Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những chuyến tàu cuối cùng năm cũ
Tác giả: Trần Minh Anh
08/02/2013 22:15 (GMT+7)

Người ta có thể tha hương cả 360 ngày, nhưng không muốn làm một kẻ tha nhân trong ngày giao thừa.

Mai đào là dấu hiệu của thiên nhiên ban tặng con người ở xứ nhiệt đới để nhận biết mùa xuân. Cho nên, con người tôn loài hoa ấy như một đóa xuân ngời, dù rằng mùa xuân không chỉ có hoa đào, hoa mai. Nếu đào sắc hồng  hoặc đỏ thắm thì mai vàng quyền quý. Hai màu sắc ấy trong thâm tâm chúng là màu của thịnh vượng.

Chuyến tàu đêm giao thừa thường dằng dặc xúc cảm chờ người về với quê hương, gia đình. Chuyến tàu cuối cùng của năm, có người con trai cầm theo một cành đào để về tặng tuổi già của mẹ. Người còn trai tóc xanh rưng rưng khi ai đó nhắc đến số tuổi và đôi mắt mẹ. Chuyện thường của đời người vẫn thế: tuổi càng cao thì đôi mắt càng mờ đục. Những mùa xuân, con không về, mẹ buồn như hiu hắt chiều đông. Mẹ không có Tết như hàng xóm nô nức con cháu chúc tụng. Mẹ không có Tết ấm cúng như một cái ôm của tình yêu thương dồn lại trong phút đoàn viên.  Nhưng Tết này, con đã kịp về một màu xuân để mắt mẹ được an ủi sau bao nhiêu năm xa con, chờ con về trong mòn mỏi. Cành đào và sự hiện diện của con đã làm rực sáng xuân trong lòng mẹ.

Người ta có thể biền biệt với nhiều nỗi toan lo quanh năm của cuộc sống, nhưng tết đến, ai cũng mong có được những khoảng thời gian thư thái. Mà tết muốn vui trọn vẹn thì có lẽ cố hương vẫn là một nẻo về đầy ý nghĩa. Cố hương của một người xa xứ có thể là đất nước mình. Cố hương của một người xê dịch trong phạm vi lãnh thổ có thể là thành phố nội đô, hoặc bản cao làng vắng. Ở đó, nhất quyết phải có tình thân, phải có làng xóm, phải có quá khứ đầy ắp của mình. Ở đó, có người chờ ta về như đất trời vẫn đợi mùa xuân.

Ai chất đầy những bó nhang để về quê đón Tết? Những chuyến xe cuối năm thường chộn rộn tâm trạng sắm tết. Có nhiều thứ để mua, nhưng hình như, người chu đáo với tết thường tìm mua nhang thơm để thờ phụng tổ tiên ngày tết. Sâu thẳm trong họ là cách nghĩ về chữ hiếu, về đạo đức cốt lõi của một con người khi sống ở đời. Bao nhiêu hàng hóa lưu chuyển hàng ngày cuối cùng cũng chỉ phục vụ cho đời sống tiêu dùng vật chất của con người. Nhưng dòng người lưu chuyển trong những ngày áp Tết cùng với nén hương thuần Việt , đơn giản nhất, cũng là vì đời sống tinh thần hướng tâm thành thật.

Áp Tết, chen chúc xe tàu cũng chỉ vì quê hương. Người ta chia nhau từng chỗ ngồi chật chội để hiểu lòng nhau hơn: ai cũng muốn có Tết. Trong đông đúc có sự đùm bọc, chuyến xe vì thế mà bon bon trong định mức...chịu đựng được. Nếu ai đó búc xúc vì mình quá khổ trong chuyến xe này thì đừng trách bị mọi người  "ném đá" thắng tưng. Cái lí của người "ném đá" là muốn tất cả hiểu rằng: dồn người về Tết cũng là hệ quả của vòng quay hệ thống công ăn việc làm ở công sở, doanh nghiệp; và tha phương thì ai cũng cần tết để về.

Có kẻ ở lại phố thị chỉ vì đường quê quá bẩn. Họ thắc mắc tại sao sình lầy cứ bám riết lấy quê nhà như một "thước đo" của sự nghèo nàn. Thôi thì, cứ nhẹ lòng nghĩ rằng, đường xa có lội thì lòng người nhà quê biết chia sẻ hồn hậu cho ta nhiều thứ quý giá hơn! Ví như, họ biết chào đón ta như một vị khách yêu quê và thương người nhà quê. Ví như, họ biết trao gửi một chân tình qua một bát canh rau sạch với miếng cà muối giòn tan. Họ trân quý người về, muốn người về sẽ không bỏ quê trong đời sau nữa.

Người tha phương thường chọn tết để biết mình còn là người có...gốc. Nơi chôn rau cắt rốn có một nghĩa tình đặc biệt với người biết trân trọng quê hương. Có một nhà phê mình văn học, mải mê với chữ quanh năm, cứ đến chiều 28 Tết, vội vàng ra bến xe để về đất mẹ. Có lẽ, ông  luôn luôn tỉnh ngộ khi chính mình hiểu thấu nhân tình thế thái qua văn chương mọi thời. Ai cũng biết thổn thức vì ly quê. Ai cũng thấy tội lỗi khi mình thiếu quê hương. Ai cũng thấy tết là vị ngọt của đoàn tụ, là phẩm cách làm người trước tổ tiên.

Kiều bào đáp chuyến bay về quê ăn Tết. Những ai không phải là kiều bào thì ngược xuôi trên các phương tiện giao thông nội địa. Họ sắp xếp cho thời gian của mình để được sống không mất mát trong từng suy nghĩ về quê. Phải về chứ, vì quê hương muôn đời là mẹ của chính ta.

http://tuanvietnam.net/thu-thang-long/2013-02-01-nhung-chuyen-tau-cuoi-cung-nam-cu

Các tin đã đăng:
Về đầu trang