Ở đây, các em mồ côi ngày hai buổi
sáng chiều được đến trường học chương trình phổ thông từ lớp 1 đến lớp
12. Tối thứ 2, 4, 6 chùa mời giáo viên về dạy Anh văn. Trong mái ấm chan
hòa tình thương này, các em nhỏ còn được học vi tính và Phật học cùng
với các cụ già ăn chay, niệm Phật, tụng kinh.
Tình thương của chùa
còn lan rộng, chia sẻ, cưu mang, nuôi dưỡng 60 cụ già neo đơn, không
người chăm sóc tại các xã lân cận. Ở đó, các cụ được quan tâm và đồng
cảm bởi mỗi người mỗi cảnh rất đáng thương, bà Phan Thị Mận bị bệnh
phổi, suyễn; bà Huỳnh Thị Á bị bệnh tim và suyễn, không có và ở nên hàng
tháng chùa quan tâm chăm sóc, lo lương thực thực phẩm, tiền thuốc men,
trả luôn tiền thuê nhà cho các cụ. Chăm lo sức khỏe cho các cụ, hàng
tháng chùa còn tổ chức một bữa cơm dinh dưỡng cho người già, phát quà
tình thương cho các cụ.
Những dịp Tết, người dân nghèo địa phương
không khả năng sắm Tết, chùa lại đứng ra hỗ trợ từ 200 đến 300 hộ; giúp
các em nghèo ăn Tết Trung thu và tặng 1.200 phần quà cho trẻ mồ côi, nhà
nghèo. Thỉnh thoảng, ĐĐ.Thích Truyền Tứ, trụ trì chùa mời bác sĩ các
bệnh viện về khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà hỗ trợ cho người
nghèo quanh vùng. Thương những trái tim đau, thầy lại vận động giúp cho
em Trần Thị Tuyết, Huỳnh Đức Duy bị bệnh tim được phẫu thuật, hiện nay
các em đều khỏe mạnh.
Trong cái khó luôn có cái tình, chùa Huyền
Trang là nơi những người nghèo khó bị tai nạn qua đời hoặc gia cảnh quá
khó khăn đã đến chùa và được chùa lo chu toàn từ áo quan cho tiến hỗ trợ
tinh thần và vật chất. Ông Phạm Tấn Nhựt, ăn xin, không gia đình khi
mất cũng được chùa lo chu đáo hay em Dư Ngọc Tú, sinh viên miền Bắc vào
trọ học bị bệnh, rồi mất tại bệnh viện cũng chở về chùa lo hậu sự trong
nghĩa tình. Và trong năm qua đã có 40 hoàn cảnh đáng thương như thế được
chùa Huyền Trang hỗ trợ.
Không những hoạt động Phật sự tại địa
phương, thầy còn đồng cảm và chia sẻ với những ngôi chùa nghèo các tỉnh
khó khăn, thiếu thốn. Hàng tháng, thầy gởi tiền điều trị bệnh, lương
thực, thực phẩm cho các chùa, cơ sở cô nhi hội người mù tại một số tỉnh.
Chùa Huyền Trang đã chia sẻ khó khăn với 30 chùa mỗi tháng tại các địa
phương... Ngoài ra, các địa phương bị thiên tai, cấp xe lăn, làm cầu
đường, thăm viếng gia đình thương binh liệt sĩ, nạn nhân chất độc da
cam… cũng được thầy đến thăm và tặng quà hỗ trợ.
Xuất thân là đệ tử
của Thiền sư Thích Duy Lực nên ĐĐ.Thích Truyền Tứ tu theo phái Tổ sư
Thiền Lâm Tế Tào Động. Vì thế, hàng tháng chùa tổ chức Thiền thất cho
Tăng Ni, Phật tử từ ngày mùng 1 đến mùng 7 ÂL và vào 4 ngày Chủ nhật của
tháng.
Hiện nay, thầy tham gia Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
với cương vị Phó ban Tài chánh, lo vận động tài chánh để ấn hành Đại
tạng kinh. Tham gia Hội Chữ thập đỏ huyện Nhà Bè với cương vị là Ủy viên
Ban Chấp hành, thầy đã cùng với dược sĩ Nguyễn Thị Bích Liên mời các y,
bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115, Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương, Bình
Dân… đến khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo các tỉnh, thành, vùng sâu
vùng xa.
Ngoài ra, ĐĐ.Thích Truyền Tứ còn là Phó ban TTXH Báo Giác
Ngộ, năm 2007 thầy đã tổ chức 19 chuyến cửu trợ phát quà, xóa cầu khỉ,
tặng nhà tình thương, tặng xe lăn, khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào
nghèo… tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Bến Tre, Đồng Tháp,
Cần Giờ, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Huế, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng
Tàu; tổng trị giá trên 1,353 tỷ đồng. Trong những chuyến đi từ thiện
này, có các mạnh thường quân, Phật tử hảo tâm: Dược sĩ Nguyên Thị Bích
Liên, cô Bảo Đoàn, cư sĩ Thành Long, cô Huỳnh Thị Duyên, Tuyết Anh,
Nguyễn Thị Bảo Đông Gia, Nguyễn Thị Dung, chú Quyền, cô Hoàng, ông
Nguyễn Đăng Nam, cô Thanh Đào, Trúc Thi, Thanh Vân… đóng góp, hỗ trợ
tinh thần và vật chất.
Đi nhiều, thực hiện nhiều chuyến từ thiện giúp
cho người nghèo tại các địa phương, ĐĐ.Thích Truyền Tứ chỉ mong sao có
nhiều Tăng Ni, Phật tử, nhà từ thiện, các nhà hảo tâm, các đoàn thể cùng
chung tay góp sức để công tác này ngày một hiệu quả hơn.
(st)