Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ngộ ra luật Nhân Quả từ thảm họa thiên tai tại Nhật Bản
TS. Lê Thị Chiêng
19/03/2011 22:09 (GMT+7)


Trong ba cái độc thì tham là yếu tố đầu tiên, vì nó mà có hai cái độc theo sau. Tính tham của con người: tham vô độ, tham tàn bạo đã đưa con người đến thảm họa khôn lường.

Thiên (địa, thủy) tai, gọi chung là nhiên tai đều có gốc rễ từ con người tức nhân tai. Nói cách khác nhiên tai là sự báo ứng nhân quả cho việc làm của con người.

Thảm họa động đất (Địa tai) sóng thần (Thủy tai) ở Nhật Bản ngày 11/3/2011 vừa qua là sự vận động của năng khí trong lòng Trái Đất một cách bất thường dưới đáy biển tạo ra một trường lực cực lớn.

Nếu hướng vận động của trường lực theo phương thẳng đứng thoát lên khỏi mặt nước thì tạo ra khối áp thấp và tùy thuộc vào độ mạnh yếu của năng khí mà áp thấp phát triển thành bão hay nhanh chóng kết thúc (tan đi). Nếu hướng vận động của trường lực theo phương nằm ngang thì tạo ra sóng thần. Sóng thần mạnh hay yếu cũng phụ thuộc vào trường lực do năng khí tạo ra.

Sự vận động của năng khí trong lòng Trái đất vốn tự nhiên theo qui luật (bù trừ) của nó thì không có sự bất thường.

Sự bất thường chỉ xuất hiện khi sự vận động của năng khí trong lòng Trái đất bị tác động bởi một lực bất thường phi tự nhiên. Chẳng hạn như lòng đất, đáy biển khắp nơi bị khoét lấy khoáng sản, đến cả nước ngầm nữa, khiến cả một vỉa địa tầng bao bọc Trái đất dần dần bị yếu đi, không ổn định, bất cân xứng.

Đôi lúc cũng đã xảy ra những đợt sóng thần báo hiệu tình trạng này, nhưng mọi sự đã muộn, người người lao vào say sưa khai thác không dừng được nữa. Rồi cái ngày định mệnh đó đã đến, khi mà áp lực cực mạnh của cả bể nham thạch lỏng sôi bỏng khổng lồ dưới sâu từ trong tâm địa cầu bùng lên.


Sóng thần đổ bộ vào một tuyến phố ở thành phố Miyako, Iwate.

Con người bằng hành động của mình không chỉ gây ra sự bất thường cho sự vận hành của năng khí trong lòng Trái đất mà còn cả trên bề mặt và bên ngoài Trái đất.

Những công trình thủy điện, công trình xây dựng…với một thế giới bê tông sắt thép, của cả đại dương bao la, núi đá hùng vĩ có trọng lực khủng khiếp từ phía trên nén xuống, đổ ập xuống chính cái lớp vỏ bao bọc yếu ớt đó. Chất thải công nghiệp đã tác động không nhỏ đến sự vận hành năng khí Vũ trụ. Kết quả đã nhận thấy là khí hậu biến đổi, nhiệt độ tăng lên, nhiều thiên tai hơn.

Nhiên tai là sự dội lại của Thiên nhiên vào kết quả hành động của con người vì tính tham và thỏa mãn lòng tham để lại hậu quả bấy nay cho Trái đất. Con người càng xâm hại thiên nhiên để thỏa mãn tính tham bao nhiêu thì càng hứng chịu hậu quả của thảm họa bấy nhiêu. Động đất ở Haiti vừa qua và nhiều nơi trước nữa trên thế giới đều là hậu quả hành động tàn phá tự nhiên của con người.

Do không hiểu luật tự nhiên của thiên / địa nhiên con người đã làm ra thuật Phong thủy để chế ngự sự chuyển năng. Thuật Phong thủy làm cho con người mê muội chạy theo Quỉ Ma, khó tìm được đường về với Tiên Thánh. Thảm họa thiên nhiên là bắt đầu sự hủy diệt. Thảm họa càng lớn, tốc độ hủy diệt càng nhanh. Những nơi nào tàn phá thiên nhiên càng nhiều càng gặp lắm tai họa, càng những nơi hoang sơ độ an toàn càng cao.

Trong mấy ngày qua từ ngày 11/3/2011 đến nay đã có bao người trên thế giới kinh hoàng và thán phục người Nhật trước thảm họa nhiên tai. Triệu triệu con tin thương cảm đang hướng về Nhật Bản kèm theo sự đóng góp dù nhỏ nhoi vừa chia sẻ khó khăn vừa động viên những người gặp nạn nhanh chóng phục hồi.


Cảnh đổ nát thường thấy ở những vùng bị ảnh hưởng bởi động đất/sóng thần tại Nhật.


Quân đội được triển khai giữa chiến trận động đất/sóng thần để lại.

Không có một quốc gia giàu có nào trên trái đất này lại phải chịu nhiều trận động đất khủng khiếp như nước Nhật (1923, 1927, 1942, 1943, 1944, 1946, 1948, 1995, 2011).

9 trận động đất lớn trong vòng 90 năm – trong đó có trận động đất san bằng Tokyo, làm hơn 100.000 người chết (1923)(!)

Nếu có thể dùng chỉ một từ để nói về khả năng chịu đựng - phục hồi - nhanh chóng thành công, phát triển của người Nhật thì đó là hai chữ phi thường. Không có dân tộc nào gan góc và thành công đến thế bởi đối với dân tộc đó, thảm hoạ thiên nhiên được coi như một phần của cuộc sống, lẽ sống bình dị, thiết tha.

Người Nhật biết rất rõ rằng cướp bóc, hoảng loạn khi có tai ương, hiểm hoạ, khi hàng triệu người khác đang bị đau khổ, lầm than là sự nhục nhã về nhân cách, sự tha hoá về đạo đức.

Họ cũng hiểu rất rõ rằng không thể làm giàu trên nỗi đau của đồng bào mình bởi vì đó là tội ác, rằng lòng tham vô cảm, chễm chệ ngồi trên mọi tiếng than van là bản năng của thú tính, của mọi điều không thể giống với chất người cao đẹp, đáng phải trân trọng, giữ gìn.

Thái độ của người Nhật như ta thấy là do họ ngộ ra được luật Nhân quả. Được nhiều mất lắm là lẽ đương nhiên.

Trong thảm họa vừa xảy ra, người chết là được thoát, người sống chịu gánh nặng hậu quả. Nếu hiểu rằng sau khi chết mọi người đều bằng nhau chỉ có sự khác biệt giữa họ là đạt được tiến hóa về tinh thần thì không ai tham để không tạo nghiệp.

Tinh thần so với Vật chất như Không so với Có. Người có tiến bộ về mặt tinh thần sau khi chết đi tinh thần vẫn còn đó do mang theo được sau khi chết. Ngược lại người giàu có về vật chất khi chết không mang theo được gì nên sau chết lại về không.

Khi đối mặt với thảm họa thái độ tinh thần của con người như thế nào mới là quan trọng: chia sẻ cùng nhau, giúp nhau đứng dậy hay tạo thêm khổ cho nhau. Nhiên tai tạo ra trạng thái bình đẳng tuyệt đối giữa loài người nên nó là thước đo đức hạnh của từng người. Nhiên tai cũng là phương tiện diệt bỏ tính tham của con người, là phương pháp đốn ngộ hiệu quả nhất.

Sự tham lam khiến con người khổ không chỉ trong từng khắc giây, từng giờ, từng ngày, từng năm mà từng đời người, cuối cùng là sự tiêu hủy toàn bộ kết quả của sự tham. Bao nhiêu cố gắng nỗ lực cộng với sự kham khổ để rồi trong nháy mắt bị tiêu hủy không còn, mà cái còn lại là sự đau buồn, cô đơn và lo hãi.

Nếu coi đây là nhân quả thì đừng tham để làm khổ mình, khổ người trong cuộc sống hàng ngày. Quyền lực, của cải, tiền bạc còn đâu trong phút chốc, có ý nghĩa gì sau khi chết? Sao không chọn cách sống an nhàn tự tại trong mỗi ngày giữa mọi người – thứ đáng giá nhất và có ý nghĩa đích thực. Đáng tiếc cho ai chối bỏ cái đáng giá để tích cóp rồi ôm giữ cái vô nghĩa! Nếu không học được bài học bổ ích từ thảm họa nhiên tai của Nhật Bản thì đã bỏ lỡ cơ hội vàng hiếm có.

Như biết trước hậu quả do con người gây ra cổ nhân đã xây dựng đền đài ở những nơi hoang vu, rừng sâu núi thẳm, nơi ít người có thể đến để tạo vùng an toàn cho Trái đất. Nhưng ngày nay do lòng tham vô tận của con người đã biến những nơi này thành điểm du lịch với mục đích trục lợi đã làm hỏng các công trình của cổ nhân khiến chúng trở nên ít còn tác dụng. Và thảm họa mà con người phải gánh chịu là điều tất nhiên. Sau thảm họa này người sáng suốt (minh) sẽ tiến hóa lên còn kẻ tham lam (vô minh) sẽ thoái hóa.

Muốn tránh thảm họa để được an con người cần sống hòa với thiên nhiên, không vì thỏa mãn tính tham mà làm tổn hại thiên nhiên, Thiên nhiên cho con người chỉ có một nhưng vì lòng tham con người muốn lấy tới 10 lần nên mới gây ra sự tàn phá mà thiên nhiên không sinh bồi kịp. Người xưa nói, Phật cao một trượng, Ma cao 10 trượng.

Nếu coi thiên nhiên là Phật, lòng tham của con người là Ma thì Ma luôn mạnh hơn Phật gấp 10 lần và hậu quả xấu, nặng nề con người gây ra tự gánh chịu lấy, không Phật hay Thánh nào cứu được mà cầu xin.

Việc bày ra lễ nghi cầu xin là vô nghĩa, có chăng chỉ làm tăng thêm mê tín, tạo điều kiện cho ma quỉ ẩn mình, tự gây thêm khổ mà thôi.

Hà Nội, ngày 17/3/2011

Theo: chungta.com

Các tin đã đăng:
Về đầu trang