Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Sự thật về người kỳ lạ ở Viện lão khoa Trung ương
11/11/2010 07:49 (GMT+7)

Nhiều lúc tôi lại rùng mình nghĩ rằng, một ngày nào đó chính cái thân xác của tôi già nua, bệnh tật, rồi nằm liệt một chỗ. Thế rồi một bàn tay ai đó bắt đầu chăm sóc cái thân xác bệnh tật của tôi, và rồi đến một ngày tôi biết sự thật...

Câu chuyện bắt đầu từ phòng điều trị số 303, tầng 3, Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Sở dĩ tôi có mặt ở đây vì đến trông nom ông anh cả. Sức khỏe bác cả nhà tôi chưa đến nỗi phải cần người chăm sóc từng ly từng tí khi nằm điều trị. Ông anh cả tôi chỉ bị viêm dây thần kinh mắt nên cần nằm truyền kháng sinh liều cao. Những lúc nằm truyền như vậy, tôi muốn ngồi cùng bác ấy trò chuyện cho đỡ buồn.

Và trong vòng hơn 7 ngày ngồi trò chuyện với bác ấy tôi đã chứng kiến câu chuyện này. Trong phòng điều trị còn hai bệnh nhân, đều mắc căn bệnh tai biến mạch máu não, nằm liệt hoàn toàn. Cụ thứ nhất có tới 6 người con cả trai cả gái. Họ đến mỗi ngày 3 người, ngồi kín cả hành lang, trò chuyện rôm rả về bệnh tật của cụ, thỉnh thoảng họ cũng tranh cãi nhau về cách chăm sóc một người liệt.

Tôi đã có một bài học - bài học tuyệt vời về lòng hiếu thảo của con người. Ảnh: tintuc.xalo.vn


Tôi quan sát và thật sự cảm động, thầm nghĩ rằng, người cha này có phúc lớn, lúc ốm đau con cháu kéo đến cả đàn, tranh nhau chăm sóc. Có lẽ đời người như thế là viên mãn. Khi bệnh tật đang dần cướp đi tất cả thì cái "năng lượng" của con cháu trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Cụ nằm thở thoi thóp, hình như không còn biết gì nhưng tôi thấy rõ sự yên bình trong cách "ngủ" của cụ. Chỉ cần tay cụ động một chút thì ngay lập tức một người con reo lên: "Tay bố động rồi này, gọi bác sỹ ngay!", thế rồi họ chạy rầm rầm, í ới gọi bác sỹ...

Khuôn mặt của mấy đứa con cụ thật rạng ngời, chứa chan hi vọng về sự hồi phục của cha mình. Đôi lúc một trong số họ quay sang cười nói với tôi: Cụ nhà tôi lúc còn khỏe là tham việc lắm, chẳng bao giờ cụ chịu ngồi yên, 84 tuổi mà vẫn cứ đòi ra đồng, nếu không bị tai biến thì giờ này cụ đang ngoài ao cá... Họ nói hồn nhiên, say sưa như muốn quên đi hiện tại - quên đi rằng cha mình đang bị liệt. Có lẽ họ muốn quay về quá khứ, về cái ngày mà cha họ còn khỏe, đơn giản vì họ yêu cha mình thật sự.

Đó là chuyện của cụ thứ nhất, ngay bên cạnh cũng một cụ nằm liệt như thế nhưng xem chừng nặng hơn bởi cụ hầu như không cử động chút nào, chỉ khò khè thở. Chỉ nhìn qua cũng biết được cụ thuộc tầng lớp giàu có vì xung quanh giường của cụ toàn những thứ đắt tiền: đệm đặc chủng cho người bị liệt (loại này bệnh viện không có), máy thở đặc chủng (nghe nói họ thuê riêng) và vô vàn thứ đặc biệt khác.

Nhưng đặc biệt hơn chính là người chăm sóc cụ - chỉ duy nhất một thiếu phụ chừng 40 tuổi. Trái ngược với sự đông đúc, ầm ĩ của người nhà bệnh nhân bên cạnh, người thiếu phụ này chăm sóc bệnh nhân một cách kỳ lạ. Sự kỳ lạ ở chỗ chị ấy hết sức thành thạo mọi việc: lau rửa, cho ăn, kiểm tra, bôi thuốc... nhưng kỳ lạ hơn chính là cách trò chuyện cực kỳ thân mật của chị. "Con cho ông ăn nhé! Trời ơi, chân ông lại loét rồi này, từ từ nhé con cho ông nằm nghiêng nhé! Ông thấy thoải mái hơn không!?" - cứ thế vừa làm chị ấy vừa nói thật âu yếm.

Tình yêu thương lẫn nhau là món quà lớn nhất của cuộc sống. Ảnh: tin247.com

Tôi xúc động với bệnh nhân kia bao nhiêu thì thán phục đến rớt nước mắt với chị ấy bấy nhiêu. Tôi tự nhủ rằng, cụ này còn phúc hơn cụ kia trăm lần. Có được một cô con gái thế này trên đời thật hiếm. Đám con cháu của cụ bên kia chỉ chiếm số đông, nhưng đa phần vụng về không thành thạo việc chăm sóc người nằm liệt, đặc biệt là công đoạn thay "bỉm", hoặc ống nước tiểu được gắn liền với bộ phận sinh dục của cụ. Họ loay hoay, tranh cãi, đôi lúc làm rối tung mọi việc.

Những lúc như thế người thiếu phụ ở giường bên kia liền hướng dẫn, hoặc tự tay giúp họ. Chị vừa làm vừa giải thích: Muốn thay phải nâng người cụ lên thế này, lúc lau phải dùng khăn thế này, dùng loại dung dịch này, cái ống nước tiểu phải lắp thế này... Bàn tay khỏe mạnh và rất khéo léo của chị thật thành thạo công việc. Đám con cháu chiếm số đông ấy cứ ngượng nghịu đứng ngẩn tò te.

Tôi cũng ngẩn tò te nhìn chị làm cái công việc hết sức khó khăn ấy. Tôi lại thầm nghĩ rằng, có lẽ cha chị ấy đã nằm liệt lâu nên mới có nhiều kinh nghiệm chăm sóc như vậy. Nhưng đó mới chỉ là kinh nghiệm, cái làm tôi xúc động chính là cách chị trò chuyện với người bệnh. Có một cái gì đó thật sự yêu thương - tình yêu thương kiên trì vô cùng của chị. Tôi cũng tò mò hỏi chị về cụ: "Ông nằm liệt bao lâu rồi chị?". "3 năm rồi, đây là lần đột quỵ thứ hai..." - chị trả lời thản nhiên.

Tôi rất thắc mắc rằng vì sao đã 5 ngày liền tôi không thấy bất cứ ai ngoài chị đến chăm nom cụ, nhưng tôi lại nghĩ chuyện này không nên hỏi. Nhưng tò mò quá không đừng được, tôi thốt lên: "Có mỗi mình chị chăm sóc cụ thôi à?". "Ừ, họ bận cả..." - chị trả lời nhát gừng ý như không muốn nói chuyện này, tôi đành im lặng và tiếp tục quan sát người phụ nữ đáng ngưỡng mộ này.

Ngày hôm sau, vẫn một mình thiếu phụ ấy bên cụ. Lần này chị đang loay hoay chuyển tư thế nằm cho cụ. Dù khá khoẻ mạnh, nhưng việc vần một bệnh nhân nằm liệt hoàn toàn và khá béo như thế cũng khiến chị toát mồ hôi. Tôi nhanh nhảu đến giúp chị thì ôi thôi! Cái lưng của cụ đã bị loét ra nhiều chỗ, đặc biệt là hai cái mắt cá chân thì gần như thối rữa dù người bệnh nằm trên cái đệm đặc biệt có tác dụng chống loét.

Khi đã vần được cụ nằm nghiêng, chị bắt đầu dùng thuốc khử trùng cẩn thận lau những chỗ loét ấy. Thú thực tôi phải cố gắng lắm mới đủ sức đứng nhìn chị lau rửa. Chị vừa làm vừa nói âu yếm: Khổ thân chưa, chắc đau lắm ông nhỉ!? Con đã bảo rồi, lúc nào đau thì mở mắt để con biết... Khổ thân ông của con quá...! Cứ thế chị nỉ non, như nói cho người bệnh, như nói cho chính mình nghe. Người bệnh thì hoàn toàn như không biết gì, ngoài việc ngậm cái ống bơm thức ăn ở miệng, đôi mắt vẫn nhắm nghiền, những vết loét kia hình như không phải trên da thịt mình...

Tôi bắt đầu chuyển từ sự xúc động sang thắc mắc. Đã 6 ngày nay chỉ một mình chị ấy chăm sóc cha mình, mà đã 3 năm nay như vậy thì thật đáng khâm phục. Có lẽ anh chị em nhà chị ấy bận hoặc giao phó công việc không muốn làm này cho mình chị. Tôi đã từng chứng kiến nhiều gia đình đông anh chị em có cha mẹ bị ốm. Họ đùn đẩy nhau, trách móc nhau, tố cáo nhau... tất cả chỉ muốn tránh cái việc chăm sóc bậc sinh thành ra mình. Có người còn trốn biệt như việc đó không liên quan đến mình. Và đôi khi chính tôi cũng cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm với cha mẹ. Tôi thật sự khâm phục người thiếu phụ này.

Bỗng chốc căn phòng điều trị vốn nhiều sự não nề trở nên ấm cúng lạ thường. Ông cả nhà tôi cứ ngồi trầm ngâm nhìn người thiếu phụ. Đôi mắt giàu kinh nghiệm của ông hình như cũng đang có cùng suy nghĩ như tôi. Nhiều lúc bẵng đi vài tháng tôi thật sự quên rằng mình đang có một người mẹ già ở quê, tất nhiên chính tôi lại tự biện hộ ngay rằng, mẹ mình còn khoẻ, mình bận rộn thỉnh thoảng quên cũng chẳng hề hấn gì, công việc mà...

Thỉnh thoảng mẹ tôi chủ động gọi điện hỏi thăm tôi mới giật mình thấy xấu hổ. Có lẽ lâu quá tôi không gọi về nên mẹ lo lắng, câu đầu tiên bao giờ mẹ tôi cũng hỏi: Con bận lắm à? Mỗi lần như vậy tôi lại thấy mình thật tồi tệ, chưa làm tròn chữ Hiếu với bậc sinh thành.

Và bây giờ tôi chứng kiến những con người này: một đàn con đông đúc, tranh nhau chăm sóc cha; một người thiếu phụ kỳ lạ, lúc nào cũng âu yếm chăm sóc người bệnh, tôi chưa hề thấy một dấu hiệu nào về sự chán nản, thất vọng, hay cáu gắt trên khuôn mặt chị ấy suốt 6 ngày liền. Bằng ấy đủ để chứng minh rằng, sự cẩn trọng, tỉ mỉ, âu yếm của chị là thật.

Tôi suy nghĩ miên man về điều này. Tự nhiên thấy mình thật sự bé mọn vì luôn hoài nghi những điều xung quanh. Báo chí đã viết nhiều về những sự bất hiếu, vô đạo đức, đối xử lạnh lùng... với người thân khi họ mắc bệnh, hoặc quá già. Vì thế tôi luôn mang trong đầu óc phán xét, hoài nghi mỗi khi tiếp cận những hoàn cảnh tương tự vậy. Nhưng lần này tôi đã có một bài học - bài học tuyệt vời về lòng hiếu thảo của con người.

Tôi vẫn miên man suy nghĩ và ngắm nhìn người thiếu phụ đầy ngưỡng mộ này thì đột nhiên từ cửa phòng bệnh xuất hiện một người phụ nữ. Chị ta ăn mặc sang trọng, trang sức đeo khắp người, chỉ nhìn qua cũng biết là người giàu có. Chị ta đi thẳng đến giường bệnh, một tay bịt mũi hất hàm hỏi người thiếu phụ: "Cụ thế nào? Có khá hơn không?". Người thiếu phụ nhoẻn cười: "Vẫn thế, được cái không bị trớ lúc ăn...". Chị ta cũng không thèm ngồi xuống chỉ đứng từ xa nhìn người thiếu phụ đang lau rửa chỗ loét, tay vẫn bưng lấy mũi, khuôn mặt sang trọng hằn rõ sự khó chịu.

Cũng chỉ vài phút sau chị rảo bước ra ngoài, rồi đi thẳng. Lúc này người thiếu phụ mới nói: "Con gái cụ đấy, thỉnh thoảng mới đảo qua, họ bận lắm...". Tôi trố mắt hỏi dồn: "Thế còn chị?". Người thiếu phụ mắt vẫn không rời những chỗ loét, bàn tay mạnh khoẻ và khéo léo của chị vẫn lau rửa và thủng thẳng trả lời: "Không, tôi là người làm thuê thôi. Tôi làm nghề này lâu rồi, nhưng chắc sang năm nghỉ, họ nói mãi tôi mới ở lại đấy...". Tôi thấy mình như bị một cái tát vào mặt! Hoá ra là vậy, tôi đã nhầm và tôi không có được bất cứ bài học gì. Tôi nhầm! Lạy Phật tôi nhầm lẫn!

Tác giả: A Sáng
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang