Phong tục thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp đặc sắc trong văn hóa ứng xử của người Việt. Phong tục ấy không chỉ thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" mà còn mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, nghi thức cúng lễ Tâm tinh như thế nào là đúng? Sau nhiều năm nghiên cứu khảo nghiệm về các khả năng đặc biệt, TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ UIA đã đưa ra một cách nhìn rất ấn tượng về NGHI THỨC CÚNG TÂM LINH trên cơ sở giải mã những thông điệp từ thế giới vô hình, điều mà bấy lâu nay nhiều người vẫn chưa hiểu thấu đáo về phong tục tốt đẹp này.
Thần thức song hành cùng thế giới hữu hình
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, bài viết này chỉ nhằm đưa ra một vấn đề để cùng tham khảo, tùy theo tín ngưỡng của mỗi người mà có sự ứng dụng sao cho được lợi ích viên mãn trong nghi lễ cúng gia tiên.
Để làm rõ hơn về phong tục cúng tổ tiên, trước tiên cần biết thêm về khái niệm "thần thức", điều mà dân gian thường gọi là linh hồn, người cõi âm, hương linh, anh linh, giác linh...
Con người khi chết đi thì vẫn còn lưu lại phần "thần thức" thoát ra khỏi thân tứ đại. Điều này trùng hợp với quan điểm của đạo Phật về thuyết luân hồi, cho rằng con người phải trải qua nhiều kiếp, trước khi được trở về cảnh giới cực lạc.
Với phong tục thờ cúng tổ tiên, dù vô tình hay hữu ý, chúng ta đều đã chấp nhận phần "thần thức" ấy đang song hành cùng thế giới hữu hình. Dựa trên những cơ sở này, Chương trình khảo nghiệm đã phát triển thêm một hướng mới, đi sâu vào việc giải mã những thông điệp của thế giới tâm linh, hướng tới những giải pháp ứng xử mang đậm tính nhân văn trong phong tục cúng lễ.
Con người sinh ra, ai cũng có cha mẹ, ông bà, cao hơn nữa là tổ tiên dòng tộc. Mẹ cha nuôi dưỡng chúng ta, nhưng không bao giờ nghĩ đến việc mình được trả công, mà duy nhất chỉ mong cho các con trưởng thành vinh hiển, làm vẻ vang dòng họ tổ tông. Với công ơn sinh thành dưỡng dục, khi mẹ cha còn sống thì phụng dưỡng, khi khuất bóng thì kính thờ, phận làm con cần phải đáp đền thế nào cho tròn chữ Hiếu?
Dù tiền tài, phẩm vật có uy nghi đến đâu chăng nữa cũng chẳng thể đáp đền công đức Cù Lao, cao lương mỹ vị đủ đầy cũng không thể sánh tày ơn Phiếu Mẫu. Vì vậy, cách báo hiếu hoàn mỹ nhất, ngoài việc dâng tịnh tài, tịnh vật ra, cần dâng HỶ THỰC, HIẾU THỰC và PHÁP THỰC, giúp "thần thức" của người đã khuất thoát khỏi trạng thái phiền não để trở về cảnh giới an lạc. Điều này phù hợp với quan điểm cửa Phật: "Tài thí không bằng Pháp thí".
|
Ảnh minh họa. |
Dâng cúng Phạn thực bằng đồ mặn hay đồ chay?
Phương thức thờ cúng tổ tiên trong nhiều gia đình hiện nay tuy tốn kém, nhưng chưa thực sự đáp ứng được các thông điệp từ thế giới tâm linh. Khi các gia đình cúng bằng những thực phẩm có nguồn gốc sát sinh, khiến phần "thần thức" của người đã khuất dần dần trở nên "nghiện" các thứ tanh tưởi đó.
Thông qua các kết quả khảo nghiệm thấy rằng: Người mới qua đời, "thần thức" rất hoang mang, không có khả năng tự chủ. Lúc ấy, nếu các gia đình dùng những đồ cúng có nguồn gốc tanh hôi, sẽ vô tình làm cho "thần thức" của người đã khuất rời xa cảnh giới thanh tịnh. Bằng chứng là những đám cúng giỗ mà giết mổ nhiều, rượu thịt bừa mứa thì thường hay xảy ra va chạm, cự cãi, thậm chí có thể đâm chém nhau ngay trong lễ cúng. Đó là bởi đám cúng giỗ đó đã bật tín hiệu, quyến rũ các phần "thần thức" ưa thích tanh hôi, tham lam, sân hận, gây "tác dụng ngược", tạo nên sự nóng nảy vô cớ, thiếu kiềm chế của những chúng sinh tham gia thụ hưởng đồ cúng lễ.
Từ hàng ngàn ca khảo nghiệm điển hình, kết quả thống kê cho thấy có tới trên 80% đối tượng tội phạm hình sự đều có nguồn gốc xuất thân từ những gia đình làm nghề bất lương (ví dụ như buôn bán ma túy, hành nghề cờ bạc hoặc làm giàu trên thân xác phụ nữ, đặc biệt là các nghề sát sinh, đồ tể...).
Trong những gia đình đó, "thần thức" của người đã khuất luôn bị "ô nhiễm" bởi môi trường không lành mạnh, dù người thân có cúng dâng mâm cao cỗ đầy cũng không thể siêu thoát. "Âm không siêu thì dương không thái", vì thế không trước thì sau, những gia đình đó cũng gặp những tai họa khó lường theo luật Nhân Quả.
Các thần thức (linh hồn) khi đã "nghiện" những mùi vị tanh tưởi do người thân dâng cúng thì thường tìm đến những gia đình đang làm nghề sát sinh hoặc mắc nghiện ngập...để tái sinh trong kiếp sau theo nghiệp lực "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" và như vậy họ sẽ bị nghiệp sát sinh, nghiệp bất lương lôi cuốn vào vòng xoáy tội phạm trong kiếp sau.
Vậy nên, trong mâm cúng lễ gia tiên, tốt nhất nên dùng những đồ chay tịnh và cần phải dùng nghi thức cúng Tâm linh để chuyển thành "hỷ thực và hiếu thực". Ví dụ như khi ta đang đói bụng, nếu nghe được một tin rất vui, cảm giác đói trước đó có thể dễ dàng tan biến. Phần "thần thức" cũng như vậy, họ không còn xác thân hữu hình để thọ hưởng các đồ cúng bằng "phạn thực" mà chỉ tồn tại dưới dạng thân trung ấm. Tâm thức khi được làm quen với môi trường thanh tịnh, được hưởng những đồ "hỷ thực, hiếu thực", chính là cách nạp thêm năng lượng tinh thần, để phần "thần thức" vượt lên một cung bậc mới trên hành trình tiến hóa tâm linh..
Chỉ dùng đồ cúng lễ thanh tịnh thôi thì cũng chưa đủ, mà còn phải dùng nghi thức của nhà Phật để hồi hướng công đức cho gia tiên. Cùng với việc đọc tụng những bài kinh cầu nguyện sự an lành, con cháu khi tham gia cúng lễ cũng phải thật sự thanh tịnh, và cũng phải sám hối diệt trừ tam độc "tham, sân, si", nhiếp tâm hướng về điều Thiện để dâng gia tiên tiền tổ. Nhiều cuộc khảo nghiệm đã chỉ ra rằng phần "thần thức" chỉ thực sự hoan hỷ khi những người trực tiếp cúng lễ phải là con hiền, dâu thảo, cháu ngoan. "Thần thức" không hoan hỷ với sự cúng thuê, cúng mướn.
Cúng theo nghi thức Tâm linh cần những điều gì?
Cúng giỗ theo nghi thức phàm phu: Các con cháu về dự ăn uống, đánh chén là chính, còn việc tri ân, đề cao công đức và tưởng nhớ đến người đã khuất thì bị xem nhẹ, thậm chí nhiều đám giỗ, các con cháu chẳng hề quan tâm đến tên, tuổi, cuộc đời sự nghiệp của người đã khuất, mà chỉ chủ yếu là khấn cầu lợi, xin được "người âm phù hộ" và cũng là dịp để đón tiếp chiêu đãi tiệc tùng nhằm mở rộng mối bang giao giúp cho công danh, sự nghiệp của tín chủ có cơ hội thăng trưởng.
Nhưng cúng theo nghi thức Tâm linh thì hoàn toàn khác hẳn với cúng phàm phu. Những người con hiền dâu thảo, cháu ngoan khi tổ chức cúng giỗ tri ân, báo hiếu cho người đã khuất là chính yếu, còn ăn uống tiệc tùng chỉ là phần thứ yếu. Do vậy, với nghi thức cúng Tâm linh, trọng tâm là phải làm sao cho thần thức của người đã khuất được trở về cảnh giới an lạc, đó chính là "âm siêu dương thái".
Để việc cúng lễ được viên mãn thì cần phải đảm bảo những nội dung sau:
Dâng tịnh tài, tịnh vật (gọi là Phạn thực): Tịnh tài là dâng những tài vật trong sạch, không cúng tiền giả, vàng mã, không cúng những đồng tiền có nguồn gốc bất lương (như tiền do cá cược, cờ bạc, buôn bán ma túy, trộm cắp, sát sinh...), không cúng đồ giả, đồ cũ, không cúng những phẩm thực tanh hôi có nguồn gốc sát sinh. Vì người đã khuất không còn tấm thân tứ đại nữa, do vậy không thể thọ hưởng trực tiếp vào các đồ cúng bằng phạn thực, nên cần phải có những bài thần chú để biến các thức ăn sang dạng Hỷ thực, Hiếu thực (đọc các bài thần chú (còn gọi là Chú Biến Thực để "chuyển hóa" các thứ dâng cúng sang pháp Hỷ thực).
Dâng Hiếu thực: Các thành viên trong hiếu quyến cần tụng Sám hối và tụng Vu Lan, dâng lời tự bạch thiết tha để chuyển hóa tâm thức, giúp thần thức người đã khuất có cơ hội tiêu trừ sân hận, phiền não.
Dâng Pháp thực: Tụng kinh Bát Nhã và lời kệ của chư Phật, chư Tổ để trợ duyên cho thần thức được tăng trưởng đạo lực, trở về cảnh giới an lạc (đối với những người đi theo đạo Thiên Chúa thì cần đọc những lời răn của Chúa...)... Trải qua nhiều lần được hưởng "Hỷ thực, Hiếu thực, Pháp thực" và an trú trong môi trường thanh tịnh, phần "thần thức" của gia tiên sẽ dần được tiếp cận với cảnh giới cao hơn trên hành trình tiến hóa Tâm linh.
TS Vũ Thế Khanh
http://kienthuc.net.vn/thien/cach-cung-gia-tien-theo-nghi-thuc-tam-linh-305331.html