Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Rộn rã không khí Tết ở chùa quê
29/01/2014 11:15 (GMT+7)


Hừng đông vừa ló dạng đã có bà con đến chùa quét bù hóng, cạo rong rêu đóng trên thành tường, quét dọn, lau chùi từ chánh điện cho đến nhà bếp. Con nít cũng rủ nhau đến chùa công quả, có đứa chọn công việc quét dọn ngoài sân, có đứa chọn việc khu nhà Tăng, nhà khách, có đứa nhào vào bếp phụ các cô và sẵn sàng làm tất tần tật mọi việc các cô nhờ - để được khen, được các cô cho ăn các món ăn mà chỉ có… ở chùa.


Tết là dịp bà con Phật tử về chùa, quay quần, cùng nhau chuẩn bị bánh trái cúng Phật

Tại chùa Phước Bửu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, có mặt tại chùa lúc 6 giờ sáng ngày 27 tháng Chạp, bác Thanh Nguyên cười tươi cho biết: “Tui chạy xe đạp đến chùa từ lúc 6 giờ kém 30 phút, từ nhà đến chùa mất 30 phút; vì sương mù dữ quá, không thấy đường chạy chứ không phải tui sợ lạnh. Bữa rồi tui có xin thầy trụ trì cho tui lãnh lau chùi toàn bộ chánh điện chùa, thầy hoan hỷ cho tui làm để tích phước. Giờ tranh thủ lau chùi để sạch sẽ trước ngày 30, để còn đón Tết nữa”. Nói rồi bác tập trung làm việc mà mình đảm trách; ai kêu bác ăn bánh, uống nước rồi làm tiếp, bác đều khước từ.

Giáp Tết, dù gia đình có bận bịu mấy, bà con trong xóm cũng sắp xếp, nhín thời gian và rủ nhau về chùa công quả. Có người đến cả ngày nhưng cũng có người chỉ đến vào buổi sáng, có người đến buổi chiều. Thời gian tuy có nhích nhau nhưng tất cả mọi người về chùa đều rất hoan hỷ. Khi về đến chùa rồi thì già trẻ, lớn bé liền bắt tay vào làm việc. “Con làm cái này nha sư phụ” hay “có gì để con phụ không cô” – ai cũng hỏi việc để làm nên không khí chuẩn bị đón xuân ở làng quê luôn ấm áp. Không cần phải đợi đến ngày đầu xuân mà những ngày giáp Tết mọi người đã sum vầy, quay quần bên nhau.

Tuổi đã cao, râu và tóc đều bạc phơ, bác kể: “Ở nhà mấy việc này con cháu giành làm hết, tụi nó chê mình làm không sạch” nhưng quan sát bác quét bù hóng, bác làm rất cẩn thận. Bác cứ quét đi quét lại hai, ba lần trên nóc trần, cho đến khi nào không còn bụi rớt xuống mới thôi. Tượng Phật, bàn thờ Phật bác lau chùi rất tỉ mỉ, tất cả đều sạch bóng. Tập trung làm, bác quên cả bịch thuốc lào mà bác đem theo bên túi, gần đến xế trưa, nhớ ra, bác bảo: “Làm sáng giờ quên luôn bịch thuốc hút. Bữa nay bỏ được thuốc một buổi chứ ở nhà, đi cưới hỏi hay đi ruộng tui cũng hút, ít khi nào quên. Bữa nay đến chùa mà quên được thuốc hút là giỏi dữ lắm à nghen. Bữa nay nhớ đến Phật hơn nhớ thuốc lào”.

Còn tại chùa Phật Bửu, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ngày 26 tháng Chạp, thanh niên, cô bác, con nít đều có mặt đầy đủ từ sáng đến chiều. Thanh niên trai tráng thường đảm nhiệm công việc nặng nhọc, lau chùa, quét trần nhà, câu điện và trang trí lồng đèn quanh chùa. Phụ nữ, con nít thì tập trung xuống bếp để làm bánh mứt, chả, xay đậu nành nấu bún riêu, nấu sữa, chuẩn bị tất cả các thực phẩm nấu các món ăn cúng Phật và đãi Phật tử viếng chùa đầu năm.


Trẻ nhỏ làm việc nhỏ. Trong ảnh các em đến chùa Phật Bửu (Long An) xay đậu nành, phụ các cô làm tàu hủ

Tất cả các món ăn đều làm rất bài bản. Thấy các cô nấu ăn, chuẩn bị nguyên vật liệu, con nít có đứa để mắt không rời. Tụi nhỏ ngó theo để học cách nấu, học cách bày trí. Nhìn các cô gói tàu hủ ky làm chả, nhìn cách gói của các cô, tụi nhỏ học thêm được cách gói bánh tét vì chả gói thành đòn cũng giống như đòn bánh vậy.

Đang xay đậu nành kế bên cạnh, thỉnh thoảng, liếc mắt nhìn sang, có đứa "nịnh" các cô, khen các cô gói đẹp. Làng quê, ông bà thường nói đùa với con cháu: “Muốn lấy chồng hoặc muốn làm dâu giỏi, trước khi lấy chồng đến chùa làm công quả vài mùa lễ, rằm, Tết là làm dâu được”, bởi những điều hay, lẽ phải và tỉ mỉ trong chuyện bếp núc được học như thế này đây.

Ngoài đồng ruộng dưa hấu, dưa leo, cà chua, khổ qua, mướp; vườn hoa vạn thọ, hoa cúc… đang bắt đầu thu hoạch. Nhà vườn nào cũng vậy, ở gần chùa, hễ vừa thu hoạch xong là liền đem đến chùa cúng dường, sau đó mới bán cho thương lái.


Chở Tết về chùa - dưa hấu sau khi thu hoạch, bác Tám (Long An)
lựa những trái đẹp nhất dâng cúng Phật đầu tiên rồi mới bán cho thương lái

Nhà nào có hoa thì cúng hoa, có dưa hấu thì cúng dưa hấu; không có trồng cây trái gì thì cúng một ít đường, đậu; không có khả năng kinh tế thì cúng dường cái công. Có gì cúng đó, mỗi người góp một tay chở Tết về chùa. Người miền quê, nhất là các cụ, lão - ai cũng ước mong, bàn thờ Phật, khuôn viên chùa ngày Tết rực rỡ sắc màu của hoa, quả; mâm cơm cúng Phật tinh tươm, đầy ắp thức ăn.

“Chỉ cần đến chùa thấy bông hoa rực rỡ, bàn thờ Phật thiết trí đẹp đẽ là thấy vui, ấm lòng lắm. Mái chùa che chở hồn dân tộc nên Tết về, bà con ai cũng đến chùa, nhất là ngày mùng Một. Trước là lễ Phật, sau là chúc Tết sư trụ trì, chúc Tết lẫn nhau, rồi cùng nhau dùng bữa cơm chay thanh tịnh đầu năm để gieo trồng phước đức; để không khí mùa xuân thêm ấm cúng. Đến chùa vào ngày giáp Tết công quả  và ngày Tết để lễ Phật, từ lâu đã trở thành nếp sống ở miền quê. Tết , già trẻ, lớn bé - ai cũng nôn nao về chùa sum vầy bên nhau”, bác hai Công làm công quả Tết ở chùa Lá, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chia sẻ.

Bài, ảnh: Khánh Vy

http://giacngo.vn/tetgiapngo2014/nhipsongtet/2014/01/29/1FC20B/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang