Đó là chuyện con cua ở Cà Mau. Theo người dân Năm Căn, địa phương
"vùng sâu vùng xa" nhất nước, từ 4 - 5 năm nay thương lái Trung Quốc đã
đến đây thu mua cua. Ban đầu trả tiền rất "ngọt", thậm chí trả tiền
trước, nhưng sau cứ lần lượt gối đầu, rồi sang nợ và cuối cùng trốn mất.
Còn chuyện củ khoai ở Vĩnh Long, cũng vậy. Thương lái Trung Quốc hoạt
động như chỗ không người. Mua bán thu gom cứ như ở đất họ. Làn sóng
trồng khoai dâng cao, giá cả được đẩy lên, thế là nhà nhà lao vào trồng,
đến khi sản phẩm tràn đồng, họ liền hạ giá mua nhỏ giọt hoặc đánh bài
chuồn.
Thương người nông dân "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" một nắng hai sương đến khi có thành quả chỉ để mà 'ngắm' chơi.
Kể cũng lạ những chiêu như vậy đã xẩy ra ở phía Bắc hàng chục năm
nay. Từ chuyện nuôi chó cảnh, chuyện mua móng trâu, rễ Hồi, đến chuyện
mua đỉa mua cây hoa Hải đường. Có người thạo các chiêu lừa kiểu trên cho
biết, các thương lái đến thu gom nhưng họ có mang về nước đâu. Lúc đầu
thì mua với giá cao để người người nhà nhà săn lùng hoặc sản xuất. Đến
khi đẩy giá lên cao ngất ngưỡng, hàng hiếm họ liền xuất những thứ đã mua
để bán lại. Đến khi bán hết thì họ đánh bài chuồn còn người dân và
những người "năng động" làm ăn đi thu gom thì rơi vào cảnh trắng tay,
nhìn hàng để đấy.
Cũng một chiêu đấy, cũng những người của đất nước ấy mà sao dân mình
lại không biết mà phòng nhỉ. Phải chăng dân ta ngây thơ, vì lòng tham
hay vì họ không có thông tin?
|
Một điểm thu mua cua của thương lái Trung Quốc - Ảnh: Gia Bách/ Thanh Niên
|
Lòng tham cũng có đấy, không trách được người dân. Kiếm được một đồng
thời "gạo châu, củi quế" đâu phải đơn giản. Chỉ tính sơ sơ giá cả cao
ngất thế thì làm gì mà không lao vào. Khốn nỗi họ chỉ nhìn thấy trước
mắt.
Còn chuyện không có thông tin? Có người lập luận, ta hiện nay có hàng
ngàn tờ báo, tạp chí, hàng trăm báo mạng rồi vô số các trang blog sao
lại nói không có thông tin? Nước ta hiện nay đứng vào hàng những nước
phát triển mạnh nhất về thông tin cơ mà. Nhưng khốn nỗi có thông tin và
thông tin có đến với người dân hay không lại là chuyện khác. Ở những
vùng sâu vùng xa hiện nay, lo chạy từng bữa ăn thì lấy đâu ra tiền mua
báo, mua tivi để xem, chưa nói đến dùng đồ xa xỉ là máy tính.
Thế cán bộ của ta đâu? Những người có điều kiện đọc báo xem tivi,
truy cập mạng? Thì cứ xem cán bộ ta ở một số nơi lo cho dân thế nào thì
đủ biết. Có địa phương được Chính phủ bỏ tiền giúp cho trong vụ bão lụt
những năm trước thì cán bộ lại "năng động" đem chia cho người nhà hay
thân quen. Hay chuyện tiền Tết của dân được Chính phủ hỗ trợ, một vài
nơi cán bộ "cất kỹ" quá nên hết cả mùa xuân, đào mai rụng hết cũng chẳng
thấy tiền đâu. Những vụ ấy báo đài đã chỉ đích danh và đã bị xử lý kỷ
luật. Tệ hại hơn có cán bộ khi bão đến không lo chống bão cùng dân mà
đang say mê tiệc rượu thì đủ biết thông tin đến được với dân bằng cách
nào.
Nói dại có vụ việc gì xẩy ra thì chỉ tổ người dân lãnh đủ. Mà đúng là
người dân đã lãnh đủ. Thương lái sang bên này cả năm trời, đi đủ các
nơi như chỗ không người, thu mua các kiểu, tận tình chỉ bảo "trồng cây
gì, nuôi con gì" thế mà chẳng nơi nào quản lý hay báo cáo. Trên một tờ
báo, ông Phạm Hữu Đức - Chủ tịch UBND xã Thuận An (Vĩnh Long) một cán bộ
cấp "cận dân" cho biết: "Tất cả các thương buôn này đều có hộ chiếu du
lịch và đến đây kinh doanh thông qua phiên dịch. Còn lại hoạt động kinh
doanh của họ như thế nào, địa phương không thể quản lý được".
Và đến khi sự việc xẩy ra thì chính quyền mới vào cuộc. Ông Lê Dũng,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cũng "đang chỉ đạo các ngành, các huyện
rà soát số nợ của thương lái Trung Quốc". Không quản lý được để họ cao
chạy xa bay thì rà soát nợ để làm gì nhỉ?