Thời gian như mãi mãi bí ẩn, vì thế câu trả lời nổi tiếng của Oedipe về thời gian của đời người trước câu đố của con quái vật Sphinx xem ra chỉ mới chạm vào bề mặt một quy luật tất yếu về dòng chảy thời gian của đời người.
Hàng ngàn, hàng ngàn năm qua, con người vẫn nghĩ không gian và thời gian như những thực thể tuyệt đối, đứng ngoài sự vật, đồng tính (homogène) và trước sau y hệt như nhau cho tất cả mọi người, mọi vật (“Chữ Thời”, Kim Định, 1967). Nhưng mọi việc đã thay đổi trong những năm mở đầu cho thế kỷ 20 vĩ đại. Năm 1905, một anh chàng nhân viên vô danh của một văn phòng cấp bằng sáng chế, phát minh ở Thụy Sĩ mới 26 tuổi đã công bố một bài báo khoa học dài độ 20 trang làm thay đổi nhận thức khoa học của cả loài người.
Đó là Albert Einstein với một lý thuyết mới - mà người ta thường gọi là thuyết tương đối. Một điều lớn lao khác của thuyết này với phương trình nổi tiếng E = mc2, là nó đã mở ra một cuộc cách mạng về không gian và thời gian. Nó đánh dấu chấm hết về quan niệm về thời gian tuyệt đối.
Tôi bắt đầu đọc cuốn “Những giấc mơ của Einstein” (Lê Chu Cầu dịch, NXB Hội Nhà văn và Cty Nhã Nam xuất bản 2006) trên một chuyến bay về phương Nam. Cũng như phần lớn dân số trái đất này, tôi không hiểu gì nhiều về thuyết tương đối và cũng chỉ mới đọc một tập sách mỏng các bài viết của chính Einstein. Cả hàng giờ trên máy bay tôi mới đọc hết mấy trang “vào truyện”, nhưng hiểu rằng, với mình, “Những giấc mơ của Einstein” là không thể không đọc đi đọc lại và nó là một cuốn tiểu thuyết thật hay về thời gian, về Einstein.
Tác giả cuốn sách này - trước đó - cũng gần như vô danh. Alan Lightman (sinh năm 1948) là một nhà khoa học vật lý Mỹ đã xuất bản một số cuốn sách, nhưng chỉ đến khi cho ra mắt “Những giấc mơ của Einstein”, ông mới được bạn đọc của nhiều nước biết đến.
Tôi cứ nghĩ, viết được cuốn sách này thì tác giả vừa phải là nhà vật lý, nhà văn, và phải từng trải nữa. Người viết quá hiểu rằng đời người ngắn ngủi, viết lại ham hố nhiều, lấy đâu thời gian đọc sách, nên chỉ hơn 150 trang khổ nhỏ. Cuốn sách đầy nỗi ám ảnh và day dứt về thời gian được viết bằng văn phong trong sáng, nhỏ nhẹ, khá “cổ điển”.
Mỗi một chương được đặt tên bằng một dấu ấn thời gian lựa chọn như vô tình, để nói về khoảng thời gian hơn hai tháng với “những giấc mơ” trước khi Einstein đưa ra bài viết đầu tiên về thuyết tương đối. Mỗi một chương đều muốn nói với bạn những câu hỏi, những cảm nhận sâu sắc về thời gian. Tôi đã từng bị ám ảnh về câu hỏi của nhà vật lý S.Hawking trong “Lược sử thời gian” rằng: “Tại sao chúng ta chỉ nhớ quá khứ mà không nhớ tương lai” thì ở cuốn sách này Alan Lightman nêu ra những câu hỏi muôn thuở nhưng vẫn lôi cuốn, quyến rũ người đọc.
Có thể trích dẫn ra nhiều câu, nhiều trang viết không dễ gì có được: “Có một chốn, mà nơi đó thời gian đứng yên. Ở đấy, hạt mưa lơ lửng trong không khí, con lắc đồng hồ chỉ lắc qua một phía, những con chó nghếch mõm sủa câm lặng, khách bộ hành đứng như chết cứng trên những con đường bụi bặm, chân co lại như bị cột dây...”.
Cứ nhớ những lời của tác giả để thấy rằng sẽ không phí thời gian khi đọc cuốn sách mỏng nhưng thật đầy đặn này: “Theo thời gian, quyển sách Cuộc đời dày đến nỗi người ta không thể đọc từ đầu đến cuối được nữa. Người ta đành phải chọn lựa. Những ông già, bà cả chọn đọc, hoặc những trang đầu để biết thời trẻ mình là ai, hay phần cuối để biết sau này mình thành ai. Có người hoàn toàn thôi không đọc nữa. Họ từ bỏ quá khứ...”.
Với cuốn sách của Alan Lightman, chắc chắn nếu đã đọc, bạn sẽ đọc từ trang đầu đến trang cuối.