Hương hoa ở đây là những loài hoa
có mùi thơm chứ không phải hương là cây nhang (có tên Hán- Việt là
hương yên: khói thơm) như nhiều người thường lầm tưởng) và quả phẩm
(phẩm vật bằng các loại quả), để trên quả bồng (loại dĩa có chân đế cao
bằng gỗ mít hay bằng sứ) hoặc dĩa lớn đặt trên đế gỗ cao, nhiều nơi
người ta còn để trong những mâm lớn mà ta thường gọi là mâm ngũ quả.
Theo phương thức bài trí phẩm vật thờ
cúng xưa ở phương đông thì hương hoa, quả phẩm thờ cũng được sắp xếp
theo một qui định có ý nghĩa sâu sắc của triết lý đông phương, đó là:
“đông bình, tây quả’’ (bình hoa ở phía đông, quả bồng hay mâm quả ở phía
tây), có lẽ bàn thờ thường quay về hướng nam, còn nếu bàn thờ ở các
hướng khác thì phía hữu là quả, phía tả là hoa nếu khi ta đứng cùng
hướng bàn thờ.
Một điều cần lưu ý là có một số loại hoa,
quả không được thờ cúng với nhiều lý do khác nhau như một số quả chuối:
chuối bà lùn, chuối bà hương, chuối sứ (chuối chát) chỉ dùng để ăn mà
thôi, chuối tiêu chỉ dành cho người ốm hoặc người già v.v...quả ổi có lẽ
do từ bỉ ổi, khế có lẽ do vị chua, nên thường không được dùng làm quả
phẩm.
Về hoa cũng vậy, người ta chỉ thường dùng
các hoa có mùi thơm (hương hoa) mà thôi, vì thế có nhiều hoa không được
thờ cúng như: Trà mi, Ngũ sắc, Phù, Tỏi, .v.v.
Vì sao hoa quả lại được người xưa, ở
nhiều nơi trên thế giới chọn làm phẩm vật thờ cúng cao cấp? Thật ra,
dưới góc độ thực vật học, thì hoa là cơ quan sinh dục của loài thực vật,
quả và hạt chính là mầm sống của thực vật như là bào thai, là quả trứng
của loài động vật mà thôi. Nhưng ngay từ thời mông muội của loài người,
các loại rau, hạt, quả, củ cũng là những thức ăn chính, ngon, bổ, nhiều
nghiên cứu đã cho biết người Hy lạp và người Ai cập cổ được miêu tả
giống như loài ăn hoa quả. Thật vậy, như chúng ta đã biết, loài động vật
có xương sống được chia làm 3 nhóm tuỳ theo cấu trúc của bộ răng và bộ
máy tiêu hoá của chúng gồm:
- Nhóm ăn thịt: hổ, chó sói, mèo...
- Nhóm ăn hoa, quả, hạt: khỉ, vượn...
- Nhóm ăn, rau, cỏ, lá: dê, bò, thỏ...
Về cấu trúc hàm răng và hệ tiêu hoá của
loài người có một sự tương đồng với loài ăn quả, hạt, củ và loài ăn rau,
cỏ (đường tiêu hoá cũng dài gần 12 lần chiều dài cơ thể, ngoài cấu trúc
hàm răng ra, nước bọt cũng có chứa chất kiềm và enzym ptyalin giúp cho
sự tiêu hoá hoa quả hạt được dễ dàng hơn các loài khác).
Do đó, hoa quả đối với cuộc sống của con người có một sự liên hệ quan trọng và mật thiết đến nhường nào.
Ngoài ra, theo sách Nội kinh của Y học
phương đông lại cho rằng: “Ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi
ích, ngũ thái vi sung, khí vị hợp nhi phục chi, dĩ bổ ích tinh khí.”,
Nghĩa là: “năm loại hạt dùng để nuôi
dưỡng cơ thể, năm loại quả hỗ trợ thêm, năm loại thịt gia súc có ích lợi
cho sức khoẻ, năm loại rau dùng để bổ sung thêm, khí vị hợp lại làm bổ
ích cho tinh khí con người.”.
Đây là một tổng kết lý luận về vấn đề cân bằng dinh dưỡng sớm nhất trên thế giới.
Vậy thì, ngũ quả là những loại quả nào?
Cũng như ngũ cốc, ngũ thái, ngũ súc, đều
chưa được khẳng định rõ ràng, nhiều tư liệu, kể cả từ điển, tự điển cũng
chưa thống nhất với nhau, đúng như vậy, tuỳ diều kiện địa lý, khí hậu,
thổ nhưõng, mùa, sinh hoạt ẩm thực v.v... mà mỗi nơi mỗi khác, ở Trung
quốc, ngũ cốc ở vùng Hoa nam đã khác với Hoa bắc, miền đông đã khác hẳn
miền tây.
Ngay ở nước ta, tuy không rộng lớn như
Trung quốc mà quả phẩm cũng thay đổi theo vùng, xin đơn cử một số loại
quả phẩm chính: ở miền bắc là mận, táo, đào, hồng. Ở miền trung là
chuối, thanh trà, cam, quít. Ở miền nam là xoài, đu đủ, thanh long,
bưởi...
Về vấn đề chọn loại quả, sắp xếp bố trí
thì làm sao cho quả phẩm phải đủ ngũ sắc (năm màu), ngũ vị (năm vị)
tương ứng với ngũ hành của vũ trụ,
và ngũ tạng của con người, có âm, có
dương v.v..thì mới hoàn hảo. Đôi khi người ta còn chọn tên gọi của quả
để cầu mong cho được may mắn như quả Dừa cùng với Đu đủ và Xoài (nói
theo âm miền Nam là vừa đủ xài).Các loại quả có giá trị là Phật thủ,
Thanh yên, Đào tiên, Giáng châu (Măng cụt)...
Đứng về góc độ thẩm mỹ học (thanh, quang,
sắc), chúng ta thử hình dung xem, nếu trong những ngày Xuân, dưới ánh
thiều quang rực rỡ của trời đất, mà trên bàn thờ thiếu hẳn màu vàng ấm
cúng của nải chuối, màu xanh dịu mát của quả thanh trà hay quả bưởi, màu
đỏ tươi rực rỡ của quả hồng thì thật là đơn điệu và thiếu sót biết
chừng nào!
N.D