Tượng Bố Đại Hòa Thượng Đời nhà Nguyên
Phật Giáo truyền đến Đông Phương như gió
xuân đưa ấm nồng vào mùa đông rét buốt, tín ngưỡng Tịnh Độ của Phật
Giáo Bắc Truyền như niềm hy vọng mới cho những dân tộc ảnh hưởng nền văn
hóa lễ giáo Nho Gia. Trung Quốc từ thời Bàng cổ, Nghiêu, Thuấn, cho đến
Hạ, Thương, Chu rồi Chiến Quốc, Xuân Thu, Tần, Hán. Việt Nam từ họ Hồng
Bàng đến Hùng Vương, Âu Lạc. Đất nước luôn biến động, chiến tranh liên
miên, xã hội loạn lạc, nhân dân đồ thán, không có lấy một ngày bình yên,
Phật Giáo truyền vào Đông Phương làm cho tinh thần người dân bản địa
như có nơi nương tựa, Tín ngưỡng cầu sanh về Tịnh Độ của Phật Giáo Bắc
Truyền như cho nhân dân ở xứ sở này, có một niềm hy vọng mới và nơi ký
thác cuộc đời mình về một thế giới yên bình và tốt đẹp hơn.
Nói đến Tịnh Độ mọi người liền nghĩ đến
Pháp môn Niệm Phật cầu sanh về cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
Nhưng thật ra ngoài pháp môn niệm Phật vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ A Di
Đà ra, còn có Pháp Môn tu hành cầu sanh Tịnh Độ là Đấu Xuất Thiên Cung
nơi có Đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật đang thuyết Pháp độ sanh và
đợi đến ngày giáng sanh xuống trần gian thay thế cho Đức Phật Thích Ca
làm giáo chủ cõi Ta Bà, giáo hóa chúng sanh.
Trong Kinh Di Lặc Thượng Sanh có chép về
Đức Di Lặc: “Đức Bồ Tát có họ là Di Lặc tên là Từ Thị, thuộc dòng dõi
Bà La Môn, sau xuất gia làm đệ tử của Đức Phật Thích Ca, trước khi Đức
Phật Thích Ca nhập diệt, sanh lên cung trời Đấu Xuất. Sau này khi Đức
Thích Ca nhập diệt, trãi qua 56 ức 7000 vạn năm, Đức Di Lặc Bồ Tát từ
thiên cung hạ sanh xuống phàm trần, tại vườn Hoa Lâm dưới cây Long Hoa
thành Phật, giáo hóa giải thoát chúng sanh.”.
Tượng Bồ tát Di Lặc đời Tống
Tượng Bồ tát Di Lặc đời Đường
Trong Kinh Đại Thừa Tâm Địa Quán có đọan
nói về Đức Di Lặc Bồ Tát rằng: “Di Lặc Bồ Tát Là con của bậc Pháp
Vương, từ khi phát tâm vì muốn kết duyên lành hóa độ hết thảy chúng
sanh, nên không ăn thịt, vì nhân duyên đó mà có tên là Từ Thị. Đức Phật
trong điện Như Ý có 49 tầng trên cung trời Đấu Xuất, ngày đêm thuyết
Pháp bất thối, dùng vô số phương tiện độ trời người…tất cả những ai có
duyên đều được độ..”.
Trong Kinh Phật Thuyết Từ Thị Bồ Tát Thệ
Nguyện Đà La Ni chép: “Bấy giờ bồ tát Từ Thị lại phát lời thệ nguyện.
Sau này vào thời mạt pháp, nếu có chúng sanh nào, có thể đọc tụng thọ
trì, cho đến những người túc nghiệp phải đọa vào A Tỳ địa ngục, khi tôi
thành Phật, nguyện dùng Phật lực mà cứu ra khỏi địa ngục, còn thọ ký cho
quả vị A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.”
Tranh Vẽ Bố Đại Hòa Thượng đời Nam Tống
Đức Di Lặc Bồ Tát là vị đệ tử được Đức
Phật truyền Y và thọ ký trong tương lai kế thế ngôi vị của Đức Thích Ca
Mâu Ni làm giáo chủ cõi Ta Bà. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm chép: “Thế Tôn
bảo Ca Diếp không nên vội Niết Bàn, mà nên chờ Di Lặc ra đời..” Trong
sách Truyền Đăng Lục chương Thích Ca Mâu Ni Phật chép: “Đức Phật dạy
ngài Ca Diếp: Ta đem Y Kim Lâu Tăng Già Lê này tuyền cho Ông, khi Phật
Từ Thị ra đời, Ông nên truyền lại cho vị Phật đã được bổ xứ, chớ để làm
cho hư nát…Ngài Ca Diếp đem y Tăng Già Lê vào núi Kê Túc nhập định chờ
đức Di Lặc Từ Thị hạ sanh… ”. Trong sách Tây Vực Ký bộ Ma Kiệt Đà Quốc
chép: “Phật dạy Ngài Ca Diếp: Nay ta vào Niết Bàn đem chư Pháp Tạng phú
chúc cho ông…Y Kim Lâu Ca Sa do Di Mẫu cúng dường, ông nên giữ lại,
truyền cho Từ Thị khi thành Phật...”.
Tượng Bồ tát Di Lặc tư duy thế kỷ thứ 6 Hàn Quốc
Tín ngưỡng tu hành cầu sanh về Tịnh Độ
của Phật Di Lặc là Đâu Xuất Thiên Cung, được truyền vào Đông phương
khoảng thời Lưỡng Tấn Trung Quốc (T.L 310) Ngài Đạo An Đại Sư đời Đông
Tấn (T.L.312-385) là người khởi xướng và hành trì Pháp môn cầu sanh Tịnh
Độ của Phật Di Lặc, Ngài đã từng cùng đệ tử là Ngài Pháp Ngụ và tám
người khác ở trước tượng của Đức Phật Di Lặc phát nguyện vãng sanh về
Tịnh Độ Đấu Xuất Thiên Cung, Ngài còn trước tác và sớ giải cá tác phẩm
về Tịnh Độ Pháp Môn như “Vãng sanh luận” và “Tịnh Độ Luận”.
Từ đó tín ngưỡng Tịnh Độ của Phật Di Lặc
được phổ biến trong dân gian. Đến đời Tống thuộc thời kỳ Nam Bắc Triều
(T.L 431) niên hiệu Nguyên Gia thứ 8 có Tỳ Kheo Ni Đạo Quỳnh tạo rất
nhiều hình tượng của Bồ Tát Di Lặc, thờ phụng ở khắp nơi, trong đó việc
tạo hình tượng Phật Di Lặc tại chùa Ngõa Quan được sử sách ghi lại sớm
nhất. Năm Thái Hòa thứ 22 (T.L 498) có Cao Sở tạo tượng Di Lặc ở Thạch
quật Vân Cương. Năm Cảnh Minh 4 (T.L503) có Tỳ Kheo Hiệu Lạc tạo tượng
Phật Di Lặc cầu nguyện cho Bắc Hải Vương Nguyên Tường.v.v… qua đó chúng
ta nhận thấy rằng tín ngưỡng Phật Di Lặc ở Đông Phương đến thế kỷ thứ 5
đã hòan toàn phổ biến và hưng thịnh.
Tượng Bồ tát Di Lặc tư duy thế kỷ thứ 7 Nhật Bản
Tín ngưỡng Tịnh Độ Phật Di Lặc được
người dân bản địa Đông Phương chấp nhận một cách nhanh chóng, và sự phổ
cập của tín ngưỡng này vào mọi tầng lớp trong dân gian một cách sâu
rộng, một phần cũng do sự ảnh hưởng của xã hội và lịch sử lúc bấy giờ.
Cuối đời nhà Hán đất nước Trung Quốc chia ra làm 3 nước là Ngụy, Thục,
Ngô, nước Việt Nam ta lúc bấy giờ thuộc quyền cai trị của nhà Đông Ngô
gọi là Giao Châu. Sau đến nhà Lưỡng Tấn rồi Nam Bắc Triều, 10 nước. v.v…
vương triều bao cuộc thay ngôi đổi chủ, đất nước mấy phen dựng lập rồi
lại phế, chiến tranh liên miên, giặc dã nỗi dậy ở khắp nơi, thiên tai
dịch bịnh hoành hành, dân chúng không có được ngày bình yên, cuộc sống
trăm bề cơ cực, lòng người hoang mang không nơi gửi thác.
Thời kỳ đầu Tín ngưỡng Tịnh Độ Phật Di
Lặc là “Di Lặc thượng sanh” cầu sanh lên Đâu Xuất thiên cung để nghe
kinh giải thoát, sự ra đời của ý niệm này đem lại cho mọi người một niềm
tin mới, một hy vọng về ngày mai tốt đẹp và an lành hơn. Vì vậy mọi
người nương theo lời Phật dạy trong Kinh Di Lặc Thượng Sanh mà phát tâm
quy ngưỡng Đức Di Lặc, trong Kinh Phật dạy: “Nếu như có người quy y Tam
Bảo, thành tâm hướng thượng, đều có thể sanh sang thế giới Tịnh Độ của
Đức Phật Di Lặc, trừ được 100 ức tội nghiệp của sanh tử…”
Tượng Bồ tát Di Lặc thế kỷ thứ 2 Tây Vực
Nói về cảnh giới phước báo trang nghiêm
cũng như thù thắng, trong kinh dạy: “Thế Giới Đấu Xuất có tám dòng nước
lớn bằng lưu ly phóng ánh quang minh, trang trí cho mỗi dòng nước hai
bên có 500 ức bảo châu hợp thành…ở bốn cổng vào hóa ra những hoa lớn,
trên mỗi đóa hoa có 24 vị thiên nữ, thân hình đẹp đẽ vi diệu, vai trai
bận áo hoa sen trang sức vô số anh lạc, vai phải đeo vô số nhạc khí, như
mây giữa hư không, như dưới nước mà đi lên vậy. Nếu như ai được vãng
sanh lên cỏi trời Đâu Xuất, tự nhiên đều được các vị thiên nữ hộ trì.
Trong cảnh giới lạc viên thiên đàn Đức Phật Di Lặc vì nhơn thiên mà
thuyết pháp đại thừa, giải hết phiền não khổ đau cho mọi người..”
Khi tín ngưỡng Tịnh Độ của Đức Phật Di
Lặc phát triển và phổ biến, thì tư tưởng “Di Lặc hạ sanh” bắt đầu hưng
thạnh. Đến đời Bắc Ngụy thì tư tưởng “Di Lặc Hạ Sanh” hòan toàn thay thế
cho tư tưởng “Di Lặc thượng sanh” của thời kỳ đầu. Tư tưởng Di Lặc hạ
sanh xuống nhân gian dựa theo tin thần của Kinh Di Lặc Hạ Sanh, Kinh
Pháp Diệt Tận Kinh Di Lặc Đại Thành Phật đều có chép trong tương lai Đức
Phật Di Lặc sẽ giáng sanh xuống phàm trần: “ Bồ Tát Di Lặc, thuộc dòng
dõi Bà La Môn thân kim sắc đầy đủ 32 tướng tốt 80 vẽ đẹp, thường tu pháp
“Từ Tâm Tam Muội” thề không sát sanh, không ăn thịt, nên có tên là Từ
Thị, còn có tên là A Dật Đa…hạ sanh xuống nhân gian…hóa độ chúng
sanh..”.
Tượng Bồ tát Di Lặc thế kỷ thứ 4 thời Nam Bắc Triều
Tín ngưỡng Tịnh Độ Phật Di Lặc, đi theo
đó là sự xuất hiện phổ biến của hình tượng đức Phật Di Lặc trong sinh
hoạt tín ngưỡng tôn giáo của Phật Giáo Bắc Truyền cũng như dân gian.
Hình tượng Đức Phật Di Lặc được tạo ra căn cứ theo Kinh Di Lặc Hạ Sanh,
hình tướng vô lượng trang nghiêm, ngồi trong tư thế hai chân giao nhau,
từ bi diện mục, đây là hình tướng ban đầu của bồ Tát Di Lặc trong nghệ
thuật điêu khắc Phật tượng của Phật Giáo Bắc Truyền, thể loại hình tượng
Bồ Tát ngồi hai chân giao nhau này, nay còn ở Động Đôn Hoàng. Đến đời
Thạnh Đường tượng Bồ Tát Di Lặc xuất hiện thêm một hình tướng nữa, đó là
tượng Bồ tát ngồi thả hai chân không còn giao nhau như những tượng Bồ
Tát ban đầu. Đến Đời Tống sự xuất hiện của Bố Đại Hòa Thượng, hình tượng
đức Di Lặc Bồ tát hoàn toàn được Đông Phương hóa, có hình dáng của một
vị Hòa Thượng Thiền Sư của Phật Giáo Bắc Truyền, tùy duyên, tự tại, giai
đại hoan hỷ.
Niềm tin có một ngày Đức Bồ Tát Di Lặc
hạ sanh xuống nhân gian, để hóa độ chúng sanh theo lời Phật dạy trong
Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật là tác nhân chính ung đúc cho hình tượng
Bố Đại Hòa Thượng Di Lặc ra đời, đồng thời tinh thần hình tướng của Đức
Di Lặc Bồ Tát được Kinh A Hàm quyển trung mô tả: “Hình tướng Di Lặc Bồ
Tát thường không cố định, có thời là tướng Tỳ Kheo, có khi là tướng Bồ
Tát…đôi khi còn có hình tướng của Bạch Y…” cùng với văn hóa Thiền Tông
phát triển và thịnh hành vào thời Đường, Tống hình tượng nhập thế của
Đức Di Lặc Bồ Tát với nét đặc trưng một vị Thiền sư bụng to, má sệ, nụ
cười tươi như hoa nở, thể hiện đầy đủ tính chất tùy duyên của Phật Giáo
Bắc Truyền được đản sanh, và rất mau chóng hòa nhập vào đời sống văn hóa
truyền thống và tín ngưỡng dân gian của người Đông Phương cũng như Phật
Giáo Bắc Truyền.
Bố Đại Hòa Thượng là ai? vì sao được
xưng là Bồ Tát Di Lặc.Trong sách “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục” sách “Ngũ
Đăng Hội Nguyên” sách “Minh Châu Cảm Ứng Đại Sư Bố Đại Hòa Thượng
Truyện”.v.v… đều có ghi chép về sự tích của Ngài. Theo Sách Cảnh Đức
Truyền Đăng Lục thời Tống (1004) chép: “Quê ở Minh Châu, huyện Phụng
Hóa. Không ai rõ tên họ Ngài là gì, chỉ biết Ngài tự xưng mình là Khiết
Thử, mọi người thường gọi là Bố Đại Hòa Thượng, nghĩa là Hòa Thượng Túi
Vải.”
Tướng người mập mạp, trán hẹp, bụng lớn.
Nói năng vô định, ngủ thì tùy chỗ; thường dùng một cây gậy, quảy một
cái túi vải, hễ ai cúng cho món gì, Ngài bỏ cả vào trong túi. Vào chợ,
vào xóm, thấy cái gì là xin cái đó, bất kể cá ương hay rau thúi. Xin
được, bỏ vào miệng; còn lại thì bỏ vào túi. Người thời bấy giờ gọi là
“Trường Đinh Tử Bố Đại Sư”, tức là “ông sư túi vải cây đinh dài”.
Có lần Ngài nằm trong tuyết, mà tuyết
không thấm ướt đến mình. Người ta thấy thế cho rằng Ngài là một nhân vật
kỳ lạ. Nếu Ngài đến xin hàng bán của ai, hàng đó nhất định sẽ bán chạy.
Trời sắp sửa mưa, chắc chắn người ta sẽ thấy Ngài mang đôi guốc gỗ đẫm
ướt đi bương bã trên đường. Lúc trời hứa hẹn một ngày nắng ráo, người ta
thấy Ngài treo cao đôi guốc gỗ trên cầu, nằm co chân mà ngủ. Cư dân lấy
đó mà nghiệm thì có thể biết thời tiết trong những ngày sắp tới. Cuộc
đời Ngài để lại một số giai thoại đầy ẩn ngữ.
Một thầy Tăng đi phía trước Ngài. Ngài
chạy tới vỗ vào lưng. Thầy Tăng quay đầu lại, Ngài nói: - Cho xin một
quan tiền. Thầy Tăng trả lời: - Nói được thì tôi cho Ngài một quan tiền
ngay. Ngài bỏ túi xuống, khoanh tay đứng.
Tượng Bồ tát Di Lặc thời Minh
Lần nọ, Hòa thượng Bạch Lộc hỏi Ngài: -
Túi Vải (Bố Đại) là thế nào? Ngài bỏ túi vải xuống. Hòa thượng Bạch Lộc
lại hỏi nữa: - Cái việc của túi vải là thế nào? Ngài quảy lên vai mà đi.
Lần khác, Hòa thượng Tiên Bảo Phúc hỏi: -
Chỗ cốt yếu của Phật pháp là thế nào? Ngài bỏ túi vải xuống, khoanh tay
đứng. Bảo Phúc nói: - Chỉ có vậy, hay có cái gì khác hơn nữa? Ngài liền
quảy lên vai mà đi.
Có một lần Ngài đứng giữa ngã tư, một
thầy Tăng hỏi: - Hòa Thượng làm gì ở đó? - Ngài đáp: - Đợi một người. -
Đến rồi! Đến rồi!; - Ông không phải là người đó; - Ngài đó thế nào?; -
Cho xin một quan tiền.
Đời Lương, niên hiệu Trinh Minh thứ hai, năm Bính Tý, tháng Ba , trước khi thị tịch, Ngài có nói bài kệ:
Di Lặc chân Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhơn
Thời nhơn tự bất thức
Di Lặc thật Di Lặc
Trăm nghìn ức hóa thân
Hiện thân chỉ cho người
Tự người đời không biết
Nói kệ xong, Ngài yên lành mà tịch. Về
sau, ở châu khác, có người cũng thấy Ngài mang túi vải mà đi. Nhân đó,
người ta mới tranh nhau vẽ tượng Ngài. Toàn thân của Ngài cho tới đời
nhà Tống, còn được thấy tại chùa Nhạc Lâm.” .Với những kỳ tích và đạo
hạnh cũng như Thiền tư của Ngài, cộng thêm bài kệ thị tịch, Bố Đại Hòa
Thượng được Phật Giáo cũng như đại đa số quần chúng trong dân gian tín
ngưỡng và lưu truyền, dần dần hình tượng của Ngài được Phật hóa thành
hình tượng của Đức Phật Di Lặc trong tương lai, theo quan niệm truyền
thống thần thánh dân gian Đông phương, cũng như tư tưởng “ Đại Thừa ứng
thân” của Phật Giáo Bắc Truyền.
Hình tượng của Đức Phật Di Lặc hoàn toàn
được Đông Phương hóa qua hình tướng của Bố Đại Hòa Thượng là điểm cuối
cùng của của quá trình Đông Phương hóa hình tượng Di Lặc Bồ Tát, vì
trước Bố Đại Hòa Thượng từng nhận mình là hóa thân của Bồ Tát Từ Thị,
thì cũng rất là nhiều nhân vật nổi tiếng của Phật Giáo Bắc Truyền cũng
tự nhận mình là hóa thân của Bồ Tát Di Lặc như Tống Tử Hiền đời Tùy và
Võ Tắc Thiên đời Đường. Qua hiện tượng này thể hiện rõ sự trưởng thành
và phát triển mạnh mẽ của Phật Giáo Bắc Truyền về hình tướng cũng như
triết lý, hàm ý tính chất độc lập, lập tông của tư tưởng “ Tức Tâm Tức
Phật” của Thiền gia và làm sáng ngôn luận “Tâm - Phật - Chúng Sanh, tam
vô sai biệt”.
Tinh Thần “Thánh Phàm Bình Đẳng” của Đại
thừa Bắc Truyền Phật Giáo được thể hiện hết sức sinh động qua hình
tượng của Phật Di Lặc Bố Đại Hòa Thượng. Đức Bồ Tát Di Lặc nơi Thiên
Cung, với 32 tướng cụ túc, 80 vẻ đẹp trang nghiêm, nhưng khi ứng thân
vào đời bằng hình hài của một vị Hòa Thượng mật mạp, bụng to, áo quần
xốc sếch, nhưng miệng thì luôn điểm một nụ cười, làm cho mọi người đều
có thể gần gủi và thân mật. Đại thừa là thế vì muốn đem đạo vào đời, vì
người là Phật, Phật cũng là người nên đâu có cách ngăn.
Lại nữa Bố Đại Hòa Thượng, Ngài thường
chỉ vào cái bao chứa hết thảy những gì xin được của mình bất cứ là dơ
hay sạch của mình mà nói: “ Đây là Nội Viện của Di Lặc” chỉ cho ta một
hàm ý nội viện của Bồ Tát Di Lặc ở cung Đâu Xuất Đà cũng không khác gì
với cõi Ta Bà ở trần thế, Bất cứ những nơi nào nếu như “không còn thấy
dơ sạch hay ô nhiễm nữa đó là Tây Phương, Không khổ não không ưu phiền
đúng là tịnh độ” tư tưởng “Nhất Trần Bất Nhiễm” của Đại Thừa Viên Đốn
như viên mãn ở nơi đây.
Đại Thừa Bồ Tát Đạo lấy Lục Độ Ba La Mật
làm tiêu tướng để tu hành, Nhẫn Nhục là Pháp tu không thể thiếu, Tinh
Thần nhẫn nhục của Phật Giáo Đại Thừa vô cùng vô tận cho nên bụng của Bố
Đại Hòa Thượng là to nhất trong lục căn, vì vậy người đời khi viết đối
liễn tán thán Đức Phật Di Lặc không bao giờ họ quên tán thán cái bụng
của ngài “Đại tu năng dung, dung thiên hạ nan dung chi sự” bụng lớn chứa
hết, những gì đời không thẻ chứa được. Hay là “Đại Tu năng dung, dung
thiên dung đia, vu sự hữu hà bất dung” bụng to chứa hết, chứa trời chứa
đất, không có việc gì mà không thể chứa.
Bồ Tát nhẫn nhục, nhẫn những điều mà
chúng sanh không nhẫn được, nhẫn không phải vì mình vô năng hay khiếp
nhược, mà nhẫn trong tình thương từ bi vô hạn của Phật, Nhẫn trong tính
vô úy hòa diệu của chí khí trượng phu. Kiến giải không đồng, tâm lượng
sai khác, lòng từ tế độ quần sanh, nên người có chí Đại thừa cần một tâm
lượng rộng lớn mới có thể độ sanh, cho nên trong văn hóa của người Đông
Phương có câu “Hải nạp bách xuyên” biển lớn chứa hết nước của trăm
sông. “Đại Thừa Pháp Hải” cũng như thế nên bụng của Đức Phật trong tương
lai cần nên lớn như thế.
Hoan hỷ lạc quan là cốt cách của một con
người luôn hướng đến tương lai, và tin vào một ngày mai tốt đẹp, đây là
là tinh thần cốt lõi của Phật Giáo Đại Thừa khi nói về tương lai. Khi
con người bỏ xác thân để trở thành quá khứ, thì Đạo Phật tất cả quá khứ
là nguồn cội của tương lai, nên Đức Di Đà mới tiếp dẫn chúng sanh về một
tương lai mới, mà lúc nào cảnh giới mới mà Phật Giáo đưa ra cũng tốt
đẹp hơn trước.
Trong cảnh giới hiện sinh thì Đức Phật
Di Lặc của tương lai luôn mĩm cười, nụ cười của Đức Di Lặc, cười buông
bỏ hết tất cả phiền muộn, cười để lạc quan hơn trong cuộc đời lắm nỗi
trái ngang. Cười để hiểu đang chờ ta là một tương lai vô cùng tốt đẹp,
vì thế nên Đức Di Lặc luôn tươi cười để an ủi nhân sinh. Nụ cười của Đức
Di Lặc được ví như mùa xuân hay những gì vui nhất, nếu cười được như
Ngài thì ngày thành Phật không xa, cho nên câu đối nào nói về Ngài mọi
người đều không quên nhắc về nụ cười của ngài “Khai Khẩu tiện tiếu, tiếu
cổ kim, phàm sự phó chi tiếu” mở miệng tươi cười, cười chuyện xưa nay,
mọi việc chỉ cần cười là xong hết. Hay câu “Khai khẩu tiện tiếu, tiếu
thế gian khả tiếu chi nhân” mở miệng tươi cười, cười thế gian sao nhiều
người đáng cười.
Hình tượng Bố Đại Hoà Thượng là hiện
thân của Đức Bồ Tát Di Lặc được tôn thờ trong dân gian bắt đầu từ đời
Tống được lưu truyền rộng rãi, nhưng chính thức được tôn thờ trong tự
viện Phật Giáo Bắc Truyền, cũng như được Tăng lữ Phật Giáo Bắc truyền
chính thức công nhận phải đến thời nhà Minh, theo sách Pháp Uyển Đàm
Tùng và sách Trung Quốc Phật Giáo Mạn Đàm cũng như sách Đế Vương Dử Phật
Giáo đều cho rằng vào cuối thời nhà Nguyên những cuộc khởi nghĩa của
nông dân Trung Quốc chống lại triều đình nổi dậy khắp nơi, trong đó có
nhiều cuộc khởi nghĩa lấy hiệu triệu thiết lập một “Thế giới mới”.
Bấy giờ ở Phụng Hóa quê hương của Bố Đại
Hòa Thượng xuất hiện một đạo mới Di Lặc Giáo và đạo này với khẩu hiệu
“Tân Phật xuất thế, trừ khử chúng ma” làm khẩu hiệu, hiệu triệu nông dân
đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Nguyên Mông. Sau khi cuộc khởi nghĩa
nông dân dưới sự lãnh đạo của Chu Nguyên Chương thành công lập nên nhà
Minh, vì là người xuất thân từ chùa nên triều đình nhà Minh ra lịnh tất
cả các tự viện trong toàn quốc, trong Thiên Vương điện thờ Đức Phật Di
Lặc đều phải dùng đức tướng của Bố Đại Hòa Thượng là hóa thân Phật để
phụng thờ, từ đó hình tượng Bố Đại Hòa Thượng thay thế cho hình tượng
của Bồ Tát Di Lặc trong tự viện Phật Giáo Bắc Truyền và được Tăng Tín Đồ
Phật Giáo chính thức công nhận hình tượng Bố Đại Hòa Thượng là hóa thân
của Bồ Tát Di Lặc.
Đức Phật Di Lặc, Phật của tương lai theo
tin thần của Kinh Pháp Diệt Tận Phật dạy: “Di Lặc hạ sanh xuống thế
gian làm Phật, thiên hạ thái bình, khí độc tiêu hết, mưa hòa gió thuận,
ngũ cốc xanh tốt, cây cối tốt tươi. Dân chúng người người cao lớn đến 8
trượng, sống lâu đến 8 vạn 4000 tuổi. chúng sanh được ngài độ, số không
thể kể hết.” chính vì nguyên nhân, mà tín đồ của Di Lặc Giáo cho rằng
mùa Xuân là sự khởi đầu cho một năm mới, một hy vọng mới, một tương lai
mới ước vọng một thế giới mới, cho nên lấy ngày mùng một tết là ngày vía
của Đức Phật Di Lặc. Với những ý nghĩa như vậy nên mùa xuân của Đức Di
Lặc ra đời và lưu truyền rông rãi trong dân gian, được mọi người đón
nhận.
Trãi qua thời gian vì tính chất gần với
tư tưởng xây dựng cảnh giới Nhân Gian Tịnh Độ giữa cuộc đời khổ đau của
Phật Giáo Bắc Truyền. đồng thời cũng thích hợp với lối tư duy “Thế Ngoại
Đào Viên” của các dân tộc Đông Phương chịu sự ảnh hưởng truyền thống
văn hóa huyền học Đạo Gia, nên ngày xuân đến mọi người vui xuân cùng
trời đất, đồng thời cũng vui xuân trong tâm niệm đón chờ ngày Đức Phật
Di Lặc xuống trần cứu độ và hy vọng của một thế giới mới tốt đẹp hơn
xuất hiện trên cõi đời “ Tịnh Độ Trong Thế Gian”, cho nên ngày xuân trở
thành ngày tết quan trọng trong Phật Giáo Bắc Truyền.