Khi chúng tôi đến, căn nhà của vợ chồng ông
Tịch vắng hoe, nghe tiếng nhà này đông con nhưng chẳng thấy ai. Thấy
chúng tôi ngạc nhiên, ông Tịch giải thích: “Chúng nó đi hết rồi, đứa thì
lập nghiệp xa nhà, mấy đứa khác thì còn đang theo học ở các trường đại
học, đến Tết mới về, ngày thường chỉ có hai người già này thôi!”.
Năm
1980, cuộc sống ở vùng quê Thừa Thiên - Huế khó khăn đói kém nên ông
Tịch quyết định cùng vợ và 5 con nhỏ đi kinh tế mới ở huyện Chư Sê (nay
là huyện Chư Pưh, Gia Lai) với hai bàn tay trắng. Dù có sự hỗ trợ của
Nhà nước nhưng cuộc sống của gia đình vẫn bữa đói, bữa no. Mãi đến năm
1986, cơ chế bao cấp được xóa bỏ, kinh tế gia đình ông mới dần đỡ hơn.
|
Ông Nguyễn Tịch và vợ |
Trên
vùng đất màu mỡ này, họ trồng cây lúa, cây đậu mang lại năng suất cao.
Khi đã có một ít tiền họ lại đầu tư mở quán bán hàng tạp hóa, chịu khó
bươn chải, đến nay gia đình ông cũng có trong tay hơn 3,5 ngàn trụ tiêu
kinh doanh, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Đó là vốn liếng để
ông bà nuôi 8 đứa con ăn học.
Điều người ta
nhắc nhiều về gia đình ông Tịch không phải chuyện làm kinh tế mà là
những đứa con của ông. Cha mẹ là những người nông dân, chỉ biết bám lấy
đất đai mà sống nhưng lại nuôi được tám người con vào đại học. Những
giấy khen, bằng khen “Gia đình hiếu học”, “Gia đình văn hóa tiêu biểu
xuất sắc năm 2006”, “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”... là minh chứng
về sự học hành của con cái họ. Tiếp xúc với ông, chúng tôi cảm nhận được
sự mong mỏi đến con chữ, kiến thức là vô bờ bến, mặc dù trình độ học
vấn của ông chỉ dừng lại ở bậc Đệ tứ (tương đương lớp 9 hiện nay).
Ông
Tịch kể lại: “Con cái đi học là đủ thứ lo, nào sách vở, áo quần, tiền
học phí đã làm cho kinh tế gia đình sụt hẳn xuống. Nhưng định hướng ngay
từ đầu nên tui quyết không cho đứa nào nghỉ học. Trong xóm người ta
thấy nhà khó khăn vất vả thì khuyên “học nhiều bán chữ ai mua, học chi
cho lắm cũng thua đi cày”, nhưng vợ chồng tui thà đói ăn còn hơn đói
chữ, việc học của con phải đặt lên hàng đầu”.
Khi
con học cấp III, tốn nhiều tiền chẳng thua khi học đại học là bao. Do ở
xã không có trường nên phải cho chúng ra trọ ở thị trấn để học, có đứa
phải đem ra gửi nhà người thân tận ngoài Huế. Nhưng khi thấy đứa con đầu
Nguyễn Tấn Hùng thi đỗ Đại học Sư phạm, đến lượt Nguyễn Tấn Bi đỗ Đại
học Y, Tấn Phương - Sư phạm, Tấn Tài - Kỹ sư điện... và cô con út Nguyễn
Thị Cẩm Hằng vào Đại học Ngân hàng, vợ chồng cũng quên vất vả. Hiện
nay, bốn người con đầu đã ra trường và có công việc ổn định.
Ông
Tịch kể thêm: “May mắn cho nhà tui là đứa con nào cũng ngoan, học giỏi.
Chỉ có thằng Tấn Tây là có lúc nó đua đòi, tụ tập theo bạn bè ăn chơi
nên việc học hành bê tha, hai năm đầu thi đại học đều trượt. Tui khuyên
nó học trung cấp cũng được, nhưng nó xin được thi thêm một năm nữa. Vậy
mà năm nay nó đã vào năm cuối ngành Hóa dầu ở trường Đại học Quy Nhơn
(Bình Định) rồi!".
Mọi người thường nói vui
rằng, trong xã ông Tịch là người khỏe nhất vì cõng được cả tám “Tấn” vào
đại học (những đứa con trai ông đều có tên lót là Tấn). Chia tay chúng
tôi, hai ông bà cùng nhau ra vườn để chăm bón cây tiêu, ông Tịch nói với
lại: “Nghe đài, báo nói năm nay học phí lại tăng, thôi hai thân già cố
gắng mấy năm nữa lo cho hết “mẻ” cuối, sắp hoàn thành kế hoạch rồi!”.
Theo Công an TPHCM