Với người Việt Nam, chùa không đơn thuần chỉ là nơi thờ các vị Phật mà
còn là nơi thờ cúng những vị thần thánh trong truyền thuyết dân gian,
những anh hùng trong lịch sử có công với đất nước, có ơn với nhân dân
như: Thánh Gióng, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Ngoài ra, chùa
cũng được coi là nơi linh hồn người đã khuất an nghỉ, siêu thoát.
Chính vì thế mà vào những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới, người dân
Việt Nam lại cùng nhau đến các đình chùa, miếu mạo dâng hương lễ Phật,
bày tỏ sự thành kính trước các bậc thánh thần và ông bà tổ tiên. Khung
cảnh tĩnh mịch, thanh đạm của các ngôi chùa vào dịp này bỗng trở nên
đông đúc, nghi ngút khói hương bởi những dòng người từ khắp các nơi tìm
về.
Khung cảnh tại một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội) ngày lễ tạ cuối năm
Người dân Việt đến chùa với nhiều mục đích khác nhau, người thì cầu
tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân
và người trong gia đình. Cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy
những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong
cuộc sống. Nhưng nói chung, khi đến chùa mọi người đều mang theo tấm
lòng thành kính, từ đó họ tìm được đến với đức tin, sự thanh thản, bình
an trong tâm hồn.
Chị P.K.Dung, người thường xuyên đi lễ chùa
chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã được mẹ dẫn đi lễ chùa thường xuyên nên việc
đi lễ chùa dường như đã trở thành một việc làm rất thân thuộc ngay từ
khi còn bé. Đối với tôi thì đi lễ chùa không chỉ có ý nghĩa đơn thuần
là cầu xin thần thánh, mà còn là nơi tôi thư giãn, giải tỏa stress mỗi
khi gặp áp lực công việc”.
Mặc dù rất đông nhưng người dân vẫn ngồi xếp hàng, yên lặng giữ gìn không khí thành kính nơi cửa chùa
Việc đi lễ chùa còn có một ý nghĩa rất đặc biệt. Đó là đối với nhiều
bạn trẻ, ngoài việc cầu xin phúc lộc, thăm thú, tận hưởng không khí của
ngày lễ hội, họ còn học hỏi được thêm rất nhiều kiến thức, ý nghĩa của
cuộc sống. Thông qua những lời tụng kinh, giảng giải đạo Phật, nghi lễ
thờ cúng và sự thành tâm, kính cẩn của những người lớn tuổi, các bạn
trẻ tự rút ra cho mình những bài học quý giá trên con đường hoàn thiện
đạo đức, nhân cách.
P.M.Tiến, sinh viên Trường Đại học Giao thông - Vận tải cho biết:
“Mỗi khi đứng trong chùa tôi lại cảm thấy suy nghĩ của mình trưởng
thành hơn một ít, biết nghĩ cho gia đình, cha mẹ hơn. Bởi khi đến đây,
tôi nhận thấy không một ai cầu xin lợi lộc riêng cho bản thân mà luôn
cầu phúc cho tất cả những người thân thiết xung quanh và gia đình”.
Những người đi lễ chùa thành tâm cầu sức khỏe, bình an cho người thân và gia đình
Dường như khi cuộc sống ngày một hiện đại và văn minh, con người lại
càng muốn tìm về những giá trị cổ xưa, những yếu tố tâm linh huyền bí.
Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ giữa văn hóa đi lễ chùa với những hành
động mang tính chất mê tín dị đoan gây hao tốn tiền của. Việc đi lễ
chùa không chỉ giúp cho người dân Việt giữ gìn được bản sắc văn hóa
truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng
con người tới cái thiện, tạo dựng niềm tin giữa con người trong xã hội
đang ngày một trở nên bon chen, xô bồ.
Theo P.V.Long - TTr