Trong khuôn khổ tìm về tính đơn nghĩa, gần gũi
thiết thân với đối tượng được chúc phúc, chúng tôi thử khảo sát lời cầu chúc
trong tầng nghĩa thực tiễn, đời thường.
Cần phải thấy rằng, sau khi nhận lễ phẩm, hoặc
thọ thực xong, việc hồi hướng công đức, thuyết giảng hoặc chúc phúc cho thí chủ
là trách vụ cần làm của người xuất gia. Sau khi thọ trai xong, Đức Phật thường
tùy theo điều kiện nhân duyên mà thuyết giảng một bài pháp, hoặc đôi khi Ngài
chỉ yên lặng chú nguyện. Kinh ghi: Khi ăn xong, Ngài ngồi im lặng một lát
nhưng không để quá thì giờ nói lời tùy hỷ (công đức). Ngài nói lời tùy hỷ (công
đức), không chỉ trích bữa ăn ấy, không mong bữa ăn khác; trái lại, Ngài với
pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ.
Ngài sau khi với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi,
làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi(2).
Truyền thống chúc phúc cho thí chủ này được chư
Tăng tiếp nối mãi đến hôm nay. Ở đây, đối tượng được chúc phúc thường phong phú
và đa dạng, có thể là hàng Phật tử thâm tín Tam bảo và cũng có thể là người
bước đầu phát tâm. Thiển nghĩ, lời cầu chúc ở đây nên chăng là những điều dễ
hiểu và thực tiễn, đời thường, thì đối tượng mới có thể dễ dàng thấu đạt, tin
hiểu.
Sống lâu
Một thân thể mạnh khỏe, trường thọ là phước báo của nhiều kiếp quá khứ
và nỗ lực trong hiện tại. Sống trong đời, không phải ai cũng hội đủ phước báo
ấy. Ở đây, tiêu chuẩn sống lâu phải đi kèm với tiêu chí khỏe mạnh và sống có
ích cho tha nhân. Vì lẽ, sống lâu nhưng sống vật vờ, bệnh tật liên miên và lụy
phiền mọi người thì chưa phải là sống lâu đúng nghĩa.
Hơn ai hết, chính bản thân Đức Phật, Ngài đã
nhận thức rất rõ, tất cả các loài hữu tình do ăn uống mà an trú(3). Nhờ
ăn uống mà tác thành nên thân thể tráng kiện. Không thể có được một sự thông
tuệ, minh mẫn với một thể xác bạc nhược, yếu đuối và nhiều bệnh tật. Hãy ăn
uống cho thích nghi(4)là một trong những yếu tố tạo nên một thân thể tráng
kiện, mạnh khỏe. Chiêm nghiệm thật sâu về cuộc đời Đức Phật, chúng ta thấy, với
điều kiện sống khắc nghiệt, bấp bênh của một du sĩ hành khất, đôi khi Ngài cũng
phải chịu đói và khát; mặc dù vậy, sự kiện thọ đến 80 năm của Đức Phật(5) là
một sự khẳng định vững chãi về việc giữ gìn và bảo hộ sức khỏe trong thực tế
đời thường.
Theo Kinh Tăng Chi, muốn gia tăng tuổi
thọ, sống lâu thì phải: làm việc thích đáng, biết vừa phải trong việc
thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành phải thời và sống phạm hạnh(6). Sống
thì phải hoạt động. Có những việc đáng làm thì phải làm và làm ở mức độ vừa
sức, phù hợp với biệt nghiệp của riêng mình. Một con kiến không thể cõng cả
Thái Sơn. Cũng vậy, tùy theo bối cảnh và điều kiện sống của mỗi người mà tự
chọn cho mình một công việc phù hợp. Nghiên cứu của nhiều ngành khoa học ngày
nay đã bảo chứng rằng, hoạt động cơ thể ở hai mặt thể chất và tinh thần trong
một mức độ vừa phải, thì sẽ kéo dài tuổi thọ.
Bên cạnh đó, biết làm chủ sở thích ăn uống của
mình là một phương cách bảo hộ sức khỏe tối ưu. Bệnh tùng khẩu nhậplà
một chân lý luôn đúng trong trường hợp này. Ăn các đồ ăn tiêu hóacòn có
nghĩa là tiếp thụ thức ăn phù hợp với cơ thể của mình. Ăn vì sức khỏe chứ không
phải vì thỏa mãn vị dục. Vì có những thức ăn tuy ngon miệng nhưng không phù hợp
cho sức khỏe. Chiêm nghiệm về cách ăn của Đức Thế Tôn để có thể thấy được thức
ăn sẽ dễ dàng tiêu hóa như thế nào: Ngài ăn đồ ăn vừa phải (với cơm),
không có bỏ miếng cơm, chỉ lựa miếng thức ăn. Tôn giả Gotama đưa miếng cơm
quanh miệng hai ba lần rồi mới nuốt, không hột cơm nào được vào trong thân
không bị nghiến nát, và không một hột cơm nào còn lại trong miệng trước khi ăn
miếng cơm khác.Tôn giả Gotama không thưởng thức vị ăn khi ăn đồ ăn, không
thưởng thức lòng tham vị(7).Không vì thỏa mãn vị dục là cách ăn tạo nên một
sự sung mãn cho sức khỏe, tuổi thọ.
Điều kiện kế tiếp của trường thọ là việc đi lại
vừa phải và phù hợp. Nếu du hành không phù hợp, không thích nghi, sẽ gặp nhiều
nguy hiểm đến tính mạng. Kinh ghi:Du hành đường phố phi thời có sáu nguy
hiểm: Tự mình không được che chở hộ trì, vợ con không được che chở hộ trì, tài
sản không được che chở hộ trì, bị tình nghi là tác giả các ác sự, nạn nhân các
tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não(8)Đi lại
trong thời điểm nào thì an toàn và tốt cho sức khỏe, đó là điều còn có ý nghĩa
thời sự trong thời đại hôm nay. Du hành phải thờicòn có nghĩa là tham
gia các hoạt động giao du giải trí phải đúng lúc đúng thời, với một mức độ vừa
phải thì sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần.Và, điều kiện cuối cùng để gia tăng
tuổi thọ theo Kinh Tăng Chilà phải sống phạm hạnh.Phạm hạnhcó
nhiều tầng nghĩa, trong ngữ cảnh này, phạm hạnh tức là không được buông lung,
phóng túng, đồng nghĩa với việc nghiêm chỉnh giữ gìn các chuẩn mực đạo đức căn
bản của con người. Theo Kinh Tương Ưng, không buông lung phóng túng,
thuật ngữ gọi là bất phóng dật, là một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn
tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau(9).
Ngoài ra, để gia tăng tuổi thọ còn có sự hỗ trợ
của phước lành ở đời trước hoặc đời này. Hai phước lành liên quan đến việc gia
tăng tuổi thọ, đó chính là phải biết phóng sanh và bố thí. Việc từ bỏ sát
sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm…là cơ sở của trường thọ
được Phật khẳng định rõ ràng trong Kinh Trung Bộ(10). Trong hệ thống
kinh điển Bắc truyền cũng đồng thời xác nhận: Đức Thế Tôn dạy, có hai lý do
được thọ lượng lâu dài. Hai lý do ấy là gì, một là không hại sinh mạng, hai là
hiến cho ẩm thực(11).Ở đây, phước báo bố thí có ý nghĩa rất lớn liên quan
đến sự gia tăng tuổi thọ. Trong Kinh Tăng Chiđã đưa ra hình ảnh, có hai
đệ tử của Đức Thế Tôn đồng tín, đồng giới và đồng trí tuệ nhưng một vị bố thí,
một vị thì không; sau khi mãn báo thân tuy được sanh vào Thiên giới, nhưng
phước quả của hai người vẫn khác biệt nhau, mà trước hết là khác biệt về thọ
mạng(12). Do đó, muốn gia tăng tuổi thọ thì: Hãy bố thí một cách hoàn bị.
Hãy bố thí với tự tay mình làm. Hãy bố thí một cách có suy tư. Hãy bố thí các
đồ không phế thải(13).
Sắc đẹp
Mặc dù bề ngoài chưa thể lột tả những đức tính
căn bản của một con người, tuy nhiên, trong những giao tiếp bước đầu, dáng vẻ
bên ngoài đóng một vai trò quan trọng trong các mối quan hệ giao tiếp. Hơn thế,
với nghiệp cảm cơ hữu của chúng sanh nói chung, cái đẹp bề ngoài cùng những
phẩm chất tương ưng bên trong, luôn được nhiều người nhọc công tìm kiếm và mong
muốn sở hữu. Sắc đẹp trong tính đơn nghĩa là cái đẹp thể hiện qua dung nghi,
sắc tướng. Ba mươi hai tướng đại trượng phu của Đức Thế Tôn được ghi lại trong kinh
Trường Bộ(14) là một trong những dấu hiệu để khẳng định nhân cách của bậc
xuất thế. Cũng từ những dấu hiện đặc thù này mà Ngài đã thu phục được nhiều
hạng ngoại đạo(15). Không những thế, một trong Bốn như ý đứccủa một vị
vua Chuyển Luân Thánh Vương là đẹp trai, khả ái, cử chỉ thanh lịch, sắc diện
tuyệt luân(16). Xem ra, sở hữu một nhân dạng dễ nhìn được xem là kết quả
của nhiều phước báo mà cá nhân đó tích tập, dành dụm không chỉ trong một đời.
Muốn có được một nhân dạng dễ nhìn, theo kinhTiểu
Nghiệp Phân Biệt(17)thì không nên phẫn nộ, bất bình, không nên quá nhiều
sân hận trong tâm. Một khuôn mặt từ hòa, không nhăn nhó cáu gắt, thì bao giờ
cũng tạo nên một ấn tượng tốt cho bất cứ ai dù chỉ lần đầu gặp gỡ. Nếu như khi
sống trong đời luôn giữ tâm không hận, không sân thì khi tái sanh trong loài
người, người ấy sẽ đẹp đẽ(18). Khẳng định này có thể thấy rõ trong khảo
nghiệm đời thường. Trên phương diện y thuật, nếu không kiểm soát được giận dữ
thì người đó sẽ đối diện với nhiều mối nguy hiểm, thân mang nhiều tật bệnh và
hệ quả dễ thấy trước mắt, đó chính là xấu xí, mau già. Không chỉ dừng lại ở đó,
để có được một dung sắc dễ nhìn, theo kinh Tăng Chi, thì cần phải tu tập
từ tâm. Trong mười một lợi ích khi tu tập tâm từ thì sắc mặt trong sáng(19)là
một lợi ích thiết thực. Không những thế, theo kinh Từ Bi(20), nếu như
thường xuyên duy trì năng lượng thương yêu rộng khắp, thì không những đem lại
cho bản thân một phước báo nhẹ nhàng, khinh an mà về sau sẽ hướng tới một kết
quả tối thắng.
Như vậy, sắc đẹp là sự tổng hòa của những yếu tố
cân đối về hình thể cùng những phẩm chất đạo đức, tinh thần. Theo Đức Phật, nếu
như bất cứ một ai biết từ bỏ sát sanh, chế ngự sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm,
biết tàm quý, có lòng từ, sống thương sót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh
và loài hữu tình(21), thìở hiện đời sẽ có được một dung sắc khả ái, và
tương lai sẽ sở hữu những phước tướng tốt đẹp, là cửa ngõ hướng về ba mươi hai
tướng của bậc Đại nhân.
An vui
Sống và tìm cầu hạnh phúc là khát vọng chính
đáng của con người. Được sống an vui hay an lạc, là một trải nghiệm của hoa
trái hạnh phúc. Hạnh phúc có nhiều cấp độ và tầng bậc khác nhau. Với người cư
sĩ tại gia, theo kinh Tăng Chi, có bốn thứ hạnh phúc căn bản(22), đó là:
hạnh phúc do có được một chút ít của cải vật chất; hạnh phúc khi đúng pháp thọ
dụng những tài sản mà mình đang sở hữu; hạnh phúc vì không mắc nợ bất kỳ ai; và
hạnh phúc vì không có lỗi lầm, phạm tội. Có thể thấy, nỗ lực tạo ra tài sản,
tiền bạc và sử dụng chúng thông minh, đúng pháp là điều được Phật cho phép,
khuyến khích. Hơn đâu hết, Đức Phật thấy rất rõ rằng, một đời sống quá chật
vật, bức bối về điều kiện vật chất là cội nguồn dẫn đến nhiều cấp độ bất an,
khổ đau.
Ở đây, trong bốn thứ hạnh phúc vừa nêu, thì có
ba thứ hạnh phúc liên quan đến những điều kiện vật chất và một hạnh phúc liên
quan đến những giá trị tinh thần. Một đời sống hạnh phúc, an lành đúng nghĩa là
sự hội tụ của những điều kiện vật chất tối ưu cùng những thụ cảm tinh tế về
tinh thần. Vì lẽ, dù có một bữa ăn ngon, nhưng mang một tâm lý bực bội khi thọ
dụng, thì bữa ăn ấy cũng trở thành vô nghĩa. Cùng soi sáng nội dung này là câu
chuyện về sự an lạc giữa Đức Thế Tôn và Hoàng tử Hatthaka, người Alavì(23). An
lạc là an lạc với những gì hiện có và phát xuất từ tâm. Dù sống trong cung
điện, điều kiện vật dục đủ đầy, nhưng trong tâm đầy nhiệt não thì không thể nào
chạm vào được an lạc, hạnh phúc. Đó là sự khẳng định được rút ra từ đoạn hội
thoại này. Ở đây, Đức Phật cũng thường lặp lại, sự an lạc về những điều kiện sở
hữu vật chất chỉ bằng một phần mười sáu(24)những an lạc, hạnh phúc về
tinh thần. Đó là sự khẳng định riêng có của Phật giáo, khi đề cập đến sự an
lạc, an vui của người cư sĩ nói chung.
Từ cơ sở cho rằng, hạnh phúc trên phương diện
tinh thần luôn cao hơn những giá trị hạnh phúc do vật chất đem lại, Đức Phật đã
mở ra một con đường dẫn đến hạnh phúc an vui, không lệ thuộc quá nhiều vào điều
kiện vật chất. Đó chính là niềm hạnh phúc, an vui do biết sống trong hiện tại.
Có thể, điều kiện vật chất của mỗi người có khác biệt nhau, nhưng một khi biết
sống với những gì hiện có, nói cách khác là biết an trú trong hiện tại, thì cảm
thụ hạnh phúc của mỗi người hoàn toàn khác biệt nhau. Theo KinhNhất Dạ Hiền
Giả, một khi biết sống quá khứ không truy tìm, tương lai không ước
vọng(25)thì hạnh phúc, an vui sẽ tìm về ngay bây giờ và tại đây.
Kinh Tương Ưng cũng đồng thời xác tín:Không than việc đã qua/Không
mong việc sắp tới/Sống ngay với hiện tại/Do vậy, sắc thù diệu/Do mong việc sắp
tới/Do than việc đã qua/Nên kẻ ngu héo mòn/Như lau xanh rời cành.(26)
Cũng đề cập đến vai trò của hạnh phúc tinh thần,
theo khảo sát của Tổ chức News Economics Foundation (NEF), thì chỉ số hành tinh
hạnh phúc, viết tắt là HPI(27), căn cứ một phần vào cảm thụ về đời sống tinh
thần, sự thỏa mãn, hài lòng với cuộc sống hiện tại… để thiết lập chỉ số hạnh
phúc của một quốc gia. Tương tự như vậy, tuy khác biệt về lãnh vực đề cập,
nhưng khái niệm tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) mà quốc gia Bhutan khởi xướng,
cũng đặt nặng mối liên hệ liên quan đến thụ cảm, hạnh phúc tinh thần. Có thể
thấy, tiến trình xây dựng một đời sống an vui được đề cập rõ ràng trong nhiều
kinh điển. Trong một liên hệ gần gũi với thực tiễn, làm sao để có được an vui
ngay bây giờ và tại đây, thì sự chia sẻ thực tập của Yvonne Rand, một thiền
giả, bạn của Thiền sư Tenzin Palmo(28) là một trải nghiệm mang tính tham khảo.
Đó chính là việc duy trì một nụ cười hàm tiếu trên môi. Pháp hành này tuy rất
mực giản đơn nhưng có khả năng đem lại hiệu quả lớn. Vì chỉ cần duy trì nụ cười
hàm tiếu trong ba hơi thở và thực tập nhiều lần trong ngày, có thể thực hành
bất cứ ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào… thì sẽ tạo nên một nguồn năng lượng an vui
cho mình và cho người.
Sức mạnh
Mọi sự vật hiện tượng, kể cả tiến trình tu tập đều cần năng lượng để
chuyển biến, vận hành. Sức mạnh được hiểu ở đây chính là cơ sở nền tảng, là
năng lượng chi phối mọi lãnh vực của đời sống. Kinh Tăng Chiliệt kê tám
sức mạnh, trong đó có ba sức mạnh mang tích tích cực, đó là sức mạnh của bậc
Hiền trí là cảm hóa; sức mạnh của vị nghe nhiều là thẩm sát; sức mạnh của
Sa-môn, Bà-la-môn là nhẫn nhục(29).
Cuộc sống thì đa dạng, phức tạp và luôn luôn
chuyển biến, vận hành. Ở mỗi hoàn cảnh sống, con người thường vận dụng những
sức mạnh khác nhau. Có thể đó là sức mạnh quyền lực, có thể đó là sức mạnh đồng
tiền, có thể đó là sức mạnh sắc đẹp… Tuy nhiên, những sức mạnh vừa nêu đều có
những bất cập của chúng. Vì với tuệ giác của Đức Phật, những sức mạnh mà thế
gian tôn sùng, thực chất là biểu hiện của tham dục. Và đã là tham dục, thì luôn
gắn kết với bất hạnh, khổ đau. Ở đây, ba sức mạnh được nêu trong kinh Tăng
Chinhư cảm hóa, thẩm sátvà nhẫn nhụcthực sự là những
nguồn năng lượng bất tận, có thể hướng đời sống con người vươn lên những phẩm
vị tối thắng.
Trước hết, cảm hóa ở nghĩa giản đơn, tức chuyển
hóa tha nhân bằng phương thức tình cảm. Ở nghĩa rộng nhất, đó là sự chuyển hóa
người bằng những phương cách tích cực và không gây tổn thương. Trong liên hệ đa
dạng của đời sống, đôi khi con người phải chấp nhận sống chung với những đối
tượng phức tạp, phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải, dễ dàng nảy sinh những
bất đồng, những bạo động mất kiểm soát. Ở đây, dù trong bối cảnh nào, phương
thức chuyển hóa người bằng liệu pháp tích cực luôn được đánh giá cao. Xu thế
chuyển đối đầu sang đối thoại mà nhân loại ngày nay đang nỗ lực hướng về, là
một minh chứng nhỏ cho cho tinh thần đó. Muốn có được sức mạnh cảm hóa, cần
nhất là phải có tâm, có tầm và luôn hiện hữu Bồ đề tâm.
Sức mạnh kế tiếp là sự thẩm sát. Thẩm sát là suy
xét thấu đáo mọi vấn đề, là sự định tĩnh trong nhận thức để hiểu rõ đối tượng.
Năng lượng thẩm sát trang bị cho mỗi cá nhân một khả năng hiểu rõ đối tượng với
tất cả mọi giác độ. Từ sự hiểu rõ, hiểu đúng, ta sẽ hành xử phù hợp trước mọi
vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
Sức mạnh thứ ba là sự nhẫn nhục. Nhẫn nhục là
một quán hạnh đặc thù trên lộ trình tu tập theo quan điểm Phật giáo. Dù bị hủy
nhục, bức hại hoặc gặp những khổ đau do hoàn cảnh bên ngoài đưa đến, nhưng tâm
vẫn an tịnh, không khởi lên tức giận, bất mãn, gọi là nhẫn nhục. Khi thực hành
hạnh nhẫn nhục đến độ thuần thục, hành giả không những vững chãi trước tám
ngọn gió đờinhư được, mất, khen, chê, dèm pha, tâng bốc… mà còn giữ tâm
bình thản trước những bức bách não hại của tha nhân. Trong thực tiễn đời
thường, hạnh nhẫn nhục tạo nên nguồn năng lượng vượt thoát khỏi mọi vướng vấp,
hệ lụy vốn là thuộc tính cố hữu của đời sống nhân gian.
Như vậy, sự kham nhẫn, khả năng suy xét thấu đáo
và sự chuyển hóa tha nhân bằng tình thương là ba sức mạnh mà con người có thể
tự trang bị cho mình trong đời sống này. Hiệu quả của ba sức mạnh này sẽ được
kiểm chứng ngay từ trải nghiệm đầu tiên của quá trình thực hiện. Có sức mạnh
thì sẽ thực hiện được nhiều việc trong đời. Một khi sở hữu những sức mạnh tích
cực và hữu ích thì hành trình tìm kiếm hạnh phúc sẽ được rút ngắn lại, và con
người sẽ từng bước nhận ra ý nghĩa sống đích thực của chính mình.
Cùng đề cập đến sức mạnh, kinh Tăng Chicòn
liệt kê thêm năm sức mạnh của bậc Hữu học, đó là tín lực, tàm lực, quý lực,
tinh tấn lực, tuệ lực(30). Trên một phương diện khác, kinh điển còn ghi lại
năm sức mạnh như: 1. Niềm tin; 2. Sự siêng năng; 3. Nhớ nghĩ chân chánh; 4. Sự
chú ý, tập trung; 5. Tuệ giác. Năm sức mạnh này là quyền lực tâm linh đích
thực(31), nếu được kiện toàn và vận dụng trong thực tiễn đời thường thì sẽ
kiến lập một Tịnh độ nhân gian; trên phương diện thâm sâu, sự thể hiện
thuần thục năm sức mạnh này còn có khả năng khai mở kho tàng tuệ giác vô tận
của mọi người.
Kết luận
Chúc phúc là ứng xử văn hóa nhằm sẻ chia và gửi
gắm những ước mơ hay khát vọng sống thanh cao, thánh thiện. Từ ước mơ trở về
hiện thực là cả một cung đường dài, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể và hoàn cảnh
sống của từng người. Lựa chọn những khát vọng vừa tầm với cũng là tâm thế khích
lệ để mọi người có thể hướng về. Trong nghĩa hiện thực như đã được trình bày,
lời chúc phúc sống lâu, sắc đẹp, an vui vàsức mạnhkhông chỉ được
chư Tăng vận dụng sau khi thọ nhận phẩm vật cúng dường của thí chủ, mà bất kỳ
ai cũng có thể dùng để chúc nhau trong những dịp Tết đến, Xuân về. Hơn nữa, từ
những dẫn giải trong kinh tạng đã nêu, lời chúc trên cũng đã thể hiện rõ đường
hướng tu tập dành cho người Phật tử mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể vận
dụng vào cuộc sống hàng ngày để lời chúc - ước mong trở thành hiện thực.