Hạnh phúc từ cấp độ thô thiển nhất cho đến cấp độ cao siêu, bền vững
nhất, là gì? Khi nào chúng ta cảm thấy hạnh phúc? Đơn giản, đó là khi
chúng ta có được một lợi ích nào đó hoặc đang làm một lợi ích nào đó cho
mình. Vậy thì, lợi ích cho chính mình là hạnh phúc. Và lợi ích ấy bao
gồm cả thân tâm, nghĩa là lợi ích phải bao gồm cả vật chất và tâm thức.
Hạnh phúc phải bao gồm vật chất và tâm thức, thân và tâm, nên chúng ta
vẫn thường chúc “Thân tâm thường an lạc”.
Lợi ích ấy nhỏ hẹp, cạn cợt, chóng qua thì hạnh phúc nhỏ hẹp, cạn
cợt, chóng qua. Lợi ích ấy lớn lao, sâu xa, bền vững thì hạnh phúc lớn
lao, sâu xa, bền vững.
Nhưng lợi ích cho chính mình là gì? Ai mà chẳng
thương mình và tìm lợi ích, nghĩa là hạnh phúc, cho mình? Nhưng quả
thật, biết thật sự thương mình là khó, biết tìm lợi ích đích thực cho
mình là khó, biết tạo dựng hạnh phúc đích thực cho mình là khó. Biết bao
nhiêu lần chúng ta không thương mình, tự hại mình; biết bao nhiêu lần
lợi ích, hạnh phúc hôm trước trở thành tai hại, bất hạnh hôm sau. Hơn
nữa, tự lợi cho mình mà gây hại cho người khác thì thân tâm có yên ổn
không. Làm sao mà có hạnh phúc đích thực được?
Phiền não, khổ đau là kết quả của việc không biết thương mình, không
biết làm lợi ích cho mình, không biết gây dựng hạnh phúc cho mình.
Thế nên kinh Pháp Cú nói:
Nếu biết thương lấy mình
Hãy khéo bảo vệ mình
Người trí trong ba thời
Phải luôn luôn tỉnh giác.
Dễ làm việc bất lợi
Gây tai hại cho mình
Nhưng quả khó làm thay
Việc lợi ích tốt đẹp.
(Phẩm Tự ngã câu 1, câu 7)
Một khi chúng ta có quan niệm đúng, cái nhìn đúng về đời sống (chánh
kiến), tư duy đúng (chánh tư duy), hành động đúng (chánh nghiệp) và làm
ăn đúng (chánh mạng) thì đó là lúc chúng ta biết thương mình, biết làm
lợi ích cho mình, biết tạo hạnh phúc cho mình. Khi ấy, mỗi ngày là một
ngày biết thương mình, một ngày làm lợi ích cho mình, một ngày gieo và
gặt hạnh phúc cho mình. Một ngày biết thương mình, làm lợi ích cho mình,
tạo và hưởng hạnh phúc của mình, đó là lời chúc tốt đẹp nhất mà chúng
ta có thể chúc, có thể cầu nguyện cho một người.
Hạnh phúc ấy có thể nhân lên cho nhiều người. Nhiều người biết thương
lấy chính họ, biết làm lợi ích cho chính họ, biết tạo dựng hạnh phúc
cho chính họ, thì hạnh phúc của chính chúng ta phải được nhân lên nhiều
lắm lắm. Chẳng phải làm cho người khác được lợi ích, được hạnh phúc thì
cái gia tài “lợi ích và hạnh phúc” của chính chúng ta càng lớn thêm sao?
Có phải sự chia sẻ làm cho một sự vật nhỏ bé trở thành lớn thêm ra? Và
cái nhỏ hẹp, cạn cợt, chóng qua khi được chia sẻ mà còn nẩy nở ra thế;
huống hồ cái lớn lao, sâu xa, bền vững muôn đời thì khi được chia sẻ ắt
phải là một niềm vui không thể nói.
Lợi được mình là hạnh phúc thì lợi được người hạnh phúc càng lớn hơn.
Người khác đã cho chúng ta cơ hội lợi được mình – không có người khác
hỗ trợ, chúng ta rất khó lợi được mình – và cũng cho chúng ta cơ hội lợi
được người. Người khác là ân nhân của chúng ta trong cuộc tìm cầu hạnh
phúc chân thật. Thành tâm chúc thọ cho ai, tâm chúng ta hoan hỷ, hẳn nhờ
thế mà chúng ta thọ được thêm vài ngày. Làm lợi ích cho ai cũng tức là
tự làm lợi cho mình vậy.
Cho nên người có trí thì có thể hài hòa, thậm chí hợp nhất hai công
việc: khi lợi mình cũng là lợi người, khi lợi người cũng là lợi mình.
Nếu chúng ta làm được như vậy thì lúc ấy chúng ta có được sự biết thương
mình lớn nhất, sự lợi ích lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất. Khi ấy phước
lộc thọ (theo truyền thống đời thường ở Á châu) hay phước đức, từ bi và
trí huệ (theo Phật giáo) của chúng ta là của rất nhiều người, thậm chí
của mọi người. Khi ấy phước của chúng ta là phước của tất cả mọi người,
lộc của chúng ta là lộc của tất cả mọi người, thọ của chúng ta là thọ
của tất cả mọi người.
Một “cái tôi và cái của tôi” được chia sẻ đến vô hạn thì “cái tôi và cái của tôi”
ấy trở thành vô hạn. Lợi ích, hạnh phúc của một cá nhân được chia sẻ
tới vô hạn thì khi ấy lợi ích, hạnh phúc của cá nhân ấy và cả cá nhân ấy
đã trở thành vô hạn. Sự cho là vô tận thì người cho và cái được cho
cũng là vô tận. Khi ấy chúng ta bắt đầu tin lời của Đức Phật: “Cánh cửa bất tử đã mở ra...”.
Thế nên lời chúc đầu năm “Lợi mình lợi người” có thể dùng cho bất cứ năm nào, có thể dùng cho bất cứ đời nào, có thể vĩnh viễn được dùng.
Đó là một lời chúc vĩnh cửu. Dưới lời chúc vĩnh cửu ấy của đạo Phật,
chúng ta đi, trên con đường vĩnh cửu của tự do, hạnh phúc và an vui.