Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
3.000 người bỏ nhà vào hang đá
19/10/2010 17:56 (GMT+7)

số tài sản trị giá ít nhất là 1.900 tỉ đồng (bằng 2 năm tổng thu ngân sách của tỉnh) bị vùi trong nước bạc. Song, riêng chuyện hơn ba nghìn người dân xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá bị nhấn chìm toàn bộ nhà cửa và những... ngọn cây cau, cột điện cao thế trong gần 10m hoặc có chỗ hơn 10m nước sâu để vào trong hang đá lánh nạn - như tổ tiên mình "thời tiền sử" - thì đúng là chưa từng có.
 
Người già, trẻ em, tại khu vực "hang đá tiền sử" - cả xã Tân Hóa có khoảng 3.000 người phải rời nhà cửa bỏ vào hang sống - Ảnh: Hà Bình

Khi tôi viết những dòng này, thì hay tin, xã Tân Hoá nơi tôi vừa chia tay lại chìm trong biển nước, cả người dân và lãnh đạo địa phương đều chăm chăm một kế hoạch trở về hang đá nếu nước tiếp tục dâng. Nhiều người đã tính dựng lều, xây hũ gạo trong hang đá để thường trực đối phó với thảm họa. Đằng sau sự luẩn quẩn xóm làng - nhà cửa - hang đá thời tiền sử này, là một câu chuyện rất lớn khác về cái cách chúng ta ứng xử với thiên nhiên, đối phó với thảm họa.

6 ngày và nhiều nghìn năm “tiền sử”!

Cách TP.Đồng Hới (tỉnh lỵ Quảng Bình) chừng 130km, xã miền núi Tân Hoá hoang tàn, với những ngôi nhà nằm chỏng gọng sau cơn lũ ác. Mấy chục mạng người bị lũ cuốn trong tỉnh, xã Tân Hoá may mắn không mất một ai; thậm chí, hy hữu thay, trong thời gian sống trên nóc nhà (khi lụt, chỉ có trạm xá và trường học cao tầng của xã là còn nhô lên mặt nước, 100% nhà dân biến mất trong biển nước) và trong hang đá, có 3 đứa trẻ đã được ra đời. Ông Bùi  Anh Tuấn - Chánh văn phòng UBND huyện - xác tín điều đó với tôi, rồi kể: “Có người trở dạ, được cán bộ trạm y tế đỡ đẻ, cắt rốn ngay trên mái của nhà trường, xung quanh căng nylon ngăn cơn mưa như trút nước. Người Tân Hoá sống sót, bởi họ túc trực kê bên vách một cái thuyền nan hoặc thuyền tôn. Thế nên, khi nước dâng cao, họ leo cả lên thuyền bỏ chạy”. Cả xã, hơn 3.100 người, không một ai mang được cái gì theo người.

 
Một lán căng nylon của người Tân Hóa ở trong lèn núi, khi mà 100% các ngôi nhà của họ "biến mất" trong biển nước. Ảnh: Hà Bình

Không có thức ăn, không củi lửa, cũng không có quần áo để thay. Sống sót là may rồi. Từ trong các lèn đá, hang hốc của núi đá vôi, bà con nhìn xuống các xóm của xã mình. Nước lưng nhà, rồi lút nóc nhà, rồi chỉ còn cái ngọn cây cau và nóc trường học nhô lên. Tất cả biến mất như một cơn mơ ác. Mưa mỗi lúc một lớn, mái đá tiền sử không phải là hang sâu, nên không có khả năng che mưa gió. Quần áo ướt suốt đêm ngày, không có quần áo mà thay. Họ nằm run nhong nhóc. Cái đói xâm chiếm dần.

Suốt 2 ngày không có gì ăn, nước dâng đến chân lèn đá, nhưng đó là nước lũ, xác súc vật nổi lềnh bềnh, không uống được. Có người tình cờ đem theo điện thoại di động, gọi kêu cứu, lát sau thì trạm tiếp sóng, trạm truyền thanh đều bị nước lũ làm cho tê liệt. Bà con chỉ biết nằm “chắp tay chờ số phận”. Sau 2 ngày đói khát, thì họ bắt đầu nhìn thấy sự sống, với những chiếc canô của lực lượng cứu trợ rẽ nước tìm vào. “Cán bộ mải miết đi tìm dân, nước trắng trời, dân thì bặt vô âm tín. Dân chúng tôi như là trở về thời nguyên thuỷ rồi, không còn cái gì sót lại ở nơi này cả!” - ông Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá nói với nhà báo trong lúc nước sôi lửa bỏng nhất.

Một vài thứ còn nhìn thấy được trong đại hồng thuỷ, ấy là các mỏm núi trọc, các hang đá tiền sử và những người dân tội nghiệp lay lắt, tím tái. Mì tôm và nước sạch được chuyển lên dè dặt giúp bà con “gặm” mì tôm mà cầm cự. Có người già kiệt sức, lả đi, thế là chính các canô cứu trợ sau khi thả hàng vào cửa hang thì “khênh” luôn người ốm ra tuyến ngoài điều trị. Trẻ em và người già nằm la liệt, nhiều người bị tiêu chảy xanh rớt, thều thào. Cây củi biến thành cọc lều bạt, nylon căng tạm, bạt thủng lỗ chỗ, trong lều cũng như ngoài trời; bệnh đau mắt đỏ, sốt dịch, tiêu chảy bắt đầu hoành hành, bà con không được tắm giặt, thay quần áo suốt gần 1 tuần, họ phóng uế ở ngay gần khu trú thân. Canô cứu trợ đi đến đâu cũng thấy tiếng gào khản giọng, những bàn tay vẫy lên kêu cứu; xác lợn chết, trâu, bò chết nổi lềnh bềnh nhiều trăm con.

Ông Sơn - một người dân Tân Hoá ở trong lèn đá - bảo, có lẽ suốt đời ông bị ám ảnh bởi cảnh ông và bà con đói quá, vớt một con trâu chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước lũ về rồi xẻ thịt, nướng ăn trong lèn đá. Họ cầm cái chân trâu chết, hơ vào lửa lom dom lá lẩu, chờ nó chín “tai tái” rồi chia nhau ăn. Bởi, suốt những ngày đói rét, sợ hãi, tuyệt vọng, nếu không ăn thì “cách gì mà sống làm người được”. 2 ngày sau, huyện mới tìm thấy dân để “ném” mì tôm vào cửa lèn đá, bấy giờ nhiều cháu bé mệt lả, đói đến mức phải cạy miệng cháu ra, bơm sữa vào để cứu.

Những đứa trẻ sinh ra trên mái nhà!

Một ông bố trẻ bảo, anh đang tính sẽ đặt tên đứa trẻ được sinh ra trên mái nhà, vào thời điểm cuối năm 2010 này là “Lũ Lụt” để làm kỷ niệm, giống như thời gian khó ta từng có quá nhiều người được sinh ra, rồi đặt tên là Ruộng, Đồi, Chiến Thắng... (vì được sinh ra khi người phụ nữ đang đi làm ở ngoài đồi, ruộng, trong khi tất cả chung sức đánh thắng kẻ thù...). Ông Chất - Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá - vừa triết lý về đứa trẻ đẻ trên mái nhà, vừa lo lắng về việc nước rút rồi, vài tháng sau bà con không biết lấy gì sinh sống, ngoài việc ngồi chờ tiền, hàng cứu trợ, bởi ngô lúa giống, tư liệu sản xuất, trâu bò, lợn gà, tiền bạc của nả... trôi theo lũ hết sạch.

Đứng trong lèn, tôi vẫn trông thấy cái cột điện cao thế thò một đầu mẩu lên giời mà. Anh Huy sống ở thôn 2, xã Tân Hoá, với 65 hộ dân. “Nước lên nhanh đến mức chúng tôi chỉ kịp chạy thoát thân. Chui vào hang đá, rồi cứ leo mãi lên đỉnh dốc, nước ở sau chân. Suốt 6 ngày, khổ nhất là cháu bé con anh Trương Quốc Anh, nó mới được 1-2 ngày tuổi, chưa kịp đặt tên, chưa khô cuống rốn, đã phải vào hang. Mẹ cháu (chị Tuyết) ướt suốt ngày đêm, nằm khóc ủ con trong bụng, bà con thương lắm, cũng chẳng biết làm sao - anh Huy nói. “Điều anh lo nhất lúc này là gì?”; mân mê những mẹt ngô giống bốc mùi thum thủm chỉ có thể nghiền ra cho gia súc ăn, xách túi gạo “cứu tế” bé xíu, ngồi bên ngôi nhà gỗ rách bươm tơi tả, anh Huy thẳng thắn: “Tôi sợ nước sẽ dâng lên, lại phải vào hang đá một lần nữa, lại đói khát và lại nghĩ rằng mình sẽ chết vì đói”.

Nỗi ám ảnh “trở về thời nguyên thuỷ”

Mưa lớn tiếp tục đổ nước, nước dâng cao, bà con sống trong thung lũng rộng, cửa thoát nước chui qua một lèn đá bị ứ lại, nếu trời còn mưa to hơn, có khi chính các hang đá tiền sử như ốc đảo cứu nhiều nghìn “dân đen” kia cũng bị ngập nốt. Vì sao có sự dồn ứ lớn đến vậy ở khu vực thung lũng mà từ nhiều đời nay bà con vẫn sinh sống khá an toàn như thế? Phá rừng, việc con người ứng xử với môi trường mang tính tiêu cực làm thay đổi dòng chảy của sông suối? Các lèn đá cửa hang bị bồi lấp do xói mòn, thay đổi địa hình địa mạo? Chúng ta phải làm gì, để khi rừng không còn giữ được nước mưa như thế, sông suối không thoát được như thế, mà bà con vẫn sống, thay vì vào hang đá tiền sử với những “trải nghiệm” kinh hoàng? Di dân hay làm nhà vượt lũ? Hay làm nhà trong lèn, hang đá để “xây dựng cơ sở vật chất” cho việc thường niên vào hang chạy “giặc nước”?

Khi Chánh văn phòng Bùi Anh Tuấn kể về 3 đứa trẻ được sinh ra trên nóc nhà, rồi việc bà con mấy nghìn người trở về trong hoang tàn, thậm chí giấy tờ tùy thân, sổ đỏ nhà đất cũng không còn, tôi chợt thấm thía hơn về những sang chấn tinh thần sau thảm họa “bồng bế nhau lên họ ở hang” tại Tân Hoá. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người ngơ ngác, hoảng loạn, ám ảnh vì cảm giác cuộc sống quá bất an, trong phút chốc thiên nhiên tàn độc đẩy con người vào đói khát tận cùng, màn trời chiếu đất theo đúng nghĩa đen, giữa sự gào thét của lũ, sự ô nhiễm và tật bệnh không tưởng tượng nổi. Hoá ra, những mất mát, tổn thương từ câu chuyện kỳ dị của thế kỷ 21 (hơn 3.000 người bỏ nhà vào hang đá) kia lớn và đáng xót xa chẳng kém những thiệt hại vật chất có thể trông thấy bằng mắt thường!

Chị Trương Thị Dung - 28 tuổi, nhà ở thôn 1, xã Tân Hoá kể: “Nước lên nhanh, chồng em đi vắng xa, em và 2 đứa con - thằng Thành 4 tuổi, thằng Thắng 2 tuổi - được bà con cho đi nhờ thuyền chạy khỏi... nóc nhà. Mẹ con em, mỗi người chỉ có duy nhất bộ quần áo đang mặc trên người, tùy theo mưa gió, cứ ướt lại khô, khô lại ướt suốt 6 ngày đêm ở trên núi đá. Đêm ngày em chỉ nằm ôm con, con khóc em cũng khóc, mấy ngày bị đói, em không thấy đói vì thương con. Bây giờ trở về nhà, không còn cái gì, kể cả mấy đồng tiền tích cóp trong hòm giữa nhà cũng bị trôi sạch. Sống bằng gạo và  mì tôm cứu trợ, mẹ con em cứ nấu cơm, lấy mì tôm “luộc” lên, thả gia vị vào làm canh, sống qua ngày”.

Theo Lao Động

Các tin đã đăng:
Về đầu trang