Đến chùa Tăng Quang trong sáng rằm tháng tư năm nay như thấy bình yên
và lòng lắng lại dưới tán cây sala đầy hoa đỏ trước chánh điện. Ngôi
chùa có tuổi đời trên 50 năm, xây theo phong cách Phật giáo nguyên
thủy, được ôm trùm bởi bóng mát của 2 cây sala to nhất, đẹp nhất Huế.
Sau khóa lễ cúng niệm rằm tháng tư, tỳ kheo Tánh Hiền, trụ trì chùa
Tăng Quang từ từ kể: “Theo Phật sử, cây sala hay còn gọi là cây vô ưu
là nơi Đức Phật đã sinh ra. Sau khi Đức Phật tu đắc đạo, đến tuổi già,
ngài nhập niết bàn tại khu rừng Usinara đầy cây sala, lúc đó ngài nằm
giữa 2 cây sala hay còn gọi là song thụ. Vì thế, sala gắn mật thiết với
hình ảnh của Đức Phật.
Hai cây sala trong sân chùa Tăng Quang
Cây sala tại chùa Tăng Quang được 1 ngài tăng thống của Phật giáo
nguyên thủy Việt Nam cùng chư tăng phật tử qua Ấn Độ xin giống cây về
trồng từ Huế vào miền Nam cách đây gần 60 năm. Tăng Quang là chùa đầu
tiên ở Huế có được cây sala. Trải qua thời gian, bị bão đánh gãy một
vài lần, nhưng cây vẫn ngày càng tươi xanh, tỏa bóng mát và hoa thơm
ngát”.
Hoa sala nở ra từ thân cây
Tỳ kheo Tánh Hiền cho biết thêm là cây sala kết hoa rất lạ, từ gốc
cây lên ngọn và mọc suốt từ tháng 3 đến hết tháng 9 âm lịch mỗi năm.
Hoa sala thơm, có màu đỏ, cứ mọc từ sáng đến trưa là rụng cho hoa kế
tiếp mọc lên. Hoa có thể phơi khô và uống với nước có thể chữa bệnh. Từ
ngày có cây sala, chim chóc đến trú lại rất nhiều, làm cho cả không
gian chùa thêm vui tươi. Các chùa khác hay đến chùa Tăng Quang xin
giống về trồng. Nhiều nhất là chùa Huyền Không Sơn Thượng ở Huế đã
trồng được 1 đồi cây sala nhỏ, vài năm tới lớn lên hoa sẽ nở rất đẹp.
Cận cảnh loài hoa gắn với Đức Phật
“Khi Phật nhập niết bàn, cây sala đang trái mùa bỗng nở hoa đỏ rực.
Các đệ tử ngài lấy làm rất ngạc nhiên, hỏi Đức Phật thì được ngài trả
lời rằng: Phật giáo cũng như các đạo khác, chỉ là phần bên ngoài. Chính
bên trong các con phải tu tập, rèn luyện cho đắc đạo thì tự nhiên sẽ
được đơm hoa, kết trái. Đức Phật ra đi để lại một kho tàng tình thương,
niềm tin cho mọi người từ giai cấp thấp cho đến cao rằng hãy rèn luyện
đức tin và lòng nhân ái của mình, ắt hẳn sẽ có ngày thành công” - tỳ
kheo Tánh Hiền nhắn nhủ.
Hãy cùng lắng lòng trước 2 cây sala cổ thụ:
Hai cây sala già nhất Huế có tuổi đời hơn 60 năm
Tỳ kheo Tánh Hiền chụp ảnh với các Phật tử nhí bên gốc sala có nguồn gốc từ Ấn Độ
Những chùm hoa sala đỏ treo lủng lẳng
Hoa có cánh đỏ, nhụy vàng
Những hoa non mọc đầy cả thân cây
Tỏa hương thơm ngát
Một bông sala vừa rời cành
Cánh hoa rụng đầy sân chùa nắng vàng
Ánh đạo vàng
Hòa lẫn vào màu cờ Phật giáo
Hoa mọc từ dưới lên trên
Vươn mình trong ánh sáng
Hoa sala mọc suốt trong 6 tháng ròng, từ tháng 3 đến tháng 9 Âm lịch mỗi năm
Hoa tạo thành những dây hoa xoắn đặc trưng
Các em nhỏ nô đùa dưới bóng mát của cây sala hiền hòa, đặc trưng cho
nhà Phật. Tuổi thơ của các Phật tử nhí này sẽ in dấu kỷ niệm sala -
loài hoa đẹp có gốc từ Ấn Độ được đưa sang bởi công lao của các nhà sư
Việt Nam nhằm cho nhiều người không qua được xứ Phật sẽ có cơ hội chiêm
ngưỡng.
Theo Đại Dương - DT