Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những điều căn bản nên biết trước khi du lịch xa gần
28/08/2011 13:30 (GMT+7)

Người đi học tiếp trong khi chờ đợi thị trường nhân lực mở cửa và lúc ấy, nghề nghiệp có phần chuyên môn hơn nên tranh dễ hơn? Kẻ bỏ ít thời giờ đi quanh nhìn ngắm dân tình nôm na là du lịch.

 Với những bạn trẻ, đây là cơ hội bằng vàng để du lịch nếu bạn có chút tiền dành dụm. Tuổi trẻ khỏe mạnh, dễ thích nghi, và dễ làm quen với môi trường mới. Thêm vào đó, thời giờ nhiều nên có thể “thám hiểm” thăm thú kỹ lưỡng hơn những vùng đất muốn tìm hiểu, thăm viếng. Dế Mèn tóm tắt ở đây một ít kinh nghiệm bản thân, của bạn bè về những điều căn bản nên biết trước khi du lịch xa gần.

1. In sẵn chương trình du lịch, ngày giờ của chuyến bay, xe lửa, khách sạn (cùng số điện thoại của nơi trú ngụ)… và cả số vé; giữ chung với sổ Thông Hành. Đừng quá tin chắc vào máy điện toán hay các dụng cụ điện tử, chúng có thể dở chứng, hết pin hay ì ra bất cứ lúc nào. Hay hơn nữa là gửi một bản phụ cho thân nhân để gia đình, bạn bè biết ta đi đâu; lúc cần còn tìm kiếm.

2. Giữ bản phụ của sổ Thông Hành riêng một nơi; lỡ mất còn xin bản khác tại sứ quán nơi thăm viếng (đừng quên ghi chép địa chỉ, số điện thoại của sứ quán). Cất chung mọi giấy tờ, khi đánh mất, bạn sẽ mất hết!

3. Nếu du lịch một mình, (không nên và không nên, bạn gái lại càng không nên), nên liên lạc thường xuyên với thân nhân

4. Cần lịch sự và nhỏ nhẹ khi tiếp xúc với nhân viên hãng hàng không: Họ sẽ là người giúp bạn lên chuyến bay sớm nhất nếu chẳng may hãng hàng không thay đổi lịch trình.  Mè nheo hay nổi nóng sẽ đặt bạn vào hạng chót của danh sách những người cần lên tàu. 

5. Gọi cho hãng hàng không, tiếp tục gọi cho đến khi giải quyết xong việc cần thiết.  Tiếp viên này không sốt sắng hay hữu ích thì tìm người khác.

6. Nếu có thể, du lịch trong mùa vắng người, vé máy bay, giá khách sạn sẽ rẻ hơn rất nhiều. 

7. Nếu bạn không mấy rủng rỉnh và chỉ có một số tiền nhất định, hãy chịu khó “tính sổ” mỗi ngày xem đã tiêu xài bao nhiêu. Du lịch là lúc ta thoải mái, thăm ngắm đường xa xứ lạ nên chi tiêu rộng rãi là chuyện thường xảy ra.

8.  Để ý đến các chi phí chuyển ngân, đây là một lệ phí không nhỏ khi rút tiền trong trương mục tại ngoại quốc. Một số ngân hàng không tính lệ phí chuyển ngân nếu bạn có loại trương mục đặc biệt (thường là một số tiền nhất định), hãy hỏi nhà băng của bạn.

9. Nên biết hối suất đổi tiền trước khi đến nơi, bạn có thể cần đổi ít tiền ngay tại phi trường (thường là với giả rẻ mạt) để lấy tiền địa phương đi taxi hay mua vé xe bus…

10. Đừng dùng “Ngân phiếu du lịch” (traveler’s check), không mấy thuận tiện và nhất là lệ phí khá cao (đổi với hối suất thấp hơn tiền mặt).

11. Những quầy đổi tiền là những nơi đòi lệ phí cao nhất, nhất là tại phi trường hoặc ga xe lửa. Dùng máy ATM để lấy tiền địa phương, ít lệ phí nhất.

12. Bạn thích uống bia? Ăn vặt trong ngày? Vào siêu thị thay vì hàng quán dĩ nhiên trừ các bữa ăn.

13. Tìm kiếm và chọn khách sạn trước khi rời nhà. Tay xách nách mang những món hành lý không phải là lúc đi tìm chỗ trú ngụ, nhất là bạn vừa mới di chuyển cả ngày mới đến nơi.

14. Mua vé máy bay từ ngoại quốc đắt hơn là mua tại địa phương: Thí dụ vé máy bay từ New York đến Siem Reap, Cam Bốt sẽ đắt hơn là mua vé máy bay New York – Bangkok, khi đến Thái, mua vé đi Siem Reap sẽ rẻ hơn rất nhiều.

15. Gặp gỡ những người trẻ khác trên đường đi, sự thân thiện sẽ giúp bạn những chi tiết về nơi thăm viếng, hàng quán, di chuyển…

16. Có chương trình du lịch sẵn nhưng hãy uyển chuyển vì đất trời thay đổi bất kể ta tính toán sắp xếp kỹ lưỡng, sự uyển chuyển sẽ mở ra nhiều cơ hội để thăm viếng

17. Chấp nhận rằng ta sẽ không bao giờ có đủ thời giờ để xem tất cả mọi thứ muốn xem.

18. Đọc hoặc mua sẵn một ít sách vở về nơi sẽ đến, nếu không thể, ít nhất là vài bản đồ về địa phương kia.

19. Biết chút ít về nơi sẽ đến, biết vài câu chào hỏi xã giao thong thường càng tốt.

20.  Hỏi thăm nhân viên khách sạn về thành phố của họ, cư dân thường hãnh diện nên sẽ chỉ dẫn rõ rang: giá taxi, quán hàng, bến xe…

21. Mang theo chút thức ăn vặt (kẹo, bánh, đậu phọng) phòng khi đói.  Khi đói quá, bạn sẽ xà vào quán ăn gần nhất và không có thời giờ tìm kiếm hay lựa chọn.

22. Tránh trái cây đã bóc vỏ, rau sống ở những nơi “đang phát triển”; bạn vẫn có thể ăn uống trên đường phố, ở những quầy thức ăn đang nấu trước mắt.  

23. Dùng xe bus: nhìn xem người địa phương sử dụng vé ra sao? Mua trước ở quầy, bỏ tiền vào hộp đựng… Mỗi quốc gia có một hệ thống khác nhau.

24. Trên những chuyến xe đường dài, hãy để ý đến tài xé khi xe ngừng để nghỉ.  Khi tài xế lên xe là lúc ấy xe sẽ đi tiếp.

25. Say cảnh đường xa nhưng đừng quên để ý đến cảnh vật chung quanh, khi cảm thấy bất an, hãy thận trọng, dè dặt.

26. Đừng quá chén đến độ say xỉn, đây là lúc bạn mất hết sự minh mẫn và khó tự cứu khi gặp khó khăn

27. Đừng đi du lịch với máy điện toán, quán hàng ở khắp nơi có internet.

28. Đừng đeo nữ trang, giữ sự giản dị, đừng lôi ra một mớ tiền mặt khi đứng trước quầy trả tiền hay có một cái ví dầy cộm.

29. Giữ tiền bạc và giấy tờ quan trọng bên mình, đừng để trong va li.

30. Uống nhiều nước, đừng để thân thể mất nước

31. Mang theo một ít thuốc trụ sinh, bandaid, kem sát trùng…

32. Nếu mang theo dụng cụ điện tử như điện thoại, netbook, máy ảnh… đừng quên vật dụng “charge” điện và phần “nối”, ổ điện có nhiều loại, và bạn có thể cần “adaptor” để nối với vật dụng điện tử của mình.  

33. Đừng tự tiện chụp ảnh người hoặc vật, xin phép trước khi chụp hình.

34. Chấp nhận là bạn sẽ thua khi phải trả giá để mua một vật nào đó, xem việc trả giá như một trò chơi và ta cầm chắc cái thua sẽ khiến bạn vui vẻ, dễ chịu hơn.

35. Khi qua biên giới, bạn sẽ cần sổ thông hành và đôi khi cả chiếu khán. Tìm hiểu rõ ràng trước khi đi.  Đôi khi xin Visa cần cả tuần hay cả tháng. Luôn luôn dò lại ngày tháng khi sổ thông hành được đóng dấu. Nếu phải sửa chữa, đây là lúc làm việc sửa chữa ấy. 

36. Những món lặt vặt nhưng cần thiết:

Bao ny lông ziplock, dây cáp (cable tie), đèn pin, khăn quàng mỏng (dùng vào khối việc như quàng trên vai khi vào đền thờ, khoác thêm khi lạnh, làm khăn trải trên cát lúc ra biển…)

37.  Những lời dặn dò khác?

Khi được hỏi về cảm tưởng và sự ghi nhớ lâu dài, một món vật dụng đắt tiền sẽ trở nên nhàm chán, rồi bỏ xó và chóng quên trong khi mỗi chuyến đi là một kinh nghiệm trải qua với đầy đủ âm thanh, hình ảnh, mùi vị và sẽ được ghi nhớ lâu dài.

Chúc bạn có một chuyến đi bình an, vui vẻ.

LyLeTran   

Source: thuvientoancau.com

Các tin đã đăng:
Về đầu trang