Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ni trưởng Tịnh Nguyện: Hãy tìm và sáng tạo những phương thức mới cúng dường Đức Phật
Minh Thạnh (thực hiện)
22/06/2011 18:44 (GMT+7)


Hình ảnh một sư bà cao tuổi (năm nay ni trưởng đã 81 tuổi) đắp y vàng trang nghiêm, ngồi hầu Phật trên xe tôn trí kim thân Đức Phật sơ sinh, dẫn đầu cuộc diễn hành của các bạn trẻ được đăng tải trên Phattuvietnam.net trong loạt bài phản ánh Đại lễ Phật đản đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ và sâu đậm trong lòng bạn đọc.

Những hình ảnh một vị sư bà ngoài 80 tất tả dẫn đoàn cháu chỉ ngoài 20 tuổi đến tượng đài Bồ tát Quảng Đức đảnh lễ, rồi cùng nhau diễn hành đến hết chùa này qua chùa khác, đã thôi thúc chúng tôi không thể không tìm đến hầu chuyện sư bà về Phật sự mới mẻ và gây được tác động trong mùa Phật đản.

Lời đầu tiên của sư bà là về hình thức diễn hành xe đạp kêu gọi bảo vệ môi trường, chào mừng Đại lễ Phật đản, xin hãy phỏng vấn Thượng tọa Bảo Nghiêm, vì việc sư bà làm cũng là từ ý tưởng của quý tăng ni, và đoàn xe phối hợp chùa Phước Hải – Giác Tâm cũng còn rất nhỏ, chỉ mang tính chất thử nghiệm ban đầu, lộ trình giới hạn. Sư bà không muốn nói về việc mình làm, mà chỉ tán thán Thượng tọa Viện chủ chùa Bằng (Thượng tọa Bảo Nghiêm) ở Phật sự mới trong mùa Phật đản này.

Kiên trì nài nỉ mãi, sư bà mới dành cho cuộc tiếp chuyện về đề tài diễn hành xe đạp, cổ động bảo vệ môi trường, chào mừng Đại lễ Phật đản. Nhưng ni trưởng vẫn dặn dò, phải nhắc đến cuộc diễn hành do Thượng tọa Viện chủ chùa Bằng tổ chức trước đấy.

Cư sĩ Minh Thạnh (CSMT): Bạch ni trưởng, xin ni trưởng cho biết là vì đâu ni sư lại đi đến ý tưởng tổ chức diễn hành xe đạp cổ động bảo vệ môi trường, chào mừng Đại lễ Phật đản.

Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện (NTTNTN): Ý tưởng trước tiên là từ quý thầy trẻ ở chùa Giác Tâm, Quận 5, TPHCM.

Riêng tôi, tôi chỉ có mong muốn chung là tìm và sáng tạo những hình thức mới để cúng dường Đức Phật. Ý tưởng của quý thầy chùa Giác Tâm đề xuất tổ chức rất hợp với ý tôi, vì cổ động bảo vệ môi trường là cổ động cho việc làm vì sự sống muôn loài, rất hợp với hoạt động cúng dường Đức Phật nhân ngày Phật Đản.

Bên cạnh đó, đây là hoạt động chủ yếu nhắm vào đối tượng thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh nên rất có ý nghĩa, có tác dụng tốt trong việc giáo dục giới trẻ nếp sống lành mạnh bảo vệ môi trường, cũng như khơi gợi, củng cố đạo tâm nơi các em.

CSMT: Bạch ni trưởng, đoàn diễn hành được biết chỉ gồm 50 xe đạp. Như thế thì có quá ít so với khả năng của chùa, vì con thấy số học sinh, sinh viên đến học tại thư viện và dùng cơm chay định kỳ nửa tháng tại chùa rất đông?

NTTNTN: Đúng là số sinh viên Phật tử thường xuyên đến chùa sinh hoạt khá đông, có thể gần 200 em. Ngoài ra, còn có số đoàn sinh Gia đình Phật tử, mà chùa đã tổ chức được đủ ngành. Nếu huy động hết các em thì đoàn diễn hành cả 2 chùa có thể lên đến gần 500 chiếc xe đạp.

Tuy nhiên, như đạo hữu thấy, đoàn diễn hành xe đạp chỉ mới đạt con số khiêm tốn, chỉ 50 chiếc. Sở dĩ như vậy là vì:

-         Tôi và quý thầy chùa Giác Tâm thống nhất rằng, đây là lần tổ chức đầu tiên, có tính chất thử nghiệm, bước đầu, nên chỉ giới hạn ở quy mô nhỏ. Nếu tổ chức thành công thì sẽ tổ chức quy mô lớn hơn, với nhiều xe hơn trong những lần tiếp theo, và cự ly, thời gian diễn hành cũng có thể mở rộng.

-         Thời gian chuẩn bị quá gấp, chưa tới 3 ngày. Chùa Giác Tâm được một nhà hảo tâm tặng 20 xe đạp (mỗi chiếc trị giá 800.000 đồng), còn chùa Phước Hải chưa kịp huy động Phật tử cúng dường, chỉ mượn xe các em sinh viên. Các em sẵn sàng mang tới nhiều xe, nhưng tôi rất ngại, vì chương trình kéo dài đến 3 ngày, cộng vào đó là thời gian trang trí, nên phải giữ xe các em gần một tuần, các em sẽ không có phương tiện đi học.

-         Vì thời gian chuẩn bị quá gấp, mà trang trí một xe mỗi em cũng mất hàng mấy giờ đồng hồ, với hoa giả phía trước, phía sau, ảnh Đức Phật sơ sinh, khẩu hiệu nhỏ cài vào hoa…, nên nếu làm nhiều xe hơn thì các em phải thức khuya. Dù có nhiều em tình nguyện, tôi nghĩ cũng thôi, lần này mình chỉ làm tượng trưng.

CSMT: Bạch ni trưởng, chi phí cho đoàn diễn hành xe đạp là bao nhiêu? Xin mạn phép hỏi để các chùa khác muốn tổ chức biết được kinh nghiệm.

NTTNTN: Nếu chỉ tính đoàn xe đạp thì không tốn chi phí nào hết.

Nhà chùa chỉ tốn vài triệu đồng để thuê chiếc ô tô mui trần, dùng để trang trí tượng Phật Đản sinh, vừa dùng để làm xe phát thanh. Chiếc ô tô mà đạo hữu nói thấy tôi ngồi hầu Phật đó.

Nhiều Phật tử cũng có ô tô cho mượn, nhưng không có xe mui trần để trang trí tượng Đức Bổn sư, nên phải đi thuê.

Việc ẩm thực trong 3 ngày diễn hành do các chùa mà đoàn diễn hành ghé đến ủng hộ cả.

Hoa giả, băng rôn trang trí thì quý thầy cô gói kỹ vào bao, lần diễn hành sau dùng lại, nên không thể tính là chi phí cho riêng lần này.

Không tốn gì cả, mà 2 chùa Phước Hải – Giác Tâm làm được một chiếc xe hoa dài có đến mấy trăm mét, với 50 em sinh viên tham gia, diễn hành 3 ngày liền, qua lộ trình hàng chục ngôi chùa, mấy mươi km đường, tạo không khí sôi nổi mừng Phật đản tại các quận trung tâm TPHCM.

CSMT: Bạch ni trưởng, việc tổ chức diễn hành có gặp trở ngại gì không?

NTTNTN: Không hề có một trở ngại nào, kể cả trở ngại khách quan do đoàn xe gây ra như kẹt xe, ảnh hưởng tốc độ, lưu lượng xe đang tham gia giao thông chẳng hạn.

Ban đầu, thậm chí, các thầy có dự kiến là nếu thấy có ảnh hưởng lưu thông thì cho các em đạp xe thành hàng 1. Nhưng vì thấy không gây ảnh hưởng gì đến giao thông cả, nên có lúc cũng cho các em đi thành hàng đôi cho đẹp mắt.

Đạo hữu nghĩ xem, lưu thông hàng 1 xe đạp SÁT LỀ PHẢI thì chắc chắn không thể có ảnh hưởng gì, dù là rất nhỏ.

CSMT: Bạch ni trưởng, diễn hành suốt ba ngày như vậy, thì ni trưởng và các em có mệt không, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

NTTNTN: Tôi chỉ tham gia diễn hành có 2 ngày, còn ngày giữa thì phải lo Phật đản ở chùa. Ban đầu các thầy cũng lo sức khỏe cho tôi và cả cho các em, nhưng đi suốt ngày đầu, từ sáng tới tối, vẫn không thấy mệt. Các em cũng thế.

Thực ra, đây là cuộc đi lễ nhiều chùa kết hợp với diễn hành. Đi là diễn hành, đến nơi là lễ Phật, vui lắm anh ạ, nên sao mà mệt cho được.

Năm sau, chúng tôi dự định diễn hành suốt cả tuần lễ Phật đản đấy. Có mệt, thì các em cũng như quý thầy cô thay nhau. Nhưng đi một tí là đến một ngôi chùa, vào lễ Phật rồi nghỉ mệt, uống nước, đàm đạo với quý thầy,nên nếu các chùa có tổ chức thì cũng không lo chuyện mệt. Đoàn nào có đi ngang đường 3 tháng 2 thì mới ghé vào chùa Phước Hải chúng tôi.

CSMT: Bạch ni trưởng, xin ni trưởng có ý kiến đánh giá về việc tổ chức diễn hành xe đạp hoa cổ động bảo vệ môi trường, chào mừng Đại lễ Phật Đản.

NTTNTN: Nói vui, là nếu đăng ký kỷ lục, thì chúng tôi đã lập nhiều kỷ lục nhất về xe hoa Phật đản đấy, vì đoàn xe có thể coi là một khối xe hoa thống nhất.

Đó là:

-         Kỷ lục xe hoa Phật đản nhiều người tham gia diễn hành nhất.

-         Kỷ lục xe hoa Phật đản có thời gian diễn hành nhiều nhất, 3 ngày, có ngày từ sáng đến tối.

-         Kỷ lục xe hoa có cự ly diễn hành dài nhất, vì diễn hành qua nhiều đường phố liên tục 3 ngày.

-         Kỷ lục xe hoa Phật đản rẻ tiền nhất.

-         Kỷ lục xe hoa Phật đản… chạy chậm nhất!

Hiệu quả cổ động thì được cả đôi đàng. Vừa cổ động bảo vệ môi trường hưởng ứng một chủ trương lớn của nhà nước, vừa là hoạt động chào mừng Đại lễ Phật Đản hết sức thiết thực, tiết kiệm.

Còn đối với Phật sự thanh niên Phật tử, thì đây là hoạt động hết sức hiệu quả.

Trước hết, đối với các em, đây là hoạt động giúp ích xã hội, cúng dường Đức Phật.

Sau đó, đây là dịp các em đến thăm nhiều chùa trong thành phố, làm quen với quý thầy cô, gieo duyên lành Phật pháp.

Vì số xe đạp có hạn, nên các em tranh nhau đi diễn hành, và mong sớm có được dịp diễn hành như thế nữa. Có em nói rằng đây là sự kiện vui nhất từ trước đến nay đối với em.

Còn người đi đường, tăng ni Phật tử các chùa đoàn diễn hành ghé qua, thì đều hết sức hoan hỷ.

Có một cụ ông quỳ ngay xuống đường lễ Kim thân Đức Phật sơ sinh dẫn đầu đoàn xe khi đoàn diễn hành đứng lại.

Các chùa đều niềm nở đón tiếp đoàn diễn hành, giới thiệu sinh hoạt chùa mình, làm ấm không khí ngày Phật Đản, thắm thiết đạo vị đạo tình.

CSMT: Bạch ni trưởng, ni trưởng muốn chia sẻ gì thêm với các chùa khi nói về kinh nghiệm tổ chức sự kiện này?

NTTNTN: Điều tôi muốn chia sẻ hơn hết khi nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn là các chùa hãy thử nghiệm hình thức này. Có thể đi một lúc qua một đoạn đường dài mấy chục cây số như chùa Bằng, Hà Nội đã làm… Có thể đi loanh quanh các chùa trong thành phố như chùa Phước Hải – Giác Tâm, TPHCM đã làm. Nhiều chùa cùng làm, các em thanh niên Phật tử giao lưu, thăm viếng chùa lẫn nhau, rất vui, rất có ý nghĩa, và lại hết sức tiết kiệm.

Tôi nghĩ tổ chức sự kiện diễn hành xe đạp hoa, vừa cổ động môi trường, vừa chào mừng ngày lễ Phật giáo như thế thì đã là việc tổ chức sự kiện tốt đạo đẹp đời tiêu biểu.

Tôi vẫn buồn, sao mà Phật tử mình ở TPHCM treo cờ Phật giáo còn ít quá.

Nhưng thấy đoàn xe đạp, rợp cờ nước, cờ Phật giáo, ảnh Phật sơ sinh làm sáng hẳn một đoạn đường, lòng tôi lại vui sướng không tả.

Đêm 14 Âm lịch đoàn diễn hành tựu về Tượng đài Bồ Tát Quảng Đức chờ đón đoàn xe hoa của Thành Hội. Xe đạp hoa sắp hàng dài trên lề đường bao quanh tượng đài, trong ánh sáng rực rỡ của công viên, mà cũng là lễ đài mừng Phật đản của Ban Đại diện Phật giáo Quận 3, tôi thấy dường như Đức Phật sơ sinh và Bồ tát Quảng Đức hiện giữa một vườn hoa, hoa trên xe, hoa cầm tay, hoa trên lễ đài, hoa là những nụ cười háo hức, sôi nổi tươi vui của các em sinh viên trong đêm mừng Khánh Đản…

Vì đây là hoạt động trước hết là cổ động bảo vệ môi trường, sau là chào mừng ngày lễ Phật giáo, nên tôi nghĩ, có thể tổ chức vào bất cứ dịp lễ Phật giáo nào trong năm, không riêng gì chỉ chào mừng Lễ Phật đản.

Đối tượng tham dự cũng nên mở rộng. Không riêng gì thanh niên, sinh viên, học sinh mới đạp xe đạp, mà trong thời buổi cổ động nhau bảo vệ môi trường như hiện nay, thì xe đạp, phương tiện đi lại vừa thân thiện với môi trường, vừa tốt cho sức khỏe, dành cho tất cả mọi người, từ cháu bé đến cụ ông. Nhiều lứa tuổi cùng tham gia sẽ tăng tính quần chúng của sự kiện.

Tôi đã đề nghị các thầy cô trẻ tìm kiếm phương thức “xe hoa hóa” xe đạp một cách đơn giản hơn, tức là làm sẵn trang trí rồi, ai mang xe đạp tới tham gia thì lắp hoa trang trí, cờ, khẩu hiệu, hình ảnh vào, đi về tháo ra ngay, không bận xe của người tham dự.

Tôi hình dung với cách làm này, Phật giáo chúng ta sẽ có những đoàn xe đạp hoa cổ động bảo vệ môi trường, chào mừng ngày lễ Phật giáo có vài trăm xe, dài hàng km. Nhiều chùa cùng nhau phối hợp tổ chức, mở rộng, thường xuyên thay đổi lộ trình, tăng hiệu quả tác động của sự kiện.

Có thể, dịp lễ Vu Lan sắp đến ta lại diễn hành cổ động bảo vệ môi trường, chào mừng Vu Lan thắng hội chăng?

CSMT: Câu hỏi sau hết, bạch ni trưởng, nhân dịp này, xin ni sư có một số ý kiến và lời góp ý đến trang tin Phattuvietnam.net.

NTTNTN: Tôi xem Phattuvietnam.net 4 giờ/tuần, mỗi tuần vào 2 lần. Vì quá bận việc chùa, nên tôi rất muốn xem thêm giờ, nhưng cũng chưa được.

Tôi nghĩ xem thế là ít, và cũng không thể góp ý. Tôi thấy tăng ni và các em Phật tử trẻ dùng máy vi tính chung của chùa, hay máy riêng vào xem Phattuvietnam.net mỗi ngày, nhưng vẫn bảo là chưa đọc hết bài.

Thế thì chỉ xem 4giờ/tuần như tôi thì làm sao dám góp ý?

Phattuvietnam.net là trang web Phật giáo tôi dành nhiều thì giờ để đọc. Các trang tin khác tôi xem ít hơn, vì có báo còn có bản in giấy.

Tôi kính chúc trang web Phattuvietnam.net hoạt động mạnh hơn nữa, khai thác lợi thế của thông tin mạng là nhanh chóng kịp thời.

Tôi biết là ở Hà Nội cũng diễn hành xe đạp cổ động bảo vệ môi trường, chào mừng Đại lễ Phật Đản cũng qua trang tin Phattuvietnam.net.

Tôi đề nghị Phattuvietnam.net thông tin nhiều hơn cho các chùa, đặc biệt là những thông báo mà trang tin là phương tiện phổ biến nhanh nhất, tiết kiệm nhất.

CSMT: Dạ, bạch ni trưởng, Phân ban đặc trách Ni giới hay chùa Phước Hải ta muốn thông báo điều chi, xin cứ email về Phattuvietnam.net văn bản thông báo. Các anh chị quản trị trang sẽ đưa lên ngay.

Xin cảm ơn ni trưởng về buổi tiếp chuyện. Kính chúc ni sư vô lượng an lạc.

MT – NL (thực hiện)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang