Cúng Giao thừa hay lễ Trừ Tịch: Theo tục
lệ cổ truyền thì “giao thừa” được tổ chức nhằm đón các thiên binh. Lúc
đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà
được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà.
Mâm lễ được sắp bày với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai
quản mình năm cũ và đón người mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới
năm tới.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị
chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng
thành của chủ nhà.
Trên chiếc hương án có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn
nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu
cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã.
Đôi khi có thêm chiếc mũ của Đại Vương hành khiển. Lẽ trời đất có
khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc.
Bắt đầu vào lúc giao thừa, và cũng kết thúc vào lúc giao thừa. Theo
Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, giao thừa nghĩa là cũ giao lại, mới
đón lấy.
Cao đài Từ điển giải nghĩa trừ tịch thì trừ: bỏ đi, bớt ra, cuối năm;
tịch: đêm và Giao thừa thì giao: giao tiếp và thừa: tiếp tục.
Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón
những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để ” khu
trừ ma quỷ”.
Sau khi cúng Giao thừa xong, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị
thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công
ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.
Ở Nam bộ, Thổ Công được thay bằng Ông Địa và thờ ở dưới đất. Sau khi cúng xong, xem như Tết thực sự đã đến với gia đình.
Nguồn: Phong Thủy tổng hợp