Các nhà khoa học
khẳng định nguyên nhân nằm ở... dàn đèn cao áp trên đường cao tốc.
|
Trên cùng một ruộng lúa nhưng phần không bị đèn cao áp chiếu vào đã
trổ bông bình thường, trong khi phần bị ảnh hưởng bởi ánh sáng của đèn
thì không trổ bông - Ảnh: N.Hậu |
Chuyện lạ
Chưa nghe ai nói đèn đường làm lúa không trổ bông
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 9-12, ông Nguyễn
Huy Thao - giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc - nói: “Từ trước đến
giờ tôi chưa từng nghe ai nói đèn đường làm lúa không trổ bông, nên
chưa thể trả lời vấn đề này ngay bây giờ được”. Ông Thao cũng cho biết
hiện ông chưa nhận được thư mời của UBND huyện Bến Lức về việc họp giải
quyết vụ này.
V.Tr. |
Men theo các bờ ruộng nằm dưới cầu cạn đường cao tốc
TP.HCM - Trung Lương tại khu vực xã Thanh Phú là cánh đồng lúa bạt ngàn
xanh mơn mởn. Nhìn bằng mắt thường ai cũng nghĩ vụ này bà con nông dân ở
đây sẽ trúng mùa.
Thế nhưng khi gặp nông dân, ai cũng mếu máo: “Lúa bị
nghẹn cả tháng nay không trổ bông được. Mọi người bảo tại dàn đèn cao áp
từ đường cao tốc rọi xuống nên lúa không trổ bông được. Vụ này coi như
trắng tay rồi”.
Ông Lê Văn Mười ở xã Thanh Phú kể gia đình ông có 4,5ha
ruộng gieo sạ giống nàng thơm Chợ Đào nổi tiếng. Trong đó có khoảng 3ha
ở dọc cầu cạn đường cao tốc không chịu trổ bông, phần còn lại ở xa đã
trổ bông bình thường.
Gặp chúng tôi hôm 8-12, ông Mười cho biết: “Tôi gieo
lúa từ ngày 2-6 âm lịch (ngày 13-7-2010). Đúng chu kỳ thì khoảng ngày
20-11 âm lịch (25-12) sẽ thu hoạch, nhưng hôm nay là 3-11 âm lịch (8-12)
mà 3ha lúa chưa chịu trổ bông thì làm sao thu hoạch được?”.
Tương tự, hộ ông Hồ Văn Năm ở ấp Thanh Hiệp, xã Thanh
Phú trồng 2ha lúa nàng thơm Chợ Đào ở cạnh đường cao tốc, đến nay cây
lúa cứ ôm đòng hoài không chịu trổ bông. Ông Năm than thở: “Tui thuê đất
để làm lúa chứ đâu phải đất nhà. Tiền thuê đất 7 triệu đồng/ha, rồi
tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... tổng cộng chi phí lên đến
10 triệu đồng/ha. Lúa không trổ bông coi như ôm nợ”.
Cạnh ruộng lúa của ông Năm, 3.000m2 lúa của ông Lê
Quang Thùy cũng không trổ bông và ông Thùy đã tính tới chuyện bán đám
lúa này để người ta làm cỏ cho bò.
Ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển
nông thôn tỉnh Long An, xác nhận đây là lần đầu tiên nông dân trong tỉnh
gặp cảnh lúa ôm đòng hoài không chịu trổ bông.
Thống kê bước đầu cho biết chỉ tại huyện Bến Lức đã có
gần 100ha lúa của nông dân bị nghẹn. Nếu tính năng suất lúa ở đây 5
tấn/ha và lúa đặc sản giá 7.500 đồng/kg thì thiệt hại của khu vực này
khoảng 3,7 tỉ đồng.
Hiện tượng “cảm ứng quang kỳ”
Tiến sĩ Lê Hữu Hải - chuyên gia về cây lúa ở Trường đại
học Tiền Giang - cho biết giống lúa nàng thơm Chợ Đào là lúa mùa có đặc
điểm chỉ trổ bông mỗi năm một lần vào thời điểm “ngày ngắn, đêm dài”,
ứng với câu tục ngữ “Ngày tháng 10 chưa cười đã tối”.
Loại lúa này nếu gieo sạ vào tháng 1, tháng 2 (âm lịch)
thì phải đến tháng 10, tháng 11 (âm lịch) mới trổ bông. Còn gieo sạ
tháng 6, tháng 7 thì đến thời điểm đó lúa cũng sẽ trổ bông.
Theo tiến sĩ Lê Hữu Hải, việc bà con nông dân cho rằng
ruộng lúa nàng thơm Chợ Đào ở cặp đường cao tốc bị tác động bởi ánh sáng
đèn cao áp làm lúa không trổ bông là đúng. Ánh sáng đèn suốt đêm đã làm
ngày dài ra (đối với cây lúa) nên lúa cứ ôm đòng hoài, không trổ bông.
Hiện tượng này gọi là “cảm ứng quang kỳ”.
Nếu tắt đèn cao áp một thời gian thì lúa sẽ trổ bông. Còn nếu không thể tắt coi như lúa này không bao giờ thu hoạch được.
Ông Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật
phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật), cũng xác nhận lúa không trổ bông được là
do đèn cao áp trên đường cao tốc chiếu vào. Bằng chứng là một vài vạt
lúa nằm sát cầu cạn đường cao tốc không bị tác động bởi ánh sáng đèn từ
trên cầu dọi xuống vẫn trổ bông bình thường. Trong khi phần lúa phía bên
ngoài bị tác động bởi ánh sáng đèn cứ ôm đòng không chịu trổ bông.
Theo ông Chiến, đường cao tốc không thể tắt đèn ban đêm được nên diện tích lúa nói trên coi như phải bỏ!
Ông Lê Minh Đức cho biết UBND huyện Bến Lức đang phát
hành thư mời Trung tâm Quản lý đường cao tốc đến để làm việc, bàn hướng
giải quyết, bồi thường vụ lúa không trổ bông do đèn trên đường cao tốc
gây ra.
Có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường
Theo điều 604, 605 Bộ luật dân sự, người nào do lỗi cố ý
hoặc lỗi vô ý xâm phạm tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá
nhân mà gây thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên
có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền,
bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một
lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trong trường hợp này, phía chủ đầu tư đường cao tốc
TP.HCM - Trung Lương đã có lỗi vô ý gây ra thiệt hại cho nông dân. Lâu
nay nông dân vẫn trồng lúa cặp đường nên khi thiết kế, bố trí đèn cao áp
cho đường cao tốc, phía chủ đầu tư buộc phải xem xét thực tế này để có
sự sắp xếp phù hợp nhằm không gây thiệt hại cho người trồng lúa.
Nếu sơ suất không làm đúng như thế và đã gây thiệt hại
cho nông dân thì phía chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ
và kịp thời các thiệt hại xảy ra.
Nếu được xác định là đại diện cho chủ đầu tư đường cao
tốc thì trước mắt Trung tâm Quản lý đường cao tốc phải đứng ra bồi
thường thiệt hại cho nông dân. Sau đó, nếu xác định đơn vị thiết kế có
lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì trung tâm có thể yêu cầu đơn vị này
hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG |
N.HẬU - V.TR.