Đó là vấn đề trong
chính Phật giáo: nhiều chùa vẫn tổ chức nhiều cuộc lễ, thậm chí là lễ chưa hẳn
là lễ Phật giáo, với quy mô có thể lớn, thậm chí lớn hơn nhiều Lễ Phật đản. Và
điều đó hầu như được một số tăng ni Phật tử chấp nhận như một điều hiển nhiên,
không thể thay đổi, cũng không cần có cố gắng gì để thay đổi.
Thưở nhỏ, tôi thường đi
chùa Ấn Quang (Sài Gòn) và gắn bó với ngôi chùa này suốt những năm trung học.
Chùa Ấn Quang bấy giờ là văn phòng tạm của giáo hội Phật giáo ở miền Nam, nên
việc tổ chức các ngày lễ rất nguyên tắc, rất quy củ.
Lễ Phật đản được tổ chức
tại chùa Ấn Quang ở quy mô lớn nhất, số người đi dự đông nhất, đầu tư công sức
cho trang trí lễ đài nhiều nhất và số người đến dự cũng đông nhất. Lễ Vu Lan đứng
thứ hai, còn tết thì người đi chùa đông như các chùa khác.
Khi vào đại học, tôi đi
chùa Kỳ Viên, cũng là Trụ sở Trung ương của Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt
Nam (Nam tông - Theravada), quy mô tổ chức lễ Phật đản mà Phật giáo Nam tông gọi
là Lễ Vesak, tức Tam Hợp: Đản sanh, Thành đạo, Niết Bàn cùng một lúc, cũng vào
loại lớn nhất so với các cuộc lễ khác.
Đi làm, tôi ít đi chùa
nên không nhận ra điều bất thường mà tôi sắp nói ra đây.
Mãi đến khi cất một căn
nhà vườn tại huyện Bến Lức, Tỉnh Long An, cạnh bên một ngôi chùa quê, có tên
Linh Phước (dường như trước đây trực thuộc Giáo hội Thiên Thai Giáo quán tông,
có một số chùa ở khu vực Tây Nam Bộ), thì tôi mới thấy một điều, mà tôi lấy làm
hết sức bất ngờ.
Ở chùa Linh Phước đó, Lễ
Phật Đản được tổ chức nhỏ hơn rất nhiều so với Lễ Vu Lan, Lễ Rằm tháng Giêng và
cúng sao trước đó, Lễ Rằm Tháng Mười…
Ngày Phật Đản, chùa có
treo một biểu ngữ “Kính mừng Phật đản, có khoảng 2 lá cờ Phật giáo, nhưng Phật
tử thì không hơn những ngày rằm thường trong năm bao nhiêu.
Trong khi đó, ngày cúng
sao, rằm tháng giêng, rằm tháng mười Phật tử đến chùa Linh Phước tấp nập. Đông
nhất có lẽ Rằm Tháng Bảy.
Những vị ni tu trong
chùa, cũng như tất cả Phật tử đi chùa, coi đó là điều bình thường.
Sau này tôi được biết
cũng có rất nhiều chùa rơi vào tình trạng như trên, kể cả ở thành phố.
CÒN CÓ THỂ CHẤP NHẬN?
Đối với đạo Phật, đức
Phật là đạo sư, là giáo chủ, là đấng vô thượng.
Ngày Đản sinh của Ngài
phải là ngày lễ lớn nhất trong chùa. Không có đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
thì không thể có chùa, có Phật, có tăng, có Phật tử tu học, có những ngày lễ
khác như Vu Lan…
Ấy thế mà, chắc đã từ
lâu, một số không nhỏ tăng ni Phật tử chấp nhận hiện tượng Đại lễ Phật đản được
tổ chức tại chùa của mình như một cuộc lễ nhỏ hơn so với các cuộc lễ khác.
Nêu ra vấn đề này, chắn
chắc chúng tôi không thể chấp nhận điều đó.
Không chấp nhận, tức là
coi việc tổ chức Đại lễ Phật đản tại chùa nhỏ hơn các ngày lễ khác trong năm là
điều không bình thường đối với Phật giáo. Nếu không thể điều chỉnh được ngay
thì cũng phải có cố gắng để điều chỉnh, không thể coi là việc bình thường, cố định,
đương nhiên.
Chúng tôi nghĩ rằng, đã
đến lúc một số tăng ni Phật tử phải nhận thức lại về điều này, không thể tổ chức
ngày lễ Khánh đản Đức Từ phụ nhỏ hơn các ngày lễ khác trong năm.
Điều đó không có nghĩa
là chúng ta phải làm các ngày lễ khác nhỏ lại, mà cần phải đầu tư nhiều hơn
công sức, tiền của, để ngày Phật đản tương xứng với tầm vóc Đại lễ lớn nhất của
Phật giáo Việt Nam và Phật giáo toàn thế giới, là ngày mừng vị từ phụ đã khai
sinh đạo Phật, là ngày đại hoan hỷ của tăng ni Phật giáo.
Có thể năm nay, năm
sau, hay năm sau nữa, Phật đản vẫn chưa thể là ngày lễ lớn nhất trong năm của mọi
ngôi chùa Việt Nam.
Nhưng dẫu sao, vẫn rất
cần coi tình trạng hiện nay như vừa nói ở trên là không bình thường và nỗ lực để
có thể thay đổi trong thời gian sớm nhất.
MT