Được đón năm mới đầu tiên chính là người dân trên hòn đảo giữa Thái
Bình Dương Kiritimati. Năm mới đã đến đây vào lúc 10 giờ (giờ GMT), tức 5
giờ chiều giờ Hà Nội ngày 31/12. Tuy nhiên những màn pháo hoa ấn tượng
nhất, rực rỡ nhất chỉ thực sự bắt đầu khi năm mới gõ cửa New Zealand và
Australia.
Sân khấu chính của người New Zealand đêm qua chính là tháp Auckland
Sky Tower, cao 328m. Đúng 12 giờ đêm (giờ địa phương), pháo đồng loạt
được khai hỏa, thắp sáng bầu trời Auckland, mang theo những hy vọng về
một năm mới tươi sáng.
Trước giờ giao thừa, thời tiết đã khiến ban tổ chức lo ngại
sẽ ảnh hưởng đến màn trình diễn đón năm mới. Tuy nhiên trời không phụ
lòng người thì bầu trời đã chuyển quang đãng trước thời khắc chuyển giao
năm cũ, năm mới.
Kế sau Auckland, Sydney là thành phố lớn đầu tiên trên thế giới đón
chào năm mới. Và như thường lệ, Australia lại khiến cả thế giới phải
trầm trồ với một màn trình diễn pháo hoa hoành tráng, ấn tượng tại cầu
cảng thành phố Sydney.
Ước tính chính quyền địa phương đã chi gần 7 triệu USD cho lễ đón năm
mới và khoảng 1,5 triệu người đã tham dự buổi lễ. Ngay từ đầu giờ
chiều, rất nhiều người dân địa phương bất chấp thời tiết nắng nóng đã tụ
tập, cắm trại dọc bờ vịnh Sydney để chọn cho mình vị trí ưng ý nhất.
Không ít người thậm chí đã chờ tại đây từ đêm Chủ Nhật.
Tại Hong Kong, chính quyền đặc khu hành chính đã chi tới 1,6 triệu
USD để chuẩn bị cho màn bắn pháo hoa được khẳng định là lớn nhất từ
trước đến nay tại hòn đảo này. Khoảng 100.000 người đã theo dõi lễ đón
năm mới.
Pháo hoa rực rỡ tại Hong Kong
Tại Singapore, khoảng 10.000 người đã tập trung bên bờ vịnh Marina để cùng xem màn bắn pháo hoa kéo dài 8 phút.
Trong khi đó trên hòn đảo du lịch Bali của Indonesia,
ngay từ chiều 31/12, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ chào năm mới đã
diễn ra. Trong đó đáng chú ý nhất là màn diễu hành của các vũ công trong
trang phục truyền thống sặc sỡ qua khu Denpasar.
Các vũ công trên đảo Bali, Indonesia múa mừng năm mới
Còn tại Jarkarta, chính quyền thành phố dành hẳn một
tuyến đường dài 7km làm nơi cho người dân tụ tập chào đón năm mới. Tổng
cộng 16 sân khấu đã được dựng lên trên tuyến đường cao tốc 8 làn xe
xuyên qua trung tâm thành phố.
Tại Tokyo, đúng vào thời khắc chuyển giao năm mới, hàng
nghìn quả bóng bay trắng mang theo những điều ước đã được người Nhật Bản
thả lên trời. Cùng lúc đó các ngôi chùa khắp đất nước đánh 108 tiếng
chuông để chính thức báo hiệu một năm mới đã đến mang theo hòa bình và
thịnh vượng.
Những quả bóng bay trắng được thả tại Tokyo đêm giao thừa
Năm nay người dân Triều Tiên cũng lần đầu được đón năm
mới với màn bắn pháo hoa rực rỡ tại thủ đô Bình Nhưỡng. Theo lịch của
người Triều Tiên năm nay là năm “Juche 102”. Juche có nghĩa là độc lập,
thể hiện tư tưởng tự lực của người dân nước này vốn được truyền bá sâu
rộng từ thời nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Năm nay người dân Myanmar đã có một đêm giao thừa vui
chưa từng có. Theo thông báo của ban tổ chức, khoảng 90.000 người đã tụ
tập tại thành phố Yangon từ trước giao thừa khoảng 2 giờ đồng hồ để cùng
đón năm mới. Đây là lễ đón năm mới tập thể đầu tiên tại đất nước này.
Hàng trăm người nhảy múa trong tiếng nhạc rộn ràng,
trong khi nhiều người khác ngồi trên những tấm mền mang theo để chờ xem
pháo hoa. “Hôm nay thật thú vị và là lần đầu tiên chúng tôi được ăn mừng
năm mới trong một buổi tập trung đông vui. Chúng tôi cảm thấy như mình
đang ở thế giới khác”, Yu Thawda, sinh viên một trường đại học đi cùng
nhóm bạn 3 người, chia sẻ.
Người Bắc Kinh hứng khởi chào đón năm mới
Tại Trung Quốc, bất chấp thời tiết giá lạnh, rất đông
người vẫn đổ ra các đường phố Bắc Kinh và Thượng Hải mang theo cờ, hoa
để cùng chờ đếm ngược tới 12 giờ. Trước đó trong thông điệp năm mới, Chủ
tịch Hồ Cẩm Đào khẳng định nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách và mở
cửa trong năm tới. Ông khẳng định nước mình muốn có một “khởi đầu tốt
đẹp” trong năm mới để đạt được các mục tiêu phát triển mà Đại hội đảng
lần thứ 18 của đảng cộng sản Trung Quốc đề ra.
Còn ở khu vực phía nam Philippines, khu vực đã bị cơn
bão Bopha tàn phá vào đầu tháng 12 khiến ít nhất 1067 người thiệt mạng,
thì thức ăn, công việc và hàng cứu trợ khẩn cấp là những thứ mà mọi
người đang sống sót mong ước nhiều nhất trong dịp năm mới.
Ở thủ
đô New Dehli của Ấn Độ, không khí u ám của vụ việc nữ sinh bị cưỡng hiếp
tập thể vẫn đang bao trùm tại đây, bất chấp thời khắc chuyển giao năm
mới. Nhiều khách sạn, hộp đêm… tại Ấn Độ đã quyết định hủy bỏ các kế
hoạch lễ hội và kêu gọi mọi người thắp nến để bày tỏ tình đoàn kết cho
nữ nạn nhân của vụ việc.
Tại châu Âu, những chính sách áp lưng buộc bụng đang
được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước đã khiến các quốc gia này có những
màn ăn mừng năm mới hạn chế hơn, trong khi người dân đang hy vọng vào
một năm mới khởi sắc về kinh tế.
Ở Đức, Thông điệp năm mới của
Thủ tướng Angela Merkel đã cảnh báo người dân Đức sẵn sàng để đối mặt
cho một thời kỳ kinh tế khó khăn trước mắt.
Pháo hoa rực rỡ tại Đức
Pháo hoa bên bờ sông ở thành phố Dresden, miền đông nước Đức
Trong khi đó, tại Síp, chính quyền thủ đô Nicosia đã
quyết định hủy bỏ lễ kỷ niệm mừng năm mới vì lý do khủng hoảng kinh tế.
Chính quyền Síp cho hay số tiền 21.000 USD từ việc hủy bỏ sự kiện mừng
năm mới sẽ được tài trợ cho 320 học sinh nghèo trên toàn quốc.
Nhiều người đeo mặt nạ như lễ hội hóa trang để đón năm mới ở Venice, Italia
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã sử dụng bài diễn
văn năm mới truyền thống để kêu gọi sự thống nhất sau một năm đầy biến
động với những cuộc biểu tình.
Pháo hoa nổ trên nhà thờ St Basil ở Quảng trường Đỏ của Mátxcơva
Còn tại Tây Ban Nha, rất nhiều người đã tụ tập ở quảng
trường Puerta del Sol ở thủ đô Madrid trước nửa đêm, bất chấp mưa lạnh
và những nỗi lo về suy thoái kinh tế, để cùng nhau uống rượu vang mừng
năm mới. Manuela Ibanez, một du khách 51 tuổi đến từ Barcelona cùng 2
con gái, cho biết: “Vào thời điểm như thế này, chúng tôi quên hết về
khủng hoảng kinh tế”.
Tại Paris, rất đông người vẫn tập trung về
đại lộ Chaps-Elysse và xung quanh tháp Eiffel để đón chào năm mới, dù
không có những màn bắn pháo hoa hoành tráng như mọi năm.
Màn pháo hoa hoành tráng ở thủ đô London (Anh)
Giáo Hoàng Benedict XVI đọc kinh đón chào năm mới 2013
Tại Rome, Giáo Hoàng Benedict XVI cũng đã đón năm mới
bằng buổi đọc kinh cầu nguyện tại nhà thờ St Peter, để cầu nguyện cho
những người nghèo và kêu gọi các tín hữu hãy tạm ngừng cuộc sống bận rộn
để suy nghĩ về cuộc sống.
Người dân Edinburgh, Scotland đón mừng năm mới.
Còn thành phố Edinburgh của Scotland, nơi thường có
truyền thống tổ chức những buổi lễ đón năm mới lớn nhất ở châu Âu, đã có
màn đón năm mới hoành tráng. Các nhà tổ chức cho rằng có khoảng 75.000
người đã cùng tham gia lễ đón năm mới này.
Tại Athen, bất chấp
những khó khăn kinh tế đang phải đối mặt, những màn bắn pháo hoa vẫn
được diễn ra để đón chào năm mới. Năm 2013 được dự đoán sẽ là năm khủng
hoảng kinh tế thứ 6 liên tiếp tại quốc gia Nam Âu này và là cuộc khủng
hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ Thế chiến II.
Pháo hoa trên đền thờ Parthenon ở Hy Lạp
Còn tại New York, một triệu người đã cùng tập
trung tại Quảng trường Thời đại để cùng đếm khoảng khắc chuyển giao giữa
năm cũ và năm mới.
Tại Canada, nhiều hoạt động ngoài trời và các buổi hòa nhạc được tổ chức trên khắp cả nước để đón chào năm mới 2013.
Tại
thành phố Rio de Janeiro của Brazil, chính quyền đã tổ chức đón năm mới
bằng màn bắn pháo hoa kéo dài 16 phút, sử dụng đến 24 tấn pháo hoa tại
bãi biển Copacabana.
Còn tại thủ đô Caracas của Venezuela, chính
quyền thành phố đã hủy bỏ buổi lễ đón năm mới truyền thống ở Quảng
trường Bolivar, thay vào đó kêu gọi mọi người dân Venezuela cùng ở nhà
và cầu nguyện cho Tổng thống Hugo Chavez có thể vượt qua cuộc chiến
chống ung thư.