Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cô gái vượt qua định kiến...
30/08/2010 09:03 (GMT+7)

Phụ nữ dân tộc thiểu số thường có quan niệm không nên học nhiều mà nên ở nhà, lấy chồng, sinh con và lo cho gia đình. Từ nhỏ, Diệu Linh đã chứng kiến nhiều phụ nữ dân tộc bị gả chồng sớm, rồi nhanh chóng sinh con và quanh năm suốt tháng vất vả với việc nhà và đồng áng.

Linh có ấn tượng sâu đậm về những buổi tan phiên chợ, người chồng say rượu, người vợ phải dìu chồng lên lưng ngựa đưa về nhà thậm chí mất cả ngày đường, có khi bị chồng chửi mắng một cách vô lý nhưng vẫn phải cam chịu... Ngay trong chính gia đình Linh, chị gái đầu và chị gái thứ 2 cũng có cuộc sống rất khác nhau. Chị thứ 2 bị bố mẹ gả chồng từ năm 13 - 14 tuổi, cuộc sống nhiều vất vả. Chị cả của Linh khi đang học trường ĐH Y Thái Nguyên cũng bị bố mẹ gọi về gả chồng, nếu không về sẽ từ con, nhưng chị không đồng ý mà cương quyết theo đuổi việc học, hiện cuộc sống của gia đình chị khá sung túc...

Khi đã trở thành sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), có những khoảng thời gian Linh phải ăn mì tôm cân (loại không đóng gói). “Ăn nhiều mì thì bụng cũng no, nhưng luôn có cảm giác cồn cào” - Linh chia sẻ. Cũng may mắn là ở trường ĐH, Linh được học tiếng Anh từ cô Tôn Thị Thu Nguyệt, người sáng lập một chương trình giúp đỡ sinh viên nghèo trên cả nước, đặc biệt là sinh viên dân tộc thiểu số. “Nếu nói hằng tháng tôi được hỗ trợ một khoản tiền để ăn cho no hơn thì chưa đủ và chưa nói hết được tấm lòng của cô Nguyệt - người mẹ thứ hai của hàng nghìn sinh viên nghèo như tôi. Điều lớn hơn đối với tôi hồi đó cũng như bây giờ là tình thương yêu của một cô giáo nhân từ đã thôi thúc tôi sống tốt hơn, sống có hoài bão để xứng đáng là một học trò của cô, một người con của “mẹ”!” - Linh xúc động cho biết.

Sau khi ra trường, Linh về làm giáo viên tại quê nhà, rồi chuyển sang làm các dự án của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ đồng bào ở vùng sâu vùng xa.

Mã Diệu Linh đã giành được học bổng Phát triển Australia (ADS) của Chính phủ Úc, trị giá 83.000 đô-la Úc cho khóa học thạc sĩ ngành Phát triển cộng đồng tại trường ĐH Queensland. “Tôi mong muốn được làm việc cho các chương trình và dự án phát triển cộng đồng nhằm cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng ở các vùng nông thôn miền núi. Tôi muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là các bạn nữ: hãy can đảm bước ra khỏi định kiến, quan niệm cũ để theo đuổi mục tiêu và ước mơ của mình. Có đi học, tìm hiểu cuộc sống và những gì đang diễn ra ở ngoài bản làng thì mới giúp bạn thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, giúp bạn xây dựng và chăm sóc gia đình tốt hơn!” - Diệu Linh tâm sự.

Phương Nguyên

Các tin đã đăng:
Về đầu trang