn ông, người đàn ông anh hùng. Đúng như chân lý của chúng tôi: có niềm tin và bản lĩnh, một người có thể làm được tất cả.

Tôi cũng được truyền niềm tin đó từ Hồ Chí Minh, và tôi đang nỗ lực thay đổi cuộc sống và ý thức cộng đồng ở đây về phòng chống thương vong"

Greig Craft

 

Năm 1999, Greig Craft sáng lập Quĩ phòng chống thương vong châu Á với các hoạt động chính là tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em và truyền thông về an toàn giao thông.

Craft chia sẻ: là cha của năm đứa con, điều luôn làm ông ám ảnh căng thẳng khi sống ở Việt Nam khi phải chứng kiến tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày, đặc biệt tai nạn với trẻ nhỏ.

"Tôi không thể nào quên câu chuyện buồn của một gia đình người bạn ở TP Hồ Chí Minh. Bình thường, vợ chồng luôn đội mũ bảo hiểm cho hai con gái khi đi đường. Nhưng vào một ngày, hai vợ chồng chở con đi thăm bà ngay gần đó. Người mẹ khá chủ quan nói: hôm nay con không phải đội mũ. Không may, trên đoạn đường ngắn đó họ bị một xe khác xe đâm vào. Cả nhà sống sót, nhưng con gái họ không bao giờ tỉnh lại. Câu chuyện quá buồn cứ ám ảnh tôi mãi không thôi".

"Không biết bao nhiêu lần, tôi muốn phát sốt khi nhìn thấy tai nạn, cảm giác không thể kiềm chế được sự giận dữ khi nhìn cảnh các bậc phụ huynh Việt Nam đèo trẻ em cheo leo trên xe máy, không dây thắt an toàn, không mũ bảo hiểm. Rất nhiều trường hợp trẻ đã chết và thương tích oan uổng vì sự bất cẩn của người lớn như thế. Nó thôi thúc tôi phải làm gì đó".

Năm 2001, Craft dốc hết tài lực cùng với sự tài trợ của một số doanh nghiệp, bắt tay xây dựng công ty thiết bị và sản phẩm an toàn Protec, một mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận mà mặt hàng chiến lược đầu tiên của nó là mũ bảo hiểm. Ông say sưa với các chiến dịch tặng mũ cho trẻ em "Bảo vệ sự thông minh của bạn" được tổng thống Mỹ Bill Clinton phát động năm 2000 khi Bill sang thăm Việt Nam.

Thế nhưng, cả khi mũ được tặng miễn phí, nhưng để người Việt Nam đội nó lên đầu vẫn... quá khó, ngay cả đội cho trẻ. Thế là lại một lần nữa, Craft lại gõ cửa các ban ngành, gặp gỡ vận động các lãnh đạo Việt Nam, trình bày sự cấp thiết về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, và ông đã thành công. Từ năm 2007, mọi người Việt Nam đều đội mũ khi đi xe máy. Số thương vong nặng do tai nạn giảm đi đáng kể.

Greig Craft rất phấn khích, tự hào với thành quả đó và nỗ lực đưa những hoạt động nhằm giảm thiểu thương vong.

"Tôi đã từng sống những tháng ngày chỉ say sưa với việc kiếm tiền, niềm khát khao mãnh liệt khi tôi còn trẻ. Nhưng khi có đủ tiền rồi, tôi nhận ra rằng: một doanh nhân thành đạt không phải chỉ ở nhà lầu, xe hơi, tài khoản kếch sù; mà là người ấy đã làm được gì cho cộng đồng, đã chia sẻ được gì với cuộc sống xung quanh. Tôi đã nhận ra điều đó, chỉ tiếc là hơi muộn. Giá được làm lại, tôi sẽ bắt đầu sớm hơn". 'Ông Tây Protect' nói.

'Daddy' và 'con' trong một chuyến đến Mỹ chữa bệnh, Ảnh website ThienNhan

Tôi có niềm tin mạnh mẽ về tương lai Thiện Nhân

"Tôi không thể giải thích tại sao, nhưng ngay từ lần đầu tiên tôi nghe thông tin về Thiện Nhân, về sự ra đời kinh khủng của cháu, tôi đã có cảm giác cháu bé này sẽ có liên quan chặt chẽ với mình trong tương lai, giống như con trai tôi. Thật vui mừng sau đó cháu bé đã có mẹ đón về, tôi đã chứng kiến tất cả quá trình đó, và đã làm tất cả những gì có thể. Tôi đã có 5 con rồi, và giờ đây Thiện Nhân là thứ 6".

Craft tỏ ra rất vui mừng khi tìm được vị bác sĩ Ý, ông lạc quan về ca mổ sắp tới. Trong suốt những năm qua, Craft đã tìm các website, email, gõ cửa khắp nơi để tìm những thông tin và các nguồn tài chính giúp đỡ Nhân. Có những lúc, ông và mẹ bé tưởng đã bế tắc.

Greig Craft giải thích về phương án làm chân giả cho Thiện Nhân, Ảnh  Hoàng Hường

Cũng đã có lúc, ông cùng mẹ bé đưa Thiện Nhân sang Thái Lan, hy vọng các bác sĩ Thái, với kinh nghiệm từ các ca phẫu thuật chuyển giới, có thể giúp được Nhân. Nhưng rồi ông thất vọng vì các bác sĩ khuyên chỉ có thể làm cho Nhân một bộ phận sinh dục nữ, đồng nghĩa với việc cu cậu sẽ trở thành con gái.

"Lúc đó chúng tôi đã rất thất vọng, nhưng thật may mắn cuối cùng tôi đã tìm được GS Roberto DeCastro. Bé Thiện Nhân sẽ được GS Roberto tái tạo bộ phận sinh dục từ da tay của cậu. Đây là công trình khá nổi tiếng của Roberto. Ông đã tiến hành 29 ca phẫu thuật thành công giúp cho các em bé bất hạnh của nhiều quốc gia trên thế giới có được bộ phận sinh dục. Tôi có niềm tin lớn rằng ca mổ sẽ thành công. Em sẽ có một cái 'chim' lớn lên cùng cơ thể, và là một phần thân thể đàn ông thực sự, chứ không chỉ là 'vật trang trí' như chúng tôi từng lo lắng".

Thiện Nhân đã gần 5 tuổi, cậu bé có thể cảm nhận khá rõ ràng về cuộc sống của cậu. Cậu đang học cả Tiếng Việt và Tiếng Anh, gọi Craft là 'daddy' và xưng 'con'. Craft kể có lần cu cậu hỏi mẹ Mai Anh "Tại sao mẹ lại bỏ con, để con vật cắn con?" hay "Sau này hai anh lấy vợ, con ở nhà với mẹ?" Chứng kiến những giây phút đó, lòng Craft trĩu nặng và ông càng thêm quyết tâm dành lại cuộc đời cho Thiện Nhân.

Ông cũng hy vọng, Thiện Nhân sẽ là trường hợp tiền lệ. Nếu thành công, những trường hợp không may mắn khác sẽ có nhiều hy vọng.

Theo kế hoạch, ca mổ sẽ kéo dài hai tuần được dự định vào dịp Tết Nguyên Đán để mọi người sắp xếp công việc.

Trong những ngày vừa qua, những vụ việc như cô giáo nhốt trẻ vào thang máy gây thương tích, cha ném chết con sơ sinh, bảo mẫu 'tắm đòn' trẻ lên ba, phiên tòa phúc thẩm vụ Hào Anh... làm những nỗi đau con người cứ liên tiếp bị sưng tấy, đau đớn, kinh sợ, bàng hoàng. Và bức thư của Greig Craft như một cơn gió mát thổi qua cộng đồng mạng, làm dịu nhẹ những nỗi đau bởi lương tâm và lòng trắc ẩn giữa con người.

Mong rằng làn gió ấy sẽ được thổi xa và góp lên mãi, thổi bớt đi đi những khổ đau, bất hạnh.

Chào các bạn!

"Trong thế giới có biết bao mất mát và đau thương này, thật là khó khăn khi quyết định chỉ giúp đỡ cho một con người. Tuy nhiên, vào 4 năm trước, tôi đã lặng đi khi biết được cảnh ngộ của một bé trai bị mẹ đẻ bỏ rơi ngay khi vừa chào đời trong một khu rừng thuộc tỉnh Quảng Nam.

Các bạn có thể đã biết đến tôi với cương vị là Chủ tịch Quỹ phòng chống Thương vong Châu Á, tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam liên quan đến mũ bảo hiểm và an toàn giao thông, nhưng lá thư này được gửi đi hoàn toàn mang tính chất cá nhân, với mong muốn tìm kiếm sự đồng cảm và giúp đỡ cậu bé bất hạnh bị bỏ rơi, giờ là đứa "con trai tinh thần" của tôi.

Cậu bé mang một số phận đau đớn đã bị mẹ đẻ vứt bỏ khi còn đỏ hỏn, đầm đìa máu và dây rốn đã trở thành miếng mồi cho thú hoang. Em bé đã bị ăn mất bộ phận sinh dục, cả hai tinh hoàn, chân trái cũng bị ăn cụt lên tận háng.

Thật kỳ diệu, 72 tiếng đồng hồ trần truồng, máu tuôn chảy đến khô lại, cậu bé vẫn còn sự sống, được cấp cứu sau khi các nhà sư tình cờ đi ngang qua khu rừng phát hiện ra. Cái tên Thiện Nhân của em là do các nhà sư đặt với mong muốn số phận đau đớn, kỳ lạ này sẽ được nhiều tấm lòng nhân ái cưu mang, giúp đỡ. Cậu bé đã mang theo cái tên đó để kiên trì vượt qua những giai đoạn đen tối nhất và biết bao hành trình khó khăn của cuộc đời.

Mẹ nuôi của em là Trần Mai Anh và tôi đã cùng trải qua chặng đường 4 năm giúp Thiện Nhân hòa nhập với cuộc sống và chữa bệnh với ước muốn Thiện Nhân có thể trở thành một người đàn ông bình thường. Nhưng việc có thể hay không khôi phục lại bộ phận sinh dục nam lại là một vấn đề hết sức nan giải và không thể đoán định. Nhiều giáo sư giỏi trên thế giới đã kết luận phải chờ cho đến tuổi dậy thì mới có thể tiến hành phẫu thuật bộ phận sinh dục.

Nhưng có lẽ cũng nhờ điều kỳ diệu như sự sống đặc biệt của cậu bé, chúng tôi đã may mắn gặp được bác sỹ phẫu thuật nổi tiếng người Ý, Giáo sư Roberto DeCastro, người đã có công trình nghiên cứu vĩ đại tái tạo bộ phận sinh dục có thể phát triển cùng với cơ thể của em bé cho đến tuổi dậy thì. Giáo sư đã tiến hành 29 ca phẫu thuật thành công giúp cho các em bé bất hạnh của nhiều quốc gia trên thế giới có được bộ phận sinh dục.

Giáo sư DeCastro và cộng sự của ông đã đồng ý đảm nhận ca phẫu thuật cho Thiện Nhân với một mức chi phí đặc biệt. Tuy nhiên, để có thể thực hiện ca phẫu thuật phức tạp này vào ngày 28 tháng 01 tại Bologna, Ý, chi phí cần thiết lên tới khoảng 75.000 USD.

Tôi kêu gọi sự giúp đỡ của bạn và của cả những người bạn khác để ca phẫu thuật định mệnh có thể thay đổi cuộc đời của bé Thiện Nhân được thực hiện. Nếu có thể, hãy chia sẻ lời kêu gọi này tới những người bạn khác trong cộng đồng của bạn.

Chúng tôi vô cùng cảm ơn tất cả sự quan tâm ủng hộ của các bạn.

Mọi đóng góp xin được gửi tới "The Special Thien Nhan Fund" Việt Nam: Tran Mai Anh & Greig Craft, Số TK: 5690849 tại ngân hàng ANZ, 14 Lý Thái Tổ, Hà Nội; hoặc Trần Mai Anh TK:0011000474142 tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Hoặc bằng séc tới quỹ AIP, để được hoàn thuế, xin đề rõ "For Thien Nhan Surgery" 9039 E. Palms Park Drive, Tucson, Arizona, 85715,USA."

Greig Craft

Chủ tịch Quỹ AIP

Nguon: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-28-daddy-cua-be-thien-nhan-toi-khoc-nhieu-vi-tre-em-viet-nam

Các tin đã đăng:
Về đầu trang