Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Indonesia: thời của du lịch... thảm họa
19/12/2010 11:54 (GMT+7)


Gần trung tâm TP Yogyakarta, thảm thực vật khô héo, làng mạc bị chôn vùi, sông bị nghẽn dòng vì tro núi lửa và các trại tị nạn là “di sản đau đớn” của những trận phun trào núi lửa từ đỉnh Merapi gần đây. Tuy nhiên, các đại lý lữ hành địa phương đang bổ sung “đặc điểm” mới này vào tour thăm Yogyakarta, nơi từng là trung tâm một vương quốc cổ đại.

“Trong các gói tour núi lửa mới, chúng tôi sẽ đưa du khách đến khám phá những ngôi làng gần đỉnh núi nhất để chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của thảm họa - ông Edwin Ismedi Hinma, một quan chức thuộc Hiệp hội Các đại lý lữ hành địa phương, cho biết - Sau đó chúng tôi sẽ đưa khách đến một con sông để xem dòng tro núi lửa cuồn cuộn chảy”.

Du lịch là ngành kiếm được nhiều tiền ở Indonesia, đóng góp 3% GDP nhưng các thảm họa đã cản trở sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trận phun trào núi lửa mới nhất đã khiến sân bay địa phương đóng cửa trong hai tuần do tro bụi, thậm chí các chuyến bay quốc tế đến thủ đô Jakarta cũng bị hủy. Kết quả, số lượng khách du lịch đến Yogyakarta đã giảm 70%.

Tuy nhiên Sulis, một người nghỉ hưu 65 tuổi, cho biết ông đã lái xe cùng vợ từ một thành phố miền trung vùng Java đến núi Merapi như một phần của sở thích. Ông cũng đã đến khi Yogyakarta phải hứng chịu trận động đất lớn năm 2006 làm chết 5.700 người. “Tôi lái xe đi khắp nơi để chứng kiến những điều đó vì khi thấy chúng, tôi lại nhắc nhở mình rằng tôi thật may mắn” - ông Sulis nói.

Chính phủ Indonesia đang cân nhắc việc xúc tiến du lịch ở Aceh, tỉnh ở mũi tây bắc của Indonesia, nơi đã bị tàn phá bởi trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004. Tại TP Banda Aceh, một bảo tàng sóng thần đã được dựng lên. Thành phố được tái thiết và một sà lan đã bị các con sóng khổng lồ ném vào đất liền vẫn nằm lại như một cách để người ta hình dung sóng thần mạnh như thế nào, theo ông Firmansyah Rahim.

Đối với Panut, một phụ nữ 60 tuổi bị mất nhà trong trận phun trào núi lửa, thêm du khách có nghĩa là bà có thu nhập. Bà ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và bán đồ uống, thức ăn nhẹ cho khách du lịch trên miếng đất đã từng là nhà mình. “Đó là việc tốt. Tôi hi vọng sẽ có nhiều người đến hơn nữa” - bà nói.

Du lịch “đau thương” dù dường như có vẻ “gớm ghiếc” lại không hề lạ lùng. Những xu hướng tương tự cũng diễn ra ở Haiti, nơi bị tàn phá bởi một trận động đất có cường độ mạnh trong tháng 1-2010, hay như tại TP New Orleans (bang Louisiana, Mỹ) sau cơn bão Katrina. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị một số nhà quan sát chỉ trích là phi đạo đức. Trong trường hợp của núi lửa Merapi, một số quan chức cũng lo lắng về những mối nguy hiểm kéo dài.

THƯỜNG NGA (Theo Reuters)

Nguon: Tuổi Trẻ Online

Các tin đã đăng:
Về đầu trang