Điều thú vị cho những hành khách tham gia tour du lịch về nguồn bằng
đường sắt này là cơ hội được ngắm nhìn muôn mặt lễ hội. Những du khách
ưa hoài cổ cũng có thể tìm lại hình ảnh Hà Nội mấy chục năm về trước,
nghe lại tiếng còi tàu vang vang trên sông Hồng những sáng sớm tinh
sương.
Về nguồn bằng... đường sắt
“Người Hà Nội giờ đây ít đi tàu, gần thì đi ôtô, xa thì đi máy bay.
Nhưng mỗi khi nghe còi tàu rú vang, tiếng máy xình xịch, tiếng bánh xe
chạy trên đường ray vẫn khiến lòng người xao động. Có lẽ nó đánh thức
nhiều hình ảnh quá khứ đã lãng quên bởi vòng quay hối hả của cuộc sống.
Với riêng tôi, những chuyến tàu ấy mang lại cảm giác về sự bình lặng,
thư thái” - ông tiến sĩ sử học, giám đốc trung tâm du lịch giải thích về
ý tưởng mở tour du lịch bằng đường sắt trên những con tàu cổ.
Việc sử dụng các toa tàu cũ và đầu máy chạy bằng hơi nước thật sự là
một thử thách. Theo ông Chủng, số người biết lái tàu chạy bằng hơi nước
và các thợ máy biết về cơ cấu của đầu máy hơi nước không còn nhiều. Hơn
nữa, đa số họ đã chuyển sang làm nghề khác nên rất khó khăn cho việc
sửa chữa, vận hành. Một nhân viên trung tâm tiết lộ để đảm bảo an toàn
cho hành khách, các kỹ thuật viên phải dùng đến một vài “kỹ xảo” đặc
biệt.
Người lái chuyến tàu về đền Đô năm ngoái ở tận Yên Bái, là người
biết lái tàu hơi nước duy nhất mà họ tìm thấy lúc đó. Suốt mấy tuần liền
vật lộn với cái đầu máy đến nỗi gầy rộc và sau chuyến đi, một lần nữa
họ lại vã mồ hôi để chuyển đầu máy về bảo quản tại Yên Bái.
“Chuyến thử nghiệm đầu tiên dù lỗ nhưng an toàn, nhận được nhiều
phản hồi tốt của hành khách và lãnh đạo TP Hà Nội. Bởi vậy, năm nay
ngoài việc sử dụng đầu máy hơi nước cổ đó, chúng tôi sẽ đề nghị ngành
đường sắt dùng thêm một hoặc hai đầu máy diesel có sức kéo tốt hơn và
nối thêm toa chở khách nếu lượng khách tăng cao so với dự kiến”, ông
Chủng khẳng định.
HÀ HƯƠNG
Nguồn: Tuổi Trẻ Online