Gần
chục năm trở lại đây, trên khắp nẻo đường từ thành thị, tới nông thôn
người ta dễ bắt gặp hình ảnh các nhà sư hành hương khất thực, thậm chí
là quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, theo nhiều vị cao tăng của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam, trong số những người khất thực đó, những người giả
danh nhà sư làm điều trái đạo, thu lợi cá nhân không phải là ít.
Theo
điều tra của chúng tôi, đằng sau những tấm áo cà sa nâu sòng là cả một
đội quân bỏ ruộng cày, rũ bùn, đua nhau cạo đầu đi làm “sư”. Vùng đất
Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An là nơi khởi xướng cho phong trào đi
làm “sư giả”.
|
Chùa Bửu Long bị các “sư giả” “mượn” tên để làm giấy lưu hành. |
Sau
đó, lan dần sang cả xã khác. Thời điểm cao độ, từ Nam chí Bắc, có hàng
trăm “nhà sư” của các xã thuộc huyện Tân Kỳ đi khất thực, quên góp, bán
nhang. Nhiều “sư” kết thúc “sự nghiệp” trong chốn giàu sang, nhưng cũng
có “sư” lại “lựa chọn” nhà tù làm điểm dừng chân.
Trong
thế giới của những lão nông hành nghề “giả sư”, chúng tôi tiếp cận được
người đàn bà gần 80 tuổi ở xã H, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), được mệnh danh
là “sư tổ”. Nay bà lão đã “rửa tay gác kiếm”, về quê mai danh ẩn tích.
Đói quá nên đi làm...“sư”?
Chẳng hiểu bà Hoa, xã H (Tân Kỳ, Nghệ An) có đúng như người dân
nơi đây đồn thổi hay không nhưng câu chuyện thật như đùa trong thế giới
“giả sư” của bà lão một thời từng được thổi phồng.
Ít nói về mình, bà lão thả giọng bâng quơ. Ánh mắt đăm chiêu, lớp da
nhăn nheo như kéo sụp khuôn mặt, khiến người khác thêm tò mò. Cách nói
chuyện của bà cũng khác thường, khác thường như chính “sự nghiệp” rẽ
ngang của bà vậy.
Trước kia, nhà bà lão vốn nghèo, con cái nheo nhóc, cái đó luôn rình
rập. Có năm mất mùa, đất đai nứt nẻ, dấu chân chim bạc phếch, cây lúa
gầy như cỏ may, cả gia đình lại há hốc miệng vì đói. Sống mãi cảnh bần
hàn, con cái thất học, bà đánh liều khăn gói theo một số người bạn vào
Nam làm thuê.
|
“Sư tổ” không ngờ, đám hậu duệ do mình cất công “đào tạo” làm ăn hiệu quả hơn nhiều. (Ảnh: T.G) |
Nhưng
nơi đất khách quê người, số tiền dành dụm, tằn tiện, chắt bóp được “ba
cọc, ba đồng” không đủ để trang trải cuộc sống. Thậm chí, có tháng trời
ròng rã, không có công việc, bà lão phải chấp nhận húp cháo trừ bữa. Bà
đi lang thang khắp mọi ngõ hẻm đất Sài Gòn tìm kế sinh nhai, nhưng cuộc
sống chật vật vẫn ám ảnh.
Cuộc sống của bà bắt đầu rẽ ngang khi đang lâm vào ngõ cụt. Trong một
lần tình cờ, có một người miền Trung vào đây lập nghiệp, nói chuyện vội
nhận bà làm đồng hương. Qua nói chuyện, biết bà đang thất nghiệp, ông
này khuyên bà đi “bán nhang” cho ông ta, kiếm sống tạm trong khi chờ
việc. “Thu nhập cái này ổn, làm tạm thời thôi, khi nào kiếm việc khác hãy chuyển nghề”- Người đàn ông ấy khuyên nhủ.
Đói. Bà chấp nhận nghe theo. Ông “thầy” đồng hương cạo trọc đầu bà,
truyền cho các “bí quyết” bán nhang dạo, tượng Phật, lịch xuân và cả các
“chiêu” dụ lòng từ bi của bà con nhằm quyên góp tiền từ thiện.
Kết thúc “khóa đào tạo” ngắn hạn, trước khi tạm biệt “đệ tử”, ông ta
phát cho bà một bộ trang phục thầy tu, có cả tay nải, “giấy giới thiệu
lưu hành” của chùa Bửu Long do Hòa thượng Thích Thông Bửu(?) ký; Giấy
chứng nhận hội viên mang tên Nguyễn Thị H, pháp danh: Ái Hoa.
Lợi nhuận lớn
Rời
“nghiệp tu hành” sau gần 10 năm, với số vốn kha khá, đủ trang trải
trong cuộc sống, bà quyết chí làm lại từ đầu. Điều ngạc nhiên, từ khi về
“mai danh ẩn tích”, bà không ngờ rằng số “đệ tử” do mình công phu đào
tạo lại tiếp tục phát huy rầm rộ với quy mô lớn, “làm ăn” hiệu quả hơn
nhiều…
|
|
Ngày
đầu tiên “khởi nghiệp” trong vai một người “tu hành” mặc áo nâu, đầu
đội khăn đi quyên góp từ thiện, đi tới đâu, gặp ai miệng bà cũng lắp bắp
“Nam mô a di đà phật”. Ấy nhưng, do chưa một lần được tu hành nên trong
những lúc đi bán nhang, bà cứ ngó nghiêng, đôi mắt lấm lét sợ người
quen phát hiện. Có khi, cũng bởi “bệnh nghề nghiệp” trước đây, thấy ông
chủ nào cần người bốc vác, bà định sấn vào xin làm, chợt sực tỉnh, nghĩ
đến thân phận hiện tại của mình nên thôi.
Nhờ cách “thuyết pháp” dễ lọt tai, số nhang bà đi dạo bán với mục đích
làm “từ thiện” ngày được nhiều người mua. Thấy hiệu quả, bà tiếp tục
nâng số tiền 1 bó nhang từ 5.000 đồng lên 25-30.000 đồng. Bà không ngờ,
số công sức chẳng mất bao nhiêu lại thu được lợi nhuận cao.
“Vốn đầu tư” ban đầu được thu hồi nhưng lòng tham vì cách kiếm tiền quá
dễ dàng nhờ vào tấm lòng từ bi của người dân, bà càng lao vào làm “từ
thiện”.
Rồi bộ mặt thật của bà bị lật tẩy. Trong một lần “hành đạo” tại tỉnh
Đồng Nai, người dân thấy nghi ngờ dáng mạo, nghi ngờ hoạt động quyên góp
làm từ thiện của bà, họ lập tức trình báo với chính quyền sở tại. Tại
đây, bà lộ nguyên hình là kẻ giả mạo nhà sư của chùa Bửu Long. Các giấy
tờ tùy thân mang theo cũng bị phát hiện là giả. Bà bị trục xuất, thu hồi
giấy tờ.
Sau lần bị phát hiện, bà vẫn không quay lại con đường lao động chân
chính trước đây mà chạy dạt ra Huế. Rút kinh nghiệm lần trước bị bắt, bà
không xuất đầu lộ diện, mà tích cực lôi kéo những người dân ở huyện Tân
Kỳ (Nghệ An) vào đây “làm ăn”.
Thành lập “hiệp hội... giả sư”
Nhận thấy “nghề” này vừa nhàn, lại vừa có thu nhập lớn nên không ai bảo
ai, hàng trăm người dân ở các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Thái,
Nghĩa Hợp... Kéo nhau vào gặp “sư tổ” nhờ chỉ dạy các ngón nghề.
Ở Huế, “hiệp hội giả sư” của huyện Tân Kỳ, dưới sự chỉ đạo của bà, trước
năm 2000 còn mở cả những khóa đào tạo cho những người mới chập chững
bước vào nghề. Đồng thời, hình thành cả đường dây làm giả giấy tờ của
các nhà chùa để tiện hành nghề. Mỗi bộ giấy tờ giả các đối tượng phải
trả 500.000 đồng. Thông thường, bà Hoa thường chọn 2 ngôi chùa có bề dày
lịch sử là chùa HL ở Huế và chùa PL ở Đồng Nai để làm giấy tờ giả cấp
cho các” ni cô, tăng ni, phật tử”.
Những khóa đào tạo này, các “đệ tử” sẽ được sư phụ truyền dạy và bắt
buộc phải thuộc lòng mấy câu kinh Phật. Kết thúc các khóa học, một số
người có “thành tích” sẽ được cấp pháp danh và cạo trọc đầu, số còn lại
nếu chưa thuần thục sẽ phải nộp kinh phí đào tạo tiếp. Sau khóa học và
nhận đầy đủ giấy tờ mượn danh của các nhà chùa, các đối tượng đưa ra lý
do quyên góp tiền khi là làm từ thiện, khi thì để xây dựng chùa, bán
hương vàng... Nhưng tất cả số tiền bán được đều bị các “nhà sư” này đút
túi...
“Công việc” khi chuyển sang mở các “lớp đào tạo” bất ngờ thu được lợi
nhuận khá cao, lại tốn ít công sức. Có tiền, “sư tổ” bắt đầu ăn diện ra
mặt. Ban ngày mặt áo cà sa, tối về quần lụa, guốc cao, dây chuyền, vòng
bạc đeo lủng lẳng. Bà ung dung đi dạo, mua sắm và tha hồ gửi tiền về quê
cho chồng, con. Nhưng “vận may” lần nữa không mỉm cười. Bà bị bắt và
trả về địa phương quản thúc.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Thế giới ngầm của “sư giả”
Hồng Giang