*Hội chứng Tết Bệnh Tết...
Hiện nay các tai nạn do pháo không còn
xảy ra như trước đây, nhưng các tai nạn gây ra do giao thông, say bia
rượu lại gia tăng khá trầm trọng trong những ngày vui xuân.
Ở đây, chúng tôi không đề cập đến việc
ăn Tết với tinh thần văn minh hay văn hóa mới mà chỉ nêu lên những sinh
hoạt cần nên hạn chế hay từ bỏ trong khi vui Tết đón Xuân truyền thống
dươi góc độ y học đông tây , đó là:
*Ăn uống, tiệc tùng
Trong khi vui xuân, vấn đề ăn uống là
điều đáng được quan tâm nhất (ăn Tết). Thật vậy, cỗ bàn trong các lễ
cúng tổ tiên, hay các buổi tiệc tùng giao lưu thân hữu, thường có các
món ăn, thức uống ngon, đầy hấp dẫn và giàu năng lượng, nhưng đồng thời
nó cũng góp phần ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và bệnh tật của chúng
ta, đó là khi chúng ta ăn quá nhiều:
Những thức ăn giàu đường: như các loại bánh, mứt , kẹo, chè, v.v...
Những thức ăn giàu thịt, mỡ: chiên, xào, ram, nướng, v.v...
Những thức ăn nguội: Để có thì giờ vui
Xuân, nên phần lớn món ăn ngày Tết là thức ăn nguội như: đồ hộp, thịt
ướp, các loại dưa cải, dưa món, kể cả bánh chưng, bánh tét, bánh dầy
v.v...
Những thức ăn có chứa nhiều chất phụ
gia, chất nhuộm màu, chất mùi, chất bảo quản là những chất có độc tính,
nếu dùng nhiều, lâu dài thì có thể có nguy cơ gây tổn thương các nội
tạng như gan, thận, ruột, v.v...Những chất nầy thường được sử dụng khá
nhiều trong khi chế biến các thực phẩm như: lạp xưởng, nem, chả, thịt
quay, jambon, xúc xích, mứt bánh màu, kẹo thơm, rượu mùi, nước ngọt màu,
v..v...
Nhiều bệnh về đường tiêu hóa cũng phát sinh nhiều trong dịp Tết như:
Bội thực do ăn uống nhiều thức ăn thịnh soạn, hoặc ăn quá nhiều lần trong ngày.
Rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy, nôn mửa
do ăn các đồ ăn nguội lạnh, khó tiêu như bánh chưng, bánh tét chiên,
thịt đông lạnh, thịt ướp, v.v...
Ngộ độc thức ăn do nhiễm trùng, nhiễm
độc đồ ăn, thức uống để lâu ngày hoặc không được bảo quản tốt, thường
gây ra do các vi khuẩn .
Dị ứng do thức ăn cũng thường xảy ra,
những nghiên cứu mới đây trên thế giới cho biết có trên 50 loại thức ăn
có thể gây dị ứng và đôi khi nặng có thể dẫn đến tử vong cho người bị dị
ứng.
Ngoài ra một số thức ăn ngày Tết cũng có
thể làm gia tăng một số bệnh cấp và mạn tính nhất là ở những người đã
có các bệnh suy gan, suy thận, viêm tụy, viêm túi mật, các bệnh về tim
mạch như: cao huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, bệnh mạch vành; các bệnh
đái tháo đường, hen suyễn, v.v...thì lại thưòng xuất hiện sau các bữa
cổ bàn thịnh soạn giàu năng lượng đường, mỡ và uống quá nhiều bia, rượu
cũng thường xảy ra.
Vì thời tiết Đông Xuân và môi trường
ngày Tết là rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triễn, cho nên chúng ta
cần phải ăn uống điều độ và giữ gìn vệ sinh thực phẩm để đề phòng bệnh
tật phát sinh, tốt nhất là trong các ngày Tết chúng ta nên cố gắng duy
trì sự ăn uống điều độ như thường ngày, hạn chế cổ bàn, tiệc tùng càng
nhiều càng tốt.
Người xưa đã từng cảnh báo :
“Bách bệnh tòng khẩu nhập,
“ Bách hoạ tòng khẩu xuất”
nghĩa là:
“Trăm bệnh theo miệng vào,
”Trăm hoạ do miệng ra”
*Uống rượu mừng Xuân
Rượu là thức uống được loài ngừơi biết
từ lâu đời. Thật vậy từ xa xưa, rượu là lễ vật dùng để dâng cúng thần
linh, sau đó được dùng trong y học như rượu thuốc hoặc thuốc có tẩm với
rượu v.v..
Do tác hại của nó, từ xưa, có nhiều quốc
gia đã ban hành những biện pháp nghiêm ngặt, thậm chí có khi rất khắc
nghiệt nhằm hạn chế tối đa tệ nạn nghiện rượu, say rượu và cả nấu rượu.
Ngày nay người ta còn nhận thấy rằng :
rượu và một số bệnh ung thư có mối liên quan nhân quả rõ ràng. Thật vậy
dùng rượu và các thức uống có rượu làm gia tăng sự phát triển ung thư
răng miệng, thanh quản, yết hầu và thực quản, riêng đối với ung thư
miệng và thực quản, thì sự gia tăng nầy tỷ lệ với lượng rượu uống vào.
Ngoài ra, với những loại ung thư nầy thì tác hại của thuốc lá phối hợp với rượu theo hợp đồng cọng hay hợp đồng nhân.
Rượu còn là một dung môi tốt cho các hợp
chất gây ung thư như hydrocarbua đa vòng, nitrosamin v.v.., người ta đã
tìm thấy nhiều loại hoá chất tan trong rượu, trong những thức uống có
rượu ở những vùng có tỷ lệ ung thư thực quản cao, có thể nói rằng: “
rượu đóng vai trò tạo tạo điều kiện “ bằng cách làm giảm thời kỳ tiềm ẩn
của các hợp chất gây ung thư.
Ở một nước nông nghiệp nhiệt đới đang
phát triển như nước ta, thì nguy cơ gây ung thư gan do rượu lại càng lớn
hơn do các yếu tố dinh dưỡng kém, nhiễm giun sán, bệnh nhiễm trùng
(viêm gan siêu vi) và ký sinh trùng (sốt rét) v.v..
Một điều đáng tiếc là hiện nay rượu vẫn
còn “đất đứng” trên thế giới dưới dạng các thức uống có rượu như bia và
số người nghiện trên thế giới ngày càng tăng, đó cũng là nguyên nhân
các bệnh về tim mạch, ung thư và tâm thần.
*Canh bạc đỏ đen
Ngày Tết cũng còn là môi trường tốt cho
cờ bạc có cơ hội phát triễn rộng rãi trong nhiều gia đình, không những
có tác hại đến sức khỏe của những ngươi trực tiếp tham gia mà còn ảnh
hương xấu đến gia đình, xã hội, bạn bè người đánh bạc.
Dưới góc nhìn của y học phương đông, thì
cờ bạc tác động rất nhiều đến tình chí và từ đó có thể gây nên bệnh tật
cho tất cả lục phủ, ngũ tạng, thật vậy: ngay cả khi trúng canh bạc vì
quá vui mừng mà làm thưong tổn đến hệ tim mạch vì:“hỷ tắc thương tâm”,
làm tim đập nhanh, tăng huyết áp, khi thua bạc thì buồn, làm tổn thương
đến dạ dày và hệ tiêu hóa vì:“ bi tắc thương tỳ, làm cho ăn uống khó
tiêu, no hơi hoặc không muốn ăn, khi gặp bài xấu thì sợ thua sẽ có hại
cho thận vì:“ khủng tắc thương thận”, nếu chẳng may được con bài tốt mà
sơ hở để thua thì lại càng tức giận vô cùng làm tổn thương gan vì:“nộ
tắc thương can”, ngoài ra trong suốt thời gian chơi cờ bạc, người đánh
bạc còn luôn luôn ở trong trạng thái lo lắng làm tổn thương phổi và hệ
hô hấp vì“ưu tắc thương phế”.
Với y học hiện đại thì cờ bạc cũng làm
ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của con bạc, do ăn uống ngủ, nghỉ thất
thường, ngồi lâu làm ứ trệ hệ tuần hoàn phần dưới cơ thể, dễ gây thuyên
tắc các tĩnh mạch chi dưới, dễ gây viêm bàng quang, u xơ tiền liệt
tuyến, táo bón, trĩ, v.v..Hệ thần kinh lại luôn luôn căng thẳng dễ gây
tăng huyết áp, thường đưa đến các tai biến về tim mạch và não.
Về mặt xã hội, cờ bạc lại càng tác hại
hơn, đối với gia đình con bạc thì vợ chồng thường bất hoà, ẩu đả nhau,
con cái dễ bị hư hỏng, bạn bè lánh xa, ngoại trừ những bạn xấu “cùng
thuyền, cùng hội” cờ bạc, rượu chè ? . Các tệ nạn xã hội khác như lường
đảo, tham ô, hủ hoá cũng từ đây mà phát sinh, thậm chí khi cùng đường
còn có thể đưa con bạc đến chỗ cướp của giết người.
*Điếu thuốc lá thơm
Người ta đã tìm thấy trong khói thuốc lá
thơm có hơn 600 hoá chất độc hại như khí CO, nicotin, và quan trọng
hơn cả là có đến 23 loại cacbua thơm đa vòng có khả năng gây ung thư
trong thực nghiệm.
Qua kính hiển vi điện tử, người ta thấy
trong một phân khối khói thuốc lá có đến 4000 triệu hạt bụi, chứa 4-11%
chất nhựa màu vàng có hương thơm.
Ngày nay việc chế tạo làm giảm nhựa và
nicotin trong điếu thuốc lá có thể thực hiện được dễ dàng bằng cách
dùng đầu lọc không khí và giấy quấn có nhiều lỗ, đồng thời làm giảm
đường kính điếu thuốc và lượng thuốc ít hơn, hoặc dùng đầu lọc dài
hơn... với những phương pháp nầy phần nào làm giảm hương vị, khói thuốc
trở nên khô hơn và mất đi nhiều thành phần, do đó người ta đã thay thế
vào đó một số hương liệu để tăng mùi vị của khói thuốc.
Nhưng trên thực tế khá phũ phàng là mặc
dù người ta đã cố gắng lựa chọn những chất không độc và an toàn cho sức
khoẻ người hút, nhưng không may là khi bị đốt cháy, những chất nầy lại
càng gây nguy hại cho cơ thể hơn, do đó lắm khi các loại thuốc lá
thơm, nhẹ, ít nhựa do chế biến kỹ lại là độc hại hơn loại thuốc lá
nguyên chất.
Thật vậy những hương liệu được phép pha
vào thuốc lá như: caramel, eugenol, gaiacol, cũng là những tác nhân gây
ung thư khi nó bị đốt cháy. Ngay cả những tinh dầu thiên nhiên được lấy
từ vỏ cam, chanh cũng có khả năng gây ung thư.
Theo một nghiên cứu ở Mỹ, bột cacao
dùng làm thức uống rất tốt nhưng khi đốt cháy thì lại có hại cho cơ
thể, trên thực nghiệm nó có thể gây ung thư da.
Ngoài ra với hàng chục loại hoá chất
được dùng làm hương liệu cho điếu thuốc lá thơm dịu dàng khác như:
licorrice, acid glycirizic.. khi bị đốt cháy sẽ sản sinh những
hydrocarbon thơm đa vòng có thể gây ung thư .
Bên cạnh những hương liệu vừa nói ở
trên, các hoá chất dùng để bảo quản như: glycerol, glycol, khi bị đốt
cháy sẽ trở thành chất acrolein tác dụng lên niêm mạc phổi gây viêm
phổi mãn tính.
Tóm lại, những hương liệu, những nguyên
liệu tự nhiên và tổng hợp nói ở trên đã được khảo sát và biết rõ độc
tính, ngoài ra còn biết bao nhiêu hương liệu khác có thể độc hại hơn nữa
cũng đã được cho vào điếu thuốc, nhằm kích thích thị hiếu và khứu giác
của khách hàng.
Muốn có một một mùa xuân trọn vẹn, thì
chúng ta nên cố gắng hạn chế các sinh hoạt, ăn uống như trên, nói theo
nhà Phật là ta đã giữ được ngũ giới của đời thường trong những ngày
xuân thì mùa xuân sẽ trọn vẹn hơn, an lành hơn...
Đ.V.Q