Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ngày Hội Phật đản toàn dân nhìn từ lợi ích đất nước
Minh Thạnh
10/04/2011 22:06 (GMT+7)

Có nhiều cơ sở để đi tới kết luận cần thiết tổ chức lễ Phật đản hàng năm như một ngày lễ hội toàn dân, nhưng ở đây, do phạm vi có hạn của bài viết, chúng tôi đề cập trước tiên đến vấn đề thể hiện Phật giáo là tôn giáo đa số của nước ta hiện nay và những hệ lụy của nó.

Trên các cơ quan truyền thông nước ngoài hướng về Việt Nam, mà rõ nhất là ở các đài Phát thanh phương Tây nói tiếng Việt, thường tỏ ra không thiện cảm với nhà nước Việt Nam, đang có một cố gắng, là thể hiện đạo Cơ đốc (bao gồm Ca tô La Mã và các giáo phái Tin Lành) là tôn giáo có số tín đồ đông đảo và đang tiến lên vị trí dẫn đầu ở Việt Nam.

Hậu ý của điều này rất dễ thấy. Đó là chuẩn bị cho mục tiêu truyền thông tiếp theo, là bênh vực, ca tụng một ít người có một kiểu suy nghĩ khác, trong đó có một số đã phải chịu qua những án phạt.

Một tỷ lệ có thể nói là rất cao những người như thế theo các tôn giáo kể trên.

Chính một bộ phận nhỏ tín đồ các tôn giáo như trên cũng có cùng một cách tư duy như thế.

Thực tế, họ là một thiểu số trong một tôn giáo (đúng ra là hai hay nhiều tôn giáo và giáo phái) thiểu số.

Theo đúng sự thật như vậy, thiểu số trong một tôn giáo thiểu số thì vai trò của những người như thế và những cách nghĩ như thế sẽ không là gì và không đáng bàn đến.

Như chúng ta vẫn thường nói bằng cụm từ “chuyện nhỏ”.

Vì vậy, muốn làm câu chuyện lớn hơn, thổi phồng nó vì những dụng ý riêng, thì một trong những điều phải làm là biến các tôn giáo và giáo phái như đã nói ở trên thành… “đa số”!

Một cố gắng như vậy đã được tiến hành từ nhiều năm nay để hỗ trợ cho những lập luận về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam.

Chẳng hạn, như nhiều đài, nhiều trang web đều nói như nhau, rằng toàn thể người Thượng ở Tây Nguyên là người Tin Lành, hay những cuộc lễ “cầu nguyện hiệp thông” với Tam tòa có số người tham dự lên đến cả trăm ngàn, là tỷ lệ tín đồ của tôn giáo chiếm “tuyệt đại đa số” ở Bắc Trung Bộ.

Ở các vùng khác thì họ cũng lập luận như thế khi có cơ hội.

Một điều không đúng với sự thật mà nói đi nói lại mãi thì cũng có người tin theo.

Trong khi đó, những buổi lễ Noel rình rang, đông đảo người tham dự, Slogan Merry Christmas, và hình ảnh thánh đường, thánh giá xuất hiện ở khắp nơi từ thành phố đến thôn quê, đến tận những vùng cao hẻo lánh, trên cả một số kênh truyền hình cáp… vô tình đã hậu thuẫn cho lập luận thổi phồng trên, và đương nhiên gián tiếp tạo nên cơ sở cho cách nói biến ý kiến của một ít thiểu số đơn lẻ cá biệt trong một tôn giáo gồm trong đó các giáo phái thiểu số trở thành một đa số ảo, có lợi cho những mục đích nào đó.

Các tôn giáo như trên dần thành đa số (sự thật thì vẫn có xu hướng đó nhưng được khuếch đại lên nhiều lần), thì đương nhiên Phật giáo trở thành một tôn giáo thiểu số ở Việt Nam, và không còn vai trò là tôn giáo dân tộc nữa.

Cuộc lễ Phật đản tổ chức thu hẹp lại về quy mô chẳng  hạn như ở TPHCM năm rồi cũng là một yếu tố làm lợi cho cách lập luận đó, so sánh với quy mô lễ Noel về sau ngày càng hoành tráng.

Điều này tất nhiên tạo nên một bối cảnh không có lợi cho nước ta.

Dù cường độ cải đạo có gia tăng, thực tế Phật giáo vẫn là một tôn giáo lớn hàng đầu ở Việt Nam, và tôn giáo đó luôn đồng hành, luôn gắn bó với dân tộc, luôn cùng nói lên tiếng nói của dân tộc trong vai trò tôn giáo chính của dân tộc.

Sự thật này, vì quyền lợi của dân tộc, phải được khẳng định trong thực tế và lễ Phật đản là một cơ hội để khẳng định điều đó.

Khi Phật đản trở thành lễ hội toàn dân, thu hút đông đảo mọi người tham gia, đặc biệt ở thủ đô Hà Nội, TPHCM cũng như các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, thì đó là điều phủ nhận một cách rõ ràng thuyết phục những lập luận cố tình thởi phồng vì những hậu ý nào đó đã nói ở trên.

Một cuộc lễ Phật đản tưng bừng trên các quảng trường đường phố Hà Nội, TPHCM, với băng rôn, cờ xí rợp trời, rừng người chào đón những đoàn xe hoa rực rỡ ánh sáng diễn hành qua các đường phố lớn có những đại sứ quán, lãnh sự quán các nước phương Tây, đông đảo du khách nước ngoài, sẽ có tác dụng khẳng định Phật giáo vẫn là tôn giáo của dân tộc, tôn giáo hàng đầu tại Việt Nam, và cũng sẽ là điều hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Do vậy, tổ chức long trọng, hoành tráng một lễ hội Phật đản toàn dân không những chỉ vì lợi ích của Phật giáo, mà còn là vì lợi ích của đất nước, xuất phát từ nhu cầu thực tế của tình hình đất nước.

Nhất định, Phật đản tại thủ đô Hà Nội, TPHCM, các tỉnh thành phố lớn trong cả nước không thể là một ngày lễ nhỏ, cục bộ trong các chùa, nếu Phật giáo chúng ta xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với đất nước, với dân tộc.

Cũng như Phật giáo không thể trở thành một tôn giáo thiểu số bất kể toan tính diễn biến cải đạo của những thế lực cực đoan muốn làm suy yếu đất nước.

Đó là việc phải làm trước mắt: một lễ hội Phật Đản toàn dân, trên quan điểm Đạo Phật toàn dân.

Còn về lâu về dài, chúng ta cần đẩy mạnh việc chặn đứng diễn biến cải đạo tín đồ Phật giáo, nhằm mục đích thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam; và tiếp tục vận động để phục hồi các kiến trúc Phật giáo có tính chất biểu tượng ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, TPHCM, thực sự tiêu biểu cho một đạo Phật dân tộc, một đạo Phật toàn dân, một đạo Phật triệt để gắn liền với lợi ích của đất nước và góp phần nói lên tiếng nói có giá trị vì lợi ích đất nước.

MT

Các tin đã đăng:
Về đầu trang