Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Quốc tang ở Campuchia và những cái chết được dự báo ở Việt Nam
26/11/2010 20:35 (GMT+7)

Với tình huống bất ngờ khó can thiệp lúc đó, mọi người không còn biết cách nào hơn là ngồi nhìn thảm họa ập xuống. Vì ai cũng muốn giành cửa sinh cho mình nên mới tìm mọi cách thoát thân, bất chấp việc giẫm đạp nên nhau, kết quả gần 500 con người chết vì bị giẫm đạp. Hoạt cảnh giẫm đạp tưởng chừng chỉ xảy ra ở những quần thể hoang dã trong tự nhiên, nhưng đáng tiếc nó đã không ít lần xuất hiện trong cuộc sống xã hội của con người.

Ngay sau thảm họa, Campuchia đã tuyên bố quốc tang cho gần 500 con người xấu số.

Cái chết của những người bị giẫm đạp cùng một lúc ở Campuchia là một bài học quý về việc an toàn trong tổ chức sự kiện, nhưng có khác gì những cái chết do tai nạn giao thông “chèn, đè, cán, đập…” được dự báo hàng ngày ở Việt Nam?

Theo thống kê, vào năm 2009, mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 30 người chết tại chỗ vì tai nạn giao thông. Và tính đến tháng 10/2010, con số 30 người chết/ 1 ngày vẫn không thay đổi. Như vậy bình quân, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 10.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Với con số người chết vì tai nạn này, Việt Nam có nên dành một ngày quốc tang cho họ không?

Trong mấy năm nay, con số tử vong này đã được cả xã hội biết đến, nhưng tại sao nó cứ trở nên rất đỗi “bình thường”? Đây là những cái chết đã được thống kê đo lường, được cảnh báo thường xuyên và có thể dự đoán hàng ngày. Thế mà mỗi năm, một đất nước không chiến tranh mà phải chết oan mất 10.000 người, để lại biết bao đau buồn về tinh thần, thiệt hại về vật chất cho gia đình và xã hội. Sao không đáng để phải giật mình, nhói lòng?

Điều đáng nói, con số thiệt hại về người không đổi, trong khi mật độ giao thông đường bộ tăng 10%, khối lượng vận tải tăng 12%... Hoá ra kinh tế xã hội phát triển nhưng không đồng nghĩa với việc giảm tử vong do tai nạn giao thông.

Người ta nói nhiều về ý thức tham gia giao thông như một phần chính của nguyên nhân gây ra tai nạn. Có lần ngài Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nói với báo chí rằng: “Muốn được như Nhật Bản ngày nay, Việt Nam phải mất vài thế hệ để thay đổi tư duy. Lạ thật, thanh niên Việt Nam tiếp thu công nghệ tiên tiến cứ nhẹ như không, sao khó tiếp thu văn hóa giao thông đến thế và sao phải mất thời gian lâu thế?”.

Ở một góc độ khác, trong một cuộc hội thảo sáng 23/11, Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế về Chính sách chất có cồn (ICAP), ông Brett Bivans, nói: “Điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông”.

Đại diện Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, bổ sung: “Trên 70% trường hợp sử dụng rượu bia là người điều khiển xe máy. Càng học cao thì xu hướng dùng rượu bia càng cao”.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 1/3 dân số thế giới (2 tỷ người) có sử dụng rượu, trong đó 77 triệu người lạm dụng rượu. Tuy nhiên, trong số 194 nước thành viên của Tổ chức Y tế thế giới, hiện mới chỉ có một vài quốc gia có chính sách tổng thể về rượu bia. Australia là một trong những quốc gia đầu tiên sớm ban hành Chính sách quốc gia về rượu (1989), New Zealand có Chiến lược quốc gia về rượu 2000-2003. Bên cạnh Kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu tác hại rượu bia của châu Âu, Thuỵ Điển cũng có Chính sách quốc gia về rượu (2001), Chính phủ Anh có Chiến lược can thiệp giảm tác hại rượu bia (2004).

Một số quốc gia ở phương Tây, bên cạnh việc ban hành các quy chế độc quyền trong việc cấp giấy phép, những quy định về ngày, giờ mở cửa điểm bán rượu, quy định về địa điểm được phép bán rượu, mật độ các cơ sở kinh doanh rượu bia cũng được áp dụng nhằm giảm khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với mặt hàng rượu bia. Ví dụ: Tại Pháp và Đức quy định cấm bán rượu tại các điểm bán xăng từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng; quy định không được phép bán rượu bia những ngày cuối tuần; không bán rượu bia ở trường học, nhà thờ…

Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu và cồn rượu, trong đó nêu rõ “không được bán rượu cho người dưới 18 tuổi”. Tuy nhiên, nghị định này không khả thi, vì thực tế cuộc sống, những nhà sản xuất rượu, những người kinh doanh, buôn bán rượu tràn lan mới là điều đáng quan tâm, chứ không ai bán rượu lại đòi hỏi chứng minh người mua đã quá 18 tuổi hay chưa.

Đại tá Trần Sơn Hà nói: “Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công an xây dựng thông tư liên tịch để đưa pháp luật vào cuộc sống một cách thực tiễn hơn. Ví dụ như thông tư liên tịch về việc thống kê người sử dụng bia rượu liên quan tới tai nạn giao thông”.

Số người chết vì tai nạn giao thông và tác hại của bia rượu gây ra cho cộng đồng đã được kiểm chứng bằng những con số rất cụ thể. Việt Nam là một quốc gia đa số người dân có tín ngưỡng Phật giáo. Trong giáo lý Phật giáo, ngoài việc giữ gìn Tam quy (quy y Phật - Pháp - Tăng), 5 nguyên tắc để trở thành một người Phật tử chân chính đó là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

Vậy đối với thực trạng tai nạn giao thông do bia rượu gây ra, trước khi trông đợi vào chính sách hiệu quả hơn từ phía Chính phủ, Phật giáo Việt Nam đã đề ra những phương pháp giáo dục cụ thể và thiết thực nào cho vấn đề này? Mô hình gia đình Phật tử không bia rượu? Những ngày giỗ tết, đám hiếu, đám hỷ của người Phật tử không sử dụng bia rượu? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ trước lời khuyên “dù xây chín bậc thù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Tại sao mỗi năm chúng ta làm rất nhiều những “thù đồ” kinh tế, trong khi không biết làm cách nào để cứu 10.000 người khỏi chết dù đã được dự báo trước? Phải chăng do không có trí tuệ để tìm cách cứu, không có sức mạnh, lòng dũng cảm để quyết định cứu, hay cần phải giáo dục nhiều hơn nữa lòng thương xót con người?

Trần Minh Khoa

 

Nguon: http://diemnhin.vn/?frame=news_detail&who=6&id=1278

Các tin đã đăng:
Về đầu trang