Sẽ không thêm bớt gì cả nếu như không có một ngày một
người chị của tôi bảo "đang chuẩn bị đi Hà Tĩnh để cứu trợ đồng bào lũ
lụt" và trong tôi chợt có một chút hiếu kỳ: "Em cũng muốn đi".
"Được thôi, đoàn của chị có 6 người, nếu đi thì em
phải lo vé máy bay nhé". Đương nhiên, tôi nghĩ vậy và tôi mong đợi
chuyến đi sẽ làm giảm bớt áp lực công việc. Tôi không ngờ trải nghiệm
này lại mang về nhiều cảm xúc và sự rung động từ trái tim mà lâu lắm
rồi tôi mới có. Mảnh đất miền Trung nơi những người dân đang phải oằn
mình trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên đã hằn sâu trong ký ức tôi,
khắc khoải thổn thức.
Tôi thương lắm những con người không còn một thứ gì
vì lũ đã mang đi tất cả những gì họ có. Không chiếu nằm, không chăn đắp
khi gió mùa đông bắc tràn về, không quần áo, thay vào đó chỉ có những
tấm áo mưa che thân và chống lạnh.
|
Huyện Hương Sơn hai lần trở thành rốn lũ của Hà Tĩnh. Ảnh: Lê Ngân Giang (VnExpess.net) |
Tôi thương lắm những bàn chân bước trên con đường
làng nhầy nhụa mà không có dép đi. Tôi chợt cay mắt khi nghĩ về tủ giày
của gia đình có tới mấy chục đôi, nhiều đôi chỉ đi một hai lần mà giá
trị của nó có thể mua được cả trăm đôi dép nhựa, chưa kể những bộ quần
áo hàng hiệu treo trong tủ có thể đổi thành 20 cái chăn bông.
Tôi khắc khoải lắm trước ánh mắt người già chờ đợi
tấm chăn để đêm nay có thể ấm thân mình trước giá rét, trước những ánh
mắt buồn rười rượi khi nhìn theo đoàn vì chẳng có quà, trước sự giận dữ
của một cụ già vì thấy mình thiệt thòi hơn người khác nhưng vẫn nói
"cám ơn đoàn nhiều lắm".
Nỗi khắc khoải đè nặng hơn khi tôi nhìn mái trường
xiêu vẹo, sách vở chất chồng nhưng không thể sử dụng, nhìn bước chân
rón rén của các em đến trường trên những đôi chân trần. Lũ đến và đi
mang theo cả hy vọng của một vùng quê vốn nghèo giờ lại xác xơ tiêu
điều. Tôi cay mắt vì thấy mình bất lực.
Tôi thổn thức lắm lúc nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của
người dân khi đoàn cứu trợ quay lại với hai xe tải đầy hàng, lúc nghe
thấy tiếng thở như trút nặng nỗi lo khi ai đó trong đoàn nói rằng mọi
người đều có quà, lúc thấy bước chân chạy vội khi mọi người thông báo
"đoàn đã tới" - bước chân đó mang theo hy vọng và sự chờ đợi làm trái
tim người đi cứu trợ cũng đập vội vì thương.
Tôi giận lắm những con người khi nhận hàng cứu trợ
vội chia phiếu cho người nhà mà không thấy thẹn lòng, những người may
mắn không mất hết nhưng vẫn còn nghèo lại chê hàng cứu trợ vì quần áo
cũ và "quà chỉ có thế này thôi hả". Tôi càng giận hơn khi chợt nghĩ về
Phương Mỹ nơi có những con người ngồi cả buổi trong cái giá rét chỉ để
chờ đợi những món quà mà cách đó có mấy chục cây người ta lại chê không
thèm nhận. Tôi giận lắm cái chị vàng đeo đỏ cổ tìm đủ mọi cách để khều
anh đọc danh sách cho mình nhận mấy lần hàng cứu trợ mà không thấy
những cụ già run rẩy chen lấn chỉ mong được nhận một lần món quà đó.
Tôi ngỡ ngàng và thảng thốt lắm khi anh chủ tịch xã
tiến lên trước mặt tôi xin nhận hàng cứu trợ. Tôi cứ ngỡ là đùa nên
trao cho anh một phần quà rồi mà vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra.
Chợt nhớ câu anh chủ tịch xã dặn đi dặn lại người dân: "Đừng làm gì để
mọi người nghĩ xấu về xã ta" hay câu quát lên khi nhìn thấy một tấm
phiếu nhận hàng cứu trợ "quen quen": "Chị đã nhận hàng cứu trợ ngày 27
rồi, không được gian lận nghe chưa, phải biết nhường cho người khác
chứ, chị đi ngay cho tôi" hoặc nhớ cái giọng khản đặc vì kêu gọi bà con
trật tự nhận hàng.
Chuyến đi đã kết thúc nhưng sao vương vấn mãi làm cho
tôi không ngủ được. Thương quá những con người ngèo khổ không biết
những ngày sau sẽ thế nào. Có ai còn biết về người dân Phương Mỹ để chở
những chuyến hàng mang nặng tình thương cho họ.
Thầm mong ước thế giới bình an để sang năm tôi không
phải về Phương Mỹ, nhưng chợt nhìn những ngọn đồi trọc trơ đất đỏ vì
bởi phá rừng thì lòng cũng biết còn nhiều khổ đau lắm cho mảnh đất này.