Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Từ Ngô Bảo Châu nghĩ về trí tuệ Việt Nam
Kim Dung
22/08/2010 10:48 (GMT+7)

Ngày hôm nay, 19-8, hàng tỉ người trên trái đất, trong đó, có hàng chục triệu người Việt Nam ta hồi hộp hướng về Hyderabad (Ấn Độ), nơi sẽ diễn ra Đại hội Toán học thế giới, được tổ chức 4 năm một lần, và chờ đợi đến giờ G để nghe công bố kết quả Giải thưởng Fields. Tại đại hội này, có 20 nhà toán học khắp thế giới được mời báo cáo tại phiên họp toàn thể. Giải thưởng Fields danh giá của toán học (giống như giải Nobel trong khoa học), sẽ được trao tối đa cho 4 nhà khoa học xứng đáng nhất, độ tuổi phải dưới 40.

Trong số 20 nhà toán học được mời, Giáo sư Ngô Bảo Châu là một ứng viên sáng giá của giải thưởng Fields, với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản chương trình Langland, được xếp là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009. Nếu GS Ngô Bảo Châu được nhận giải, thì đây sẽ là một sự kiện rất lớn của đất nước- lần đầu tiên trí tuệ Việt Nam được vinh danh trên trường quốc tế ở đỉnh cao của toán học.

Tư chất + phương pháp GD + môi trường làm việc

Con đường đi, sự thành đạt và thăng hoa trong toán học của GS Ngô Bảo Châu có thể coi là một "hiện tượng", giống như trong âm nhạc là "hiện tượng" Đặng Thái Sơn. Có thể nói, "hiện tượng" Ngô Bảo Châu là phép cộng tổng hòa của 3 yếu tố, mà yếu tố nào cũng đạt tới đỉnh cao: Tư chất + phương pháp GD + môi trường làm việc.

Theo GS. TS Ngô Việt Trung: "Chương trình Langland là một chương trình toán học đồ sộ nhằm thống nhất hình học và số học.  Bổ đề cơ bản là cơ sở cho việc xây dựng một lý thuyết toán học theo chương trình Langland. Nhiều nhà toán học đã tiến hành những nghiên cứu dựa trên việc công nhận trước Bổ đề cơ bản. Với việc chứng minh Bổ đề cơ bản, có thể nói Ngô Bảo Châu đã đưa chương trình Langland bước sang một trang mới. Bổ đề cơ bản đã tồn tại hơn 30 năm mà không có ai chứng minh được.

Nó khó đến nỗi mà khi Ngô Bảo Châu và thầy của mình là GS Laumon mới giải quyết được một trường hợp đặc biệt thì Bảo Châu và GS Laumon đã được nhận giải thưởng Clay (năm 2004). Đây là một trong những giải thưởng danh giá nhất về toán học trên thế giới.

Ngô Bảo Châu còn nhận được giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ châu Âu (2007) và giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (2008).

Sau khi giải quyết được một trường hợp đặc biệt, Ngô Bảo Châu đã tập trung tâm trí để chứng minh Bổ đề cơ bản một cách tổng quát. Thực tế là nhà toán học này đã hoàn thành công trình của mình năm 2008. Nhưng để kiểm chứng công trình gần 200 trang này, các nhà toán học đã mất gần một năm để có thể hoàn toàn khẳng định chứng minh của Ngô Bảo Châu là đúng.


Sinh năm 1972 tại Hà Nội, năm nay 38 tuổi, Ngô Bảo Châu là con trai một của một gia đình khoa học "nòi". Có lẽ, khi sinh ra anh, cái tên Bảo Châu đã được cha mẹ suy ngẫm kỹ lắm để đặt cho đứa con trai báu vật của họ. Cha của anh là Giáo sư, TSKH ngành cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn, (Viện Cơ học). Mẹ của anh là Phó GS, TS Trần Lưu Vân Hiền (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương).

Cũng có thể nói, Ngô Bảo Châu đã sinh ra dưới một ngôi sao may mắn. Tư chất thông minh, kế thừa cái gien của cha và mẹ đã đành, những ngôi trường học tập của Ngô Bảo Châu khi còn nhỏ, lại đều là những trường "đỉnh" của giáo dục.

Anh từng là học sinh tiểu học Trường thực nghiệm Giảng Võ, rồi THCS Trưng Vương, sau đó học tại Khối chuyên toán ĐH Khoa học tự nhiên- ĐHQGHN. Tư chất thông minh, được nuôi dưỡng trong môi trường trí thức của gia đình, lại được học với một đội ngũ toàn những thầy, cô giáo giỏi nổi tiếng, có phương pháp dạy phù hợp năng lực, sở trường: Tôn Thân, rồi Phan Đức Chính, Nguyễn Văn Mậu, Lê Đình Thịnh, Phạm Văn Điều, Phạm Tấn Dương, Nguyễn Xuân My, Đỗ Thanh Sơn, Nguyễn Vũ Lương...Đó chính là bệ phóng lý tưởng cho anh gặt hái những thành quả đầu tiên trong đời.

Ngô Bảo Châu đã đoạt huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế tại Australia (1988) và Cộng hoà Liên bang Đức (1989)- cũng là người Việt Nam đầu tiên 2 lần đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế. Được Chính phủ Pháp đặc cách cấp học bổng vào ĐH Paris 6, 2 năm sau, Ngô Bảo Châu thi vào hệ sau ĐH của École Normale Supérieure de Paris, ĐH danh tiếng nhất nước Pháp, nơi từng đào tạo nhiều nhà bác học Pháp lừng danh.

Đây cũng là nơi một số trí thức Việt Nam ưu tú thế hệ trước như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, Trần Thanh Vân... từng theo học. Ngô Bảo Châu đã đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển năm ấy.

Môi trường đào tạo và nghiên cứu khoa học của những ĐH danh tiếng của đất nước văn minh phát triển, và có được những đồng nghiệp, cộng sự giỏi hợp tác, chia sẻ, một lần nữa, là bệ phóng cho Ngô Bảo Châu tiếp tục gặt hái những thành quả khoa học lớn hơn. Năm 2004, anh được trao tặng giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay cùng với Gérard Laumon vì đã chứng minh được bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita.

GS. Ngô Bảo Châu
Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm GS tại Việt Nam, trở thành vị GS trẻ nhất của Việt Nam thời điểm đó. Anh là GS Toán tại ĐH Paris XI, làm việc tại Viện nghiên cứu Princeton, New Jersey. Sắp tới, từ ngày 1/9/2010 GS Ngô Bảo Châu sẽ làm việc tại Khoa Toán ĐH Chicago (Mỹ).

"Vườn hồng" đã mở nhưng...chưa thể vào?

Sự kiện GS Ngô Bảo Châu vừa về nước thăm gia đình, và tham dự Đại hội Toán học thế giới tại Ấn Độ đã khuấy động lên trong xã hội vốn nhiều bức xúc về giáo  dục, sự phấn chấn và niềm vui. Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và Viện Toán học đều có những động thái cụ thể, vừa trân trọng, vừa kỳ vọng ở Ngô Bảo Châu. Phó TT Nguyễn Thiện Nhân tới thăm Ngô Bảo Châu tận nhà, cho biết, Chính phủ muốn tặng cho GS một căn hộ. Doanh nhân Đào Hồng Tuyển xin tặng GS một biệt thự tại Tuần Châu, Quảng Ninh.

Làm việc với giới báo chí, ông Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán cũng cho biết: "Viện Toán học cũng đã "phá lệ" khi trả cho anh Châu mức cao nhất mỗi khi anh về VN làm việc, tức là bậc lương cao nhất của GS là 8.0, nhân với hệ số. Như vậy một tháng cao nhất là 5 triệu, không bằng tiền một ngày làm việc ở nước ngoài".

Thế nhưng câu chuyện nhà nước ta có định mời GS Ngô Bảo Châu về hẳn để làm việc và đóng góp hay không, vẫn là câu hỏi lơ lửng, chưa ai dám đặt ra...

Tuy nhiên có một tâm lý khá "thức thời" đáng chú ý. Nếu những năm trước đây, người ta thường kỳ vọng ở những Việt kiều tài năng về hẳn để xây dựng đất nước, thì bây giờ, khi trao đổi với nhau, tiên đoán chuyện GS Ngô Bảo Châu có nên về nước hẳn để làm việc không? Đa số đều cho rằng không nên.

Danh sách 20 nhà Toán học được mời báo cáo tại phiên họp toàn thể của Đại hội Toán học thế giới:

1. David Aldous, USA

2. Artur Avila, Brazil

3. R. Balasubramanian, India

4. Jean-Michel Coron, France

5. Irit Dinur, Israel

6. Hillel Furstenberg, Israel

7. Thomas J.R. Hughes, USA

8. Peter Jones, USA

9. Carlos Kenig, USA

10. Ngo Bao Chau, USA

11. Stanley Osher, USA

12. R. Parimala, USA

13. A. N. Parshin, Russia

14. Shige Peng, P.R. China

15. Kim Plofker, USA

16. Nicolai Reshetikhin, USA


Ngay Phó Viện trưởng Lê Tuấn Hoa cũng cho rằng: "Khả năng về nước làm việc 100% là khó, vì điều này không tốt cho bản thân GS Ngô Bảo Châu". Ông Lê Tuấn Hoa nói rõ một điều rất bản chất và rất tiên quyết, sẽ rất khó khăn cho chuyện GS Ngô Bảo Châu "hội nhập" trong nước, vì: "Ngoài điều kiện về lương bổng, ở đó (nước ngoài- NV), anh còn có môi trường là những đồng nghiệp giỏi để cùng làm việc".

Đó là một sự thật, dù có phần cay đắng.

Thông tin của báo giới cũng cho hay, lương của GS Ngô Bảo Châu ở bên Mỹ khoảng 300.000 USD/ năm. Chính xác đến độ nào chưa rõ, nhưng nếu so sánh mức lương hàng trăm nghìn USD với hơn 50 triệu đồng/ năm (mỗi tháng, chính xác là 4,4 triệu đồng), mức cao nhất Viện Toán ưu ái với GS Ngô Bảo Châu, quả là sự so sánh rất "tủi thân".

Với nhà khoa học, tiền bạc vẫn chỉ là một yếu tố, dù rất quan trọng. Quan trọng hơn, nhà khoa học tài năng nào cũng rất cần một môi trường làm việc có những đồng nghiệp giỏi, như ông Lê Tuấn Hoa đã nói.

Toán học, có một may mắn, không quá cần các phòng thí nghiệm kỹ thuật cao, tối tân như các ngành lý, hóa, sinh học...Nhưng "môi trường làm việc" của nhà khoa học, rộng hơn là một nền khoa học nghiên cứu toán học, nhỏ hơn là một cơ quan nghiên cứu, để một nhà khoa học tài năng như GS Ngô Bảo Châu có những đồng nghiệp, cộng sự giỏi cùng hợp tác, liên tục cập nhật với những thành tựu toán học thế giới, thì chắc chắn nước ta rất thiếu.

Cũng theo ông Lê Tuấn Hoa, chỉ tính riêng số lượng, cả nước ta hiện nay, chỉ có khoảng 150 người được gọi là nghiên cứu toán học đích thực (theo đuổi nghề nghiên cứu lâu dài). Số người có bằng cấp về toán học (bằng TS) có khoảng 1.000 người. Trong khi đó, như ở Mỹ chẳng hạn, riêng Công ty Microsoft đã có 1.000 TS toán làm việc, gấp nhiều lần số người làm toán chuyên nghiệp của cả nước Việt Nam.

Nói một cách công bằng, nước ta chưa có nền toán học thực sự, cho dù so với các viện nghiên cứu khác, Viện Toán vẫn là viện có được những kết quả nghiên cứu, thông tin và quan hệ quốc tế khá tốt. Cho dù, trước đây, năm 1967, ông Alexander Grothendieck, người Pháp, 1 trong 4 nhà toán học đầu tiên được trao giải Fields, người được coi là nhà toán học có ảnh hưởng nhất trong nửa sau của thế kỷ 20, khi sang thăm Việt Nam, đã nhận xét "có một nền toán học VN thật sự đúng nghĩa ở nước VN dân chủ cộng hòa". Nhưng không hiểu sao, nền toán học Việt Nam thật sự đó, như ông tiên đoán, vẫn chưa thành sự thực?

Cho dù mỗi năm học sinh Việt Nam rinh về đều đặn một vài huy chương vàng, bạc, đồng toán học quốc tế. Cho dù về xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 50 về toán học trên thế giới.

Với một môi trường nghiên cứu toán học manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay ở nước ta, Ngô Bảo Châu liệu sẽ sáng tạo như thế nào? Đó là chưa kể, trong một cơ chế quản lý xã hội còn khá nhiều bất cập như hiện nay, nếu làm việc trong nước, biết đâu GS Ngô Bảo Châu sẽ phải mệt mỏi vì rất nhiều những cái "phi toán học", khiến GS cũng phải "bổ" chất xám ra, để tính toán, đối phó, thích nghi...và khó còn sức vóc đâu phát triển tiếp cho những công trình lớn như Bổ đề cơ bản chương trình Langland.

Lễ khai mạc kỳ thi Olympic toán quốc tế lần thứ 48.Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu khai mạc. (Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN)
Đó cũng là một sự thật khác, tuy cay đắng.

Và điều cay đắng nữa, trong khi chúng ta kỳ vọng, kêu gọi các trí thức Việt kiều trở về đóng góp cho đất nước, thì ngay trong xã hội ta hiện nay, rất nhiều gia đình, con cái còn thơ bé, nhưng bất lực và mất niềm tin trầm trọng ở nền giáo  dục, họ đã phải cho con em mình đi "tị nạn giáo dục", như cách mà nhà văn Dạ Ngân đã chua xót thốt lên.

Thế nên, một căn hộ cao cấp, một biệt thự xinh đẹp khu nghỉ mát Tuần Châu, mức lương cao nhất mang tính ưu đãi của Viện Toán, là những tình cảm rất đẹp, rất đáng trân trọng và ghi nhận, của nhà nước của xã hội ta, đối với GS Ngô Bảo Châu. Nhưng đó cũng vẫn chỉ là câu chuyện vườn hồng "mở lối"...và vẫn chỉ là "mở lối" thôi...

Kỳ 2: Sự thông minh và sự chậm lớn của người Việt

------------------

* Mượn ý của câu ca dao: "Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào"

- Năm 1966, lần đầu tiên giải Fields được trao cho bốn nhà toán học, trong đó có nhà toán học Pháp Alexander Grothendieck và nhà toán học Mỹ Steffen Smale. Ông Grothendieck được coi là nhà toán học có ảnh hưởng nhất trong nửa sau của thế kỷ 20. Ông Grothendieck đã sang thăm VN năm 1967, giảng một loạt bài về các hướng nghiên cứu toán học hiện đại, chủ yếu về đại số đồng điều.

- Giải Fields được trao lần thứ ba vào năm 1954. Một trong hai người được giải là nhà toán học Nhật Kunihiko Kodaira. Ông có con rể là GS Mutsuo Oka, cũng là một nhà toán học. Ông Oka là một người bạn lớn của toán học VN. Ông Smale được coi là một nhà bác học trong toán học vì ông quan tâm nghiên cứu nhiều chuyên ngành toán học khác nhau, và ở chuyên ngành nào ông đều đạt được những kết quả xuất sắc.

- Đại hội toán học thế giới năm 1970 có hai giải Fields liên quan đến VN. Người thứ nhất là nhà toán học Nhật Heisuke Hironaka. Năm 1968 ông Hironaka dạy về lý thuyết kỳ dị cho các nhà toán học trẻ ở châu Âu, trong đó, có sinh viên Lê Dũng Tráng, sau này trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về lý thuyết kỳ dị. GS Lê Dũng Tráng là người đưa Hội Toán học VN gia nhập Liên đoàn Toán học thế giới, là tổ chức xét và trao giải Fields.

Người thứ hai là nhà toán học Nga Sergey Novikov. Ông Novikov là thầy của Lê Tự Quốc Thắng, huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1982. Hiện nay Lê Tự Quốc Thắng là một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Tôpô chiều thấp.

- Hai người đoạt giải Fields nữa đã sang làm việc ở VN. Người thứ nhất là nhà toán học Mỹ David Mumford được giải Fields năm 1974. Người thứ hai là nhà toán học New Zealand Vaughan Jones, được giải Fields năm 1990.

- Năm 1978 có nhà toán học Pháp Pierre Deligne được giải Fields. Ông Deligne là học trò của ông Grothendieck và là thầy của GS Lê Dũng Tráng (đồng hướng dẫn).

- Đặc biệt hơn, bạn cùng thầy của Ngô Bảo Châu là Laurent Lafforgue cũng được giải Fields năm 2002. Học trò đầu tiên của Lafforgue là Ngô Đắc Tuấn, người từng đoạt huy chương vàng 2 lần thi Olympic Toán quốc tế năm 1995 và 1996. Hiện nay Ngô Đắc Tuấn đang làm việc tại Đại học Paris 13.

- Gần đây nhất có Terence Tao, nhà toán học Úc được giải Fields năm 2006. Tao có mối quan hệ cộng tác thân thiết với Vũ Hà Văn, hiện là một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tổ hợp. Họ đã viết chung 15 công trình và một cuốn sách chuyên khảo. Ngoài ra, Tao có cùng thầy với Dương Hồng Phong, cũng là một nhà toán học VN hàng đầu ở Mỹ. Hiện nay, Tao có một nghiên cứu sinh người Việt là Lê Thái Hoàng, huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1999.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

"Gia phả toán học" giải Fields

Các tin đã đăng:
Về đầu trang