Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Sài Gòn- một góc Tết Việt
Tác giả: Hoài Hương
17/02/2013 14:24 (GMT+7)


Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh, thành phố phương Nam hình như ăn - chơi Tết sớm hơn các nơi khác trên đất Việt. Và Tết ở Sài Gòn cũng không giống bất kỳ đâu, bởi từ rất lâu, Tết của thành phố phương Nam này đã như một sắc thái văn hóa tổng hòa của những phong tục Bắc- Trung- Nam tụ hội, lại thêm chút sắc thái hơi "Tây" nên có nhiều thú vị lạ lẫm.

Không mai vàng bất thành Tết phương Nam

Có thể xem như "mùa Tết" tính từ sau Noel, cho dù Tết Nguyên Đán có thể một hay hai tháng sau mới đến.

Tết ở SG không thể không mang những sắc thái đặc trưng trong phong tục tập quán không thể thiếu của phương Nam. Trong nhiều cái "không thể thiếu" đó là hoa mai vàng, sứ giả của mùa xuân phương Nam, một "nàng tiên" của may mắn và thịnh vượng trong năm mới.

Mà cũng thật lạ, nguyên quán của cây mai là ở rừng núi miền Trung, với dáng "nguyên thủy" xù xì, gân guốc, hoang dại, nhưng khi xuôi xuống vùng châu thổ Nam bộ, được đắm mình trong phù sa sông Mê Kong, nó trở nên loài cây hoa đẹp lộng lẫy, quý phái, như một loài "linh hoa" mùa xuân, biểu tượng của sung túc, giàu sang, phú quý...

Đối với người dân SG, ba ngày Tết, trong mỗi gia đình dù giàu hay nghèo, ít nhất cũng có một cành mai, như niềm hy vọng, ước nguyện cho năm mới được nhiều phúc, lộc. Hoa mai không biết tự khi nào đã trở thành một loại cây kiểng cao sang bậc nhất trong các loài hoa.

Việc mua mai Tết thường do người chủ gia đình (đàn ông), thể hiện quan niệm thẩm mỹ của mình chọn mai. Tùy vào không gian nội thất hay gia cảnh, người chủ nhà chọn mai cây hay cành lớn, nhỏ, với những dáng thế như: Dáng trực, gió lùa, thác đổ, ngũ phúc, song long, phụ tử, mẫu tử hay tam đa, tam tài, v.v... để đặt vào chậu, bình tròn, dẹt, ô van, vuông, lục giác.

Theo sách vở và dân gian thì mai cũng có khá nhiều loại, nhưng cơ bản là các loại: Khánh khẩu mai, Hà hoa mai, Đàn hương mai, Ban khấu mai, Cẩu đăng mai... Tuy nhiên, theo thông lệ bình thường, người chơi mai, mua mai chỉ chú đến hai loạị: Mai tứ quý, nở bốn mùa có năm cánh, bông to, và một loại mai lai ghép có từ 10 cánh trở lên đến 120 cánh và có hương thơm.

"Chơi" mai cũng là một thú chơi tao nhã và cầu kỳ không phải ai cũng có thể biết "chơi". Mai là loài hoa có linh khí. Ngay cả hương thơm của nó cũng rất kín đáo và kén chọn. Chỉ có thể "bắt" được mùi hương của nó lúc đêm xuống thật sâu, khí trời mát lạnh ẩm sương, tâm người cũng thật tĩnh lặng, mới có thể nhận được hương hoa mai thoang thoảng.

Sài Gòn trang hoàng đón Tết. Ảnh: Nhật Anh/ VNE

Ngay từ khi vào "mùa Noel" mai đã được những nhà vườn, dưới bàn tay những nghệ nhân nổi tiếng ở các vùng chuyên mai kiểng ở Tây Nam bộ chăm sóc như Đồng Tháp, Bến Tre, Sa Đéc, Kiên Giang, Cần Thơ... Mai để "chơi" cũng lắm công phu, kiểu cách, không những chọn giống mai, người chơi còn phải chọn "thế" của cây mai (gồm cả gốc lẫn cành), để nếu "chơi" cả cây hay tỉa một cành đều đẹp như ý.

Theo quan niệm chung về cây cảnh: Nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ điệp. Để có được một cây mai theo "thế" như ý, người trồng mai phải mất nhiều năm chăm sóc, uốn tỉa cho đủ tầng, đủ nhánh như  "định thế" cơ bản: Thế âm dương thì cây âm bên dưới phải có ba tầng, một ngọn; cây dương bên trên phải có năm tầng, một ngọn...

Thường những gốc mai hay được chọn có những đặc điểm cơ bản. Gốc "lão", to, da sần xùi, thậm chí có thể có cả rêu, với những dáng "thế": Phụ tử, huynh đệ, bằng hữu, mẫu tử, nghinh phong... Cành mai nhỏ nhưng chắc khỏe, có những dáng như chân quỳ, hạc bay, phụng hoàng...

Ngoài những nét trên, người "chơi" còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự sắp xếp các nhánh.. tạo nên "nội khí" của cành mai. Các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ bụ bẫm, lá non chồi búp...

Người "chơi" mai thuộc hàng nghệ nhân còn phân biệt thêm nhiều thứ  khác nữa như: Nhụy âm dương, cành tứ quý.

Họ nhà mai đa dạng, phong phú, nhưng mai nào cũng được xem như biểu trưng của sự cao quý, tinh khôi, thanh bạch, của tấm lòng tri âm, tri kỷ. Hơn nữa, mai còn được cho là mang đến sự may mắn cho gia chủ với những nụ mai trổ bông vào đúng thời khắc giao thừa.

Thiếu sắc mai vàng, cái Tết bỗng trở nên không trọn vẹn.

Thành phố của Tết hội tụ

Tết ở SG vừa quen vừa lạ bởi nhiều sắc thái, phong vị hỗn hợp, tạo nên những màu sắc phong phú, đa dạng không nơi nào ở Việt Nam có được.

Người SG thường nói "ăn" rồi mới "chơi". Có ăn no, ăn ngon, ăn thỏa thuê, thưởng thức đủ mỹ vị nhân gian, cho vừa ý cái bụng, mới có sức để chơi.

Ăn Tết ở SG là một khám phá lý thú về ẩm thực. Bởi không cần phải mất nhiều công sức đi đâu xa, chỉ cần dạo chợ mua mua sắm sắm chút ít, là có thể mang nhiều hương vị Tết của các vùng miền về nhà.

Ở hầu hết những ngôi chợ truyền thống lẫn siêu thị, những mặt hàng dành để "ăn" Tết đều hiện diện những đặc sản của ba miền Bắc- Trung- Nam. Từ những vật phẩm thuộc hàng "bát trân" quý hiếm đến những vật phẩm nhỏ bé khiêm nhường như cọng rau thơm, cũng thuộc hàng "tuyển" có danh có tiếng.

Chưa kể những vật phẩm có nguồn gốc từ Âu Mỹ cũng tràn ngập trong các chợ, mang hương vị "toàn cầu" cho cái Tết của người SG thêm hương thêm hoa xứ lạ.

Ngoài những tập quán truyền thống cơ bản của ba ngày Tết: "Mùng Một tết Cha, mùng Hai tết Mẹ, mùng Ba tết Thầy", thì những ngày được nghỉ Tết là dịp để người SG vui chơi, mang tính "hội nhập" rất rõ...

Không còn là những cuộc "du" xuân trong phạm vi thành phố ở mấy công viên, vườn hoa, hay tụ tập ăn uống. Mà người SG từ nhiều năm nay còn "du" xuân xa hơn, đi du lịch trong nước, nước ngoài.

Dù vậy, nếu là khách của SG, khi đến thành phố vào dịp Tết Nguyên đán, không khi nào khách cảm thấy buồn. Cho dù người SG kéo nhau đi "du" xuân phương xa, hay những người nhập cư tạm thời về quê ăn Tết, thì lượng khách ở các tỉnh thành khắp ba miền đổ về, cùng những vị khách "ngoại" vẫn làm SG đông đúc, nhộn nhịp.

Những công viên, hội hoa xuân hay đường hoa Nguyễn Huệ vẫn tấp nập. Những hàng quán từ cấp năm sao đến vỉa hè vẫn lung linh đèn và chen chúc người ngồi chật, vừa ngắm phố, vừa nhâm nhi thưởng thức những món ngon hội tụ.

Nhưng nói đến Tết SG, không thể không nói đến một nét Tết rất riêng biệt mà đã từ 38 mùa xuân tới nay trở thành "tục lệ" không thể thiếu.

Như một thông lệ, vào đêm giao thừa, rất nhiều hoa được đặt trang trọng ngay tại Đài tưởng niệm. Những ngày giáp Tết, trong cái nhộn nhịp của những người đi sắm Tết, có một dòng người, là những cựu chiến binh, tóc bạc, ngực mang đầy huân chương, nụ cười phảng phất, ánh mắt chợt vui chợt buồn, họ tay bắt mặt mừng, gặp nhau trong các buổi họp mặt truyền thống.

Với họ xuân về Tết đến, là một khoảng lặng để nhớ đến đồng đội. Trong nụ cười của họ vì còn được gặp nhau, có ánh mắt rưng rưng nhớ lại những người đồng đội đã nằm lại vĩnh viễn, cho hòa bình nảy lộc, đâm chồi.

Và vì thế, mỗi khi giai điệu của ca khúc Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao) trong trẻo cất lên, là xuân và Tết đến trên mọi nẻo đường góc phố của SG- TP.HCM, làm nên một góc Tết Việt khó quên của người TP và du khách bốn phương.

http://tuanvietnam.net/thong-tin-da-chieu/2013-02-05-sai-gon-mot-goc-tet-viet

Các tin đã đăng:
Về đầu trang