Thuở nhỏ tôi rất thích nghe người lớn kể chuyện. Những câu chuyện kể đưa tôi đi từ thích thú này sang khám phá khác về những bí mật còn ẩn giấu đằng sau bức màn mang tên cuộc sống.
Bác trai kể tôi nghe về những gian nan, khổ ải mà hào hùng, anh dũng trong những năm tháng chiến tranh khi tôi còn chưa được sinh ra. Cô Bốn kể tôi nghe về những kỉ niệm ở miền Bắc khi cô cùng với bác tôi tập kết ra đó theo tiếng gọi của cách mạng.
Cách mạng là một từ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng tôi và cả trong tư tưởng của tôi sau này. Khi còn nhỏ tôi chưa thể hiểu được hết ý nghĩa vĩ đại của hai tiếng đó nhưng nó luôn gợi lên trong tôi một điều gì đó vừa thiêng liêng vừa mạnh mẽ.
Bác dâu của tôi là người gốc Thái Bình. Sinh ra ở quê hương năm tấn nhưng bà buôn bán rất giỏi, cho đến những năm gần đây khi đã tám mươi tuổi thỉnh thoảng bà vẫn "đánh quả" một vài chuyến hàng về đất Bắc, vừa kết hợp thăm quê vừa thỏa chút "máu me" kinh doanh trong lòng. Cũng không có gì nhiều, mỗi chuyến bà thường mang về ngoài đó dăm tấn đậu nành hoặc vài tạ hạt cau khô, thuốc lá liếp...
Bà luôn tự hào về vựa lúa quê hương của mình và cả đức tính "tay làm hàm nhai" nữa. Bà thường bảo bà chẳng bao giờ ăn không của ai cái gì, và khi đó người nghe sẽ ngầm hiểu không dễ ăn không của bà điều gì, người buôn bán thường giỏi tính toán kĩ. Khi bà hào phóng với ai một điều gì thì có nghĩa rằng bà rất rất quý mến người đó. Bây giờ thì bà đã yếu đi nhiều, tuổi tác lấy đi sinh lực và cả niềm vui ngày ngày chợ búa của bà.
Những câu chuyện kể của người thân họ hàng, của những ông bà cụ hàng xóm láng giềng cứ thế bồi đắp cho vốn sống của tôi lớn lên dần theo thời gian.
Tôi không chỉ bắt đầu có tình yêu với cách mạng mà còn yêu những nét đẹp mộc mạc của cuộc sống làng quê, yêu những ngày hè mò cua bắt ốc, yêu những đêm mưa lâm thâm bắt ếch, thả lờ. Giờ thì nhiều người trong số những "pho truyện đời" ấy không còn nữa, những người còn ở lại với đất quê thì cũng đã ở tuổi gần đất xa trời. Những câu chuyện dài hơn tiểu thuyết ấy cứ lần lượt bị xếp lại trong những tấm áo quan khô khan và lạnh lùng như lẽ vô thường của tạo hóa.
Người ta thường nói chết là hết. Có phải hết ở đây là hết buồn vui sướng khổ, hết lo âu, hạnh phúc, giận hờn...? Hay hết là hết bon chen, ganh đua, giành giật thiệt hơn? Có lẽ khó ai có thể có câu trả lời thật thuyết phục về điều đó vì khi số mệnh gọi tên thì có lẽ tất cả điều "một đi không trở lại".
Song có một điều có thể xác quyết, vì có sự chết nên mới có sự sống ở cuộc đời này. Nếu tất cả mọi sinh linh đều trường sinh bất tử thì làm sao chúng ta có thể minh định được rằng mình đang sống và sự sống này quý giá đến nhường nào. Ở đâu đó trên thế giới này có những người "tử vì đạo", họ chọn cái chết để đến với thượng đế và lên thiên đàng. Chúng ta khâm phục sức mạnh của "đức tin" ở trong họ.
Trong những câu chuyện kể mà tôi đã từng được nghe ngoài sự sống còn có rất nhiều cái chết. Khi ai đó lựa chọn sự ra đi từ biệt cõi đời này vì một lý tưởng cao đẹp nào đó thì chúng ta gọi hành động đó là hy sinh cao cả.
Nếu hành động "tử vì đạo" khiến chúng ta khâm phục thì sự hy sinh của những người xả thân vì đất nước phải khiến chúng ta kính trọng và ngưỡng vọng, vì lẽ những cái chết đó là vì hạnh phúc của những người đang sống, nghĩa là hết ở người này để tràn đầy ở những người khác.
Như vậy, cái đẹp đâu chỉ ở bông hoa đang nở, đâu chỉ ở nụ cười trên gương mặt bé thơ, trên má hồng thiếu nữ, cái đẹp có thể hiện diện ở mọi nơi, kể cả cái chết. Những câu chuyện từ tuổi ấu thơ đã dạy cho tôi nhiều bài học quan trọng về cái đẹp như vậy, tất nhiên không phải bài học nào cũng có thể hiểu được ngay. Thời gian chính là thầy của các bậc thầy minh triết nhất.
|
Cái đẹp đâu chỉ ở bông hoa đang nở.
|
Nhiều đợt về quê tôi phải ngậm ngùi tiễn biệt "những cây cổ thụ già nua" về với đất trời, dù vẫn biết "tre già măng mọc" là quy luật của muôn đời. Những pho truyện dần dần chuyển sang trí nhớ của người còn ở lại và có lẽ sẽ còn được truyền tải sang nhiều thế hệ kế tiếp, để khơi gợi trí tưởng tượng của người trẻ về những bí ẩn của kiếp đời, để động viên người trưởng thành trong cơn bĩ cực và hơn cả, chúng là minh chứng sống động cho sức sáng tạo và năng lực vô hạn của con người trong việc khám phá, chinh phục và thích nghi với cuộc sống vốn dĩ nhiều khắt nghiệt.
Khi còn nhỏ tôi rất thích nghe mẹ kể chuyện mỗi đêm để từ từ chìm vào giấc ngủ với hi vọng ngây thơ biết đâu sẽ được trở thành một nhận vật nào đó trong giấc mơ của mình. Mẹ tôi kể chuyện không hay, tôi có thể nói như thế, bà thường kể rất lan man, tản mạn đôi lúc không đầu không đuôi và có phần rối rắm. Chuyện kể còn có phần hơi đơn điệu hoặc cũng có thể vì chúng đã trở nên quen thuộc trong tôi. Và tôi thường rơi nhanh vào giấc ngủ, nhẹ nhàng.
Đã lâu tôi không còn được nghe kể chuyện, những câu chuyện đời xưa kiểu như thế.