Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cây nêu ngày Tết
Tác giả: Cao Huy Hóa
14/01/2012 20:28 (GMT+7)


Cây nêu ngày Tết có từ bao giờ, tôi không rõ, chỉ biết từ nhỏ tôi đã thấy cây nêu. Cây nêu đã từng gắn liền với tập tục ăn Tết của nhân dân ta, từ nông thôn đến thành thị, từ gia đình, nhà thờ, chùa chiền, đến cơ quan.

Cây nêu là một thân cây tre dài, thẳng, được dựng nơi trang trọng, rộng rãi; đầu thân tre được buộc một dải vải điều (màu đỏ) có ghi những lời cầu nguyện hoặc lời chúc năm mới, và một cái giỏ tre, trong đó có đựng cau, trầu, rượu, hoặc một số phẩm vật khác theo phong tục từng miền. Dĩ nhiên cây tre phải được chôn chặt và neo nhiều phía để tre đứng vững, khi đó tre chứng tỏ sự dẻo dai bền bỉ, dầu gió nhẹ hay mạnh, dù gió đông bắc hay tây nam, tre có nghiêng qua nghiêng về thì phần chính cây vẫn thẳng và cây không gãy. Người ta ví sự dẻo dai và vững chãi của tre như sức sống Việt Nam.

Tại miền Bắc thời đã xa, cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời. Truyền thuyết cho rằng, từ ngày này cho đến đêm giao thừa, vắng mặt Táo quân, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, cho nên cây nêu dựng lên để chặn ma quỷ. Cây nêu được thênh thang giữa trời đất suốt thời gian từ lễ dựng nêu cho đến ngày hạ nêu, thường thường là ngày 7 tháng giêng âm lịch. Trước khi dựng nêu, người ta lập bàn thờ trang nghiêm để cúng tế, cầu Trời Phật, cầu mưa thuận gió hòa, cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu.

Theo học giả Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1972), sự tích cây nêu được tóm tắt như sau:

Ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước,còn Người chỉ làm thuê, và  nộp phần lớn lúa thu hoạch cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay, và cuối cùng Quỷ tự cho mình hưởng quyền "ăn ngọn cho gốc". Người chỉ được hưởng rạ, tuyệt đường sinh nhai nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo Người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, Người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai, còn Quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức "ăn ngọn cho gốc".

Sang mùa khác, Quỷ lại chuyển qua phương thức "ăn gốc cho ngọn". Phật bảo Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố  "ăn cả gốc lẫn ngọn". Phật trao cho Người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi. Quỷ lại không được gì, còn Người thì thu hoạch cơ man là trái ngô. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa.

Cây nêu ngày tết
Phật bàn với Người điều đình với Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông.

Do mất đất sống nên Quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên Người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột... và Quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.

Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày Quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.

Chuyện cổ tích thật đẹp, tất nhiên không phải ở tính chân thực mà ở tính biểu tượng của nó. Quỷ được xem là những thế lực gian ác, bức bách người lương thiện chăm chỉ làm ăn. Phật, như dân gian tôn thờ, là bậc chí thiện, luôn luôn lấy từ bi cứu giúp người. Chuyện cổ tích thì hư ảo nhưng chân lý muôn đời và ước nguyện của con người luôn luôn là, cái thiện xua tan và hóa giải cái ác, và trong cổ tích này, kết cục thật là nhân hậu: ngày Tết là ngày vui của mọi chúng sinh, quỷ cũng được về thăm cố hương.

Chính những giá trị đạo đức này làm linh hồn cho cây nêu để nó vẫn sống trong tâm thức của người Việt Nam, nhất là trong xã hội nông nghiệp trước đây. Thời gian cuối đông và đầu xuân là thời gian nông nhàn, lại đúng vào giao thời thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, vạn vật sinh sôi, lòng người êm ả, thì phải chăng cây nêu dựng lên vừa là niềm vui trước thiên nhiên khoáng đạt, vừa là lòng thành của con người với Trời Đất, Phật Tổ, lại là biểu tượng mở đầu cho những ngày năm hết, Tết đến?

Đó cũng chính là niềm tin của con người trong xã hội ngày nay, dầu xã hội này đã vượt xa thời đại nông nghiệp, sau bao nhiêu năm cây nêu vắng bóng vì chiến tranh ác liệt, vì cuộc sống quá khó khăn, vì các giá trị truyền thống bị thử thách trong thời đại mới, để cây nêu trở lại, dầu chỉ mới rải rác, ở nông thôn cũng như ở thành thị.

Về biểu tượng cho lễ hội Tết, tôi thấy không có gì đẹp đẽ, cổ kính và duyên dáng cho bằng cây nêu, tuy rằng, có rất nhiều thứ chào xuân sớm làm lòng người rộn rã: mai đào khoe sắc, cúc vàng nở rộ, đường phố lên màu, người người đi sắm Tết... Khi cây nêu ngày Tết dựng lên thì ai trông thấy đều ấm áp trong lòng: hồn dân tộc đậm đà với Tết.

Cây nêu khiến tôi nhớ lại những ngày đón Tết tại ngôi trường trung học Hàm Nghi (Huế), ngôi trường thật đặc biệt, thật "oai" vì nằm trong khuôn viên của Di Luân Đường, nơi trước đây là Quốc Tử Giám triều Nguyễn đã đào tạo nhân tài cho đất nước. Những ngày mưa gió lạnh lẽo cuối năm lại là những ngày thầy trò vất vả cho kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt (tức là học kỳ 1), nhưng khi kỳ thi vừa xong thì trước cột cờ, trước Di Luân Đường cổ kính thâm nghiêm, cây nêu dựng lên, ô hay, một trời xuân phơi phới, thôi thì thầy trò chuẩn bị đón xuân, đến giờ cuối của thầy cô nào thì trưởng lớp trịnh trọng lên chúc Tết, tặng hoa thầy cô, cả lớp đứng dậy vỗ tay... rồi thì báo xuân của trường, của lớp chuyền tay nhau, rồi học trò tự tổ chức liên hoan. Tết đến thật sớm, thật vui!

Cây nêu lắng đọng trong tôi từ đó, mãi đến 40 năm sau, vui thay, tôi về dự lễ dựng nêu tại chùa Diệu Đế, một ngôi cổ tự nổi tiếng bên bờ nam sông Gia Hội, trước ngày Ông Táo về trời; thì ra chùa vẫn giữ truyền thống dựng nêu ngày Tết lâu nay. Sẵn có tre trong vườn, chùa chọn cây tre to, cao khoảng trên 10 mét, thẳng, dáng thuôn, chừa một ít cành trên ngọn cho đẹp, một dãi vải điều dài có sẵn hai câu đối có ý nghĩa đón xuân vui Tết, một giỏ tre đựng cau, trầu, rượu..., lồng đèn đỏ với bóng đèn đấu dây với nguồn điện. Một bàn thờ được thiết lập giữa sân, với hương hoa, bánh trái, xôi chè... để cúng tế Trời Đất và cúng cô hồn. Buổi lễ bắt đầu với ba hồi chuông trống Bát Nhã rộn ràng. Mọi người quây quần hướng về bàn thờ hương khói uy nghiêm giữa vườn chùa xinh tươi hoa lá, trong khi vị chủ lễ cáo bạch với Trời Đất. Cây nêu đã được chuẩn bị và khi lễ xong, quý thầy trẻ hăng hái dựng nêu, chôn gốc và buộc dây vào cọc và các vị trí cố định. Chiếc giỏ tre lên cao như dâng lời cầu nguyện, dâng phẩm vật cúng Trời, dải vải điều thả xuống phất phới lả mình theo gió nhẹ, trong khi cây tre uốn lượn nhẹ nhàng trên đỉnh, tất cả in lên trời xuân lồng lộng. Sau đó, mọi người chia nhau bánh chưng, bánh tét, dưa món, mứt gừng,... Thật là một lễ hội của chùa ấm áp trong thời tiết cuối đông lành lạnh.

Trong dịp này, tôi được trao đổi chuyện Tết với thầy Vĩnh Cao, giảng viên Hán học, nhà nghiên cứu văn hóa Huế, một người con của hoàng tộc, hôm đó thầy đóng nhiều vai: thầy là người dàn dựng lễ, sáng tác câu đối và viết câu đối trên dải vải điều, thầy cũng là người chủ lễ, cáo với Trời Đất. Khác với thường ngày ăn mặc giản dị, trong dịp này, thầy đẹp ra phết với bộ quốc phục thời trước: áo dấu màu xanh, khăn đóng cũng màu xanh, quần trắng, đi giày hạ. Một điều rất quan trọng của cây nêu là câu đối trên dải vải điều, thầy cho biết: câu đối thì tùy hoàn cảnh mà chọn, như ở chùa thì khác, ở cơ quan thì khác, nhưng nội dung ngày nay thường cầu "quốc thái dân an" hoặc vui xuân, chúc Tết. Ví dụ như câu đối trên cây nêu ngày Tết ở chùa:

Xuân đáo thị thành biến địa phúc

Phúc lâm Thiền viện mãn đình xuân

Dịch nghĩa:

Xuân đến thị thành phúc mọi nẻo

Phúc về Thiền viện xuân tràn sân.

Ôn lại chuyện xưa, thầy đã kể chuyện nghỉ Tết và cây nêu thời triều Nguyễn: Trong Ngự chế thi, vua Minh Mạng đã nhắc lại tục cổ: ngày 25 tháng chạp là ngày niêm ấn (không tiếp nhận văn thư), đó cũng là ngày dựng nêu; ngày 7 Tết là ngày khai ấn (tiếp nhận văn thư đầu năm mới, đóng dấu ấn), cũng là ngày hạ nêu. Có thể hiểu thời gian cây nêu ở giữa trời là thời gian nghỉ Tết; tuy nhiên triều đình không quy định như thế vì việc triều đình không ngưng nghỉ và chương sớ thì lúc nào cũng có; dầu vậy, vua Minh Mạng đã cho phép các Nha chọn ngày niêm ấn và khai ấn theo tục dân gian nói trên, và chỉ chọn một số ấn không cần thiết cho vào giỏ tre treo lên cây nêu, có tính cách tượng trưng để mừng xuân. Đến đời vua Tự Đức lại có đổi thay, năm Tự Đức thứ 29 (1876), có sớ tâu xin dựng nêu vào giờ Thân (15g-17g) ngày 30 tết, và hạ nêu vào giờ Thìn (7g-9g) ngày mồng 7 Tết. Sau đó có sắc chỉ lấy giờ Thìn ngày 30 và mồng 7 để cho dựng nêu và hạ nêu, lấy đó làm lệ không thay đổi nữa.

Chuyện nghỉ Tết đó chỉ hợp với ngày xưa, chứ ngày nay, việc nước đa dạng, khẩn trương, gay go và phức tạp, đòi hỏi phải giải quyết đúng thời, đúng lúc, hơn nữa, tùy công việc mà mỗi cơ quan, mỗi người có lịch ăn Tết khác nhau; tuy nhiên, chuyện một vị vua nước Đại Nam cho các Nha treo ấn triện trên cây nêu thì thật là độc đáo, và làm cho cây nêu thêm ý nghĩa. Không đặt nặng chuyện hoài cổ, xin hãy hướng thượng với cây nêu giữa bầu trời, bỏ qua những điều không may, những được thua, hơn thiệt của cuộc sống năm cũ, xin hãy trãi lòng để sống thuận thảo với Trời Đất và vui đón xuân cùng thiên nhiên và mọi người. Và như thế, cây nêu ngày Tết mở đầu những ngày tống cựu nghinh tân đầy ấn tượng.

http://tuanvietnam.net/2012-01-13-cay-neu-ngay-tet

Các tin đã đăng:
Về đầu trang