-------------------
“Trên đời
nhơn hữu tứ nan
Sinh làm
người khó, sống càng khó hơn
Khó nghe diệu
pháp chánh chơn
Khó gặp Phật
độ, thoát hôn mê đời!” 1
Chúng ta không có phước duyên lớn
được gặp Phật, nhưng cũng may mắn được sinh ra làm người, được học và thực hành
Phật pháp truyền dạy từ Đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca và chư Tổ sư truyền nối qua
nhiều thế hệ, qua các quốc độ và nền văn hóa khác nhau. Đó thực sự là điều an
ủi cho tất cả chúng ta.
Đức Phật thị hiện ở đời là một đại
sự nhân duyên, hy hữu, khó gặp. Kinh văn ghi lại rằng: “Sự xuất hiện của một
người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như Lai, bậc
A-la-hán, Chánh đẳng giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó
gặp ở đời.” 2
Đức Phật đản sanh - Tranh Phật giáo
“Một người, này các Tỷ-kheo, khi
xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì
lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và
loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng
giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem
lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi
ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.” 3
Con Người với những phẩm chất đặc
biệt và siêu việt như vậy, nên các sự kiện, môi trường liên hệ và chính ngay thân
tướng của Ngài cũng thể hiện nhiều điềm lành kỳ lạ, tốt đẹp khác thường.
Những điềm lành trước khi Bồ-tát
từ Đâu-suất thiên phát đại nguyện giáng sinh vào thai mẹ là Hoàng hậu Maya, ở
trong thai và khi Đản sanh đã được kinh điển ghi với rất nhiều điềm lành hiện
ra giữa thế gian, đại địa chấn động…
Nói thân tướng của Đức Phật, sự
viên mãn, trang nghiêm tối thượng được thể hiện qua những mô tả ba mươi hai
tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà nhiều bài viết đã dẫn lại theo kinh điển. Ngoài những
tướng tốt và vẻ đẹp đó, lúc Bồ-tát ở trong thai mới sanh còn có mười sáu tướng
điềm lành kỳ lạ hiện ra.
Mười sáu tướng kỳ lạ tốt đẹp đó
gồm những gì? Kinh Ưu bà di tịnh hạnh pháp môn ghi lại gồm:
1.
Xả thân ở cõi trời Ðâu-suất ở trong thai nhớ biết rất rõ ràng.
2. Sau khi Bồ-tát xả thân ở cõi
trời vào thai mẹ tự nhiên ánh sáng chiếu khắp thế gian. Chỗ tối tăm ở giữa thế
giới, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, sao, không thể chiếu tới thì đều có ánh
sáng lớn. Chúng sanh trong đó đều nhìn thấy lẫn nhau, và họ nói rằng: “Trong đây
vì sao bỗng nhiên có chúng sanh. Tất cả ánh sáng của tất cả thế gian Phạm, Ma,
Sa-môn, Bà-la-môn đều không thể sánh kịp. Ba ngàn đại thiên thế giới đều chấn
động sáu cách, các núi Tu-di đều chấn động không ngừng.
3. Bồ-tát ở trong thai có bốn
thiên tử giữ đúng oai nghi ở ngay bốn phương hộ vệ Bồ-tát và mẹ của Bồ-tát,
không để các người, phi nhơn ở thế gian làm não hại.
4. Bồ-tát ở trong thai tự nhiên
làm cho người mẹ giữ giới, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không
vọng ngữ và không uống rượu.
5. Bồ-tát ở trong thai mẹ, người
mẹ thanh tịnh không có tâm dục. Người ngoài thấy bà cũng không sanh tâm nhiễm.
6. Bồ-tát ở trong thai thường
khiến người mẹ được rất nhiều lợi dưỡng về sắc, hương, vị, xúc tự nhiên đem
đến.
7. Bồ-tát ở trong thai, người mẹ
luôn an vui, không có các hoạn nạn về tật bệnh, đói khát, lạnh nóng, mệt mỏi,
Bồ-tát cũng vậy. Người mẹ luôn thấy Bồ-tát ở trong thai, giống như ngọc ma-ni
Tỳ-lưu-ly quý báu đều suốt trong ngoài sáng rực nhìn thấy rõ ràng, dùng chỉ năm
màu để xâu. Người mắt sáng cầm trong tay thì thấy tám cạnh của viên châu và chỉ
năm màu xanh, vàng, đỏ, trắng rất rõ ràng. Người mẹ thấy tất cả bộ phận của
Bồ-tát rõ ràng không bị ngăn che.
8. Sau khi Bồ-tát sanh được bảy
ngày, thì người mẹ qua đời sanh
lên cõi trời Ðâu-suất, hưởng khoái lạc của trời.
9. Người phàm phu thọ thai là chín
tháng hoặc đến mười tháng mới sanh, Bồ-tát thành tựu không như vậy, mà phải đủ
mười tháng sau đó mới sanh.
10. Ở thế gian khi phụ nữ sắp sanh
thì thân thể đau đớn, ngồi nằm không yên, sau đó mới sanh. Còn khi Bồ-tát sanh
ra người mẹ an lạc, không có các bệnh đau, mà còn hoan hỷ vui tươi đứng giơ tay
lên để sanh.
11. Khi Bồ-tát sanh ra khỏi thai
được chư thiên đón lấy, sau đó được người bồng ẵm.
12. Sau khi được người đời bồng
rồi bốn thiên tử đón bồng cung kính đặt trước người mẹ và tâm họ rất vui mừng
cùng nói: “Lành thay, thưa phu nhân! Người đã sanh một thái tử dõng mãnh đại
oai đức”.
13. Khi Bồ-tát mới sanh ra, không
có nước máu và thai nhau với các vật không sạch sẽ. Thân của Bồ-tát thanh tịnh,
như châu ma-ni được bọc trong tấm nhung già-tư, nhưng không ố lẫn nhau. Vì sao?
Vì hai bên đều sạch sẽ, Bồ-tát mới sanh cũng vậy, thanh tịnh không nhiễm giống
như châu ma-ni. Còn người mẹ đẹp đẽ giống như tấm nhung kia.
14. Khi Bồ-tát sanh ra, ở trong hư
không tự nhiên có hai dòng nước chảy xuống, một là lạnh, hai là ấm để tắm thân
Bồ-tát.
15. Sau khi sanh ra đi về hướng
Bắc bảy bước. Bấy giờ, trên hư không tự nhiên có lọng che Bồ-tát. Sau khi đi
bảy bước rồi Bồ-tát nhìn khắp mười phương rống tiếng sư tử xướng như vầy:
“Trong tất cả thế gian chỉ có Ta là tối thượng, Ta là tối tôn trong trời người,
chấm dứt đời này Ta không trở lại nữa”.
16. Khi Bồ-tát sanh ra, tất cả
chúng sanh cho đến loài côn trùng trong ba ngàn đại thiên thế giới đều rất vui
vẻ. 4
Con người bình thường của chúng ta
chiêu cảm đi vào bào thai, được sinh ra là do nghiệp, thông thường thì chúng ta
không chủ động được trong việc tái sanh. Chúng sanh trôi lăn trong luân hồi lục
đạo cũng do nghiệp. Nghiệp quá khứ quyết định thân hiện tại của chúng ta. Những
gì chúng ta tạo tác hôm nay sẽ quyết định thân sau của mình. Nói cách khác, sự
đầu thai và sanh ra của chúng sanh là hoàn toàn bị động, không thể tự quyết
định được điều gì.
Trái lại, Đức Thế Tôn tiền thân là
Bồ-tát ở cõi Đâu-suất thiên từ giã cõi trời giáng sanh vào thai mẹ do đại
nguyện cứu độ chúng sanh, vì an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người,
Ngài hoàn toàn chủ động trong việc chọn nơi thọ thai, cách đản sanh…
Tái sanh do nghiệp thì bị nghiệp
lực thúc đẩy, nên hệ quả theo nó cũng lắm điều xấu tốt lẫn lộn. Người mẹ mang
thai cũng vậy, do chiêu cảm nghiệp trong quá khứ với sự lẫn lộn xấu tốt, nên
cũng không hề chắc chắn đứa con của mình sẽ như thế nào.
Đức Phật thì không như thế. Thị
hiện vào đời với đại nguyện đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông, Ngài đã chủ
động chọn nơi thọ thai. Và khi đã vào thai mẹ, cũng với năng lượng đại từ bi,
Ngài hoàn toàn không làm cho người mẹ đang mang thai - Hoàng hậu Maya có những
biểu hiện bất như ý như những người mẹ mang thai khác, mà khiến người mẹ luôn
có cảm giác dễ chịu, giữ giới hạnh một cách tự nhiên, được chư thiên bảo hộ
thường trực, không bị não hại, được sức khỏe, an vui… từ lúc mang thai cho đến
ngày hạ sanh.
Những điềm lành kỳ lạ tốt đẹp ấy
chính là biểu hiện của năng lượng đại nguyện, đại từ bi, có khả năng không chỉ
làm chủ hoàn cảnh trong mọi tình huống, mà hơn thế nữa, đem lại sự tốt đẹp cho
mọi người, cho môi trường nơi mà mình sẽ đến. Đó là con đường của Bồ-tát, đi
vào đời với mục đích duy nhất là đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho chúng sanh,
cho số đông giữa nhân gian.
Nhân Đại lễ Phật đản năm nay,
chúng ta cùng suy niệm về mười sáu điềm lành kỳ lạ tốt đẹp của Đức Phật lúc
giáng sanh vào cõi nhân gian. Thiết nghĩ đó cũng là bài pháp đầy ý nghĩa mà Đức
Thế Tôn giảng dạy cho tất cả chúng ta về hạnh nguyện Bồ-tát, về tinh thần sống
của người con Phật, cả xuất gia và tại gia, trong cuộc đời này: Hãy luôn sống
vì sự an lạc, vì hạnh phúc của số đông; nếu không làm được vậy thì đừng bao giờ
gây nên sự phiền toái, tổn hại cho mình, cho tha nhân, cộng đồng, xã hội và môi
trường sinh thái.
Qua đó, chúng ta nỗ lực, tinh tấn
thanh lọc tâm ý, hướng thiện và hướng thượng, tích tụ nghiệp tốt để một ngày
nào đó có thể làm chủ được sự tái sanh, chủ động trong luân hồi sanh tử trầm
luân đầy những bất trắc, để trọn vẹn đi trên con đường Bồ-tát đạo lợi lạc quần
sanh.
HT.Thích Giác Toàn
__________________
1 Lời vàng vi diệu (Kinh
Pháp cú), kệ 182, Thích Giác Toàn chuyển thơ.
2 Đại tạng kinh Việt Nam, Tăng
chi bộ I, chương I, phẩm Một người, HT.Thích Minh Châu dịch.
3 Đại tạng kinh Việt Nam, đã dẫn.
4 Kinh Ưu-bà-di tịnh hạnh pháp
môn, quyển hạ, phẩm thứ Hai: Điềm lành, bản dịch Thích nữ Diệu Châu,
HT.Thích Đỗng Minh chứng nghĩa.