Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tết cha, Tết thầy
15/02/2014 20:36 (GMT+7)


Không cần giải thích, có thể ai cũng hiểu lời dạy của ông bà qua câu tục ngữ này. Tết cha, tưởng nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Tết thầy, ghi nhớ công lao dạy dỗ của thầy cô “Nhất tự vi sư/ Bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy/ Nửa chữ cũng là thầy).

Tranh minh họa

Cha tôi cũng dạy như vậy khi tôi còn rất bé. Tết cha mẹ, tết thầy là một cách tri ân những người đã giúp mình. Dù người “cho” không mong cầu trả ơn, nhưng người thọ nhận phải coi việc tri ân là bổn phận. Tri ân là thể hiện tấm lòng biết ơn với người mình mang ơn. Trong suốt cuộc đời mình không biết đã thọ nhận bao nhiêu sự giúp đỡ từ người khác. Khi mình nhận của ai đó một món quà, dù món quà đó chỉ là một lời “Chúc mừng năm mới” hay một lời khen, thì coi như mình đã mang ơn một câu chúc lành, nợ một lời cảm ơn. Đơn giản vì câu chúc mừng tốt lành và lời khen đó đã mang lại cho mình niềm vui nho nhỏ. 

Thử làm một phép tính cộng lại những gì mà mình đã “nhận” từ phía người khác. Ồ! Nhiều lắm, không kể hết.

“Bánh ít trao đi/Bánh chì trao lại”, trao qua, trao lại “lễ bạc lòng thành”, vật cho và nhận tuy có so le nhưng tình cảm thì không, tấm lòng tri ân ghi tâm nhớ mãi. Người giúp không cầu trả ơn, nhưng người thọ nhận cần đáp trả, để cho lòng họ thanh thản như trả dần được món nợ lớn lao khó trả hết như “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”.

Tôi còn nhớ một câu chuyện kể về một cô Phật tử đến thăm vị Hòa thượng đang bệnh nặng vào một ngày mùa đông lạnh giá. Cô nhìn thấy dáng thầy nằm bệnh ốm yếu mà kính thương, cô muốn làm một điều gì đó cho thầy vui. Cô đi ra phố tìm mua một cái mũ len làm quà tặng thầy. Thầy nhận lấy với nụ cười vui và lời cảm ơn. Cô Phật tử ấy cũng lấy làm vui khi thấy thầy rất hoan hỷ với món quà của mình.

Mấy tuần sau thầy tịch! Khi dọn dẹp tủ áo của thầy, cô ấy thấy thầy có đến mười cái mũ len, cái nào cũng đẹp và giá trị hơn cái của cô đã tặng thầy. Cô ấy xúc động quá, đã khóc nức nở! “Thầy ơi, món quà của con xấu nhất, vậy mà thầy vẫn khen đẹp, chỉ để cho con vui lòng”. Thầy thương chúng sanh biết chừng nào! Thế mới biết bậc tu hành đã “đối nhân xử thế” tuyệt vời như thế nào.

Món quà tặng của người đôi khi không có giá trị đối với mình, nhưng đó là tấm lòng, là tình cảm quý mến, người ta dâng tặng. Vì vậy, mình nên trân trọng và tri ân, để cho người ta vui lòng.

Tôi cũng đã dạy con cháu tôi như vậy, như thể một truyền thống tổ tiên, một truyền thống đạo lý lâu đời của người Việt vẫn còn giá trị đến bây giờ. Đứa con trai út của tôi về ăn Tết, tôi nhắc cháu ba ngày Tết nhớ đi thăm chúc Tết nhà một người bạn thân của tôi, ông bạn mà tôi rất kính trọng đã nhận cháu vào làm việc ở công ty của ông ấy. Tôi nói với con trai: “Bác ấy giúp con vô điều kiện, bác không cần trả ơn gì cả. Đáp lại, con thăm nhà bác thể hiện tình cảm và tấm lòng tri ân của con là bác ấy vui lắm rồi, con trai ạ!”.

Con trai của tôi đã vui vẻ vâng lời làm theo điều tôi dặn dò. Ba ngày Tết, cháu đi thăm chỗ này chỗ nọ, nhưng không quên thăm và chúc Tết những người mà cháu đã thọ ân.

Tôi rất vui vì đã trao truyền cho con đức tính tri ân cao quý của người Việt. 

Lê Đàn

Nguon: http://giacngo.vn/tuvansongdao/songdao/2014/02/15/16F651/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang