"Tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành trước mọi ý kiến dù ủng hộ hay phản đối, khen hay chê, thương hay ghét của bạn bè, cũng như bạn đọc gần xa đến cá nhân tôi và Trung Nguyên " Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu lên tiếng sau những dư luận trái chiều xung quanh cuốn sách Tài năng và Đắc dụng.
Kính gửi quý bạn đọc gần xa!
Vào ngày 10 tháng 05, báo Sài Gòn Giải Phóng có đăng tải bài báo nhan đề "Sách về nhân tài- Choáng!" của Minh An. Bài viết phản ánh những nhận định theo hướng phê phán của tác giả về nội dung cuốn sách có tựa "Tài năng và đắc dụng" do Nhà XB Chính trị Quốc gia xuất bản, đặc biệt là sự xuất hiện của tôi- Đặng Lê Nguyên Vũ- trong cuốn sách này.
Sau đó, trên hàng loạt các báo giấy và nhất là trên các trang mạng internet đã nổ ra những cuộc tranh luận với rất nhiều ý kiến đa chiều hướng đến cá nhân ĐLNV, cũng như Tập đoàn cafe Trung Nguyên một cách sôi nổi. Thậm chí có nơi, có chỗ các ý kiến tranh luận hết sức mạnh mẽ và gay gắt. Đây là lúc tôi, với cả tư cách cá nhân là người trong cuộc, lẫn tư cách người đại diện Trung Nguyên xin được bầy tỏ ý kiến.
Một lần nữa, tôi phải khẳng định rằng mình không hề cung cấp về tài chính cũng như không can thiệp về mặt nội dung trình bày, mà chỉ cung cấp thông tin đầu vào cho một công trình nghiên cứu khoa học. Chúng tôi hoàn toàn không kiểm soát được kết quả đầu ra đối với công chúng. Cuốn sách đã là "khởi nguồn" cho làn sóng các ý kiến phản biện.
Nhưng trên hết, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành trước mọi ý kiến dù ủng hộ hay phản đối, khen hay chê, thương hay ghét của bạn bè, cũng như bạn đọc gần xa đến cá nhân tôi và Trung Nguyên.
Một con người lành mạnh là một con người biết lắng nghe mọi ý kiến góp ý. Một tổ chức lành mạnh là một tổ chức mà các chính kiến được trao đổi thẳng thắn. Một xã hội lành mạnh là một xã hội mà ở đó có sự tự do phản biện để cùng sửa cái sai, vun trồng cái đúng.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Tập đoàn cafe Trung Nguyên
Như vậy thì sự tranh luận vừa qua rõ ràng là tốt cho bản thân tôi, cho Trung Nguyên, và phần nào là cho sự phát triển của xã hội ta nói chung. Bởi theo tôi, một xã hội văn minh là một xã hội luôn có được sự phản biện tích cực, cùng hướng đến một cơ cấu kinh tế và pháp luật hiệu quả, với một nền tảng khoa học và công nghệ ngày càng cao.
Chúng tôi càng ý thức hơn rằng các quan điểm và ý kiến của mọi người, dù dưới những biểu hiện tiêu cực nhất của trách móc, phê phán, gán ghép,... đều nhằm đả phá những thói xấu, những cái tiêu cực chứ không phải là dành cho một cá nhân cụ thể là tôi.
Đúng là để có một xã hội tốt, chúng ta phải chống lại "sự tự mãn và háo danh vô lối", "quyền lực vô độ của đồng tiền - có tiền mua tiên cũng được", "vừa thiếu thực tiễn vừa thiếu khoa học trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu",... đều là những vấn đề nhức nhối mà xã hội cần lên án, phải đấu tranh.
Hơn thế, phản biện có văn hóa hay văn hóa của phản biện là vô cùng quan trọng. Có lẽ sẽ là quá định kiến nếu chúng ta cứ mặc định rằng có khát vọng là háo danh, cứ có nhiều tiền là xấu, cứ có học hàm - học vị thì chỉ là hình thức, mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền.
Trong văn hóa phản biện thì tính mục đích của phản biện là quyết định nhất. Chúng ta đang thực sự lên tiếng để chống lại cái gì đây? Chống cái đó để xây nên cái gì, để chúng ta cùng đi đến đâu đây, cuối cùng là chúng ta muốn điều gì xảy ra ở đây?
Xin được nêu rằng mục đích của chúng ta cần là phải hoàn thiện bản thân, đoàn kết dân tộc, bảo vệ đất nước, phát triển xã hội, xây dựng vị thế xứng tầm cho Việt Nam trong thế giới cạnh tranh toàn cầu hóa hiện nay. Ngoài ra, đâu còn mục đích nào xứng đáng và tốt đẹp hơn để chúng ta dành thời gian và tâm sức phản biện, phải không các bạn?
Một cá nhân, cũng như một tổ chức hay một quốc gia sẽ không là gì cả nếu không có khát vọng vươn lên đối mặt và chinh phục thử thách. Thử hỏi mọi thành công ở mọi cấp độ tự cổ chí kim đến nay có thành công nào không bắt đầu từ khát vọng.
Khát vọng đó cần được chúng ta khuyến khích và nuôi dưỡng cho một tương lai ngày một tốt đẹp hơn chứ không phải là bó gọn trong những khuôn mẫu của quá khứ. Vậy thì có khát vọng cá nhân nào lại có thể nằm ngoài và không phụng sự cho lợi ích của quốc gia và dân tộc?
Có khát vọng nào được nằm ngoài những thử thách mà quốc gia và dân tộc mình phải đối diện trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hóa hiện nay, trong bối cảnh mà "biên giới mềm" của hàng hóa và văn hóa ngày càng trở nên quan trọng?
Chúng ta đã thấy những giai đoạn được coi là phát triển thần kỳ về kinh tế và văn hóa của Nhật Bản vào những năm 60, của 4 con Rồng châu Á vào những năm 70-80, giờ đây là Trung Quốc, Ấn Độ, những người khổng lồ rất gần gũi với Việt Nam. Câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta là đến bao giờ thì Việt Nam có một giai đoạn cất cánh thần kỳ như vậy?
Hay là chúng ta chấp nhận là sẽ không bao giờ? Hay đó là việc làm của các bậc vĩ nhân nào đó chứ không phải "thường nhân" như chúng ta. Người Nhật, người Hàn, người Singapore, người Trung Quốc, người Ấn Độ,... cùng làm được mà sao chúng ta không thể?
Nhìn rộng hơn trên bản đồ thế giới, Israel, các quốc gia Bắc Âu, New Zealand... cũng là các quốc gia không có lợi thế lớn về mặt quy mô lãnh thổ và dân số, điều kiện tự nhiên so với Việt Nam... nhưng trình độ phát triển luôn khiến cả thế giới phải khâm phục.
Lùi xa hơn nữa trong lịch sử cận đại ta có Hà Lan với diện tích rất nhỏ, dân số trên dưới 1 triệu người, mà đã từng kiểm soát phần lớn thương mại toàn cầu, có thuộc địa ở khắp 5 châu,... Bất cứ quốc gia dù nhỏ bé hay yếu thế đến đâu nếu có khát vọng thì đều có thể làm nên những điều phi thường.
Nếu không dám có hùng tâm mà tranh đua, thì hẳn là chúng ta đã đương nhiên cam phận mà đầu hàng trước một cuộc cạnh tranh toàn cầu hóa. Vị thế của Việt Nam sẽ ở đâu? Một khi biên giới mềm của hàng hóa và văn hóa không còn thì lấy gì để bảo đảm rằng những biên giới truyền thống của không gian, của biển đảo, của đất liền có thể còn nguyên vẹn cho chúng ta và con cháu sau này?
Cạnh tranh để phát triển trong toàn cầu hóa là một cuộc chiến thật sự khốc liệt. Thử thách càng lớn, đòi hỏi chúng ta càng phải đoàn kết hướng ra đua tranh với bên ngoài chứ không phải quay vào bên trong mà bình luận và phê phán lẫn nhau.
Toàn cầu hóa là một thử thách đối với trí tuệ, bản lĩnh và giá trị Việt Nam. Hoặc là chúng ta "tạo lực, mượn thế" được toàn cầu. Hoặc là trở thành đối tượng để toàn cầu tận khai tận dụng, nhất là các "gã lớn, kẻ mạnh" chỉ dành cho chúng ta những vị trí thật thấp hoặc thậm chí là không có trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trí tuệ Việt Nam phải đủ sáng và đủ tỉnh để nhận diện được các dòng chảy lớn của thời đại. Để không mắc sai lầm về mặt chiến lược đi theo các mô hình phát triển cũ thiên về vật chất mà thiếu tính bền vững trong tổng thể với văn hóa và môi trường. Không đi theo quyền lực cứng đã suy yếu về hiệu lực và ngày càng trở nên nguy hiểm để phát triển theo quyền lực mềm - quyền lực thông minh.
Bản lĩnh Việt Nam phải thể hiện được khả năng thực thi để đưa đất nước phát triển xứng tầm, đóng góp vào những phân đoạn quan trọng và có giá trị cao trong chuỗi giá trị của nền kinh tế mới, không rơi vào cuộc chơi được - mất, thắng - thua của bất cứ các thế lực bá quyền nào.
Khi đó, chúng ta có thể từng bước đóng góp những giá trị của Việt Nam vào sự phát triển của thế giới, đó có thể là giá trị nhân văn, tính sáng tạo, an ninh lương thực,...
Cá nhân tôi và Trung Nguyên dù có trăn trở, nỗ lực và thành tựu đến đâu cũng là rất nhỏ bé so với khát khao vượt qua thách thức lớn - thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, và giá trị Việt Nam. Nhưng chúng tôi tin rằng, từ những cá nhân, tổ chức, sản phẩm nhỏ bé mang trong mình khát vọng lớn đó, chúng ta sẽ cùng tạo nên được một Việt Nam phát triển một cách thần kỳ và bền vững trong một tương lai không xa.
Một lần nữa, xin chân thành cám ơn sự góp ý, trao đổi thẳng thắn của quý anh em, bạn đọc gần xa!
Đặng Lê Nguyên Vũ
(Bài đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet ngày 1/6/2011)