Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Mồng Một xuất hành tìm sự khác biệt chùa Bắc, Trung, Nam
24/01/2012 21:33 (GMT+7)


Huế: "Mai tui lại hành nghề"...

Chùa Huế u tịch, bình lặng và rất trang nghiêm. Dường như, khi bước qua cổng chùa, con người ta đã bỏ ở ngoài những toan tính thường nhật.

Hơn 50 năm nay, cụ bà Hương nhà tận Hương Sơn (phía bắc TP. Huế) cứ sáng mồng Một là có mặt ở chùa Báo Quốc. Với cụ bà năm nay cũng đã hơn 80 tuổi, đi chùa chỉ mong cầu hai chữ: Bình An. Cụ bảo, năm vừa rồi cũng có nhiều điều bất trắc nhưng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Tháng nào cũng đi chùa lễ Phật nhưng quan trọng nhất và thành tâm nhất là đi lễ chùa ngày mùng Một Tết bởi đây là lần đi lễ cho cả năm.


Cả nhà lên chùa đầu năm mới

Hỏi cụ, lên chùa cần lễ gì không? Cụ cười: “Ở mô thì tui không biết, nhưng ở Huế thì không, lễ vật cúng dường đã được đưa lên trước để các tăng ni đơm cúng trên bàn Phật. Ngày mùng Một lên chùa chẳng có lễ vật gì. Điều quan trọng nhất, lễ vật cao quý nhất dâng lên chư Phật chính là tấm lòng trong sáng, là tâm hồn thanh tịnh của mình”.

Tôi nhìn thấy hai gương mặt trái ngược nhau ở góc khuất của ngôi chùa cổ. Một cô bé chừng 18 tuổi, mặt sáng tinh khôi đang ngồi khoanh chân, nhắm mắt cầu nguyện. Và một người đàn ông, tướng tá bặm trợn, gân guốc đang ngồi im phắc.

Chờ đợi để hỏi chuyện, hóa ra, cô bé đó tên Lam, năm nào cũng theo mẹ lên chùa. Em bảo chỉ cầu Phật phù hộ cho được mạnh khỏe, học tốt. Và lên chùa em tìm thấy sự bình an, khác hẳn những xô bồ thường thấy nơi phố thị.

Người đàn ông không nói tên. Ông kể ngắn gọn: "Tui làm cái nghề sát sanh chú ạ - nghề chọc tiết heo ở lò mổ. Cả năm giết bao nhiêu con heo. Nghề nó vậy. Biết là sát sanh không tốt, nhưng mưu sinh thì phải làm. Ngày mùng Một, tui lên chùa cầu Phật, mong được xá tội, xin hai chữ bình an”.

“Mai tui lại làm nghề rồi chú ạ” - câu nói cuối cùng rất nhỏ, kèm theo tiếng thở dài. Âu cũng là cái sự mưu sinh...

Bắc Giang: Chùa vắng tanh theo... lệ làng

Chùa Phúc Lâm (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) sáng mồng Một vắng đến mức khiến người khách đến từ Hà Nội chợt cảm thấy hạnh phúc bất ngờ vì̀ được một mình đối diện với mình và đối thoại với Phật. Cửa chùa mở, hoa hồng, hoa cúc rực rỡ men theo lối vào chánh điện. Cửa mở, nến đỏ lửa, hương trầm thơm ngát, chiếu vẫn trải bên cạnh chuông đồng và cuốn “Chư kinh nhật tụng” mở sẵn nhưng không có tiếng người. Thấp thoáng phía sau gian nhà thờ tổ có bóng ni cô mặc áo nâu sồng đi lại...



Người khách từ Hà Nội ngạc nhiên và hạnh phúc vì "không phải chen nhau" cầu Phật
Ông Đỗ Văn Nguyện, chủ nhân ngôi nhà cổ 300 năm tuổi ở gần chùa cho biết: “Phải đến hơn 7 giờ các cụ mới đến chùa. Tục lệ ở làng này ngày xưa là một khi ở đình chưa động thổ (cụ già nhất làng cầm cuốc bổ năm nhát tại chỗ và các phía Đông, Tây, Nam, Bắc) là chưa ai được làm gì. Kể cả việc múc nước từ giếng lên gây tiếng động cũng phải tránh, băm rau lợn, chặt xương càng không được. Vì thế, người ta không dám đi ra đường vì sợ dép gây tiếng động...Gần đây, vì có nhiều nam thanh nữ tú thích đến chùa xin lộc vào sớm mồng một nên làng đã cải tiến làm lễ động thổ từ giao thừa. Thế nhưng, các bà, các chị vẫn giữ lệ cũ, không ra đường sớm mồng một, cứ phải trưa trưa chùa mới đông khách...”.

Có lẽ vì tục lệ kiêng gây tiếng động khi đình chưa động thổ nên chúng tôi đi dọc qua 3 xã Việt Yên sáng sớm mồng một không gặp một bóng người ra đường. Những mái nhà, những cánh đồng lặng yên như nín thở chờ hiệu lệnh “xuât phát” để đi thăm hỏi “cung chúc Tân Xuân”. Chùa Bổ Đà nổi tiếng với 1000 năm tuổi và nhiều huyền tích về việc xin con, xin của vẫn cửa đóng, then cài lúc 6 giờ sáng. Người dân ở đây nói rằng, khi chùa chưa mở cửa là các nhà sư đang tụng kinh niệm Phật cầu cho quốc thái dân an...

Hà Nội: "Phát ốm vì hơi người"


5 giờ sáng mồng một Tết, cửa tổ đình Phúc Khánh (ở Ngã Tư Sở Hà Nội) bắt đầu thoáng dần vì dòng người đổ về chùa từ 11 giờ đêm 30 đã lần lượt tỏa hết về các ngả̃ đường. Chỉ còn mấy chị bán muối, bán hương cùng mấy tờ giấy foto ghi sao, hạn của các tuổi ứng với 12 con Giáp ngồi phía bên trong công chùa vẫn còn tất tả tay năm, tay mười bán hàng cho các khách đến chùa muộn.



Chị bán muối ở cửa Tổ đình Phúc Khánh chỉ còn dăm ba túi hàng.

Chị bán muối mộc (muối chỉ để trong từng túi ni lông nhỏ, không có giấy đỏ vào phong bao đỏ bọc ngoài ngoài) ngồi xa xa bên trái cổng chùa vừa giơ tay che vội cái ngáp dài vừa đậy thùng lại để sắp sửa ra về. Trông chị hớn hở lắm vì thùng muối chỉ còn vài chục túi con tí xíu (giá bán 10.000đ/túi) còn túi tiền ba gang thì đầy ắp, chẵn có, lẻ có.

Chị bảo: “Ui chà, người Hà Nội vẫn giữ nếp “đầu năm mua muối cuối năm mua vôi” nên mỗi năm tôi cũng “kiếm” được kha khá. Chỉ mỗi tội ngồi từ nửa đêm tới giờ phát ốm vì hơi người. Vào lúc 12 giờ đêm, 1 giờ sáng, chùa chật tới mức có nhiều người phải ngồi quỳ lạy, bái vọng từ ngoài đường Tây Sơn.

Đại lễ nên cả khuôn viên chùa Phúc Khánh rực rỡ đèn nhấp nháy và hoa, nến sáng trưng. Một chú tiểu trả lời ông khách đang hỏi thăm ý muốn mừng tuổi các sư: “Sư thầy và các sư bác thức cả đêm vừa chợp mắt rồi”. Ở các gian thờ, có mấy bà cụ mặc áo nâu sồng đang sửa sang lại đồ lễ sau đêm có hàng chục ngàn khách chen chúc nhau đặt lên vội và xin lộc vội.

Bà Hát, nhà ở Thái Thịnh, chấp tác ở đây từ năm 1997 tới giờ, cũng là chừng ấy đêm 30 thức trắng. Đã cất đi cất lại cái thúng đựng thẻ xăm (ở đây là tờ giấy ghi vận hạn, may rủi, ai đặt tiền lẻ bao nhiêu tùy lòng và bốc một tờ) dợm về mấy lần rồi mà vẫn chưa đứng lên được vì chốc chốc lại có người tới. Bà bảo: “Ở chùa này có nhiều người chấp tác như tôi lắm. Mỗi người được nhà chùa phân công một việc. Việc chính của tôi là nhặt tiền cúng của khách thập phương từ các ban rồi bỏ vào hòm công đức. Luôn tay từ trưa hôm qua tới giờ đấy. Chẳng kịp ăn...”.

6 giờ sáng, dòng người đổ về chùa đông hơn. Hoài Thu (nhà ở phố Bà Triệu, Hà Nội) và 3 người bạn trẻ của mình tới đây sau khi đã đi qua các đền, chùa Quán Sứ, Thiền Đề, Thiên Phúc, đền chùa Bà đệ tứ, Tảo Sách, Phủ Tây hồ. Cô bảo: “Em đi lúc 11 giờ đêm. Chùa nào cũng đông. Nhưng phủ Tây Hồ đông nhất. Đông đến mức phải đứng từ xa vái vọng cơ. Mồng một năm nào bọn em cũng đi để xem sao hạn của mình thế nào và cầu an. Năm nay em đi nhiều chùa vì mẹ em bị sao Thái Bạch...”.

Chị bán hương nói ở Hà Nội, nam nữ chưa chồng, chưa vợ đi chùa nhiều hơn cả người già...

TP.HCM: Khấn nguyện cho vợ được "mẹ tròn con vuông"

Từ sáng sớm mồng Một Tết Nhâm Thìn, khi các con đường vẫn còn vắng lặng thì tại nhiều ngôi chùa trên địa bàn TPHCM đã đông kín người đi lễ để cầu tài lộc và may mắn trong dịp năm mới.

Gặp bà Trần Thị Mỹ Thu (67 tuổi) tại chùa Vạn Đức trên đường Tô Ngọc Vân quận Thủ Đức, bà nói, chỉ cầu mong cho có được sức khỏe, con cháu cũng như bá tánh được bình an. Bà Thu nhà ở Bình Dương, năm nào cũng vậy, ngay trong sáng sớm mùng Một, bà được con trai chở đi viếng mười kiểng chùa.



Tại chùa Vĩnh Nghiêm

Tại chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa lớn nhất thành phố lượng người đến viếng từ sáng sớm đã đông nghẹt, càng về trưa mọi người càng đỗ về đông khiến một phần đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ùn tắc.

Chị Lê Ngọc Thảo, giáo viên tiểu học đi lễ chùa cùng con gái. Cả 2 mẹ con thướt tha trong tà áo dài thắp nhang cầu nguyện cho cả gia đình luôn được hạnh phúc và sức khỏe. Chị cũng không quên cầu cho mọi người, mọi nhà luôn được an lành.
Một thanh niên còn khá trẻ cầm trên tay nén nhang thành tâm cầu nguyện khá lâu. Lân la làm quen chúng tôi được anh cho biết ra Giêng anh sẽ lên chức bố vì vậy anh khấn nguyện cho vợ của anh được mẹ tròn con vuông…

Bảo Khang - Quỳnh Chi - Vũ Sơn (bee.net)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang