Ông
D.M. Jayaratane - Thủ tướng Sri Lanka, Ông Etiennce Clement – Phó Tổng
Giám đốc UNESCO tại Bangkok, HT.TS. Phra Dharmakosajarn - Chủ tịch IOC,
ông Virachai Virameteekul - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Thái Lan,
lãnh đạo các phái đoàn Phật giáo quốc tế cùng gần 2000 đại biểu chính
thức của 85 nước đã đến dự.
Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc 2011 tại Thái Lan
Tại đây, đại diện của cho Tổng Thư ký Liên Hiệp
quốc – ông Ban Ki-moon và Tổng Giám đốc UNESCO - bà Irina Bokova đã đọc
các bức thông điệp nhân ngày Vesak – Đại lễ Phật đản LHQ lần thứ 8 được
tổ chức tại Thái Lan (Giác Ngộ đã đăng toàn văn các thông điệp này)
HT. Chủ tịch IOC phát biểu mở đầu
8g30, Hoà thượng Chủ tịch IOC mở đầu bằng lời chào
mừng các vị khách đặc biệt, lãnh đạo các phái đoàn Phật giáo và đại biểu
quốc tế. Hoà thượng nhắc lại ý nghĩa sâu sắc của việc LHQ công nhận
Ngày Vesak - Đức Phật đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn (Vesak) là
một sự kiện văn hoá – tâm linh của toàn nhân loại. Hoà thượng cũng đã
nhắc lại quá trình đăng cai tổ chức sự kiện này qua 7 lần ở Thái Lan và
một lần ở Việt Nam, với những kỳ vọng vào sự đóng góp của chư tôn giáo
phẩm Phật giáo thuộc các truyền thống, các học giả, nhà nghiên cứu đến
từ năm châu qua các ý kiến, tham luận tại các diễn đàn được tổ chức hàng
năm. Hoà thượng hy vọng từ đây, nhiều giải pháp cho các khủng hoảng của
xã hội hiện đại sẽ được gợi ý và giải quyết một cách triệt để nhằm xây
dựng một xã hội phát triển.
Thủ tướng Sri Lanka phát biểu
Thủ tướng Sri Lanka đã có bài phát biểu tại Hội trường.
Sri Lanka là một đất nước Phật giáo. Giáo lý Đức Phật đã ảnh hưởng một
cách sâu sắc đối mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, là nền tảng tâm
linh của đa số người dân. Đại lễ Phật đản – Vesak là một trong những
ngày lễ quốc gia ở Sri Lanka - ông Thủ tướng cho biết trong phát biểu
của mình.
Tiếp theo, ông Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Thái Lan đã lên diễn đàn bày tỏ niềm hạnh phúc của cá nhân ông cũng như
của đông đảo người dân Thái được là Phật tử, đất nước Thái Lan vinh dự
được đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế - Đại lễ Vesak LHQ trong nhiều năm
qua. Ông cũng nhấn mạnh giá trị vượt thời gian của giáo lý Đức Phật,
tính hiện đại và thiết thực, lợi ích của việc ứng dụng lời Phật dạy
trong mọi lĩnh vực xã hội để có sự hạnh phúc, phát triển cân bằng và bền
vững. Ông cũng bày tỏ niềm kính trọng của mình, cũng như của hầu hết
người Thái Lan đối với Đức Vua Thái nhân khánh tuế lần thứ 84 của ngài.
Ông
cũng đã nói lên những căng thẳng của ông với tư cách là người được
Hoàng gia và Chính phủ giao trọng trách quản lý, theo dõi diễn biến của
thiên tai, nhân hoạ mà hầu hết là kết quả của lòng tham lam, sân hận và
si mê, thiếu vắng trí tuệ. Thực trạng về đời sống xã hội và kinh tế hiện
nay ở Thái Lan cũng như nhiều quốc gia khác tiềm ẩn những nguy hiểm cho
người sống. Hàng hoá được sản xuất ra chỉ nhằm vào lợi nhuận mà ít quan
tâm đến lợi ích của người tiêu dùng. Ví dụ về thức ăn nhanh, thực phẩm
công nghiệp... bị pha trộn những chất liệu có hại lâu dài cho sức khoẻ
và trí tuệ của con người.
Với người Thái Lan, Đức Vua là biểu
tượng cho tinh thần sống thiểu dục tri túc. Đức Vua luôn kêu gọi mọi
người sống theo tinh thần Phật pháp, sống an lạc và hạnh phúc, hài hoà
với thiên nhiên. "Tiếc là không có thời gian, nếu có thời gian nhiều hơn
nữa, chúng tôi sẽ rất vinh dự được mời quý vị đến thăm những công trình
dân sinh do Đức Vua của chúng tôi chủ trương, vì lợi ích của nhân dân."
- Ông Bộ trưởng chia sẻ.
Cũng trong sáng hôm nay, lãnh đạo các phái đoàn Phật
giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Đại điện Hội Thân hữu Phật giáo Thế giới… đã
đọc thông điệp gởi đến toàn thể đại biểu.
Giác Ngộ Online giới thiệu
đến quý độc giả một số hình ảnh của buổi làm việc sáng hôm nay tại Trung
tâm Hội nghị Liên Hiệp Quốc, Bangkok, Thái Lan.
Kiểm tra an ninh
Toàn cảnh Hội trường Trung tâm Hội nghị LHQ sáng hôm nay
Đoàn GHPGVN
Các đại biểu đến từ Bhutan
Màu sắc từ xứ sở Kim Chi
Đại biểu đến từ năm châu
Triển lãm "Sản phẩm xanh" tại tiền sảnh Hội trường
Bài: Hoàng Độ - Ảnh: Chí Giác Thông, HĐ (từ Thái Lan)