Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Xuân Nhâm Thìn trong niềm tin
26/01/2012 14:10 (GMT+7)


Nhâm mà chuyển dịch là thành vương. Vương là vua. Hành xử của vua, trên thì xuyên suốt đến thiên tào; dưới thì hành xử xuyên suốt đến địa phủ và giữa là hành xử thuận hợp với muôn dân thiên hạ. Tai vua nghe và biết xuyên suốt cả trời đất và con người; miệng vua nói ra là xuyên suốt cả ba thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai, gọi là Thánh Vương.

Thìn là chi thứ năm trong mười hai chi. Ở trong âm dương, Thìn thuộc Thái dương. Thìn là Rồng. Rồng thì có bốn khả năng – Tự do bay lượn ở trên không gian – Tự do lặn sâu ở dưới nước – Tự do đi lại ở trong đất liền – Và tự do biến hóa bất cứ loài nào nếu nó muốn. So với muôn thú, thì tài năng của rồng là vượt hẳn hơn cả, vì thông minh và linh hoạt. Nên, Rồng là một linh vật tượng trưng cho uy quyền.

Vậy, năm Nhâm Thìn là năm hành xử của Rồng vua. Một sự hành xử đầy thông minh, linh hoạt và biến động không thể đo lường.

Nên, năm Nhâm Thìn là năm mà nhân duyên, quả báo đi tới với thế giới con người cũng giống như Rồng vua xuất hiện vậy. Nghĩa là sự thành bại, nên hư, được mất, thăng trầm xẩy ra cho thế giới chúng ta không một ai có thể lượng định trước được. Nụ cười và tiếng khóc của con người năm nay cứ chập chồng thay nhau liên tục. Vì sao? Vì vua Rồng thông minh mà tâm khí và hành xử bất thường vậy! Bất thường cũng đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta mà cũng đem lại nhiều bất lợi cho chúng ta không thể diễn tả hết.

Tâm là tác nhân

Ở nơi Long cung, vua Rồng Ta kiết la, đã từng hỏi đức Phật rằng: “Do đâu mà các loài thủy tộc hình tướng không có loài nào giống loài nào?”. Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh do tư tưởng ở nơi tâm khởi lên khác nhau, khiến tạo nghiệp khác nhau, nên dẫn đến hình tướng quả báo của các loài cũng khác nhau”.

Tư tưởng ác, tác nghiệp ác, tạo nên hình tướng xấu ác. Tư tưởng thiện, tác nghiệp thiện, tạo nên hình tướng đẹp. Tư tưởng xấu ác, tạo tác thành nghiệp bất thiện, dẫn sinh quả báo khổ ưu, thất vọng. Tư tưởng lành mạnh, tác thành thiện nghiệp, dẫn sinh quả báo hỷ lạc, hạnh phúc, yên vui.

Cũng vậy, tư tưởng xuân, tác nghiệp xuân, tạo nên nhân duyên quả báo mùa xuân. Ta muốn có mùa xuân mà ta không có tâm hồn xuân, tư tưởng xuân, hành động xuân, thì mùa xuân đến khi nào mới trở thành hiện thực đối với chúng ta!

Nên, ta muốn có mùa xuân trong đời sống của ta, thì ta phải nắm lấy tâm ý để thực tập. Tâm ý thánh thiện sẽ tạo nên mùa xuân thánh thiện cho chúng ta. Tâm ý thấp kém sẽ tạo nên cho ta một xuân đau khổ, một cuộc sống nghèo hèn. Tâm ý rộn ràng sẽ tạo nên đời sống rộn ràng cho chúng ta. Tâm an tịnh sẽ tạo nên cho ta một đời sống an bình. Đời sống của ta chính là tâm ý của ta. Tâm ý của ta như thế nào, thì đời sống của ta sẽ xẩy ra đúng như tâm ý của ta vậy.

Ta muốn có mùa xuân Tịnh độ, thì ta phải biết nắm lấy tâm ý thanh tịnh của ta để sống và hành động. Tâm ý an tịnh sẽ cho ta mùa xuân thanh bình, an lạc. Tâm là tác nhân của mọi vấn đề.

 

Tự Tịnh Tâm Ý

Tự tịnh tâm ý là tháo gỡ phiền não ra khỏi tâm mình. Tâm ta vốn rộng lớn và sáng suốt, nhưng do phiền não bám vào, khiến cho tầm nhìn của ta bị hạn chế; khiến cho cái nghe của ta bị chướng ngại, không xuyên suốt; khiến cho những suy nghĩ của ta chỉ là những tư duy phiến diện, một chiều; khiến cho mọi lời nói của ta thiếu phẩm chất khoan hòa, độ lượng và khiến cho mọi hành sử của ta, chắng khác nào người bị thương tật một nửa tay chân.

Nên, mùa xuân không bao giờ có mặt với những người tâm ý đầy phiền não. Biết vậy, nên ta cần phải thực tập “tự tịnh tâm ý”, để mùa xuân thực sự có mặt ngay trong tâm ta và ngay trong đời sống của ta.

Tâm ta không thanh tịnh, ta không có chất xuân cho đời ta và ta không có chất xuân để hiến tặng cho những người ta thương yêu.

Vì vậy, ta phải tự tịnh tâm ý trước khi nói và làm, để mùa xuân và sự an lạc luôn luôn cùng ta hiện hữu.

 

Buông Xả Tự Ngã

Ngã chỉ là những ý niệm mà hoàn toàn không có thật thể. Ngã do vô minh tạo thành, do vọng tưởng khởi động và nuôi lớn những hạt giống phiền não tham, sân, si, kiêu mạn nơi tâm ta.

Nên, sự chấp ngã càng lớn, thì lòng ích kỷ nơi ta càng nhiều; sự chấp ngã càng lớn, thì lòng kiêu mạn nơi tâm ta càng lắm; sự chấp ngã nơi tâm ta càng sâu, thì sự sân hận nơi tâm ta càng bén nhạy và dễ bộc phát; sự chấp ngã nơi tâm ta càng kiên cố, thì chất liệu phân biệt, kỳ thị, tà kiến và mù quáng nơi tâm ta càng mãnh liệt; và càng chấp ngã bao nhiêu, thì đời sống của ta càng mất hết tự do bấy nhiêu. Tính chấp ngã nơi ta đã đẩy ta đi mãi, đi hoài trong biển cả khổ đau của sinh tử không có giới hạn.

Vì vậy, ta phải thực tập buông bỏ mọi ý tưởng về “tự ngã”, thì các loại phiền não tham, sân, si, kiêu mạn, mù quáng, tự nó rơi rụng, để tâm ta sáng lên, tạo thành mùa xuân đích thật cho ta và ta có thể đem tâm xuân mà hiến tặng cho mọi người.

 

Nuôi Lớn Chất Liệu Từ Bi Hỷ Xả

Ta chỉ có thể chuyển hóa phiền não, khi tâm ta có Từ Bi và Hỷ Xả. Từ là tình thương không ích kỷ; Từ là tình thương vắng mặt của tham, sân, si, kiêu mạn, mù quáng. Thương như vậy, có khả năng ôm ấp phiền não để chuyển hóa, khiến mọi thứ phiền não ấy nhẹ và yếu dần ở trong tâm ta và không còn có khả năng chi phối và điều động tâm thức ta đi về hướng tiêu cực.

Bi là hành động theo phẩm chất của từ hay của thương. Từ bao nhiêu là có bi bấy nhiêu; và bi bao nhiêu là có từ bấy nhiêu. Từ và bi như vậy, tạo nên sự quân bình của tâm, khiến cho tâm an trú vững chãi ở trung đạo, không bị nghiêng về một phía để hành sử của ta không bị thiên lệch không bị dẫn đến gãy đổ.

Từ là ôm ấp phiền não nơi tâm ta, khiến cho phiền não không còn có sự tự do hoạt động trên mặt ý thức của ta; và bi là khả năng chuyển hóa phiền não do từ ôm ấp, khiến phiền não tiếp cận dần với ánh sáng của nội tâm hay là năng lượng của tâm tỉnh giác. Chính năng lượng của tâm tỉnh giác nầy làm thay đổi và chuyển hóa phiền não nơi tâm.

Ví như gà mẹ xòe đôi cánh ôm ấp quả trứng, và năng lực hay sức ấm từ nơi sự ôm ấp ấy phát sinh, khiến cho bao nhiêu yêu tố trong lòng trứng đều được chuyển hóa thành con gà và đến một lúc gà tự mổ vỡ võ trứng để thoát ra.

Cũng vậy, lòng từ của ta ôm ấp phiền não, và do năng lực hay sức mạnh ôm ấp phiền não của lòng từ ấy, làm cho năng lượng của lòng bi phát sinh hay năng lượng của ý thức tỉnh giác phát khởi nơi tâm ta, khiến cho phiền não tự đốt cháy và đốt cháy cả võ trứng vô minh ở nơi tâm ta. Bấy giờ mùa xuân hay ánh sáng thiều quang nơi tâm ta tự tóa sáng và soi chiếu khiến ta an lạc..

Hỷ là niềm vui. Niềm vui do từ và bi đem lại, gọi là hỷ. Vui là vì nơi tâm ta, nhân và quả của khổ đau sinh tử không còn. Nhân của sinh tử là vô minh, phiền não và quả của sanh tử là sanh già bệnh chết. Nhân của sinh tử chấm dứt, quả của sinh tử đã được chuyển hóa, từ đó niềm vui sinh khởi. Niềm vui ấy gọi là hỷ. Hỷ sinh khởi từ tâm từ bi, hỷ ấy tạo thành mùa xuân chân thật cho ta.

Xả là giải thoát hay tự do. Tâm không bị phiền não trói buộc gọi là xả. Nghĩa là sau khi các loại phiền não nơi tâm bị đứt rã và đốt cháy bởi chất liệu từ và bi, nên tâm hoàn toàn có tự do đối với sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Tâm có chất liệu giải thoát hoàn toàn đối với Khổ đế và Tập đế; bấy giờ ta đi trên Thánh đạo mà không mắc kẹt ở nơi Đạo, thường trú ở nơi Niết bàn, nhưng không thấy có Niết bàn ngoài tâm tịch diệt. Nên, sống với tâm xả là sống với tâm rỗng lặng, với tâm tịch diệt hoàn toàn đối với Khổ và Tập. Xả chính là Vô Trú Xứ Niết Bàn.

Nuôi lớn bốn chất liệu Từ, Bi, Hỷ, Xả nơi tâm ta mỗi ngày, là mỗi ngày ta có khả năng chế tác ra mùa xuân và thế giới Tịnh độ đích thực cho ta.

 

Tinh Thần Hộ Pháp Và Hộ Quốc

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc Vô thượng giác. Chứng đạt địa vị giác ngộ nầy là do Ngài chiêm nghiệm pháp, thực hành pháp và tự thân giác ngộ pháp, rồi từ nơi pháp giác ngộ, Ngài đem lại mùa xuân cho hết thảy muôn loài.

Trước khi trở thành Bậc giác ngộ, Ngài đã trải qua vô lượng kiếp thực hành hạnh Từ Bi Hỷ Xả.

Trong kinh ghi lại cho ta biết rằng: Cách đây 91 kiếp về trước, đức Phật Thích Ca khi hành Bồ tát đạo, lên núi hái thuốc để phục vụ cho Ngoại Đạo Tiên Nhân, thấy đức Phật Phất Sa ngồi trong hang đá nhập Hỏa định phóng quang. Bấy giờ Ngài chắp ta bảy ngày đêm, mắt nhìn Phật Phất Sa không hề nhấp nháy, rồi làm bài kệ tán dương đức Phật Phất Sa rằng:

“Thiên thượng thiên hạ vô như Phật

Thập phương thế giới diệc vô tỷ

Thế gian sở hữu ngã tận kiến

Nhất thiết vô hữu như Phật giả”.

Nghĩa là:

“Trên trời dưới đất không ai bằng Phật

Mười phương thế giới không ai sánh bằng

Bao nhiêu người, con đã gặp trong đời

Tất cả không ai có thể nào so sánh”.

Như vậy, ta thấy rằng, đức Phật Thích Ca đã trải qua vô lượng kiếp, vì đạo Bồ đề mà Ngài đã thực hành hạnh Từ Bi Hỷ Xả, để chặt đứt và tháo gỡ những phiền não ra khỏi tâm mình. Cảm đức hạnh của đức Phật Phất Sa, nhiếp tâm và đốt cháy phiền não bằng chất liệu Từ Bi Hỷ Xả ở trong đại định Hỏa quang tam muội, mà bấy giờ đức Phật Thích Ca đứng hầu bảy ngày đêm mắt không hề nhấp nháy và làm bài kệ ca ngợi hết lòng.

Không có Từ Bi, người tu sẽ không có khả năng nhiếp phục và đốt cháy phiền não nơi tâm mình, khiến cho tâm đức không thể tỏa sáng, và không thể giúp tâm trở lại với tự tánh vô nhiễm của chính nó. Và nếu không có tâm Từ Bi, thì ta không biết lấy gì để nhiếp phục và cảm hóa muôn loài.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi thành đạo, trải qua tuần thứ ba, thì Đại Long Vương tên là Kala đã đến đảnh lễ đức Thế Tôn mà thưa:

“Bạch đức Thế Tôn! Cung điện nầy của con, xưa con đã từng cúng dường chư Phật quá khứ, các Ngài Câu Lưu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni, và Ca Diếp, vì thương con nên đã thọ nhận và các Ngài đều đã có an trú ở trong cung điện nầy. Nay đức Thế Tôn là vị thứ tư, xin Ngài hãy thọ nhận sự cúng dường cung điện của con, để cho con đầy đủ công đức từ bốn đức Phật”.

Bấy giờ, đức Phật hoan hỷ thọ nhận cung điện của Đại Long Vương Kala.

Tuần thứ tư, đức Phật ngự ở trong cung điện của Đại Long Vương Kala bảy ngày, để cảm nhận niềm vui do chất liệu Tù Bi Hỷ Xả đem lại.

Sau đó, Ngài xuất định và gọi Đại Long Vương Kala đến bên cạnh truyền trao Ba pháp Tự quy và Năm giới. Đại Long Vương Kala là vị thọ Tam quy, Ngũ giới làm Ưu bà tắt đầu tiên của các loài súc sanh trong thế gian.

Bấy giờ, cũng có một Long Vương tên Mucalinda (Mục Chơn Lân Đà), hướng tới đức Thế Tôn đảnh lễ và thưa:

“Bạch đức Thế Tôn! Cung điện nầy là của con, xưa con đã từng cúng dường chư Phật quá khứ, các Ngài Cưu Lâu Tôn, Câu Na Hàm Mâu Ni, và Ca Diếp đã vì thương con, mà thọ nhận và đều có an trú ở trong cung điện nầy.

Nay, đức Thế Tôn là vị thứ tư, xin Ngài hãy thọ nhận sự cúng dường cung điện của con, để con có đầy đủ công đức và có lợi ích lớn từ bốn đức Thế Tôn”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn hoan hỷ nhận lời.

 

Sau khi đức Thế Tôn nhận cung điện của Long Vương Mucalinda xong, vào tuần thứ năm sau khi thành đạo, Ngài ngự ở trong cung điện nầy, nhập định bất động bảy ngày.

Trong bảy ngày Ngài nhập định, trời đất, sấm sét, giông bão nổi lên liên tục. Bấy giờ Long Vương Mucalinda (Mục Chơn Lân Đà) từ cung điện hiện ra, dùng đại thân quấn bảy vòng che thân của đức Phật và bảy cái đầu làm thành cái lọng che trên đầu của đức Phật.

Sau bảy ngày trời đất trở lại yên lắng, Long Vương thâu thân trở lại, và hiện ra một chàng thiếu niên Bà la môn đến trước đức Phật chấp tay và bạch:

“Bạch đức Thế Tôn! Con không sợ Như Lai bị quấy nhiễu, con chỉ sợ rét lạnh, nước mưa, bụi bặm, muỗi mòng xúc chạm lên thân thể của Như Lai, nên con hiện thân thể bảy đầu để hộ trì Như Lai đó thôi”.

Nhân đó, đức Thế Tôn nói bài kệ:

“Lặng yên, biết đủ vui tối thượng

Biết đủ nhìn sâu hết thảy pháp

Thế gian an lạc không não hại

Chúng sanh không hại đều an lạc”.

“Người được an lạc ở trong đời

Hết thảy tham dục đều xa lìa

Bản tâm kiêu ngạo đều buông sạch

An lạc nào hơn an lạc nầy”.

Bao nhiêu dục lạc ở trong đời

Bon chen cho lắm cũng hoàn không

Hạnh phúc đây đó đem so sánh

Mười sáu phần không bằng một ty đâu”.

Sau khi nói kệ xong, đức Phật đã trao pháp Tam Tự quy và Ngũ giới cho Long Vương Mucalinda.

Tâm an tịnh và Từ bi hoàn toàn của Phật đã tạo nên phẩm chất giác ngộ của Ngài một cách hoàn hảo. Tâm giác ngộ ấy của Ngài đã nhiếp phục mọi người và mọi loài một cách tự nhiên. Vua Trần Nhân Tông đã cảm nhận tâm đức ấy, nên Vua đã từng phát biểu “Cảm đức Từ bi muôn kiếp nguyền cho thân cận”.

Bởi vậy, thời vận năm nay đến với chúng ta là Nhâm Thìn, nghĩa là năm của Rồng vua xuất hiện. Chúng ta phải biết nỗ lực tu tập Tự Tịnh Tâm Ý bằng chất liệu của Từ Bi Hỷ Xả để chuyển hóa phiền não nơi tự tâm, tạo ra sự an lạc cho bản thân và mùa xuân cho cuộc đời.

Mỗi Tăng Ni Phật tử chúng ta là mỗi vị hộ pháp. Chúng ta hãy dùng pháp Từ Bi Hỷ Xả để hộ tâm, hộ thân và hộ đời.

Tâm yên, thì thân vững, tâm động thì thân loạn. Tâm yên thì nhà yên, tâm động thì nhà loạn. Tâm dân yên thì nước yên, tâm dân loạn thì nước mất, nhà tan. Nên, ta hộ pháp chính là hộ quốc an dân vậy.

Quốc không được chánh pháp bảo hộ, thì người dân sẽ bị khốn cùng, mà người lãnh đạo quốc gia tự mình rước lấy tai họa và ân hận muôn đời. Nên, ngày xưa vua A dục của Ấn độ đã dùng Chánh pháp để an dân mà quốc gia thịnh trị; Thánh đức Thái tử của Nhật bản dùng chánh pháp an dân mà Nhật bàn cường thạnh một thời; các vua Tùy Đường của Trung quốc; Lý Trần của Việt Nam; cho đến triều vua Vatthagàmani Abhaya của Tích Lan, vua Narapatisithu của triều đại Pagan, và vua Bodawpaya của Miến Điện đều an dân, trị quốc trên nền tảng Phật pháp mà đất nước phát triển vững bền, và ngay cả Hiến pháp Thái Lan cũng ghi rằng, nhân dân được quyền tự do tín ngưỡng, nhưng đấng Quốc Vương bắt buộc phải là tín ngưỡng Phật giáo…Nhờ các vị quốc vương của các quốc gia ấy, biết hộ trì chánh pháp mà đất nước của họ đã có những thời kỳ thịnh trị huy hoàng.

Nên, năm nầy là năm của Rồng vua, mọi người ai biết lấy chánh pháp Từ Bi để hộ thân thì thân yên, hộ nhà thì nhà vững, hộ quốc thì thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc. Nếu làm trái với Tự Tịnh Tâm Ý; với Pháp Từ Bi, thì đúng năm Rồng vua nầy, thế giới sẽ có biến đổi không lường, tai họa sẽ xảy ra mà không một ai có thể nào lường nổi!

Chùa Phước Duyên – Huế - Đầu Xuân Nhâm Thìn - 2012

Thích Thái Hòa

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=3904&SubID=2&ID=2

Các tin đã đăng:
Về đầu trang