Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Nghĩ về chân trời giáo dục mới
19/10/2010 08:52 (GMT+7)

Nền giáo dục (kể tất cả các cấp học) đều phục vụ 100% dân cư, kể cả nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhu cầu học trở thành một nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, ở... đòi hỏi phải được đáp ứng đầy đủ. Người học không vất vả khổ sở như hiện nay, họ thấy học là hạnh phúc, là lẽ sống. Họ học thoải mái nhưng lại rất chủ động sáng tạo trong việc tiếp cận tri thức chứ không bị động triền miên như bao thập kỷ qua.

Một nền giáo dục trong tương lai là không chỉ hoạt động bằng những lớp học với bốn bức tường chật hẹp mà cả xã hội là một môi trường giáo dục lớn. Thầy trò không cách biệt xa vời mà ai cũng có thể là thầy về mặt này và cũng có thể là trò vể mặt khác, lúc khác do đó tính bình đẳng ngày càng rõ nét, quan hệ thầy trò thực chất là quan hệ bạn bè.

Tất nhiên vẫn có những lớp học dạy chính quy cho những học sinh đến học tập trung theo lứa tuổi nhưng sẽ có rất nhiều lớp học dưới nhiều hình thức đa dạng để phục vụ việc học của toàn dân theo tiêu chí một nền giáo dục mở, nhu cầu học tập là nhu cầu liên tục suốt cả một đời người. Lớp học có thể có, có thể không. Hội trường, phòng họp, thư viện, phòng khách gia đình đều có thể dùng để học. Không phải chỉ thanh thiếu niên mới cần học mà trung niên, cao niên cũng cần học. Học chính quy trong tuổi thiếu niên chỉ là để tạo nền tảng. Trong thời buổi bùng nổ thông tin này, vốn tri thức của con người phải luôn luôn được bổ sung mới thích ứng với lao động và công tác mới. Do đó, những hình thức lớp tại chức, lớp ngoài giờ, lớp chuyên đề, lớp dạy từ xa qua đài truyền hình, đài phát thanh, lớp ngắn hạn, lớp dài hạn, lớp dạy có thầy, lớp dạy qua thảo luận, trao đổi trên cơ sở những tài liệu đề dẫn, lớp hướng dẫn tự học... ngày càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự nảy nở và phát triển tài năng.

Mục tiêu giáo dục tuy vẫn nhằm đào tạo học sinh thành những con người tốt, có ích cho xã hội song nội hàm của nó hết sức phong phú vì nó phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thực tế đa dạng, đa chiều. Học để làm, học để biết sống hoà nhập nhưng học cũng để nâng cao đời sống tinh thần, học để biết thưởng thức những niềm vui trong cuộc sống mới.


Trường GiangNguyên tổng biên tập báo Giáo dục và Thời đại
Khoa học và Phát triển

Nguồn:  Khoa học và Phát triển







Các tin đã đăng:
Về đầu trang