Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hỷ xả để luôn có xuân an lạc trong tâm
Tuấn Phan
19/01/2014 20:50 (GMT+7)

 Còn vị Phật Di Lặc mà ta thường thấy, là theo phong cách Trung quốc, bụng to, mập lùn, đeo nhiều vòng vàng, có khi là có sáu chú tiểu đeo chung quanh, biểu trưng cho lục căn, 6 căn không dính với 6 trần nên luôn luôn an lạc, ngày nay nhiều người trang trí, đặt tượng Phật di Lặc trong nhà tượng trưng cho sự thịnh vượng, sung túc, hạnh phúc. ..

Khi nói đến Phật Di Lặc là nói đến hỷ xả, đối với người Phật tử khi thâm nhập giáo lý Phật Đà, thì có rất nhiều phương tiện để tu tập, nhưng chung qui cũng qui về một mối là tâm, tất cả mọi phương tiện dù thế nào thì cũng không ngoài mục đích đưa tâm con người đến an lạc, hỷ xả. Vì có xả mới có hỷ, hỷ có nghĩa là vui vẻ, an lạc, còn xả là buông bỏ, không hỷ xả đồng nghĩa với không giải thoát, "Một là tất cả, tất cả là một" lợi mình lợi người, xả cho mình tức là xả cho người, mình có xả thì mình mới an lạc, mình có an lạc thì mình mới đem lại an lạc cho người khác được, tu được hay không gói gọn trong một chữ xả...

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng vậy, ta làm đủ mọi việc, tiếp xúc với mọi loại người, vì thế không thể nào tránh khỏi những va chạm, bất đồng, nếu ta không xả được thì tâm ta sẽ phiền não nặng nề. Đức Phật Di Lặc là tượng trưng cho sự an lạc tuyệt đối, là hạnh phúc tuyệt đối không thối chuyển, chúng ta muốn có hạnh phúc an lạc thì ta phải học tập hạnh của Ngài, chúng ta phải học phá chấp, không chấp người, không chấp cảnh, không chấp tâm, không chấp pháp, không chấp tức là xả, ví dụ trong cuộc sống của ta có ai đó làm cho ta tổn thương phiền não, nếu như ta không xả thì ta cứ phiền não hoài, mỗi lần gặp nhau cảm thấy khó chịu ngượng ngùng, đến khi nào ta tha thứ xả bỏ thì tâm mới nhẹ nhàng.

Theo thói quen thì khi nào người khác xin lỗi ta thì ta mới nguôi giận, buông bỏ, như vậy là ta còn chấp người, ta chưa làm chủ được tâm mình, vì cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận theo ý mình, nếu người ta không nhận lỗi thì ta cứ buồn mãi sao? ta phải tự chuyển hóa buông bỏ chứ không lệ thuộc vào người khác.

Trường hợp thứ hai là khi ta khởi lên ý niệm gì thì ta cứ chấp chặt lấy ý niệm đó và cho nó là đúng hoàn toàn, không cần biết đến suy nghĩ của người khác, đây là chấp tâm, chấp tâm cũng gây ra nhiều tranh chấp, xung đột, hơn thua làm cho con người phiền não, sân hận... Riêng với người Phật tử thì khi tu học, dĩ nhiên là đi từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, từ hữu vi đến vô vi.... nhưng nếu tâm cứ chấp chặt vào pháp thì cũng khó mà tiến sâu được, đây gọi là chấp pháp, ta chấp cái gì, chỗ nào thì bị cột chặt ở chỗ đó, tu học cũng như ta học phổ thông vậy mỗi ngày mỗi khác, mỗi năm mỗi lên lớp chứ ta cứ chấp chặt vào một lớp thì sao ta tiến lên được.

Như các bạn đã biết, giải thoát an lạc hay không là tùy thuộc vào tâm của mỗi người chứ không tùy thuộc vào phương tiện, người nào xả được người đó an lạc, người nào không xả không an lạc, ví dụ như Phật dạy chúng ta "nhìn lỗi mình đừng nhìn lỗi người". Điều đó rất chính xác, vì ta nhìn lỗi người thì tâm ta vọng động.

So đo, ích kỷ thì làm sao ta tu được, nhưng trong kinh Phạm Võng nói rằng "nếu thấy bạn đồng tu phạm lỗi mà không nói thì tội ta nặng hơn người đó" nếu nhìn cả hai thì cái nào cũng đúng cả, nếu ta nói bằng tâm chân thành góp ý để tiến bộ thì đúng, ngược lại ta nói bằng tâm ganh ghét, ích kỷ thì ta sai, khi nào cần im lặng thì im lặng, khi nào cần nói thì phải nói, như vậy mới là người trí tuệ.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, có những việc nếu ta chỉ cần nhắc nhở là bạn ta tránh được bao tai ương, đau khổ ta lại chấp chặt không nói, còn có lúc không cần tranh luận hơn thua thì ta lại nói... Đối với chúng ta để buông bỏ hết tất cả thì rất khó, nhưng bằng quyết tâm nổ lực, tinh tấn hàng ngày ta có thể buông bỏ dần dần, để tâm mỗi ngày được nhẹ nhàng an lạc hơn...

Nhân dịp xuân về xin cầu chúc tất cả bạn đọc, bạn đạo đồng tu hưởng một mùa xuân vui tươi, hạnh phúc...an lạc...

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang