Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tìm lại nét xưa trên phố ông đồ
24/01/2011 19:52 (GMT+7)


Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đồ già. Bày mực tàu giấy đỏ. Trên phố đông người qua. Nhưng năm nay, cái nôn nao khó tả đã vơi đi một nửa, bởi lẽ từ lâu có một “chợ” ông đồ xuất hiện trên đường Trương Định (ngay góc Trương Định - Điện Biên Phủ) đem đến cho người ta cảm giác quá quen thuộc. Với nhiều người, xin chữ đầu xuân là một thú chơi tao nhã, vì thế người ta cứ mong đến dịp Tết để được đi xem “ông đồ” múa cọ rồi chọn cho mình những câu đối, những lời chúc ưng ý về treo trong nhà. Tuy nhiên, vì tồn tại khá lâu nên “chợ” ông đồ này trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân Sài thành khi muốn tìm lại những điều xưa cũ. Không khăn đóng, áo dài như những cụ đồ xưa nhưng tài “múa” bút khéo léo trên mực tàu giấy đỏ với những nét cọ bay bổng đã níu bước biết bao người yêu thư pháp đến với không gian này. 

 “Ông đồ” Đào Phương viết thư pháp theo yêu cầu của khách

Một bé gái theo cha đi “xin chữ” đầu xuân

Mỗi một chữ thư pháp đẹp, sắc sảo, tài hoa của người viết thể hiện qua từng nét móc câu hay dấu tròn..., người chơi phải có cái nhìn tinh tế mới thấy được nét đẹp sau mỗi nét uyển chuyển của con chữ. Năm nay 58 tuổi, quê Quảng Ngãi, người đàn ông tự nhận mình “đầu hói tóc hoa râm” này có niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật thư pháp. “Ông đồ” Đào Phương yêu thích rồi tự mày mò học và “cho chữ” bạn bè, người quen mỗi dịp xuân về Tết đến. Nét chữ của ông  có phong cách riêng, rất có hồn, bởi thế gần 10 năm nay bút nghiên cứ theo ông như là cái nghiệp. Ông cho biết: “Nét chữ là nét người. Học thư pháp thì dễ, nhưng để thể hiện được cái hồn của con chữ  thì người viết phải có chút năng khiếu thẩm mỹ”.

Ngày xưa, dịp Tết ông đồ già mới xuất hiện cho chữ nhưng ngày nay đã có hàng trăm “ông đồ” xuống phố, trong đó có những người còn rất trẻ. Những ông đồ trẻ luôn sáng tạo nên những bức thư pháp của họ có nét mới, hiện đại hơn, ví như họ viết thư pháp kết hợp với vẽ phong cảnh... nên được rất đông bạn trẻ tìm đến. Tuy nhiên, nếu một ông đồ nào đó lớn tuổi, đầu hói như Đào Phương hay bụi bặm, lãng tử như Bùi Hiến thì tất nhiên sẽ có nhiều người hoài cổ, tinh tế (cả trẻ lẫn già) tìm đến để “xin” một nét xưa, để nghe giải nghĩa từng câu chữ mà nhận ra triết lý sống ẩn đằng sau những câu thơ cổ.

 Nét cọ đầu xuân


Những bức thư pháp với nét chữ bay bổng nhưng đầy ý nghĩa

Dịp xuân về, những câu thơ thể hiện công lao sinh thành, tình cảm phụ mẫu thiêng liêng hay những lời chúc xuân, chúc sức khỏe, an khang luôn là ưu tiên hàng đầu của người chơi chữ. Mỗi câu đối, khung chữ, liễn đối bằng mành trúc... có giá khác nhau, từ 150.000 đến 500.000 ngàn đồng và hơn thế nữa, tùy theo chất liệu và kích thước. “Ông đồ” Đào Phương cho biết, có những sản phẩm người ta đặt làm có giá tiền triệu, tuy nhiên vì không có chỗ treo và vì đảm bảo tính độc đáo của mỗi bức thư pháp cho khách nên ông để ở nhà chờ người ta đến nhận.

Được tổ chức định kỳ hằng năm tạo ra một sân chơi đầy bổ ích cho người dân thành phố, năm nay phố ông đồ Tết Tân Mão sẽ diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM (mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch)  từ ngày 21-1 đến 2-2-2011 (tức là từ ngày 19 đến 30 tháng Chạp âm lịch). Cũng trong thời gian này, phố ông đồ sẽ xuất hiện trước Cung văn hóa Lao động TPHCM với những chiếc chõng tre, chiếu đỏ, các ông đồ mặc áo dài, đội khăn đóng, chân mang guốc mộc như những lần tổ chức trước để tạo ra một nét đẹp tao nhã trong dịp xuân đến, Tết về.

THANH THỦY (CATP)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang